Thứ sáu, 29/03/2024 14:12 (GMT+7)

Vi phạm TTXD: Không thể đổ lỗi sai tại ý thức người dân (Bài 2)

Cẩm Anh - Thu Phương -  Chủ nhật, 05/05/2019 11:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Lỗi do dân một phần nhưng cách quản lý của ta chưa phù hợp, cần hoàn chỉnh thể chế, có chế tài xử lý đến từng người”, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - ông Nguyễn Thế Điệp cho biết.

Chính quyền địa phương “làm ngơ” báo chí

Sau khi Sở Xây dựng TP. Hà Nội công bố danh sách 43 công trình vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng từ năm 2015 – 2016 trở về trước, để nắm rõ thông tin cụ thể sai phạm của từng công trình cũng như tiến độ xử lý, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã liên hệ, đặt lịch làm việc với 4 quận, bao gồm: quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và Nam Từ Liêm.

Quận Ba Đình nổi bật với công trình 8B Lê Trực gây xôn xao dư luận trong một thời gian dài. Công trình được cấp phép xây dựng cao 53 m nhưng chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao thời điểm xây xong khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2, tăng trên 6.000 m2 so với giấy phép.

Sau hơn 3 năm, đến nay công trình này mới chỉ tháo dỡ xong tầng 19, tiến độ này được UBND TP. Hà Nội nhận định là “có biểu hiện dây dưa kéo dài”. Vụ việc này đã kéo dài nhiều năm gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người mua nhà tại dự án cũng như khiến doanh nghiệp, chủ đầu tư – Công ty cổ phần May Lê Trực rơi vào tình trạng lao đao về kinh tế.

Công trình tại số 8B Lê Trực hiện vẫn đang thuộc diện bị phá dỡ do vi phạm trật tự xây dựng. 

Mặc dù nội dung làm việc trên đã được UBND quận Ba Đình tiếp nhận, lãnh đạo quận này chỉ đạo Phòng Quản lý trật tự đô thị quận Ba Đình cung cấp thông tin báo chí, thế nhưng phóng viên liên hệ với lãnh đạo phòng này rất nhiều lần đều không nhận được phản hồi sắp xếp lịch làm việc hay trả lời bằng văn bản.

Tình trạng tương tự diễn ra tại quận Nam Từ Liêm. Theo danh sách Sở Xây dựng công bố, quận Nam Từ Liêm có 2 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng, bao gồm tòa HH01 và tòa 04-HH02 thuộc dự án Khu chức năng đô thị Đại Mỗ do Công ty Cổ phần Alaska làm chủ đầu tư và công trình nhà ở riêng lẻ của ông Hà Sơn Lâm.

Lãnh đạo Phòng Quản lý trật tự đô thị quận Nam Từ Liêm cho biết sẽ phản hồi báo chí bằng văn bản, tuy nhiên hơn 1 tháng trôi qua, phóng viên cũng nhiều lần liên hệ nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ cơ quan này.

Tình trạng này khiến chúng tôi vô cùng băn khoăn, không hiểu tại sao việc cung cấp thông tin với báo chí lại khó khăn đến vậy dù đã có chỉ đạo từ cấp trên? Các dự án trên sai phạm công khai, được Sở Xây dựng nêu tên rất rõ ràng, vậy không hiểu chính quyền địa phương còn “ngần ngại” điều gì?

Tìm chủ đầu tư vi phạm “khó như lên trời”

Để đảm bảo tính khách quan, đa chiều cho tuyến bài, chúng tôi mong muốn ghi nhận ý kiến từ nhiều phía, đặc biệt là các bên liên quan, trong đó, rất tôn trọng ý kiến của chủ đầu tư các công trình, dự án. Bởi lẽ, chúng tôi hiểu những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh thể chế còn nhiều bất cập và tất cả đều đang phải vượt qua sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường…

Tuy nhiên, đáp lại công sức ấy là việc không tài nào tìm ra chủ đầu tư, hay dù có đặt lịch làm việc, có tinh thần cầu thị thì chúng tôi cũng bị chủ đầu tư “bỏ lơ”.

