Thứ năm, 18/04/2024 13:10 (GMT+7)

Gia Lâm, HN: Cá cược mất 10 triệu nếu dẹp được 'bảo kê' dưới gầm cầu

Nhóm PV -  Thứ năm, 04/04/2019 13:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Tôi đố bạn gọi được công an lên dẹp quán của tôi", lời quả quyết của chủ quán nước chiếm dụng ở gầm cầu vượt cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được phản ánh của một số người dân sinh sống ở khu vực giáp gianh Dốc Lã (xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội) và phường Đình Bảng (thị xã Từ sơn, tỉnh Bắc Ninh) về việc có một bãi trông giữ xe trái phép dưới gầm cầu cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn (hay thường gọi QL3 mới) gây mất mỹ quan đô thị và có nguy cơ cao xảy ra cháy nổ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây cầu này.

Theo phản ánh của người dân địa phương, ngoài việc hình thành bãi trông giữ xe trái phép, gầm cầu này biến thành nơi thu mua phế liệu, xưởng sửa chữa xe… Tình trạng này tồn tại từ lâu nhưng không hề được cơ quan chức năng xử lý. Đặc biệt, khu gầm cầu trở thành kho bãi thu mua phế liệu là đồ dễ cháy, khi xảy ra hỏa hoạn sẽ ảnh hướng nghiêm trọng đến chất lượng của cây cầu. Như vậy trách nhiệm sẽ thuộc về ai?

Gầm cầu vượt đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên thuộc khu vực Dốc Lã (xã Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội) và phường Đình Bảng (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đang bị chiếm dụng trái phép.

Nhằm xác minh thông tin bạn đọc phản ánh, PV đã đến khu vực gầm cầu đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên thuộc địa phận Dốc Lã (xã Yên Thường, huyện Gia Lâm) đã xác minh thông tin. Theo ghi nhận, những tồn tại dưới gầm cầu của người dân nêu ở trên đang diễn ra.

Theo quan sát từ bên trái gầm cầu (hướng từ phố Đặng Phúc Thông, thuộc xã Yên Thường đến đường Trần Phú, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), đang biến thành bãi tập kết, thu mua phế liệu và hàng chục chiếc xe con, xe tải án ngữ. Phía đối diện là một điểm rửa xe và gara sửa chữa ô tô tạm bợ, nhếc nhác. Tiến vào bên trong là hàng chục xe ô tô lớn nhỏ đang đậu dưới gầm cầu. Còn ngay giáp tuyến đường từ phố Đặng Phúc Thông (xã Yên Thường, Gia Lâm) hướng đi đường Trần Phú (thị xã Từ Sơn) là một quán bán nước giải khát.

Một bãi thu mua, tập kết phế liệu dưới gầm cầu vượt cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Phế liệu đều là những đồ dễ cháy.

Nhằm giải đáp thắc mắc vì sao tình trạng lấn chiếm trái phép gầm cầu làm nơi kinh doanh, người chủ quán nước tiết lộ: “Cái số không đến lượt bọn em ngồi đây đâu. Mạnh thằng nào thằng đấy làm”.

Anh này cho biết thêm, anh là người quen nên ngồi ở đây không mất tiền chỗ ngồi nhưng mất tiền điện. “Nó là dây mơ dễ má với nhau”, anh này tiết lộ.

“Ví dụ, anh là bác cả, anh đứng ra anh làm nó liên quan đến em và liên quan đến người này người khác. Tức là động đến ông này là động đến cả dây. Nói chung là ngày Rằm, ngày mùng 1 tuần chay nào bác cũng có nước mắt!? (ý nói nộp tiền cho người đỡ đầu bãi giữ xe ở gần cầu trái phép này). Nói chung chính quyền đến đây chỉ cười thôi”, anh này tiết lộ thêm.

Anh này cho hay, mỗi xe gửi ở đây gửi có giá từ 400-800.000 đồng/xe/tháng. Nếu xe bị mất gì thì người trông giữ chịu trách nhiệm.

Giải đáp thắc mắc tại sao lại trông giữ thoải mái ở đây mà không bị chính quyền, cơ quan chức năng xử lý, người đàn ông này giọng hăng hái đưa ra cá cược với chúng tôi để dẹp quán của anh cũng như bãi trông giữ xe trái phép dưới gầm cầu này.

Người đàn ông thách đố sẽ mất 10 triệu đồng nếu dẹp được hoạt động chiếm gầm cầu vượt vì có sự "bảo kê"?

