Thứ sáu, 29/03/2024 02:38 (GMT+7)

Lắp camera phạt nguội vi phạm vỉa hè: Ủng hộ nhưng lấy đâu kinh phí?

MTĐT -  Thứ tư, 14/03/2018 10:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất lắp đặt hơn 400 camera giám sát kỳ vọng xử phạt nguội xóa được vi phạm về trật tự đô thị. Đề án nhận được nhiều ý kiến ủng hộ, song nhiều người tỏ ra lo ngại về kinh phí.

Sau nhiều tháng ra quân xử phạt lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, nhiều tuyến phố nội thành ở Thủ đô Hà Nội đã phong quang, sạch sẽ. Thế nhưng khi lực lượng đi khỏi vi phạm lấn chiếm vỉa hè lại tiếp diễn.

Đặc biệt là tại khu vực phố cổ, dù là khu vực du lịch văn hóa nhưng ngoài trục đường chính Hàng Đào - Hàng Ngang được lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, vỉa hè của hầu hết các con phố như: Hàng Bạc, Lương Ngọc Quyến, Đinh Liệt, Lò Sũ,… đều chất đầy hàng hoá của những sạp quần áo, đồ lưu niệm.

Trên phố Hồ Hoàn Kiếm, chỉ dài chưa đầy 200m nhưng khi di chuyển qua đây, khách tham quan đều phải chấp nhận nhường đường cho những hàng quán với lỉnh kỉnh bàn, ghế tràn lan vỉa hè.

Điều đáng nói, tại phố Lò Sũ bất chấp sự có mặt của lực lượng chức năng, các sạp hàng bán mũ vẫn ngang nhiên bày bán ngổn ngang trước số nhà 83 và dãy hàng đối diện kéo dài đến ngã ba Đinh Tiên Hoàng - Lò Sũ mà không hề bị xử lý.

Anh Nguyễn Quỳnh (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đưa gia đình đi bộ trên phố Nguyễn Xí, bức xúc: “Vỉa hè rộng mà không được đi, lên được một chút lại bị “đuổi khéo” bởi các nhân viên ở mấy bãi xe. Cả nhà đành xuống dưới lòng đường thì lại sợ xe cộ va quệt”.

Trên đường Trần Hưng Đạo, di chuyển tại đoạn từ ngã ba Lê Duẩn - Trần Hưng Đạo đến ngã ba Trần Hưng Đạo - Yết Kiêu, dễ dàng bắt gặp những hàng quán la liệt, cộng với các dãy xe của khách hàng trên diện tích vỉa hè ít ỏi khiến người đi bộ hoặc phải “chôn chân” hoặc phải liều mình đi dưới lòng đường mới có thể di chuyển.

Tình trạn lấn chiếm vỉa hè tại Hà Nội lại đâu vào đấy. Ảnh: Internet.

Trước thực trạng này, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất lắp camera phạt nguội những trường hợp vi phạm. Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, với hệ thống camera, việc giám sát thực hiện trật tự đường, hè phố sẽ trở nên hiệu quả hơn bởi không phải lúc nào lực lượng chức năng cũng có mặt trực tiếp để xử lý các vi phạm. Việc xử lý vi phạm như vậy sẽ có sức răn đe hơn, cũng như chấn chỉnh được tình trạng lợi dụng vỉa hè làm của riêng như hiện nay.

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Xử phạt vi phạm trật tự đô thị vừa qua như ném hòn gạch xuống ao bèo, khi chúng ta ra quân thì hết sức sạch sẽ nhưng đến khi dừng lại thì đâu lại vào đấy. Khi có lực lượng cảnh sát, đội tự quản đi kiểm tra thì người kinh doanh dọn hết vào trong nhưng khi vừa đi qua thì họ lại chạy ra để kinh doanh”.

Theo ông, đã có Nghị định số 165/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/11/2013 cho phép sử dụng các phương tiện ghi hình để xử lý vi phạm giao thông. Hiện ở các nút giao thông, hệ thống camera đã xử lý rất hiệu quả.

Nếu chúng ta xử lý nghiêm theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/5/2016 với khung xử phạt là 25 triệu đồng một vi phạm trật tự hè phố, tôi nghĩ sẽ xử lý triệt để vấn đề này trong thời gian tới” - ông Viện nhấn mạnh.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng cho hay, hiện nay một số đơn vị cũng đang đề xuất thử nghiệm lắp camera. “Vấn đề là ở chỗ, việc này thuộc đầu tư công, mua sắm thiết bị nên cần phải xem xét theo quy trình. Một số quận nội thành cũng đã có phương án đề xuất và Sở GTVT đang tiếp tục nghiên cứu để có thể có phương án thay những camera cố định thành camera di động, giám sát tình trạng an ninh trật tự tốt hơn”, ông Viện nói.

Lo ngại về kinh phí

Mặc dù đề xuất này của Sở GTVT Hà Nội được nhiều người đánh giá cao, nhưng cũng không ít người bày tỏ sự lo ngại về nguồn kinh phí thực hiện đề án.

Đánh giá về ý tưởng lắp camera, ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng ban Đô thị HĐND TP. Hà Nội cho rằng đây là ý tưởng, chủ trương tốt. Nhưng khúc mắc lớn nhất là kinh phí quá lớn, bên cạnh đó phải có chế tài xử phạt qua hình ảnh.

“Làm thế nào để phát hiện được kịp thời các vi phạm bởi nếu chỉ dùng sức con người thì không khả thi. Nếu đủ điều kiện chúng ta áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin cùng với các chế tài xử phạt qua hình ảnh. Đây là công cụ hỗ trợ rất tích cực trong việc thực thi chính sách. Nhưng vấn đề là phải có kinh phí và làm sao đồng bộ cho hiệu quả”, ông Quân chia sẻ.

Chỉ khi có mặt của lực lượng chức năng, vỉa hè mới được thoáng đãng. Ảnh: Internet.

Ủng hộ đề xuất của Sở GTVT Hà Nội, TS Đặng Minh Tân (Đại học GTVT) cho rằng: “Camera ghi hình phạt nguội giống như một lực lượng kiểm tra chuyên trách, chia sẻ bớt công việc nặng nề cho Công an, Thanh tra GTVT… Nó vừa có thể ghi hình người vi phạm phục vụ công tác xử lý, vừa có tác dụng theo dõi khiến người vi phạm không dám ngang nhiên tái diễn lấn chiếm hè đường”.

Ông cũng cho rằng, camera di động có tác dụng tốt đối với công tác tuần tra, xử phạt nhưng lại chưa đáp ứng được các mục tiêu phát hiện sớm vi phạm; theo dõi, cảnh báo để không tái diễn. Theo ông Tân, việc đầu tư hệ thống camera gắn cứng trên tất cả các tuyến đường phố sẽ đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khá lớn, phải làm dần dần. Bởi vậy, trước mắt có thể trang bị camera di động cho lực lượng chức năng, hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm lấn chiếm hè đường.

Tổng hợp theo (NĐT, LĐ, báo Giao thông)

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Lắp camera phạt nguội vi phạm vỉa hè: Ủng hộ nhưng lấy đâu kinh phí?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

TP.HCM: Đường biến thành… chợ ở xã Xuân Thới Thượng
Không chỉ xây dựng trái phép, hiện nhiều tuyến đường trên địa bàn xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn còn xảy ra tình trạng chợ “cóc”, chợ tạm “mọc” ngay trên vỉa hè, lòng đường, gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.