Thứ sáu, 19/04/2024 03:26 (GMT+7)

Ai 'chống lưng' cho bãi xe không phép trên đường Nguyên Hồng?

Nguyên Bá - Đức Anh -  Thứ sáu, 03/11/2017 08:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không được cấp phép hoạt động trông giữ xe nhưng tại tuyến đường Nguyên Hồng thuộc phường Thành Công, Ba Đình, Hà Nội, một số đối tượng ngang nhiên đứng ra tổ chức trông xe trái phép.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án cống hóa mương đường T6A Nguyên Hồng (Quận Ba Đình) được TP. Hà Nội đầu tư xây dựng nhằm cải thiện môi trường và hệ thống thoát nước Hà Nội. Dự án về cơ bản được hoàn thành vào khoảng năm 2014.

Tuy nhiên, từ khi dự án này được đưa vào sử dụng cho đến nay, một số đối tượng đã lợi dụng sự buông lỏng quản lý trật tự đô thị của chính quyền sở tại để chiếm dụng hàng nghìn mét vuông vỉa hè và biến thành bãi trông xe trái phép nhằm thu lợi bất chính nhiều năm nay.

Chia sẻ với PV, người dân sống gần đây cho biết, bãi trông xe trên đường Nguyên Hồng đã tồn tại từ nhiều năm qua. Mỗi ngày có hàng chục chiếc xe ô tô được gửi tại bãi cả ngày lẫn đêm, chủ yếu là ô tô cá nhân, không những gây cản trở giao thông cho người đi bộ mà còn gây mất mỹ quan đô thị.

Người dân ở đây cũng cho biết, bãi xe này không có giấy phép hoạt động nhưng không hiểu sao, các cơ quan chức năng lại không kiểm tra, xử lý, trả lại bộ mặt đô thị sạch đẹp và vỉa hè đi bộ cho người dân.

Hàng nghìn mét vuông vỉa hè đường Nguyên Hồng bị chiếm dụng làm bãi gửi xe trái phép

Trong vai một người có nhu cầu tìm địa điểm gửi xe taxi, PV được một “bảo vệ” bãi xe tên Điệp dẫn đến giới thiệu đến gặp một người đàn ông tên Vinh tại một quán trà đá cạnh bãi xe, người được coi là chủ của bãi xe không phép này.

Người đàn ông này cho biết, bãi xe nhận trông xe ô tô cả ngày lẫn đêm, nếu gửi theo ngày thì giá vé từ 30.000 đồng đến 60.000 đồng, còn trông xe theo tháng thì dao động từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng/1 xe ô tô, tùy từng loại xe, đồng ý thì lên danh sách biển số xe rồi cứ thế mang vào gửi, nếu không gửi nhanh thì vài hôm nữa cũng chẳng còn chỗ để xe.

Đặc biệt, người này yêu cầu phải đặt cọc tiền lại và phải đóng tiền trước hàng tháng, việc thu tiền trông xe này cũng chẳng hề có hóa đơn, chứng từ mà chỉ thỏa thuận, giao dịch với nhau bằng miệng, muốn có hóa đơn phải ra mấy bãi của nhà nước.

Ghi nhận tại bãi đỗ xe không phép này cho thấy, vỉa hè rộng hàng nghìn mét vuông vốn là sân chơi và lối đi của người đi bộ nhưng đã bị chiếm dụng làm nơi trông xe trái phép. Hàng này có hàng chục đến cả trăm xe ô tô vào đây gửi, đa phần là các xe gửi theo tháng.

Như vậy, chỉ cần tính sơ qua có thể thấy, số tiền thu được hàng tháng tại các bãi gửi xe này là rất lớn. Vậy số tiền này sau đó được chảy về đâu và ai quản lý, sử dụng, nộp ngân sách ra sao đang là câu hỏi được dư luận đặt ra.

Lực lượng chức năng đang làm gì khi để bãi xe hoạt động không phép nhiều năm qua?

 Điều đáng nói, bãi xe này hoạt động không phép đã nhiều năm nay, tuy nhiên lại không hề thấy bóng dáng cơ quan chức năng sở tại xử lý khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi, phải chăng có sự “bảo kê” của cơ quan chức năng phường Thành Công, cho nên bãi xe không phép này mới hoạt động trái phép công khai như vậy.

Để làm sáng tỏa vấn đề trên, PV Môi trường và Đô thị Điện tử đã đến UBND phường Thành Công và công an phường Thành Công liên hệ làm việc. Do Chủ tịch phường đi họp nên tiếp phóng viên là một PCT phụ trách mảng văn hóa – xã hội. Vị này cho biết, do không phụ trách mảng giao thông đô thị nên không cung cấp thông tin được.

Tiếp tục liên hệ làm việc với công an phường Thành Công thì một đồng chí trực ban yêu cầu phóng viên phải lên Công an quận để giới thiệu xuống với lý do, vấn đề phát ngôn phường không có thẩm quyền.

“Biết là có nhưng có chỉ thị của cấp trên, của phó trưởng quận, phường không được phát ngôn, mà muốn phát ngôn chỉ có cấp quận thôi” – Một cán bộ công an phường Thành Công cho biết.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị kiểm tra, giải tỏa các điểm trông giữ phương tiện không phép, sai phép, vi phạm an toàn giao thông và vi phạm quy định thu phí, đặc biệt là các trước điểm trông giữ xe đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Chủ tịch UBND và trưởng công an các xã, phường, thị trấn giám sát chặt chẽ các điểm trông giữ xe. Nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn, chủ tịch UBND và trưởng công an xã, phường, thị trấn phải kiểm điểm, chịu trách nhiệm chủ tịch UBND quận, huyện, thị.

Trường hợp để các điểm trông giữ phương tiện không phép, sai phép, thu phí không đúng quy định mà không có biện pháp xử lý dứt điểm, chủ tịch UBND quận, huyện, thị chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND Thành phố.

Môi trường và Đô thị Việt Nam Điện tử sẽ tiếp tục thông tin tình hình xử lý vi phạm trật tự đô thị tại phường Thành Công, quận Ba Đình trong bài viết sau.

Bạn đang đọc bài viết Ai 'chống lưng' cho bãi xe không phép trên đường Nguyên Hồng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.