Thứ năm, 28/03/2024 19:50 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 8/9/2019

MTĐT -  Chủ nhật, 08/09/2019 10:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 8/9/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 8/9/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Khánh thành nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á

Ngày 7/9, tại tỉnh Tây Ninh, Công ty cổ phần Năng lượng Dầu Tiếng đã tổ chức khánh thành cụm Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng DT1 và DT2 có quy mô lớn nhất Đông Nam Á.

Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; cùng lãnh đạo các tỉnh Bình Dương, Kiên Giang, Bình Định…

Quang cảnh lễ khánh thành cụm Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng DT1 và DT2. Ảnh: VTV

Đây là dự án hợp tác đầu tư giữa Công ty TNHH Xuân Cầu (Việt Nam) và Công ty TNHH B. Grimm Power Public (Thái Lan). Tổng mức đầu tư dự án khoảng 9.100 tỷ đồng, được xây dựng trên vùng đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng diện tích 504ha, công suất lắp đặt 420MW. Cụm nhà máy điện mặt trời khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 688 triệu kWh/năm.

Không để các trường học ở TPHCM là điểm gây ùn tắc, mất ATGT

Năm học 2019– 2020 chính thức bắt đầu và các điểm trường học trên địa bàn TPHCM lại trở thành những nơi có khả năng ùn tắc giao thông, nguy cơ gây tai nạn giao thông. Hiện các ngành chức năng của TP đang triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này, đảm bảo an toàn giao thông cho các em học sinh.

Cổng trường THCS Lê Quý Đôn, đường Võ Văn Tần, quận 3 vào giờ tan trường, các học sinh nhanh chóng lên xe phụ huynh đang chờ sẵn để về nhà. Một số nhóm thì đi bộ thong thả trên vỉa hè hoặc ngồi chờ phụ huynh đến đón và tỏ ra an tâm về độ an toàn. Đó là nhờ tại khu vực trên, ngành giao thông đã bố trí một rào chắn bằng thép cao khoảng 1m, cách ly hẳn lòng đường với vỉa hè. Vì thế, ở đoạn này, các phương tiện, nhất là xe máy không thể leo lên lề và hiện tượng bán hàng rong cũng giảm hẳn.

Em Tuấn Anh, học sinh lớp 9 trường THCS Lê Quý Đôn nói: “Dạ thấy việc làm hàng rào rất có ích, an toàn. Tại lỡ mấy xe, mấy người đi ngoài đường lỡ tông vào đây nữa”.
Với các phụ huynh, việc có hàng rào bảo vệ này giúp họ yên tâm hơn khi con cái đi học. Cả việc dừng xe chờ con trên vỉa hè cũng an toàn hơn. Chị Minh Thu, một phụ huynh chia sẻ: “Làm rào chắn an toàn cho các học sinh trong trường ra chứ xe lỡ dưới đường quẹo lên thì tội cho các em vì không an toàn”.

Phụ huynh đưa đón con em cũng an tâm hơn.

Mô hình làm rào chắn này được làm theo hình thức xã hội hóa, do chính địa phương và nhà trường đứng ra vận động đóng góp. Sở GT-VT TP HCM đang đánh giá hiệu quả mô hình để nhân rộng ở các đoạn vỉa hè có điểm trường khác. Còn với những trường có cơ sở vật chất và hàng lang vỉa hè không đủ rộng để thực hiện giải pháp trên thì Sở và các ban ngành liên quan dùng giải pháp tăng cường tuyên truyền, nêu cao ý thức của học sinh, phụ huynh. Ngoài ra, các trường cũng nhờ đến sự hỗ trợ, giúp đỡ của lực lượng cảnh sát giao thông, dân quân…để đảm bảo an toàn giao thông, nhất là vào giờ tan trường.

