Thứ sáu, 29/03/2024 05:01 (GMT+7)

Ai 'bảo kê' bãi gửi xe gầm cầu vượt cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên?

Nhóm PV -  Thứ sáu, 05/04/2019 15:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cục Quản lý Đường bộ 1 cho rằng, việc lấn chiếm gầm cầu vượt cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên ở xã Yên Thường (Gia Lâm, Hà Nội) có tình hình ATTT rất phức tạp.

Cục Quản lý Đường bộ 1 tức tốc vào cuộc

Ngay sau khi Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đăng tải thông tin qua bài viết: “Gia Lâm, Hà Nội: Cá cược mất 10 triệu nếu dẹp được 'bảo kê' dưới gầm cầu” phản ánh về tình trạng lấn chiếm gầm cầu vượt làm nơi trông giữ xe ô tô, điểm rửa xe thay dầu, nơi thu mua tập kết phế liệu dễ cháy nổ… trái phép (thuộc địa bàn xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội), Cục Quản lý Đường bộ 1 (Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT) đã có thông tin phản hồi chính thức liên quan đến sự việc này.  

Sau khi Môi trường và Đô thị điện tử phản ánh phía đơn vị quản lý đã vào cuộc xác minh

Sáng 5/4, trao đổi với PV, ông Trần Hưng Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ 1 xác nhận, có việc một số hộ dân lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ ở gầm cầu vượt QL1 cũ và đường sắt tại Km3+336 – Km3+597 (thuộc địa bàn xã Yên Thường huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội), nằm trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Đây là địa bàn giáp ranh với thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh nên tình hình an ninh rất phức tạp.

“Hiện phía dưới gầm cầu đã xảy ra tình trạng các hộ dân (hiện tại là 5 hộ) lấn chiếm gầm cầu để làm bãi trông giữ xe, rửa xe thay dầu, mở quán bán nước, vi phạm Luật Giao thông đường bộ và các Nghị định của Chính phủ, ảnh hưởng tới kết cấu hạ tầng và an toàn công trình giao thông. Ngoài ra, còn có đối tượng đã dựng lều lán bằng tôn, thùng container cũ”, ông Hà thông tin.

Theo ông Trần Hưng Hà, ngay trong sáng nay (5/4), Cục Quản lý Đường bộ 1 đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc xuống hiện trường để tiến hành kiểm tra, xác minh và phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp xử lý dứt điểm. Cục Quản lý Đường bộ 1 cũng đã yêu cầu Công ty CP Quản lý và Đầu tư xây dựng công trình giao thông 238 (gọi tắt là Công ty 238) là đơn vị quản lý, khai thác, bảo trì và về mặt quản lý nhà nước là Chi cục Quản lý đường bộ I.5 (Quản lý Đường bộ 1) báo cáo ngay sự việc này.

Điểm tập kết thu mua phế liệu hoạt động tấp nập dưới gầm cầu vượt cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên ở xã Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội.

Theo ông Hà, tình trạng này đã tồn tại từ lâu, các đơn vị chức năng của Cục đã có văn bản kiến nghị đến UBND huyện Ga Lâm, UBND xã Yên Thường (Gia Lâm), nhưng các cấp chính quyền vẫn thờ ơ, không xử lý dứt điểm.

Cụ thể, ngày 2/4/2015, Chi cục I.8 (khi đó đang thực hiện lâm quản) đã lập biên bản vi phạm về các vi phạm nói trên. Ngày 31/7/2015, sau khi tiếp nhận dự án này, Công ty 238 và Chi cục Quản lý Đường bộ I.5 đã tổ chức phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền nhắc nhở và yêu cầu các hộ dân vi phạm phải chấp hành các qui định của Luật giao thông đường bộ, không được sử dụng, lấn chiếm hành lang ATGT, nhưng các hộ dân này vẫn không chấp hành.

“Từ khi Cục Quản lý Đường bộ 1 tiếp nhận lại QL.3 mới Hà Nội – Thái Nguyên từ Cục Cao tốc (ngày 1/10/2018), các vi phạm trên vẫn tồn tại và có phần phát triển. Ngày 24/10/2018, Công ty 238 và Chi cục Quản lý đường bộ I.5 cũng đã có yêu cầu các hộ dân vi phạm kết cấu hạ tầng và hành lang ATGT đường bộ, gây mất ANTT và mất ATGT trên toàn tuyến, nhưng các hộ dân vẫn cố tình chống đối, ngang nhiên tồn tại, bất chấp pháp luật”, ông Hà cho hay.

Đơn vị, cá nhân nào "bảo kê" ở dưới gầm cầu?

Vậy phải chăng tại khu vực này đang tồn tại một thế lực “bảo kê” cho những vi phạm, xâm phạm công trình giao thông quan trọng này như Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử ghi nhận, phản ánh trong bài viết trước đó?, PV đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi trên, ông Trần Hưng Hà cho hay: “Việc này chúng tôi cũng đang đề nghị Chi cục Quản lý Đường bộ I.5 có văn bản kiến nghị với UBND huyện Gia Lâm để xác minh, làm rõ. Ngoài ra, Cục Quản lý Đường bộ cũng giao cho Thanh tra Cục yêu cầu các hộ dân vi phạm giải tỏa và trả lại nguyên trạng tại khu vực này. Nếu các vi phạm này vẫn tiếp tục, chúng tôi sẽ có kiến nghị lên Ban ATGT TP Hà Nội hoặc cấp cao hơn để phối hợp và có hướng xử lý dứt điểm”.

“Quan điểm của Cục Quản lý đường bộ 1 là nghiêm cấm cán bộ có hành vi tiếp tay, làm ngơ cho vi phạm. Nếu chúng tôi phát hiện vi phạm sẽ có hành thức xử lý nghiêm minh”, ông Hà khẳng định.

Bãi trông giữ xe trái phép dưới gầm cầu.

Nói như vị Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 1, mặc dù các đơn vị chức năng trực thuộc Cục Quản lý Đường bộ 1 đã rất nỗ lực trong việc xử lý các vi phạm hành lang ATGT, kết cấu hạ tầng giao thông trên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, trong đó có gầm cầu vượt ở xã Yên Thường này, nhưng vi phạm vẫn hoàn... sai phạm (!?).

Tuy nhiên, dư luận cho rằng, đây là tồn tại có từ lâu, vì sao đơn vị quản lý, khai thác, bảo trì là Công ty CP Quản lý và Đầu tư xây dựng công trình giao thông 238 và Chi cục Quản lý đường bộ I.5 (về mặt quản lý nhà nước) lại không có kiến nghị, tham mưu cho Cục Quản lý Đường bộ 1 có phương án mạnh tay để cùng với chính quyền địa phương để xử lý dứt điểm các vi phạm trên? Chẳng lẽ, chỉ tới khi báo chí phản ánh về việc đó thì các đơn vị này mới “có cớ” để làm?

Qua sự việc này có thể thấy rằng, việc xử lý vi phạm một cách hời hợt của các cơ quan quản lý nhà nước trên tuyến đường này đã vô hình chung để cho những chướng tai gai mắt này tồn tại suốt hơn 4 năm qua và để lại vô cùng những tiềm ẩn, chất lượng cây cầu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng và lộ trình của toàn tuyến QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên nếu xảy ra hỏa hoạn. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Trước tiên, trách nhiệm ở đây thuộc về Công ty CP Quản lý và Đầu tư xây dựng công trình giao thông 238 và Chi cục Quản lý đường bộ I.5 được giao quản lý, vận hành khai thác, bảo trì tuyến đường này. Còn nếu 2 đơn vị trực thuộc Cục Quản lý Đường bộ 1 này không có việc “bảo kê” cho vi phạm này sẽ khó thuyết phục được sự hoài nghi từ dư luận, bởi sự vào cuộc hời hợt, thiếu trách nhiệm, đôn đốc và tìm hướng xử lý dứt điểm những tồn tại trên? Thêm nữa, chính quyền địa phương là UBND xã Yên Thường, UBND huyện Gia Lâm có biết việc này không, nhận được văn bản kiến nghị về việc này không hay đang cố tình làm ngơ, "bao sân" cho vi phạm? 

Vậy, ai là người bảo kê, thế lực nào thách thức việc dẹp nạn “bảo kê” sẽ mất 10 triệu đồng dưới gầm cầu vượt này, Môi trường Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục đi tìm câu trả lời.

Bạn đang đọc bài viết Ai 'bảo kê' bãi gửi xe gầm cầu vượt cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

TP.HCM: Đường biến thành… chợ ở xã Xuân Thới Thượng
Không chỉ xây dựng trái phép, hiện nhiều tuyến đường trên địa bàn xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn còn xảy ra tình trạng chợ “cóc”, chợ tạm “mọc” ngay trên vỉa hè, lòng đường, gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.