Thứ sáu, 26/04/2024 17:53 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 5/4/2020

MTĐT -  Chủ nhật, 05/04/2020 07:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 5/4/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 5/4/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Xem xét bổ sung 2 làn đường vào cao tốc TP HCM - Long Thành

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, việc bổ sung thêm 2 làn xe sẽ giúp giảm tải áp lực giao thông tại khu vực nút giao An Phú đoạn dẫn lên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Sở GTVT TP HCM vừa thông báo về việc xem xét, bổ sung thêm làn đường dành cho xe dừng chờ rẽ trái từ đường Mai Chí Thọ (quận 2) đi đường dẫn cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Qua kiểm tra thực tế tình hình giao thông tại nút giao thông An Phú, đường Mai Chí Thọ, quận 2, đơn vị này ghi nhận tần suất các phương tiện qua lại dày đặc, giao thông rất phức tạp.

Xem xét bổ sung 2 làn đường vào cao tốc TP HCM - Long Thành

Phương án bổ sung thêm 2 làn xe vào cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được Sở GTVT TP HCM đề xuất.

Trong đó, lượng xe đi từ đường Mai Chí Thọ lưu thông vào đường dẫn lên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây rất lớn mà phạm vi làn chờ rẽ trái hiện hữu không đủ khiến các phương tiện phải xếp hàng chờ kéo dài hoặc lấn qua làn đường. Hậu quả là khu vực trên thường xuyên xảy ra ùn tắc, ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện.

Để giải quyết tình trạng giao thông trước mắt, trong thời gian chờ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh dự án nút giao thông An Phú, Sở GTVT đã giao Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị phối hợp với các đơn vị có liên quan để nghiên cứu khảo sát hiện trạng, lập phương án mở rộng thêm 2 làn xe rẽ trái (phía dải đất trống giữa tuyến Mai Chí Thọ), ưu tiên sử dụng nguồn vốn bảo dưỡng thường xuyên và đầu tư theo từng đoạn.

Sở GTVT cũng được giao nhiệm vụ căn cứ vào phương án thiết kế sơ bộ cầu vượt rẽ trái từ đường Mai Chí Thọ đi đường dẫn cao tốc (thuộc dự án Xây dựng nút giao thông An Phú, quận 2 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư) để nghiên cứu phạm vi phù hợp và sử dụng lại khi công trình cầu vượt rẽ trái từ đường Mai Chí Thọ đi đường dẫn cao tốc này được đầu tư xây dựng.

Taxi tạm dừng đón khách tại sân bay Nội Bài

Sở GTVT Hà Nội vừa có công văn hỏa tốc gửi cảng hàng không quốc tế Nội Bài về việc tạm dừng hoạt động taxi giải tỏa hành khách 1 chiều từ sân bay về trung tâm thành phố từ ngày 3/4.

Sở GTVT Hà Nội đề nghị cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các hãng taxi chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ cho đến khi có chỉ đạo mới.

Taxi dừng hoạt động đón trả khách tại sân bay Nội Bài 

Ngay khi nhận được công văn của Sở GTVT Hà Nội, hôm nay, cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã thông báo tạm dừng khai thác hoạt động liên quan đến các phương tiện taxi tại sân bay.

Các doanh nghiệp taxi phải tạm dừng đón khách từ sân bay Nội Bài. Hành khách cần chủ động phương tiện đón từ sân bay, tránh việc hạ cánh mà không có phương tiện để di chuyển.

Trước đó, Sở GTVT Hà Nội có văn bản cho phép taxi được hoạt động 1 chiều từ sân bay Nội Bài, ga Hà Nội về các điểm ở Hà Nội. Văn bản này nay không còn hiệu lực sau khi có công văn hỏa tốc hôm qua.

Cao Bằng thành lập 24 chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid-19

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Cao Bằng về việc thành lập các chốt kiểm tra, giám sát phòng ngừa dịch bệnh lây lan, các huyện, thành phố đã triển khai 24 chốt kiểm soát tại tất cả các trục quốc lộ, tỉnh lộ dẫn vào tỉnh, các tuyến đường từ thành phố Cao Bằng đến các huyện trong tỉnh và khu vực giáp ranh giữa các huyện như QL3B, QL4, QL34, các tuyến TL204, 206, 207, 209, 2016…

Các chốt có nhiệm vụ là kiểm tra thân nhiệt và việc chấp hành đeo khẩu trang, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch.

Thành phần tham gia các chốt kiểm soát gồm công an, y tế, quân sự, chính quyền địa phương... túc trực 24/24h để đo thân nhiệt, kiểm tra việc chấp hành đeo khẩu trang, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm các quy định của ngành y tế trong thời điểm có dịch bệnh.

Thời điểm này Cao Bằng chưa phát hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ cao do địa phương có đường biên giới hơn 330km với Trung Quốc và lưu lượng người, phương tiện vào tỉnh khá lớn. Chính vì vậy, việc kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào địa phương được người dân đồng tình.

