Thứ bảy, 20/04/2024 13:01 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 4/1/2020

MTĐT -  Thứ bảy, 04/01/2020 09:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 4/1/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 4/1/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp

Dự án cao tốc Bắc - Nam: Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ được bố trí nguồn vốn trong tháng 1/2020

Tại buổi làm việc với 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh về công tác gải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cho biết, dự kiến chậm nhất ngày 15/1/2020, nguồn vốn sẽ được cấp về cho các địa phương triển khai xây dựng các khu tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật.
Dự án cao tốc Bắc - Nam: Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ được bố trí nguồn vốn trong tháng 1/2020

Dự án cao tốc Bắc – Nam, đoạn qua tỉnh Nghệ An có 87,84 km đi qua Thị xã Hoàng Mai và các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc và Hưng Nguyên.

Kinh phí giải phóng mặt bằng tổng thể dự kiến là 2.762 tỷ đồng, trong đó đoạn Nghi Sơn –Diễn Châu 1.261 tỷ đồng và Diễn Châu – Bãi Vọt 1.501 tỷ đồng; phê duyệt dự án là 2.191 tỷ đồng.

Sơ đồ dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An.

Đối với huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, đã bồi thường giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp 3 đợt trên địa bàn 3 xã (Yên Hồ, Đức Vĩnh, Đức Thịnh). Diện tích đã thực hiện là 21,05ha/29,78ha, với 334 hộ ảnh hưởng, còn lại 8,73ha chưa bồi thường.

Tại buổi làm việc, 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đều kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm bố trí nguồn vốn để các địa phương có nguồn kinh phí chi trả cho người dân vùng ảnh hưởng.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, vừa qua Bộ đã làm việc với các Vụ liên quan, dự kiến chậm nhất ngày 15/1/2020 nguồn vốn sẽ được cấp về cho các địa phương triển khai xây dựng các khu tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ dự án.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng mong muốn trong năm 2020 Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện tốt các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, phấn đấu đến tháng 7/2020 bắt đầu triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam.

Tại Nghệ An, Thứ trưởng Nguyễn Nhật thông tin thêm, Nghệ An là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về tiến độ giải phóng mặt bằng, chỉ sau tỉnh Ninh Thuận.

Được biết, đến nay cả 6 huyện, thị xã (Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Nghi Lộc, Hưng Nguyên) của tỉnh Nghệ An đã phê duyệt trích lục, trích đo được 84,94km/87,84km, đạt 96,7%kế hoạch. Tổng chiều dài đã giải phóng mặt bằng khoảng 52,5/87,84km, đạt 59,77% kế hoạch.

Toàn tỉnh đã phê duyệt phương án bồi thường được 709,763 tỷ đồng; giải ngân chi trả được 696,5 tỷ đồng. Trong đó, đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu 350 tỷ đồng và đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt 346,5 tỷ đồng.

Lào Cai khởi công xây cầu Móng Sến

Công trình cầu Móng Sến do Công ty cổ phần đầu tư BOT Lào Cai - Sa Pa làm chủ đầu tư thuộc dự án đầu tư xây dựng đường nối đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến Sa Pa theo hình thức Hợp đồng BOT.

Ngày 3/1, tại Km 119 Quốc lộ 4D, nối thị trấn Sa Pa và thành phố Lào Cai, Công ty cổ phần đầu tư BOT Lào Cai - Sa Pa đã tổ chức Lễ khởi công công trình cầu Móng Sến thuộc dự án nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa theo hình thức hợp đồng BOT (loại hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh).

Công trình cầu Móng Sến do Công ty cổ phần đầu tư BOT Lào Cai - Sa Pa làm chủ đầu tư thuộc dự án đầu tư xây dựng đường nối đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến Sa Pa theo hình thức Hợp đồng BOT. Đây là công trình cấp đặc biệt, có chiều cao trụ cầu trên 50m với kinh phí khoảng 450 tỷ đồng.

Đây là công trình có ý nghĩa rất quan trọng đảm bảo quyền lựa chọn của người dân khi tham gia trên tuyến Quốc lộ L4D theo Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đồng thời cũng là hạng mục đảm bảo việc thu phí hoàn vốn cho dự án.

Các đại biểu thực hiện nghi thức lễ khởi công dự án. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai khẳng định, việc khởi công và sớm đưa công trình vào khai thác sẽ góp phần xóa bỏ cung đường tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm bậc nhất đã tồn tại hàng trục năm qua trên tuyến Quốc lộ 4D đoạn từ Sa Pa về thành phố Lào Cai.