Thầy Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang, quận 5 nói: “Với học sinh thì thường xuyên nhắc nhở và làm một cam kết với phụ huynh phải đảm bảo thực hiện theo hướng dẫn của giáo viên, nhân viên nhà trường và địa phương hướng dẫn thực hiện. Cũng có trường hợp phụ huynh không chấp hành theo hướng dẫn thì nhà trường cũng nhờ các em học sinh nói lại với phụ huynh để đảm bảo an toàn chung cho học sinh”.

Để đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tốc độ lưu thông qua các điểm trường trên địa bàn TP, trong 8 tháng năm 2019, Sở GT-VT TP đã duy tu đảm bảo mặt đường ở 11 vị trí; duy tu, sửa chữa báo hiệu giao thông ở 30 vị trí; bổ sung đèn chớp vàng 15 vị trí, lắp đặt đèn tín hiệu giao thông ở 2 vị trí và tôn cao mặt đường tại vạch đi bộ ở 19 vị trí. Nhờ đó, tất cả các khu vực trường học có đường giao thông đi qua đều được lắp đặt đầy đủ hệ thống báo hiệu gồm: biển báo Trẻ em, Đi chậm, sơn vạch đi bộ...

Tuy nhiên, theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông, Sở GT-VT, hiện vẫn còn một số khó khăn trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại khu vực trường học như: tình trạng dừng đậu xe, lấn chiếm lòng lề đường để mua bán hàng rong; thiếu lực lượng điều tiết, nhiều trường không bố trí khu vực riêng trong khuôn viên dành cho phụ huynh đưa đón con em, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông bên ngoài…

Từ tháng 4 năm nay, Ban An toàn giao thông TP đã kết hợp với Sở GT-VT, Sở Giáo dục– Đào tạo ban hành Kế hoạch về phối hợp thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực trường học trên địa bàn, tập trung vào 3 nhóm giải pháp. Đó là tăng cường hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu; đẩy mạnh công tác đưa rước học sinh bằng phương tiện xe buýt và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP HCM đề nghị "trường học tăng cường nhắc nhở PHHS khi tham gia giao thông, chở con em đến trường cần phải chú ý gì? Đặc biệt yêu cầu các trường chủ động phối hợp với địa phương để phối hợp lập lại trật tự ở trước cổng trường, nhất là tình trạng mua bán hàng rong, tổ chức sắp xếp lại để đảm bảo an toàn”.

Đảm bảo an toàn giao thông ngay tại các điểm trường không chỉ là giải pháp để giảm ùn tắc giao thông mà còn là trách nhiệm của xã hội để trường học là nơi an toàn đối với các em học sinh. Đây là nhiệm vụ không chỉ của riêng sở, ngành nào mà cần có sự chung tay của các cơ quan chức năng và cả ý thức của chính các em học sinh và phụ huynh./.

Di dời 7 hộ dân ra khỏi khu vực bờ sông sạt lở nghiêm trọng

Do ảnh hưởng của mưa lũ, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở dọc bờ sông Gianh gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân. Chính quyền địa phương đã lên phương án khẩn trương di dời 7 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Bờ sông đã sạt lở đến sát nhà dân

Tại xóm Kinh Trừng, thôn Đức Phú 1, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), do ảnh hưởng của mưa lũ, bờ sông Gianh đã xuất hiện vết nứt kéo dài hơn 100m uy hiếp nhiều hộ dân. Bờ sông ở đây cũng đã bị sạt lở vào đến chân cầu thang nhà dân, nhiều điểm đất đã sụt xuống sông đến 20m. Điều này đang khiến nhiều ngôi nhà của người dân bị “treo” lơ lửng, nguy cơ đổ sập xuống lòng sông bất cứ lúc nào.

