Thứ sáu, 26/04/2024 17:46 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 9/12/2019

MTĐT -  Thứ hai, 09/12/2019 09:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 9/12/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 9/12/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp.

Khởi công dự án khu công nghiệp tại Tây Nguyên

Sáng 8/12, UBND tỉnh Gia Lai và Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam khởi công dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Nam Pleiku (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai).

Dự án do Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê thuộc Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam làm chủ đầu tư.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành mong muốn, Khu công nghiệp Nam Pleiku sẽ là tiêu điểm cho các nhà đầu tư đến đầu tư tại tỉnh Gia Lai, đặc biệt là chế biến các sản phẩm nông nghiệp.

Ông Võ Ngọc Thành đề nghị, Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam chỉ đạo Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, để Khu công nghiệp Nam Pleiku có thể đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.

Ngược lại, tỉnh Gia Lai cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho các nhà đầu tư kinh doanh tại Khu công nghiệp Nam Pleiku nói riêng và trên toàn tỉnh nói chung.

Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê, ông Phạm Duy Muôn cho biết, Khu công nghiệp Nam Pleiku thực hiện đúng chiến lược phát triển của Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam hứa hẹn sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư chế biến các mặt hàng địa phương có thế mạnh như: nông, lâm sản; sản xuất nguyên liệu sinh học; chế biến thực phẩm, công nghiệp tiêu dùng…

Các đại biểu ấn nút khởi công dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Nam Pleiku. Ảnh: Dư Toán – TTXVN 

Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Gia Lai theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương và các tỉnh lân cận.

Dự án Khu công nghiệp Nam Pleiku, tỉnh Gia Lai có vị trí chiến lược quan trọng, nằm trên Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) đi xuyên qua các tỉnh Tây Nguyên, trên trục nối với Quốc lộ 19 kết nối các tỉnh của Campuchia – Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung, gần Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (Gia Lai) và Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (Kon Tum) tiếp giáp với Campuchia và Lào.

Khu công nghiệp Nam Pleiku cách trung tâm thành phố Pleiku 18km, Cảng hàng không Pleiku 23km, cách thành phố Kon Tum 65km, thành phố Buôn Mê Thuột khoảng 160km, đến Cảng Quy Nhơn gần 170km nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thông thương hàng hóa.

Tại buổi lễ, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai và Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê trao biên bản ghi nhớ đầu tư cho 6 nhà đầu tư đăng ký các dự án đầu tư tại Khu công nghiệp Nam Pleiku với tổng diện tích đăng ký gần 75 ha, đạt 55% diện tích kinh doanh.

Khu công nghiệp Nam Pleiku, tỉnh Gia Lai được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 tại công văn số 1808/TTg-KTN ngày 13/10/2016 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1118/QĐ-TTg ngày 09/9/2019.

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Nam Pleiku có quy mô khu công nghiệp trên 190 ha, với tổng vốn đầu tư trên 517 tỷ đồng.

Thời hạn thực hiện của dự án là 50 năm kể từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư. Dự kiến vừa đầu tư xây dựng hạ tầng trong năm đầu tiên và tiến hành cho thuê hạ tầng ở năm kế tiếp. Thời gian lấp đầy khu công nghiệp trong 5 năm, bắt đầu cho thuê từ năm 2022 đến năm 2025.

Tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Nam Pleiku dự kiến trong 4 năm (2020 – 2024), bao gồm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện vào quý I/2020, xây dựng hạ tầng trên diện tích 124,46 ha, kết thúc vào cuối quý IV/2022; Giai đoạn 2 thực hiện vào quý I/2023, xây dựng hạ tầng trên diện tích 67,09 ha còn lại, kết thúc vào cuối quý III/2024, chính thức đưa vào kinh doanh hạ tầng hai giai đoạn đầu tư.

Xúc tiến xây cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để 'cứu' quốc lộ 51

Trước tình trạng tắc nghẽn quốc lộ 51, Phó thủ tướng yêu cầu các ngành chức năng đề xuất hình thức đầu tư để sớm xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Kế hoạch xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vừa được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề cập trong chỉ đạo gửi Bộ GTVT, chính quyền địa phương và các ngành chức năng.

Cụ thể, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và các bộ ngành căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư PPP và đầu tư công để đề xuất hình thức đầu tư, bảo đảm tính khả thi và đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng trong tháng 12.

Quốc lộ 51 ùn tắc trong sáng mùng 4 Tết vì dòng người đổ về biển Vũng Tàu. Ảnh: Lê Quân.

Trước đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai và các Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đã đề nghị giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lập báo cáo khả thi dự án này.

Chính quyền địa phương cho biết tình trạng kẹt xe trên quốc lộ 51 gia tăng đã tạo rào cản phát triển kinh tế, đặc biệt là việc thu hút hàng hóa vào Cảng Cái Mép - Thị Vải. Tắc nghẽn giao thông cũng cản trở khách du lịch từ các tỉnh đến biển Vũng Tàu.
Với những bức xúc nêu trên, dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được nhiều người dân mong đợi.

TP HCM kiến nghị vay lại 23.931 tỷ đồng để 'chạy' Metro số 1

Tại kỳ họp thứ 17, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX khai mạc ngày 7/12, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có Tờ trình về xin chủ trương vay lại 114,34 tỷ Yên, tương đương 23.931 tỷ đồng nguồn vốn vay nước ngoài (ODA) của Chính phủ để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên.