Đơn cử như trường hợp của Công ty TNHH Sao Nam Sông Hồng – chủ đầu tư của các công trình xây dựng tại khu vực Cảng Hà Nội. Theo cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, công ty này có địa chỉ tại sô 78 đường Bạch Đằng, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội, do ông Lê Thanh Liêm làm người đại diện theo pháp luật.

Thế nhưng tìm kiếm dọc con đường Bạch Đằng thuộc quận Hai Bà Trưng thì không có số 78, dịch về đường Bạch Đằng thuộc địa phận quận Hoàn Kiếm thì số 78 lại là địa chỉ của một công ty khác (đường Bạch Đằng một nửa thuộc địa phận quận Hai Bà Trưng, nửa còn lại thuộc địa phận quận Hoàn Kiếm).

Địa chỉ số 78 đường Bạch Đằng hiện là trụ sở của Công ty TNHH Thiên Tân Phát. 

Hay như trường hợp của Khách sạn Kinh Đô – chủ đầu tư tòa nhà TTTM, trụ sở, văn phòng cho thuê, căn hộ trung cư cao cấp để bán và cho thuê tại số 93 Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng. Phóng viên liên hệ lại sau khi đặt lịch đều nhận được câu trả lời lãnh đạo chưa xếp lịch làm việc trong vòng hơn 1 tháng qua…

“Lỗi do dân chỉ là một phần”

Làm việc với quận Hoàng Mai, cán bộ quản lý tại phường Hoàng Văn Thụ cho rằng, nguyên nhân dẫn đến xảy ra sai phạm về trật tự xây dựng chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân, tiến độ xử lý bị kéo dài do không nhận được sự phối hợp của người dân.

UBND quận Hoàng Mai. 

Tuy nhiên, GS. TS. Đặng Đình Đào – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân lại cho rằng nguyên nhân do dân chỉ là một phía. Vấn đề trên liên quan đến tinh thần thượng tôn pháp luật, đặc biệt là đội ngũ cán bộ thực hiện mảng này làm việc chưa thực sự công tâm, chưa đúng theo quy định của Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, việc cán bộ giám sát, bám hiện trường là hoàn toàn làm được, cán bộ địa chính phường, xã là người biết thông tin rất sớm, vậy tại sao khi thấy công trình sai phép chuẩn bị nguyên vật liệu lại không ngăn chặn mà để xảy ra sai phạm, để bị phản ánh mới vào cuộc?

Ông Điệp đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của cán bộ quản lý đất đai, lãnh đạo địa phương và các cấp khi để xảy ra sai phạm. Từ đó, ông Điệp kết luận: “Lỗi do dân một phần, cách quản lý của ta chưa phù hợp, cần hoàn chỉnh thể chế, có chế tài xử lý đến từng người”.

Kể cả những người làm luật cũng vậy, làm sai đều phải chịu phạt đã tạo ra sự ảnh hưởng, luật sai, doanh nghiệp và người dân đều bị thiệt hại, nhưng sai phạm thì chính quyền, doanh nghiệp và người dân chịu trách nhiệm ngang nhau, không có vùng cấm”.

Bài 3: Vi phạm TTXD, cần có chế tài xử phạt người đứng đầu

Bạn đang đọc bài viết Vi phạm TTXD: Không thể đổ lỗi sai tại ý thức người dân (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

TP.HCM: Đường biến thành… chợ ở xã Xuân Thới Thượng
Không chỉ xây dựng trái phép, hiện nhiều tuyến đường trên địa bàn xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn còn xảy ra tình trạng chợ “cóc”, chợ tạm “mọc” ngay trên vỉa hè, lòng đường, gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị.

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.