“Tôi thấy dịch Covid-19 đang phát triển và lây lan nhanh nên trên địa bàn tỉnh Cao Bằng lập chốt chặn là rất cần thiết, vì sẽ đảm bảo được an toàn cho mình, đồng thời sẽ bảo vệ cho người thân của mình mỗi khi mình đi xa về”- lái xe Nguyễn Linh Thuận, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, Cao Bằng nói.

Đề xuất bổ sung gần 250 dự án điện gió vào quy hoạch

Cùng với đề xuất này, Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét bổ sung, đẩy sớm các công trình lưới điện truyền tải nhằm giải tỏa công suất các dự án điện gió, tránh tình trạng nhiều dự án năng lượng tái tạo được đầu tư nhưng thiếu lưới truyền tải.

Theo Bộ Công Thương, tính đến ngày 15/3/2020, ngoài các dự án đã được bổ sung quy hoạch, Bộ nhận được đề xuất của các địa phương đề nghị bổ sung quy hoạch gần 250 dự án điện gió. Trong đó, khu vực Bắc Trung Bộ có 3 địa phương (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị) đề nghị bổ sung 51 dự án, tổng công suất 2.919 MW; khu vực duyên hải Nam Trung Bộ có 4 địa phương (Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận) đề nghị bổ sung 10 dự án, tổng công suất 4.193 MW; khu vực Tây Nguyên có 5 địa phương (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) đề nghị bổ sung 91 dự án, tổng công suất là 11.734 MW; khu vực Đông Nam Bộ có 1 địa phương (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị bổ sung 2 dự án, tổng công suất 602,6 MW; khu vực Tây Nam Bộ có 7 địa phương (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) đề nghị bổ sung 94 dự án, tổng công suất 25.541 MW.

Đề xuất bổ sung gần 250 dự án điện gió vào quy hoạch

Một số dự án điển hình được đề nghị bổ sung quy hoạch như: Nhà máy Điện gió Hướng Linh 5, Nhà máy Điện gió Hướng Hiệp 2; Nhà máy Điện gió số 5 Ninh Thuận; Nhà máy Điện gió Hoàng Hải; Trang trại Điện gió B&T…

Đối với các đề xuất trên, Bộ Công Thương cho biết, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, mục tiêu công suất lắp đặt điện gió khoảng 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030. Thủ tướng đã ban hành quyết định về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió tại Việt Nam, Bộ Công Thương cũng có hướng dẫn thực hiện… Hơn nữa, tại Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa ban hành, Bộ Chính trị đưa ra một số chỉ đạo quan trọng nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Trên thực tế, hiện các dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đang chậm tiến độ, nhất là các nguồn nhiệt điện than miền Nam dự kiến hoàn thành vào năm 2018 - 2021 như: Long Phú 1, Sông Hậu I, Sông Hậu II, Long Phú III… “Các tính toán cung cầu cho thấy, có khả năng xảy ra thiếu điện cho hệ thống điện miền Nam, cần thiết phải tính toán bổ sung các nguồn điện mới”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Đề cập về khả năng đáp ứng của hạ tầng hệ thống điện đối với các tỉnh có quy mô công suất điện gió đề nghị bổ sung quy hoạch, Bộ Công Thương cho biết, vẫn còn lo lắng đối với vấn đề này.

Bởi theo kết quả tính toán của Viện Năng lượng thuộc Bộ Công Thương, ở khu vực Nam Trung Bộ, tỉnh Bình Định, Phú Yên đã tập trung đầu tư khá nhiều dự án điện mặt trời và đang đề xuất bổ sung quy hoạch 4 dự án điện gió.

Khu vực này khó có khả năng bổ sung thêm công suất các dự án điện gió bởi lưới điện 220 kV khu vực này khá yếu… Tương tự, tại khu vực Tây Nguyên, kết quả tính toán cũng chỉ ra, trong chế độ vận hành bình thường thì trạm biến áp 500 kV Pleiku 2 và trạm biến áp 500 kV Đắk Nông vận hành đầy tải…

Nhằm giải tỏa công suất gần 250 dự án điện gió đề nghị bổ sung quy hoạch nêu trên, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung, đẩy sớm các công trình lưới điện tuyền tải, hạ tầng kỹ thuật. Đó là nâng công suất trạm biến áp 500 kV Đắk Nông từ 2x450 MVA lên 2x900 MVA; nâng công suất trạm biến áp 500 kV Pleiku 2 từ 2x450 MVA lên 2x900 MVA… Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thành viên khẩn trương thực hiện đầu tư xây dựng các dự án lưới điện đồng bộ để giải tỏa công suất các dự án.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 5/4/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mở rộng thêm 94 km2 tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Vào năm 2025, Thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận sẽ mở rộng lên diện tích 305 km2, đồng thời dân số của thành phố dự kiến sẽ vượt qua con số 334.000 người, sau khi thực hiện quá trình sáp nhập một phần của huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc...

Tin mới