Dự án tuyến metro Số 1 (dài gần 20 km) được UBND TP HCM phê duyệt từ năm 2007 với tổng mức đầu tư 17.400 tỷ đồng, đến năm 2010 được phê duyệt lại trên cơ sở điều chỉnh thiết kế cộng với sự thay đổi tỷ giá đồng yen Nhật, nâng tổng mức đầu tư là 43.757 tỷ đồng; trong đó, vốn vay ODA là 38.265 tỷ đồng và vốn đối ứng 5.491 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm khoản ODA vay lại 114,34 tỷ Yên, tương đương 23.931 tỷ đồng.

Từ năm 2017 tới nay, thành phố đã tạm ứng 3 lần cho dự án metro Số 1 với tổng số tiền khoảng 5.000 tỷ đồng để trả cho các nhà thầu nhưng chưa được hoàn lại vì còn một số thủ tục chưa xong. UBND TP HCM đang thực hiện các thủ tục pháp lý để điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án nên chưa đủ điều kiện được bố trí vốn từ ngân sách Trung ương.

Theo dự kiến, dự án hoàn thành năm 2017 và đưa vào khai thác năm 2018. Tuy nhiên, do chậm giải phóng mặt bằng và phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành tích hợp các tuyến metro Số: 1, 2, 3a, 4 nên thời gian lùi tới năm 2020. Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP HCM lại điều chỉnh thời gian đưa công trình vào khai thác là quý 4/2021.

Theo dự thảo phương án bội chi và vay, trả nợ của ngân sách địa phương năm 2020 do Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt, dự kiến hạn mức dư nợ và mức vay của ngân sách Thành phố trong năm 2020 như sau: mức dư nợ vay tối đa của ngân sách Thành phố là 67.939 tỷ đồng; tổng mức vay của Thành phố là 14.190 tỷ đồng (đã bao gồm vốn vay của dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên).

Dự kiến, mức dư nợ của ngân sách Thành phố đến ngày 31/12/2020 là 31.155 tỷ đồng, mức dư nợ trên đảm bảo trong giới hạn cho phép của Nghị quyết số 54 của Quốc hội.

Tuy nhiên, với tỷ lệ điều tiết thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp hiện nay là 18% và mức dư nợ cho vay của Thành phố thì dự kiến mức dư nợ giai đoạn 2024-2025 sẽ vượt hạn mức cho phép.

Để đảm bảo mức dư nợ giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố trong hạn mức cho phép, đủ điều kiện triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, UBND Thành phố đề xuất 3 phương án.

Thứ nhất, kiến nghị áp dụng mức dư nợ vay theo Nghị quyết 54 của Quốc hội trong cả giai đoạn 2021-2025, tức tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp (với tỷ lệ điều tiết thu ngân sách được hưởng theo phân cấp là 18%).

Phương án 2, UBND Thành phố kiến nghị điều chỉnh tỷ lệ điều tiết thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, từ 18% (giai đoạn 2018 – 2020), giai đoạn 2021 - 2025 tăng lên với tỷ lệ điều tiết là 24% và giai đoạn 2026 – 2030 tỷ lệ điều tiết là 33%.

Phương án 3, UBND Thành phố sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét quyết định trong trường hợp không đủ hạn mức vay lại.

Trong trường hợp các phương án nêu trên không được Trung ương xem xét, chấp thuận và mức dư nợ của Thành phố không đảm bảo trong hạn mức cho phép theo quy định, UBND Thành phố báo cáo Chính phủ để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội quyết định, đáp ứng nhu cầu vay lại của Thành phố.

Về tình hình ký kết các Hiệp định vay, UBND TP cho biết đến nay. Dự án đã ký 3 Hiệp định vay giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản và dự kiến ký Hiệp định vay thứ tư trong năm 2020.

Cụ thể, Hiệp định vay VNXIV-3: Khoản vay có hạn mức tín dụng là 18.008 triệu Yên, thực hiện cấp phát toàn bộ.

Hiệp định vay VN11-P7: Khoản vay có hạn mức tín dụng 44.302 triệu Yên, trong đó vay lại là 7.358 triệu Yên và cấp phát lại 36.944 triệu Yên. Bộ Tài chính và UBND TP chưa ký Hợp đồng vay lại đối với Hiệp định vay này.

Hiệp định vay thứ 4 dự kiến khoản vay có hạn mức tín dụng 32.691 triệu Yên, thực hiện vay lại toàn bộ.

Đồng Tháp: Hơn 1.200 tỷ đồng xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Tân Kiều

Khu công nghiệp Tân Kiều. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Dự án được đầu tư để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp khác đầu tư trong Khu công nghiệp. Tỉnh ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, thiết bị hiện đại; dự án sử dụng nhiều lao động, góp phần giải quyết nhu cầu việc làm của địa phương.

Tổng mức đầu tư của Dự án là 1.266 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (chủ đầu tư Dự án thành phần 1 - Ban Quản lý Khu kinh tế Đồng Tháp) là 476,26 tỷ đồng (gồm: vốn ngân sách trung ương là 90 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 386,26 tỷ đồng); vốn của chủ đầu tư Dự án thành phần 2 - Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp là 789,915 tỷ đồng.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 9/12/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mở rộng thêm 94 km2 tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Vào năm 2025, Thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận sẽ mở rộng lên diện tích 305 km2, đồng thời dân số của thành phố dự kiến sẽ vượt qua con số 334.000 người, sau khi thực hiện quá trình sáp nhập một phần của huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc...

Tin mới