“Bây giờ thế này, nếu tôi thua, tôi mất 10 triệu đồng, còn nếu bạn thua bạn mất 1 triệu đồng. Tôi đố bạn gọi được công an lên dẹp quán của tôi. Tôi cho đúng 2 tiếng đồng hồ, miễn là không phải là ở đây có đánh nhau, giết người. Bạn có báo công an thoải mái, hay cảnh sát 113… là đây đang có chiếm vỉa hè, lòng đường trong đúng 2 tiếng, tôi mất bạn 10 triệu đồng. Còn nếu không có công an nào đến, không dẹp được quán của tớ thì bạn mất có 1 triệu. Nào tôi độ luôn. Tôi đố ông gọi được mà…”, anh này tự tin nói.

Giải thích về lời thách đố trên, anh này đưa ra lý do, gầm cầu này do một đơn vị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) quản lý, vì đây không phải vỉa hè và cũng không phải lòng đường. Khi có phản ánh về việc này thì công an sẽ nói là không quản lý nhưng “hàng tháng vẫn có người đứng ra giải quyết” (tức là người đứng ra bảo kê cho hoạt động này tồn tại)… (!?).

Trao đổi với PV, một đại diện Công an Đồn Bắc Đuống (huyện Gia Lâm) cho biết, trước đây của một công ty chuyên môn ở cấp Trung ương quản lý, lực lượng công an và chính quyền địa phương không có quyền đuổi người dân vi phạm ở dưới gầm cầu vượt này được.

“Sau khi cây cầu này xây xong thì có việc một số hộ dân ra đó để chiếm trái phép ở đây. UBND xã Yên Thường cũng có một vài lần ra hiện trường để đề nghị dừng lại việc đó nhưng người dân không chấp hành”, vị đại diện Công an Đồn Bắc Đuống cho hay.

>>> Xem thêm clip: Lời thách đố của chủ quán nước sẽ mất 10 triệu nếu dẹp được hoạt động lấn chiếm gầm cầu trái phép

 

Cũng theo vị đại diện Công an Đồn Bắc Đuống, khi nào UBND xã Yên Thường có kiến nghị phối hợp thì đơn vị sẽ cùng phối hợp, còn Đồn không có trách nhiệm gì ở đó cả (!?).

Ai đã "bảo kê" cho việc chiếm dụng gầm cầu để biến thành bãi trông xe trái phép và kho bãi thu mua phế liệu, sửa chữa xe ô tô ở đây? Phải chăng chính đơn vị chủ quản tuyến đường này đã buông lỏng sự quản lý, hay làm ngơ để hoạt động này tồn tại khi xảy xa hỏa hoạn, ảnh hưởng đến chất lượng cầu thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Theo tìm hiểu, dự án này được Bộ Giao thông Vận tải giao cho Ban Quản lý Dự án II (Tổng cục Đường bộ) làm đại diện chủ đầu tư. Đơn vị khai thác, quản lý tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên là Công ty  CP Quản lý và Xây dựng công trình giao thông 238.

Môi trường Đô thị Việt Nam điện tử tiếp tục thông tin tới bạn đọc...

Dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên là dự án rất quan trọng trong chiến lược phát triển giao thông - vận tải Việt Nam đến năm 2020, tăng cường năng lực giao thông cho tuyến Quốc lộ 3 cũ, góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế-xã hội giữa Hà Nội với Thái Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc.

Tổng mức đầu tư cho dự án hơn 8.100 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA Nhật Bản gần 6.100 tỷ đồng và vốn đối ứng của Việt Nam hơn 2.000 tỷ đồng. Toàn tuyến có chiều dài tuyến chính 61,3km, với 4 làn xe, xuất phát từ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội, tại km 152 + 400 Quốc lộ 1A mới chạy qua Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh và điểm cuối tại km 61 + 313 Quốc lộ 3 thuộc địa bàn phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên.

Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 100km/h, chia thành hai đoạn là Hà Nội-Sóc Sơn với 4 làn xe cơ giới, trong đó có 2 làn dừng xe khẩn cấp, nền đường rộng 34,6m và Sóc Sơn-Thái Nguyên với 2 làn xe cơ giới, 2 làn dừng xe khẩn cấp, nền đường rộng 34,5m. Ngoài ra, trên tuyến đường cao tốc này còn có 6 nút giao thông, 29 cầu cùng nhiều công trình khác như hệ thống thu phí, trung tâm điều khiển, trạm nghỉ và dịch vụ kỹ thuật. Theo kế hoạch, công trình sẽ được đưa vào sử dụng sau 42 tháng kể từ ngày khởi công.

Bạn đang đọc bài viết Gia Lâm, HN: Cá cược mất 10 triệu nếu dẹp được 'bảo kê' dưới gầm cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.
Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.