Thứ tư, 24/04/2024 15:11 (GMT+7)

TP.HCM: Vì sao dân bị cấm xây dựng nhà trong khu dự án?

PV -  Thứ năm, 02/05/2019 08:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đang tồn tại hàng trăm căn nhà nhưng UBND xã lại cấm người dân xây dựng!

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Theo thông tin phản ánh của nhiều người dân tại Khu dân cư trung tâm thương mại xã Tân Nhật (Amazing City), huyện Bình Chánh, dự án này đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, phê duyệt đầu tư hạ tầng kỹ thuật của cơ quan chức năng mà cụ thể là UBND huyện Bình Chánh, Sở Xây dựng… Và cho đến thời điểm hiện tại, trong dự án này đã tồn tại hàng trăm căn nhà và các công trình tiện ích khác. Thế nhưng vừa qua, mà cụ thể là vào ngày 23/04/2019 hàng chục hộ dân đang tiến hành xây dựng nhà ở trong khu dân cư này thì bị UBND xã Tân Nhật, cán bộ Quản lý đô thị, Thanh tra xây dựng đến kiểm tra và yêu cầu ngưng thi công công trình nhà ở đang xây dựng trong dự án này.

Nhiều nhà cửa và công trình tiện ích khác đã đã hình thành tại dự án này

Cũng theo những hộ dân này, không chỉ bị buộc phải ngưng ngay việc thi công nhà, họ còn buộc phải tự tháo dỡ công trình trước ngày 24/04/2019. Ông C. một người dân bức xúc cho biết: “Nhà tôi mua đất dự án của Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Huỳnh Thông (Cty Huỳnh Thông), khi ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư, tôi đã lập bản vẽ, cung cấp đầy đủ hồ sơ giấy tờ có liên quan đến vấn đề pháp lý, xây dựng, mua bán cho chủ đầu tư. Vì đây là khu dân cư đã được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 nên tôi tiến hành xây dựng nhà theo cam kết. Tại sao luật không cấm mà chính quyền và cơ quan chức năng lại cấm dân những điều vô lý như vậy?”

Ông N. lại cho rằng: “Nếu như khu này không cho phép xây dựng, thì ngày từ đầu chủ đầu tư và cơ quan chức năng cần cảnh báo cho người dân được biết để không vi phạm, hoặc khi chúng tôi bắt đầu xây thì nên ngăn chặn như nhà ở tự do khác. Tại sao lại để chúng tôi xây lên 3-4 tầng rồi lại đường đột bắt ngưng và yêu cầu chúng tôi tháo dỡ một cách bất cập như vậy? Nếu khu này cấm xây dựng tại sao trong dự án hiện đã và đang tồn tại cả hàng trăm căn nhà như thế này? ”.

Cầm trên tay thông báo của UBND xã Tân Nhựt với nhiều nội dung, trong đó có việc yêu cầu người dân ngưng thi công và yêu cầu tự tháo dỡ công trình của cơ quan chức năng với lý do không có giấy phép xây dựng, ông Ch. Tuyên bố thẳng: Dự án này (Amazing city) chúng tôi mua của Công ty Huỳnh Thông, trước khi ký hợp đồng mua bán chúng tôi đã được thông tin từ chủ đầu tư là dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, Sở Xây dựng cũng đã phê duyệt đầu tư hạ tầng kỹ thuật và bàn giao đất… Theo Luật Xây dựng năm 2014 thì những dự án như thế này được miễn giấy phép xây dựng bởi xây nhà theo mẫu… Vậy tại sao lại có chuyện cơ quan chức năng cấm người dân 1 cách phi lý như thế? Phải chăng ở đây có sự mâp mờ nào khác, hay chính quyền làm theo kiểu trống đánh xuôi, kèn thổi ngược và thiệt hại cuối cùng lại thuộc về người dân chúng tôi?

Không biết luật hay cố tình làm trái?

Theo tìm hiểu của PV Môi trường & Đô thị điện tử, UBND huyện Bình Chánh có QĐ số 3851/QĐ-UBND ngày 02/07/2009 và QĐ số 6037/QĐ-UBND ngày 09/10/2009  về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500  cho Khu dân cư trung  tâm thương mại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh. Đến ngày 29/07/2010, Sở Xây dựng Tp.HCM đã ra QĐ số 99/QĐ-SXD-TĐDA về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng “hạ tầng kỹ thuật khu dân cư trung tâm thương mại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh”.

Dự án khu dân cư Amazing đã được phê duyệt chi tiết tỉ lệ 1/500 

Căn cứ vào đó, UBND Tp.HCM đã thuận chủ trương giao đất cho Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Huỳnh Thông để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo QĐ số 5664/QĐ-UBND ngày 24/12/2010.

Như vậy về cơ bản, dự án Khu dân cư trung tâm thương mại xã Tân Nhật, huyện Bình Chánh đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và đã được phê duyệt đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Theo Luật Xây dựng năm 2014, mà cụ thể tại điểm e khoản 2, Điều 89 quy định những công trình được miễn giấy phép xây dựng bao gồm nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 07 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt…

Thông báo của UBND xã về vi phạm của người dân khi xây dựng tại dự án

Mặt khác, dự án đã gần như hoàn thiện về hạ tầng, và trong suốt thời gian qua người dân mua bán đất tại dự án này và tiến hành xây dựng theo đúng quy định của pháp luật. Điều này được cụ thể hóa bằng việc đã có hàng trăm căn nhà, hàng chục công trình tiện ích đã và đang được xây dựng trong khuôn viên dự án mà không hề có sự cấm cản nào của cơ quan chức năng. Thế nhưng, không hiểu vì sao chỉ trong thời gian qua, gần 10 hộ dân đang tiến hành xây dựng nhà ở trong dự án này đều bị chính quyền sở tại, cơ quan chức năng như UBND xã Tân Nhựt, Phòng Quản lý đô thị, Thanh tra xây dựng… lập biên bản vi phạm, ra thông báo sai phạm 1 cách thiếu căn cứ như đã nêu trên và yêu cầu người dân phải khắc phục hậu quả bằng cách đập bỏ với số tiền đã đầu tư xây dựng lên cả hàng tỉ đồng.

Liệu đằng sau câu chuyện này có những uẩn khúc nào khác, tại sao một dự án tồn tại gần 10 năm qua bỗng dưng lại bị “tuýt còi”? Và điều đáng ngờ hơn cả, là dự án do cơ quan chức năng cấp phép rồi chính họ lại quy chụp sai phạm một cách khó hiểu như vậy? Trong khi đó, cũng trên địa bàn huyện Bình Chánh tình trạng chung chi để xây nhà không phép vẫn tràn làn như Môi trường & Đô thị điện tử đã phản ánh trong hàng loạt bài viết trước đó, và điều đáng nói hơn cả là chính quyền địa phương gần như bất lực…

Môi trường & Đô thị điện tử sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Vì sao dân bị cấm xây dựng nhà trong khu dự án?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.