Thứ sáu, 29/03/2024 22:54 (GMT+7)

Kỳ lạ thông báo giải toả công trình vi phạm “ngủ quên” gần 2 năm

Xuân Hoà -  Thứ hai, 17/12/2018 16:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phát hiện các hộ dân vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất lưu không, chính quyền địa phương đã lập biên bản và có thông báo các hộ dân tự giải toả. Tuy nhiên, gần 2 năm các công trình vẫn tồn tại.

Phản ánh tới Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, người dân tại thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) bức xúc về việc có gần chục hộ dân sống ven sông Đào thuộc trục đường Quốc lộ 3 đã có hành vi đổ đất lấn lòng sông, dựng nhà bằng khung sắt và lợp mái tôn. Việc làm này không những ảnh hưởng đến dòng chảy mà còn có hành vi vi phạm trật tự xây dựng từ nhiều năm qua mà không bị các cấp chính quyền địa phương xử lý.

Một công trình không phép lấn chiếm lòng sông Đào.

Theo đó, có 9 hộ gia đình tự ý xây dựng công trình tạm chiếm dụng phần đất lưu không của sông Đào, UBND thị trấn Đông Anh đã lập biên bản từ đầu năm 2017 nhưng đến nay các công trình này vẫn ngang nhiên tồn tại.

Theo thông tin PV tìm hiểu được, ngày 20/2/2017, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND TT. Đông Anh đã ký thông báo số 12 về việc giải toả các công trình vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất lưu không dọc sông Đào tại tổ 5 Thị trấn Đông Anh.

Nội dung thông báo thể hiện, các hộ gia đình phải tự giác phá dỡ các công trình tạm, vật kiến trúc xây dựng trái phép trên phần đất lưu không dọc sông Đào, trả lại nguyên trạng trước ngày 26/2/2017. Ngoài ra, nếu hết thời hạn trên các hộ gia đình cá nhân không tự giác thực hiện, UBND Thị trấn sẽ tiến hành cưỡng chế giải toả.

UBND TT. Đông Anh có thông báo cho các hộ dân tự tháo dỡ, nhưng đến nay công trình vi phạm vẫn tồn tại.

Tuy nhiên, ngày 21/2/2017 các hộ dân trong diện phải phá dỡ công trình vi phạm đã có đơn gửi lên UBND TT Đông Anh. Các hộ dân nhận thấy việc xây dựng lán tạm không phép trên đất tập thể là sai quy định, nhưng do nhà nước chưa thực hiện dự án sử dụng phần đất nêu trên. Tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội làm nảy sinh các vụ trộm cắp tài sản nên các hộ dân xin được sử dụng lán trại đã xây dựng trước đó. Kể từ sau lá đơn ngày 21/2/2017, các công trình không phép tồn tại cho đến thời điểm hiện tại.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Chủ tịch UBND TT. Đông Anh (huyện Đông Anh, TP.Hà Nội) thừa nhận có việc các hộ dân xây dựng công trình không phép. Bản thân bà thời điểm đó cũng đã xuống kiểm tra sau đó lập biên bản.

Khi đề cập đến trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc chậm chễ trong việc xử lý vụ việc, bà Dung cho biết, quan điểm của chính quyền địa phương không để vi phạm mới phát sinh, những vi phạm cũ thì sẽ phải khắc phục ...từng bước?

Việc không xử lý triệt để các công trình xây dựng không phép khiến dư luận người dân bức xúc.

“Ngày xưa có lập biên bản, UBND huyện cũng đã chỉ đạo tập trung rà soát thống kê lại hết các trường hợp vi phạm và phân định ra các mốc vi phạm như trước 2014, năm 2018. Những vi phạm mới phát sinh thì không được phép còn những công trình tồn tại từ trước đó thì các xã thị trấn xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện xử lý dần…”, bà Dung nói.

Việc xác định vi phạm từ những tháng đầu năm 2017 đã lập biên bản vi phạm nhưng chính quyền địa phương không tiến hành giải quyết việc lấn chiếm dứt điểm, không ra quyết định xử lý vi phạm hành chính, không ra quyết định cưỡng chế công trình vi phạm khi những người vi phạm không tự tháo dỡ công trình? Phải chăng, trong câu chuyện này có sự dung túng, bao che của các cấp chính quyền?

Nhiều người dân cho rằng, việc xử lý các công trình vi phạm của UBND thị trấn Đông Anh là quá chậm, không tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành và có sự nể nang trong khi thi hành công vụ. Đáng nói, việc các công trình xây dựng trái phép trên tồn tại từ 2017 đến nay cũng khiến nhiều người dân bức xúc, khi ở cùng một dải ven sông Đào, nhưng phía trên thì các công trình vi phạm được tồn tại, phía dưới thì các cấp chính quyền nghiêm cấm việc xây dựng.

Trần tình về việc thời gian kéo dài vụ việc, người đứng đầu UBND thị trấn Đông Anh cho biết, dự án quy hoạch sông Đào có từ nhiều năm trong đó có kè bờ sông và mở rộng hai bên đường. “Vừa rồi trong nghị quyết của HĐND huyện có quyết định kè, lúc đó chắc chắn các hộ dân vi phạm sẽ phải chấp hành phá dỡ”, bà Dung khẳng định.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Kỳ lạ thông báo giải toả công trình vi phạm “ngủ quên” gần 2 năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

TP.HCM: Đường biến thành… chợ ở xã Xuân Thới Thượng
Không chỉ xây dựng trái phép, hiện nhiều tuyến đường trên địa bàn xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn còn xảy ra tình trạng chợ “cóc”, chợ tạm “mọc” ngay trên vỉa hè, lòng đường, gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị.

Tin mới