Thứ bảy, 20/04/2024 14:37 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 7/9/2019

MTĐT -  Thứ bảy, 07/09/2019 09:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 7/9/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 7/9/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Bộ Giao thông đề nghị bố trí sớm 22 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư xây cầu Rạch Miễu 2

Bộ GTVT vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xin bố trí vốn chuẩn bị đầu tư - Dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, để kịp thời khắc phục tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên, nghiêm trọng, mất an toàn giao thông trên Quốc lộ 60 đoạn qua cầu Rạch Miễu hiện hữu, vào tháng 6/2019, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hình thức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2, trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư Dự án bằng nguồn vốn đầu tư công trong nước và bố trí vốn cho dự án từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để Bộ GTVT triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản trả lời Bộ GTVT về hình thức đầu tư Dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ GTVT phối hợp với các cơ quan liên quan sớm đẩy nhanh các thủ tục đầu tư Dự án bằng nguồn vốn đầu tư công trong nước theo đúng quy định hiện hành.

Cầu Rạch Miễu 1 được đưa vào khai thác từ năm 2009 thường xuyên bị ùn tắc giao thông vào những dịp cuối tuần.

Để có đủ điều kiện bố trí vốn thực hiện đầu tư xây dựng dự án theo quy định, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bố trí 22 tỷ đồng từ nguồn dự phòng 10% của bộ này để triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư dự án. “Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ GTVT sẽ khẩn trương thực hiện các thủ tục đầu tư theo đúng quy định hiện hành”, Bộ trưởng Thể cho biết.

Trước đó, vào tháng 5/2019, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư Dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre trên QL60 bằng nguồn vốn đầu tư công trong nước với tổng mức đầu tư khoảng 4.662 tỷ đồng. Với phương án này, Bộ GTVT cho biết là có thể rút ngắn được thời gian chuẩn bị đầu tư, chủ động trong việc bố trí vốn nên có thể hoàn thành công trình vào năm 2024.

Cầu Rạch Miễu 2 từng được nghiên cứu đầu tư theo hình thức PPP. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu cho thấy, việc đầu tư dự án theo hình thức PPP tại thời điểm hiện nay là khó khả thi, nguyên nhân trong phạm vi tổng chiều dài tuyến 115km của tuyến QL60 đang được nghiên cứu Dự án, có các Dự án BOT đã và đang triển khai thực hiện như: Dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre (hoàn thành năm 2009) có trạm thu phí tại Km4+617 và đang triển khai giai đoạn 2 của Dự án này để mở rộng 4 đoạn tuyến QL60 nối từ cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2019 và kết thúc thời gian thu phí vào năm 2034; Dự án đầu tư xây dựng cầu Cổ Chiên nối hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh (hoàn thành năm 2015) có trạm thu phí đặt tại Km44+267, kết thúc thời gian thu phí năm 2027. Hiện nay, hai trạm thu phí nêu trên cách nhau khoảng 40km.

Do Dự án có kinh phí đầu tư lớn, nên mặc dù Bộ GTVT và UBND tỉnh Bến Tre đã phối hợp kêu gọi Nhà đầu tư nhưng các Nhà đầu tư bao gồm cả Nhà đầu tư đang triển khai Dự án xây dựng cầu Rạch Miễu đều từ chối thực hiện do mức độ rủi ro cao, phương án tài chính không khả thi; có Nhà đầu tư quan tâm nhưng phương án đề xuất không phù hợp quy định pháp luật.

TP Hồ Chí Minh: Chung cư 440 Trần Hưng Đạo nứt toác sắp sập, di dời khẩn cấp người dân

Chung cư 440 Trần Hưng Đạo nứt toác, được đánh giá cực kỳ nguy hiểm, cần phải khẩn cấp tháo dỡ và di dời những hộ dân đang sinh tại đây đến tạm cư tại cao ốc An Phú, số 961 Hậu Giang (quận 6).

Chung cư 440 Trần Hưng Đạo (đường Trần Hưng Đạo, phường 11, quận 5, TP Hồ Chí Minh) có quy mô gồm 1 trệt, 1 lửng, 2 lầu, sân thượng và mái bê tông cốt thép. Chung cư này được xây dựng trước năm 1975, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn là nơi cư trú của 32 hộ gia đình.

Đánh giá trước đó của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh nhận định, mặc dù nhìn kết cấu bên ngoài chung cư thì có cảm giác chắc chắn, hiện trạng bên trong và tổng thể đang nguy hiểm, khả năng sụt lún rất cao.

Chung cư xuống cấp.

Cụ thể, Sở Xây dựng TP đánh giá mức độ nguy hiểm là nhà cấp D, tức là khả năng chịu lực của kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, có khả năng đổ sập bất cứ lúc nào, nguy hiểm đến tính mạng người dân, cần phá dỡ khẩn cấp theo quy định.

Để giải quyết tình hình trước mắt, mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định giao UBND quận 5 lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ dân di dời khẩn cấp tại chung cư số 440 Trần Hưng Đạo, phường 11.

Các hộ dân này sẽ đến tạm cư tại cao ốc An Phú, số 961 Hậu Giang, quận 6 để tháo dỡ chung cư số 440 Trần Hưng Đạo và đảm bảo an toàn tính mạng người dân. Đây là chung cư thuộc loại hư hỏng nặng, nguy hiểm.

