Thứ sáu, 19/04/2024 06:25 (GMT+7)

Bao giờ xử lý các sai phạm tại Vườn Thượng Uyển Bay Đà Lạt?

MTĐT -  Thứ hai, 09/03/2020 08:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không được cấp giấy phép xây dựng nhưng cả một chuỗi công trình với tổng diện tích lên tới 3.547m2 của Vườn Thượng Uyển Bay đã “mọc” lên trên khu đất thuộc diện quy hoạch đất rừng phòng hộ của TP.

Mặc dù UBND thành phố Đà Lạt đã ban hành quyết định xử phạt và buộc tháo dỡ nhưng công trình này vẫn “ngang nhiên” tồn tại ngay khu vực cửa ngõ vào thành phố.

Các công trình xây dựng không phép tại Vườn Thượng Uyển Bay Đà Lạt (Ảnh: Tiền phong)

Chuỗi công trình “chui” hoành tráng

Tìm hiểu thêm được biết, Hợp tác xã du lịch canh nông tổng hợp Xuân Ái Hùng (do bà Vũ Thị Ái làm Chủ tịch HĐQT) được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điểm du lịch canh nông Vườn Thượng Uyển Bay trên tổng diện tích đất 17.263m2 tại đường Khe Sanh, phường 10, thành phố Đà Lạt.

Tại văn bản chấp thuận chủ trương cho thực hiện dự án của UBND tỉnh Lâm Đồng, quy định về điều kiện thực hiện dự án, có nội dung: “Trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, cảnh quan, lao động, phòng chống cháy, nổ và quy định của pháp luật có liên quan”.

Tuy nhiên, qua kiểm tra hiện trạng dự án, UBND thành phố Đà Lạt phát hiện chủ đầu tư đã tổ chức thi công xây dựng hàng loạt công trình, tiểu cảnh, khi không có giấy phép xây dựng của cơ quan chức năng cấp.

Hiện trạng kiểm tra cho thấy, chủ đầu tư đã xây dựng kiên cố hoá hạng mục nhà quản lý điều hành và khu trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm từ nông nghiệp thành 1 khối nhà, làm khu kinh doanh dịch vụ nước giải khát, ăn uống, trưng bày sản phẩm nông nghiệp và kết hợp nhà làm việc nhân viên; cải tạo khu nhà lồng xây trái phép trước đó thành khu nhà ở và nhà làm việc, 2 cầu sắt nổi, khu vực buôn bán, tiểu cảnh trang trí, cùng đó là khu Thượng uyển bay gồm nhiều dãy nhà với số lượng 6 căn phòng (12x28m) và 18 căn phòng khác (kích thước 12x80m) kết hợp khu vui chơi giải trí, buôn bán ăn uống, giải khát.

Đồng thời, chủ đầu tư còn bán vé cho du khách, với giá vào cổng (tự phát hành) là 100.000 đồng/vé người lớn và 50.000 đồng/vé đối với trẻ em có chiều cao dưới 1,2m. Vào ngày cao điểm, khu du lịch này đón khoảng 2.000 khách tới tham quan, chụp hình lưu niệm.

Liên tục vi phạm và bị xử phạt

Việc triển khai xây dựng, cải tạo các hạng mục công trình của chủ đầu tư trước đây là bà Vũ Thị Ái đã được cơ quan chức năng kiểm tra, liên tục phát hiện sai phạm và ra nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Cụ thể, ngày 16/8/2019, UBND thành phố Đà Lạt đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, mức tiền phạt là 15 triệu đồng; yêu cầu bà Vũ Thị Ái ngưng thi công công trình, lập thủ tục đề nghị cấp phép xây dựng theo quy định.

Quyết định xử phạt nêu rõ: "Trường hợp cơ quan có thẩm quyền từ chối cấp phép xây dựng hoặc sau khi được cấp giấy phép phải tháo dỡ toàn bộ phần công trình vi phạm không phù hợp theo giấy phép xây dựng và thiết kế được duyệt". Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả 60 ngày.

Ngày 23/8/2019, UBND thành phố Đà Lạt tiếp tục ban hành quyết định số 3456 phạt vi phạm hành chính, buộc chủ đầu tư thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đối với hành vi vi phạm từ việc xây dựng dự án nêu trên, gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng và số lượng nguồn nước.

Tiếp đến, ngày 10/12/2019, UBND thành phố Đà Lạt đã ban hành quyết định số 6064 xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu bà Vũ Thị Ái ngưng thi công công trình; tháo dỡ toàn bộ phần công trình vi phạm theo quy định. Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: 10 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định.

Đến nay, theo báo cáo của UBND phường 10 thì chủ đầu tư đã chấp hành việc nộp phạt tổng số tiền 45 triệu đồng theo 3 quyết định xử phạt nêu trên (mỗi quyết định phạt tiền 15 triệu đồng).

Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn chưa chấp hành thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành.

Do vậy, ngày 20/2/2020, UBND thành phố Đà Lạt ra Quyết định số 662/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hạng mục công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng.

Ngày 6/3, ông Võ Ngọc Trình - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt xác nhận việc vừa ký văn bản báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng về việc xử lý công trình vi phạm tại dự án điểm du lịch canh nông Vườn thượng uyển bay (trên đường đèo Mimosa, quốc lộ 20, thuộc phường 10, TP. Đà Lạt), theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, về việc kiểm tra, xác minh và xử lý theo thông tin phản ánh của báo chí đối với dự án điểm du lịch canh nông Vườn Thượng Uyển Bay.

Ông Võ Ngọc Trình, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết, sau khi báo cáo và làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND TP Đà Lạt sẽ có biện pháp xử lý dứt điểm trường hợp này. Quan điểm của các cấp lãnh đạo là xử lý nghiêm, không để tồn tại hành vi xây dựng công trình khi chưa được cấp phép.

Dư luận tại địa phương rất bức xúc vì sao trên đất quy hoạch rừng phòng hộ ở ngay của ngõ vào thành phố Đà Lạt lại “mọc” lên chuỗi công trình xây dựng không phép đồ sộ như vậy? Đề nghị UBND thành phố Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng nhanh chóng có biện pháp xử lý công trình vi phạm.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Theo Báo Xây dựng

Bạn đang đọc bài viết Bao giờ xử lý các sai phạm tại Vườn Thượng Uyển Bay Đà Lạt?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.