Hiện khu vực này có 7 hộ gia đình đang sinh sống, vùng sạt lở ngày một lớn hơn nên chính quyền địa phương đã khẩn trương di dời những hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

“Hiện khu vực sạt lở có điểm đã sụt xuống bờ sông 3m, có khu vực đất sụt xuống sông đến 20m. Để đảm bảo an toàn, chúng tôi đã đưa những hộ dân này di chuyển đến khu vực an toàn, đồng thời vận chuyển tài sản ra khỏi khu vực sạt lở”, ông Võ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Đức Hóa nói.

Được biết xóm Kinh Trừng, thôn Đức Phú 1 có 86 hộ, 336 khẩu. Bờ sông cứ mỗi năm lở thêm một ít khiến người dân hết sức lo lắng. Một số hộ dân ở đây cũng cho biết, trước đã từng có dự án xây kè bờ sông được lập cho cả xóm Kinh Trừng và thôn Đức Phú 2, thế nhưng không hiểu sao chỉ xây được gần 200m ở phía đầu làng rồi dừng lại.

Ông Mai Tân, một người dân tại xóm Kinh Trừng cho biết, trước đến ở đây ông xây nhà cách bờ sông chừng 30m, thế nhưng bây giờ bờ sông đã vào tận móng nhà. “Hồi trước giải phóng mặt bằng toàn tuyến, chúng tôi nhận tiền đền bù hết rồi, họ đưa máy móc, phương tiện đến phá hết cây cối dọc bờ sông để làm kè nhưng nay lại dừng lại không làm nên nước xói càng mạnh hơn. Cứ đà này thì chúng tôi chẳng còn đất mà ở”, ông Tân lo lắng.

Mặc dù tình trạng sạt lở ngày một nghiêm trọng, đặc biệt là trong mưa lũ, thế nhưng điều kiện kinh tế ở Kinh Trừng còn khó khăn, người dân muốn di dời đi chỗ khác cũng không có tiền mua đất, làm nhà.

Nguyện vọng của hàng chục hộ dân tại xóm Kinh Trừng là mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm, cho xây kè chống xói lở để người dân an cư lạc nghiệp.

Cây cầu 3000 tỷ ở Hà Nam đã được chiếu sáng trở lại

Sau khi Báo Giao thông đăng bài bài "Cây cầu gần 3.000 tỷ mất an toàn vì đèn chiếu sáng hoạt động nửa vời", phản ánh về tình trạng hệ thống điện chiếu sáng trên cầu Hưng Hà, địa phận tỉnh Hà Nam không được chiếu sáng, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT rất cao, ngày 8/9, UBND huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam cho biết đã ký hợp đồng với đơn vị quản lý duy trì hệ thống điện chiếu sáng tại nút giao và khu vực cầu Hưng Hà. Đồng thời, vận hành trở lại hệ thống điện chiếu sáng trên khu vực cầu Hưng Hà'

Sáng ngày 8/9, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Xí nghiệp quản lý cầu Hưng Hà và đường nối dài 2 cao tốc (Công ty cổ phần đầu tư và XDCT Bắc Nam) cho biết: “Hệ thống đèn chiếu sáng của cầu Hưng Hà phía tỉnh Hà Nam được vận hành lại bình thường, cây cầu đã được thắp sáng trở lại từ tối 7/9"

Xác nhận thông tin trên, ông Nguyễn Trọng Tình - Phó Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Lý Nhân, cho biết: "Hiện tại việc vận hành hệ thống đèn chiếu sáng tại nút giao và trên Cầu Hưng Hà đã trở lại bình thường từ ngày 7/9. Ngày 1/9, UBND huyện đã tiến hành ký hợp đồng với công ty TNHH Xây Dựng Tùng Ngọc (có trụ sở tại xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân) để quản lý duy trì hệ thống điện chiếu sáng tại nút giao và khu vực cầu Hưng Hà. Đây là lần đầu tiên huyện Lý Nhân quản lý theo mô hình này, vốn tỉnh thì vẫn chưa có, hiện nay vẫn đang ứng ngân sách của huyện để phục vụ việc đóng điện”

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 8/9/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.