Đồng thời, UBND TP Hồ Chí Minh cũng giao Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 5 chủ động phối hợp với UBND quận 5 sửa chữa các hư hỏng (nếu có), dọn dẹp vệ sinh quỹ nhà 23 căn hộ tại cao ốc An Phú, đảm bảo đủ điều kiện bàn giao cho các hộ dân di dời khẩn cấp tại chung cư số 440 đường Trần Hưng Đạo, quận 5.

Được biết, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu việc giải quyết tạm cư, tái định cư cho người dân phải đảm bảo tính minh bạch, công khai, tránh phát sinh khiếu nại của các hộ dân. Trường hợp có vướng mắc, khó khăn, UBND Quận 5 cần xin ý kiến của Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư TP để xem xét trước khi bố trí sử dụng.

Đồng Nai đề nghị đưa Khu công nghiệp Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch

Việc đưa Khu công nghiệp Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch là yêu cầu bắt buộc để triển khai các bước tiếp theo trong việc chuyển đổi công năng khu công nghiệp này, góp phần bảo vệ môi trường sông Đồng Nai, nơi cung cấp nước cho hàng triệu người dân Đồng Nai, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh.

Khu công nghiệp Biên Hòa nằm sát bên sông Đồng Nai. Ảnh (P.N)

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản số 9622/UBND/ KTNS (ngày 20/8/2019) kiến nghị Chính phủ đưa Khu công nghiệp Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch khu công nghiệp của nước ta; đồng thời xin chủ trương cho đấu giá toàn bộ hơn 300 hécta đất tại khu công nghiệp này.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, việc đưa Khu công nghiệp Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch là yêu cầu bắt buộc để triển khai các bước tiếp theo trong việc chuyển đổi công năng khu công nghiệp này, góp phần bảo vệ môi trường sông Đồng Nai, nơi cung cấp nước cho hàng triệu người dân Đồng Nai, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến, sau khi các doanh nghiệp dời đi, tỉnh sẽ tiến hành đấu giá đất, nơi đây sẽ trở thành khu đô thị, thương mại, dịch vụ và trung tâm hành chính của Đồng Nai.

Khu công nghiệp Biên Hoà 1 có diện tích hơn 300 hécta, được xây dựng năm 1963 – đây là khu công nghiệp lâu đời nhất nước ta. Hiện KCN Biên Hòa 1 có 82 doanh nghiệp đang thuê đất, trong đó có 63 doanh nghiệp có thời hạn thuê đất kéo dài đến năm 2051, 5 doanh nghiệp đến năm 2021 sẽ hết hạn hợp đồng thuê đất và 14 doanh nghiệp đã dừng hoạt động, đang cho đơn vị khác thuê lại đất làm kho bãi, nhà xưởng.

Mỗi ngày, các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây xả hơn 9.000 m3 nước thải; trong đó có khoảng 1.000 m3 được đấu nối qua Khu công nghiệp Biên Hòa II để xử lý, phần còn lại các doanh nghiệp tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai.

Được biết, Đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 đã kéo dài 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được do việc di dời chưa thống nhất được giá bồi thường, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đã thuê đất trong KCN. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện hồ sơ chuyển đổi công năng gặp một số vướng mắc chưa tháo gỡ được. Theo tính toán ban đầu, để thực hiện dự án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 phải cần nguồn vốn hơn 15 ngàn tỷ đồng.

Hơn 2.500 tỷ mở rộng gấp đôi cầu Vĩnh Tuy

Cầu Vĩnh Tuy mới sẽ được đầu tư công với tổng vốn 2.561 tỷ đồng, đặt liền kề với cầu cũ, biến tổng chiều rộng mặt cầu từ 19 m lên 38 m.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa chỉ đạo Bộ KH&ĐT chủ trì, thẩm định Báo cáo tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và Dự án kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với vành đai 3.

Vòng xuyến cầu Vĩnh Tuy.

"Trên cơ sở thẩm định, UBND Hà Nội hoàn chỉnh báo cáo tiền khả thi của 2 dự án, trình Thủ tướng theo đúng quy định về đầu tư công", Phó thủ tướng yêu cầu.

Theo thiết kế ban đầu, cầu Vĩnh Tuy có chiều rộng 38 m, dài 5,8 km, trong đó phần vượt sông dài 3,7 km, đường dẫn hai đầu 1,68 km. Do thiếu vốn, dự án mới hoàn thành giai đoạn 1 với mặt cầu rộng 19 m. Sắp tới cầu sẽ được mở rộng gấp đôi bằng cách xây một cầu khác có kết cấu tương tự chạy song song, cách mép cầu cũ 2 m.

Cầu Vĩnh Tuy mới sẽ không mất chi phí giải phóng mặt bằng do đã hoàn thành ở giai đoạn 1. Dự kiến vào quý III/2020, Hà Nội sẽ lựa chọn nhà thầu, thi công trong hơn 1 năm để hoàn thành vào tháng 12/2022.

Theo hợp đồng BT trước đó, Hà Nội dự kiến sử dụng quỹ đất có diện tích 440 ha trên địa bàn quận Long Biên và xã Đông Dư, huyện Gia Lâm (khoảng 320 ha) và phân khu đô thị sông Hồng đang quy hoạch để thanh toán cho dự án.

Tuy nhiên, khi dự án BT phải tạm dừng chờ Chính phủ ban hành Nghị định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư, nhà đầu tư BT là Công ty Him Lam đã xin dừng triển khai dự án.

Để giải quyết vướng mắc, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đã thông qua chủ trương chuyển dự án cầu Vĩnh Tuy mới sang đầu tư công với tổng vốn đầu tư 2.561 tỷ đồng.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 7/9/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