Thứ sáu, 26/04/2024 02:49 (GMT+7)

Cần sự ủng hộ tích cực của người dân

MTĐT -  Thứ bảy, 27/05/2017 08:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhằm khai thác tối đa năng lực hạ tầng giao thông trên địa bàn, từ ngày 1/6/2017, UBND TP Hà Nội có chủ trương nghiên cứu thí điểm cho xe buýt thường chạy chung làn với xe buýt nhanh.

Với phương án này, nếu tổ chức hợp lý sẽ giảm thiểu tối đa được tình trạng ùn tắc, xung đột giao thông trên các tuyến phố. Phóng viên Báo Hànộimới đã ghi lại một số ý kiến của hành khách thường xuyên đi lại bằng phương tiện này.
Bà Trần Thị Ngà (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông):  Cần bố trí nhà chờ hợp lý

Mỗi tuần tôi thường 3 lần đi xe buýt nhanh (BRT) và thấy cả chặng đường dài mà chỉ có BRT chạy một làn thì rất lãng phí cơ sở hạ tầng. Vì thế, chủ trương cho xe buýt thường chạy cùng làn với BRT là hợp lý, vì xe buýt thường sẽ nhường được đường cho các phương tiện khác. Tôi có chút băn khoăn là cửa lên xuống của xe buýt thường và BRT hiện nay bố trí khác nhau, do vậy để thuận tiện cho hành khách lên xuống, nhà xe cần phải bố trí, điều chỉnh nhà chờ sao cho hợp lý. Nếu không xây dựng thêm nhà chờ thì chỉ có cách là xe buýt thường chạy chung làn với BRT nhưng vẫn đón trả khách tại các điểm cũ. Song, e rằng những lúc xe buýt thường chuyển làn có thể gây ùn tắc giao thông. Đồng thời, người dân muốn chuyển từ xe buýt thường sang BRT sẽ phải đi bộ xa hơn. Tôi rất mong cơ quan chức năng sớm có phương án thiết thực để giao thông thuận lợi và an toàn hơn.

Anh Ngô Đăng Triệu (sinh viên Đại học Công đoàn, Đống Đa):  Điều chỉnh tốc độ giữa hai phương tiện, tránh ùn tắc giao thông

Lòng đường nhiều tuyến phố Hà Nội nhìn chung không rộng, nay lại có thêm xe buýt nhanh nên tôi cảm thấy giao thông bị dồn nén, ùn ứ hơn trước. Ý tưởng về việc xe buýt thường sẽ chạy cùng làn với BRT có thể là khả quan. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần tính đến việc người dân muốn chuyển tuyến từ xe buýt thường sang BRT thì di chuyển như thế nào cho bớt nguy hiểm. Theo tôi, cơ quan chức năng cần tính đến nhiều yếu tố như tốc độ, nhà chờ, lượng khách, chất lượng phục vụ làm sao để người dân nhận thấy đi xe buýt thuận tiện.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (phường Xuân La, quận Tây Hồ): Phải có dải phân cách cứng và cảnh sát giao thông ứng trực phân làn

Tôi thấy BRT có lộ trình từ 5 đến 10 phút một lượt nên trong khoảng thời gian trống, chờ gối đầu xe, đường rất thông thoáng. Trong khi đó, từ khi phân làn cho BRT, không gian di chuyển của các phương tiện khác lại chật chội hơn, dẫn đến tình trạng các phương tiện khác lấn làn của BRT. Ý tưởng dồn làn xe buýt thường với BRT có thể khả thi nếu bảo đảm được an toàn giao thông. Theo tôi, cần có dải phân cách cứng để chia làn riêng cho BRT. Và lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm soát, phạt nguội các trường hợp phương tiện khác lấn làn. Khi BRT và xe buýt thường chung làn, cũng cần có vạch hướng dẫn để khi chuyển làn sao cho xe buýt thường không cản trở BRT.

Anh Nguyễn Phong Nhã (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy):  Tận dụng hạ tầng để giảm ùn tắc giao thông

Qua một thời gian BRT vận hành, đã có rất nhiều người biết và thường xuyên sử dụng dịch vụ này. Tuy nhiên, các xe tuyến BRT vẫn chưa phát huy hết công suất. Vì thế, các cơ quan chức năng cần đi sát thực tế, tìm hiểu lý do tại sao lượng khách đi BRT chưa đông mặc dù đã “gom” được khách từ các tuyến buýt thường? Tôi cho rằng, mọi thứ cần được tính toán cẩn thận, kỹ lưỡng và có nhiều phương án dự phòng. Tôi tán thành mọi việc làm tiết kiệm, tận dụng cơ sở hạ tầng để làm sao người dân đi lại thuận tiện hơn, giảm bớt ùn tắc giao thông.

Theo Hà Nội mới

Bạn đang đọc bài viết Cần sự ủng hộ tích cực của người dân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.