Thứ bảy, 20/04/2024 18:31 (GMT+7)

Vi phạm TTXD: Chủ đầu tư phải nộp lại lợi ích bất chính (Bài cuối)

Cẩm Anh - Lê Phương -  Thứ ba, 07/05/2019 10:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Nếu chủ đầu tư thấy vi phạm không đem lại lợi ích mà còn mệt mỏi hơn thì họ chẳng vi phạm làm gì nữa, đã vi phạm là phải xử lý, tất cả lợi ích phải nộp về Nhà nước", GS. TSKH. Đặng Hùng Võ nói.

“Vi phạm về trật tự xây dựng mang bản chất lợi ích”

Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phổ biến trong nhiều năm qua, mặc dù chính quyền TP. Hà Nội cũng đã có nhiều nỗ lực, đặc biệt phải kể đến động thái công khai danh sách các công trình vi phạm hồi tháng 3 vừa qua của Sở Xây dựng TP. Hà Nội. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn đang tiếp tục diễn ra, trong khi tiến độ khắc phục, xử lý lại vô cùng chậm chạp, thậm chí có công trình tồn tại vi phạm suốt cả thập kỷ như Khu công nghiệp Hoàng Mai (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) do Hợp tác xã Thanh Tùng làm chủ đầu tư.

Trụ sở chủ đầu tư Khu công nghiệp Hoàng Mai. 

Trao đổi với phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, những vi phạm về trật tự xây dựng có bản chất lợi ích. “Việc chủ đầu tư bớt xén hạng mục này, làm thay đổi hạng mục kia, mở rộng không gian xây dựng, xây cao tầng hơn sơ với giấy phép… tất cả đều vì lợi ích”, nguyên Thứ trưởng nói.

Nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ khẳng định, tình trạng vi phạm xây dựng có sự “che chở” của chính quyền địa phương. Thực ra mà nói, tình trạng vi phạm xây dựng diễn ra khắp nơi, kể cả dự án và hộ gia đình, ngay cả trên đất công vẫn xảy ra ở nhiều nơi dưới sự che chở của phường. 

Về vấn đề này, TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, đặt dấu hỏi lớn về việc có một thế lực nào đó chống lưng giúp chủ đầu tư các dự án ngang nhiên vi phạm trật tự xây dựng như xây vượt tầng, đem lại lợi ích rất lớn. Ngay sau khi bị phát giác, mặc dù chính quyền cũng rất cương quyết nhưng vẫn chưa xử lý được dứt điểm, tồn đọng vẫn kéo dài… Từ thực tế đó, TS. Đặng Đình Đào cũng khẳng định, vấn đề ở đây chính là lợi ích nhóm.

“Tất cả lợi ích thu được phải nộp về ngân sách”

Xác định bản chất của vấn đề chính là lợi ích, chính vì vậy, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị xây dựng, đưa ra một bộ chỉ số đánh giá vi phạm, tính toán các vi phạm đem lại lợi ích bất chính cho chủ đầu tư là bao nhiêu thì yêu cầu chủ đầu tư nộp lại đúng lợi ích đó về ngân sách Nhà nước.

Nếu chủ đầu tư thấy vi phạm không đem lại lợi ích mà còn mệt mỏi hơn thì họ chẳng vi phạm làm gì nữa, đã vi phạm là phải xử lý, tất cả lợi ích phải nộp về Nhà nước là sẽ hết ngay, không có doanh nghiệp, dự án nào còn dám vi phạm nữa”, ông Đặng Hùng Võ cho biết.

Dự án Khu nhà ở để bán tại 129D Trương Định do Công ty CP Đồng Tháp làm chủ đầu tư đang bị đình chỉ do vi phạm trật tự xây dựng. 

Theo Nguyên Thứ trưởng, chỉ số trên sẽ cho biết doanh nghiệp nào tử tế, doanh nghiệp nào “bết bát". Ngoài việc nộp lại toàn bộ lợi ích không hợp pháp từ dự án, chúng ta có thể cấm chủ đầu tư không được tham gia vào các dự án trên địa bàn thành phố trong một khoảng thời gian nhất định, thậm chí kiến nghị không cho sử dụng các dịch vụ công cộng.

Các nước phương Tây đã đưa ra các chỉ số và áp dụng từ lâu, gần đây Trung Quốc cũng đã áp dụng biện pháp này, hàng trăm công nhân nước này không được đi máy bay, hàng nghìn người không được đi tàu hỏa do có những sai phạm, còn ta chưa làm được như thế là do ta chưa trừ được tham nhũng kiểu ấy”, nguyên Thứ trưởng chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm trên, GS. TS. Đặng Đình Đào cho rằng, khi đã làm sai tức là chủ đầu tư đã "dính chàm", như vậy doanh nghiệp đó sẽ không có đủ năng lực, uy tín để triển khai các dự án khác, sẽ làm ảnh hưởng chất lượng dự án, kéo dài thời gian, gia tăng chi phí… Do đó, khi chủ đầu tư sai phạm, Sở Xây dựng, các cơ quan chính quyền cần lưu ý không để đơn vị này tham gia vào các dự án khác trên địa bàn, tránh gây thất thoát Ngân sách Nhà nước, bức xúc trong nhân dân.

Theo ý kiến của ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, biện pháp hiện nay là một mặt giáo dục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao trách nhiệm các cấp chính quyền, sớm hoàn thiện thể chế, có chế tài xử lý đến từng người cụ thể do hiện nay, luật của ta vẫn còn rất bất cập.

Chung ý kiến với ông Điệp, nguyên Thứ trưởng cũng đề nghị cần làm rõ việc để xảy ra vi phạm thì trách nhiệm thuộc về ai, cấp nào, đây là việc mà chúng ta từ trước đến nay vẫn chưa nghiêm túc thực hiện…

Với những ý kiến trên, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử kính đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội và các cơ quan chức năng có thẩm quyền của TP. Hà Nội xem xét, cân nhắc, lựa chọn, đưa ra các giải pháp đúng đắn nhằm sớm xử lý dứt điểm những công trình vi phạm trật tự xây dựng còn đang tồn đọng, ngăn chặn tình trạng vi phạm trật tự xây dựng một cách hiệu quả, tạo niềm tin trong nhân dân.

Bạn đang đọc bài viết Vi phạm TTXD: Chủ đầu tư phải nộp lại lợi ích bất chính (Bài cuối). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất