Thứ sáu, 19/04/2024 17:56 (GMT+7)

Hàng loạt vỉa hè bị chiếm dụng vì 'luật ngầm' của chuỗi Aha cà phê?

Vũ Khoa -  Thứ sáu, 15/11/2019 15:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Rất nhiều câu chuyện về món lợi ích khổng lồ xuất phát từ vỉa hè chuỗi cửa hàng của Công ty CP Aha cà phê là minh chứng không thể rõ ràng hơn.

Dù bộ máy chính quyền tại các thành phố lớn đang ra sức dành lại vỉa hè trong cuộc chiến cực kỳ khó khăn, tốn kém thời gian và từng thất bại. Nguyên nhân được chỉ ra là do món lợi ích cực lớn từ vỉa hè khiến nhiều người không thể dứt bỏ. Đặc biệt, những vi phạm còn được hệ thống hóa một cách tràn lan, ngày càng nhân rộng, trong đó phải kể đến chuỗi cà phê Aha của Công ty CP Aha cà phê, phải nói rằng đây là một trong những thương hiệu có cách khai thác vỉa hè kỳ dị bậc nhất.

Luật ngầm cắt xén, chiếm dụngvỉa hè để thu tiền tỉ

Ở rất nhiều con phố trong các quận nội thành Hà Nội, vỉa hè bị thu nhỏ, cắt xén... để làm thành không gian riêng của quán xá. Với yêu cầu về một vỉa hè rộng đủ để kê một dãy bàn nhỏ, để xe máy, thương hiệu Aha cà phê trở thành một trong những cánh tay đắc lực nhất khiến phần đường dành cho người đi bộ bị “cướp đoạt” trắng trợn.

Khảo sát của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử cho thấy, Aha có tới 53 cửa hàng kinh doanh cà phê trải khắp hầu hết các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Hà Đông, Long Biên… Điểm chung của các cửa hàng này là đều có gắn một hàng ghế băng dài gắn cố định hoặc một dãy bàn ghế nhỏ để trên vỉa hè, sát với tường của quán theo yêu cầu của đơn vị sở hữu thương hiệu. Từ trong quán dẫn ra vỉa hè thường có một hoặc nhiều bậc thang tam cấp, một số địa chỉ bậc thang này được xây lồi ra vỉa hè.

Do không gian mở ra vỉa hè nên đa số các cửa hàng đều làm mái che bằng tôn thép kiên cố, có gắn cả quạt máy và đèn rọi lên trên. Phần mái này che gần như toàn bộ diện tích vỉa hè đằng trước. Tất cả các quán cà phê Aha này đều để phương tiện phía đằng trước, trên vỉa hè và sát mép đường. Có nhiều cửa hàng, xe máy còn được để ngay dưới lòng đường, các phần hạng mục này đều lấn chiếm nghiêm trọng hành lang vỉa hè.

Người đi bộ phải len lỏi qua đoạn vỉa hè có Aha cà phê "ngự trị"

Sở dĩ có tình trạng nêu trên là do các chủ cửa hàng buộc phải tuân thủ một số nguyên tắc "ngầm" của Aha về vỉa hè. Để qua được các bước thẩm định của chủ thương hiệu, mỗi quán thông thường phải có vỉa hè rộng để có chỗ ngồi cho khách và cả chỗ để xe, ngoài ra là về mặt bằng tối thiểu 150m2; nhà căn góc hoặc mặt tiền rộng tối thiểu 10-15m, khu vực đông dân cư, vị trí đẹp…

Do đó, dù muốn, dù không, các chủ cửa hàng vẫn bắt buộc phải lấn chiếm vỉa hè để đạt đủ những yêu cầu của chủ chuỗi. Và nếu tính toán với mức vốn đầu tư ban đầu mà chủ đầu tư phải chi ra cho một cửa hàng có thương hiệu Aha là khoảng 1,6 – 2 tỷ đồng, công ty CP Aha cà phê đã thu về cả chục tỉ đồng, chưa kể các chi phí đào tạo, phần trăm... từ yêu cầu kỳ quặc về vỉa hè.

Trước đó, người ta đã nói rất nhiều về những món lợi ích khổng lồ xuất phát từ vỉa hè nhưng ít có định lượng cụ thể. Tuy nhiên, qua thực tế, những con số nêu trên, có thể nói chuỗi cửa hàng của Công ty CP Aha cà phê chính là minh chứng rõ rệt nhất cho những lời đồn đoán của người dân Hà Nội.

Những ghế băng, bậc thanh được xây dựng thẳng trên vỉa hè.

Tràn lan vi phạm

Như đã nêu ở trên, việc chuỗi cà phê Aha buộc các chủ cửa hàng phải tuân thủ theo yêu cầu về diện tích vỉa hè, từ đó, các vi phạm khó có thể không diễn ra. Một ví dụ đơn giản như tại cà phê Aha số 26 Tô Hiến Thành (phường Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội). Không chỉ vỉa hè bị lấn chiếm, một số hạng mục công trình cố định khác cũng được dựng lên để phục vụ cho mục đích kinh doanh kiếm lời. Bục bệ, mái tôn khung thép dọc theo hai mặt tiền của cơ sở kinh doanh này đang có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng, phá nát mỹ quan đô thị và quy hoạch các tuyến phố phía Bắc quận Hai Bà Trưng.

Điều này khiến những người có trách nhiệm ở UBND phường Bùi Thị Xuân đau đầu, “Chúng tôi thường xuyên tuần tra, nhắc nhở trong khung giờ 8 giờ sáng và 11 giờ trưa, tuyệt đối không cho bày bàn ghế, xe máy sai quy định trên các tuyến phố.

Tuy nhiên, khi vắng mặt các lực lượng chức năng thì các hộ kinh doanh lại sẵn sàng vi phạm” – một vị đại diện UBND phường Bùi Thị Xuân than thở.

Aha khiến vỉa hè không còn tồn tại.

Tại phường Ngọc Khánh, ông Nguyễn Ngọc Chiến - Phó chủ tịch UBND phường Giảng Võ cho biết: “UBND cùng lực lượng Công an phường thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các trường hợp vi phạm trên địa bàn, không chỉ riêng quán cà phê Aha. Nhưng khi nào vắng lực lượng chức năng, tình trạng trên lại tái diễn”.

Quán cà phê Aha 101C6 Giảng Võ dù trước đó đã bị xử phạt hành chính tới 2 lần nhưng rồi lại nhanh chóng đâu hoàn đấy. Theo ghi nhận của PV, chỉ cần không có mặt lực lượng chức năng, vỉa hè sẽ ngay lập tức bị chiếm dụng để bày bàn ghế, đẩy người đi bộ xuống lòng đường.

Đây chỉ là vài ví dụ nhỏ trong số những vi phạm dày đặc của các cửa hàng thuộc chuỗi cà phê Aha, theo ghi nhận của PV, tại gần như tất cả các địa điểm mà Aha có mặt, không có một diện tích vỉa hè nào được “yên vị”, điều này cho thấy có sự cố tình vi phạm, bất chấp nỗ lực của cơ quan chức năng trong cuộc chiến dành vỉa hè cho người đi bộ, có lẽ đã đến lúc UBND TP. Hà Nội phải có biện pháp cứng rắn hơn đối với chuỗi cà phê bắt đầu “tai tiếng” này.

Trong cuộc tìm hiểu thông tin về cà phê Aha, với vai trò một khách hàng cần nhượng quyền thương hiệu từ Aha, PV đã có cuộc trao đổi với một vị Giám đốc của Aha, nội dung cuộc trao đổi này cho thấy dù nhận thức khá rõ ràng về vi phạm không gian vỉa hè của các cửa hàng nhưng trước khối lợi nhuận có thể mang về, vị Giám đốc này có xu hướng hướng dẫn PV tránh né cơ quan chức năng hơn là cải thiện những sai sót.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ gửi đến bạn đọc nội dung cuộc trò chuyện này trong bài viết tiếp theo.

Bạn đang đọc bài viết Hàng loạt vỉa hè bị chiếm dụng vì 'luật ngầm' của chuỗi Aha cà phê?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...