Thứ sáu, 29/03/2024 20:42 (GMT+7)

Lát đá vỉa hè: Chủ tịch Hà Nội yêu cầu thanh tra, làm rõ trách nhiệm

MTĐT -  Thứ tư, 29/11/2017 08:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu thanh tra, kiểm tra, làm rõ trách nhiệm, giải quyết nghiêm túc việc lát vỉa hè không bảo đảm chất lượng...

Vỉa hè trên đường Nguyễn Trãi thuộc địa bàn phường Thượng Đình, Thanh Xuân vừa lát xong đã phải lột lên sửa lại. Ảnh: Minh Đức

Kiểm tra 11 dự án

Sáng 28/11, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì Hội nghị giao ban công tác tháng 11/2017 của UBND thành phố Hà Nội. Trong tháng cuối năm, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hoàn thành nhiệm vụ được giao, trước mắt tập trung đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các nội dung báo cáo, trả lời chất vấn phục vụ kỳ họp HĐND thành phố theo tinh thần minh bạch, công khai... Đặc biệt, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu thanh tra, kiểm tra, làm rõ trách nhiệm, giải quyết nghiêm túc việc lát vỉa hè không bảo đảm chất lượng theo phản ánh của 
báo chí...

Trước đó, như Tiền Phong và nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh, đá lát trên vỉa hè được cho là có tuổi thọ 50 – 70 năm trên một số tuyến phố ở địa bàn các quận như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông... dù mới đưa vào sử dụng, đã bị vỡ nát, hư hỏng. Theo ghi nhận của Tiền Phong, nhiều tuyến phố lát đá vỉa hè nhưng có thể dùng tay không cũng lật lên được. Trao đổi với Tiền Phong ngày 27/11, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định đã báo cáo UBND thành phố về thực trạng triển khai tại 11 dự án.

Vị này cho biết, về kỹ thuật, độ bền của đá lát vỉa hè phụ thuộc nhiều vào nền có đảm bảo đúng kỹ thuật hay không. Thực tế khi kiểm tra, Sở Xây dựng đã phát hiện nhiều vị trí thi công khớp nối tiếp giáp gốc cây, bốt điện trên vỉa hè không đảm bảo chất lượng. Đây là lỗi của đơn vị thi công lát đá vỉa hè. Về thẩm quyền phê duyệt, triển khai, nghiệm thu dự án đều thuộc thẩm quyền của UBND quận. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước chuyên ngành và chỉ vào cuộc khi các quận có yêu cầu tham gia, thẩm định về thủ tục của dự án. Về tiêu chuẩn kỹ thuật, Sở Xây dựng đã có hướng dẫn với từng loại vỉa hè, kể cả những nơi vỉa hè có ô tô, xe máy đi bên trên.

Thành phố đã có quy định về thiết kế vỉa hè ban hành tại văn bản số 4340 năm 2014. Trong đó đã quy định các loại kết cấu tại phố cổ, phố cũ, trục đường giao thông, nơi cho người dân đi xe máy, nơi đi ô tô. Các quận căn cứ vào thiết kế này để triển khai. Sau khi báo chí nêu, UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng kiểm tra và báo cáo. Sở đã tiến hành kiểm tra trực tiếp tại 11 dự án công trình thuộc 4 quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Thanh Xuân.

Kết quả đã phát hiện nhiều hạn chế trong triển khai các dự án lát đá vỉa hè. Cụ thể như còn tình trạng đá sau khi lát bị cập kênh, nền đường làm ẩu. Với vỉa hè bình thường đủ để người dân đi xe máy được thì cốt nền bê tông phải dày 8cm; vỉa hè ô tô đi qua cốt bê tông dày 15cm. Thực tế kiểm tra có tình trạng nhiều tuyến vỉa hè cốt bê tông dày 8cm nhưng ô tô đi lại hàng ngày nên rất nhanh xuống cấp.

Vỉa hè trên đường Nguyễn Trãi thuộc địa bàn phường Thượng Đình, Thanh Xuân vừa lát xong đã phải lột lên sửa lại. Ảnh: Minh Đức

Hiểu sai chỉ đạo của thành phố?

Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định: Nhiều quận huyện đã hiểu sai chỉ đạo của thành phố. Thành phố yêu cầu chỉ cải tạo những tuyến vỉa hè đã xuống cấp, nhếch nhác chứ không phải tuyến nào cũng thay bằng đá tự nhiên. Những khu vực vỉa hè còn tốt, sử dụng bình thường thì phải giữ nguyên. Văn bản thành phố chỉ đạo là lát vỉa hè bằng vật liệu tự nhiên có độ bền từ 50-70 năm chứ không ai quy định phải lát đá.

Ngay sau khi kiểm tra tại 11 dự án, Sở Xây dựng đã yêu cầu với tất cả các tuyến lát vỉa hè thì phải hoàn thành hạ ngầm trước sau đó mới lát đá, tránh tình trạng sau khi lát đá lại đua nhau đào lên đặt cáp điện, đường ống nước. Các tủ điện trên vỉa hè cũng phải làm lại cho đúng thiết kế; với những dự án chưa triển khai thi công thì phải dừng lại để rà soát, báo cáo. Hiện nay quận Ba Đình đã tạm dừng lại để rà soát. Trước thực trạng triển khai lát vỉa hè, UBND thành phố đã triệu tập các quận và cơ quan chuyên môn họp đánh giá, 
chấn chỉnh.

Tuy nhiên, trước thông tin các quận hiểu sai chỉ đạo của thành phố, ông Nguyễn Hoàng Đại, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân lại cho rằng, việc lát đá các tuyến phố có chủ trương từ HĐND quận, lãnh đạo quận trên cơ sở văn bản chỉ đạo của thành phố. “Văn bản các quận, huyện nhận được đều ghi rằng để tạo độ bền vững, mỹ quan đô thị thì lát đá có độ bền 50 – 70 năm. Có cả cuộc họp và được sự đồng ý của thành phố thì mới triển khai”, ông Đại nói.

Ông Đại khẳng định, các tuyến phố được lát đá đều đẹp, đồng bộ, nhưng gặp nhiều trở ngại vì ý thức của người dân. “Như tuyến phố Hạ Đình, người dân bán đồ ăn sáng, bán phở, đổ nước, đổ than ra vỉa hè. Đá thì bền vững thật nhưng cứ thế thì cũng bị ảnh hưởng. Chủ tịch Quận cũng đã đề nghị các phường, công an phường phải vào cuộc cụ thể, xử lý các trường hợp vi phạm để người dân hiểu”, ông Đại chia sẻ thêm.

Trong khi đó, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Tiền Phong ngày 27/11 liên quan đến vỉa hè tuyến phố Trần Phú, lãnh đạo quận Hà Đông cho biết, tuyến phố Trần Phú được đầu tư lát đá vỉa hè trên cơ sở chỉ đạo của thành phố “làm từ vật liệu tự nhiên”. Về thông tin đá bị nứt, vỡ, vị này cho biết, đã cử người đi kiểm tra. “Thi công làm tốt, đúng quy trình, bài bản, lập hồ sơ xong hết rồi. Đúng quy định, nhưng bây giờ nó vỡ, còn bảo hành thì phải thay. Mình đã giao người đi làm rồi”, vị này nói. Vị này cũng khẳng định: “Tổng vốn tất cả hết khoảng 200 tỷ đồng bao gồm cả hạ ngầm. Tuyến Trần Phú dài khoảng gần 5km”.

Đại diện Sở Xây dựng cho biết chiều 27/11 đã cử đoàn công tác kiểm tra tình trạng lát vỉa hè tại khu vực Đền Lừ và quận Hoàng Mai như báo Tiền Phong đã phản ánh.
Bạn đang đọc bài viết Lát đá vỉa hè: Chủ tịch Hà Nội yêu cầu thanh tra, làm rõ trách nhiệm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo Tiền phong

Cùng chuyên mục

TP.HCM: Đường biến thành… chợ ở xã Xuân Thới Thượng
Không chỉ xây dựng trái phép, hiện nhiều tuyến đường trên địa bàn xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn còn xảy ra tình trạng chợ “cóc”, chợ tạm “mọc” ngay trên vỉa hè, lòng đường, gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị.

Tin mới