Đồng thời, dự án đường nối đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến Sa Pa với điểm nhấn là công trình cầu Móng Sến hoàn thành và đưa vào vận hành khai thác sẽ góp phần quan trọng cho việc thu hút, kêu gọi đầu tư và phát huy mạnh mẽ, có hiệu quả hơn nữa mọi tiềm năng, thế mạnh của khu du lịch quốc gia Sa Pa và của tỉnh Lào Cai trong phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án đường nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị trấn Sa Pa theo hình thức hợp đồng BOT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 20/9/2018. UBND tỉnh Lào Cai được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đã ký hợp đồng với nhà đầu tư.

Dự án có tổng mức đầu tư là 2.510 tỷ đồng, được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 triển khai từ năm 2018 - 2020 với giá trị là 1.382 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương 500 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 79 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu và vay tín dụng 803 tỷ đồng. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á đã cam kết tài trợ tín dụng cho dự án với số tiền 642 tỷ đồng.

Cấm mô tô, xe máy 8 tiếng trên cầu Phú Mỹ

Theo đó, Sở GTVT cấm các loại xe mô tô, gắn máy lưu thông lên cầu Phú Mỹ đoạn từ đường Nguyễn Văn Quỳ đến đường Võ Chí Công theo hướng từ quận 7 sang quận 2. Thời gian cấm xe từ 0 giờ đến 8 giờ ngày 5-1 để phục vụ tổ chức Giải Marathon TP.HCM lần VII năm 2020.

Giải Marathon quốc tế TP.HCM lần thứ 3-2019. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong quá trình tổ chức Giải Marathon, Sở GTVT thông báo về lộ trình thay thế như sau:

Đường Nguyễn Văn Quỳ → đường Huỳnh Tấn Phát → đường Nguyễn Tất Thành → đường Tôn Đức Thắng → đường Nguyễn Hữu Cảnh → đường cầu Thủ Thiêm → đường Nguyễn Cơ Thạch → đường Mai Chí Thọ → đường Đồng Văn Cống → đường Võ Chí Công và ngược lại.

Sở GTVT cũng lưu ý người điều khiển phương tiện khi lưu thông qua khu vực tổ chức Giải Marathon TP.HCM lần VII năm 2020 cần giảm tốc độ và chấp hành theo hướng dẫn của lực lượng điều tiết giao thông, CSGT hoặc hệ thống báo hiệu giao thông trên đường.

Hà Nội phê duyệt 12 dự án sử dụng vốn đầu tư công, tổng mức đầu tư gần 3.900 tỷ đồng

HĐND TP. Hà Nội vừa phê duyệt chủ trương đầu tư 12 dự án (bao gồm 11 dự án nhóm B và 1 dự án trọng điểm nhóm C) sử dụng vốn đầu tư công của thành phố với tổng mức đầu tư dự kiến 3.892,5 tỷ đồng.

HĐND TP. Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư 12 dự án sử dụng vốn đầu tư công (Ảnh minh họa)

HĐND TP. Hà Nội giao UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư và các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, chuẩn xác quy mô, nội dung đầu tư, có giải pháp đấu nối thích hợp, khớp nối đồng bộ, lựa chọn phương án, giải pháp kỹ thuật phù hợp, đảm bảo tránh trùng lặp, tiết kiệm, hiệu quả và tổ chức triển khai thực hiện; xác định nguồn gốc đất đai, xây dựng phương án, kinh phí giải phóng mặt bằng, đảm bảo đúng chế độ, chính sách hiện hành.

Đối với các dự án trường học, HĐND TP. Hà Nội yêu cầu cần bổ sung vào quy hoạch mạng lưới trường học thành phố theo quy định của Luật Quy hoạch và thực hiện ra soát, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng theo quy định.

Đối với các dự án giao thông, HĐND TP. Hà Nội yêu cầu áp dụng đúng quy định xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đang tồn tại dọc theo các tuyến đường giao thông và nguyên tắc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông mới trên địa bàn thành phố.

HĐND thành phố cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan; trong công tác lập, trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cần lưu ý thực hiện (hoặc giải trình việc không thực hiện) ý kiến của các sở, ngành đã đóng góp tại bước lập, trình, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

UBND TP. Hà Nội sẽ phải chỉ đạo các sở, ngành liên quan căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư của các dự án, tăng cường kiểm tra nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách; tránh lãng phí, thất thoát trong quá trình đầu tư xây dựng công trình; hướng dẫn, phối hợp cùng chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án; giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi giúp chủ đầu tư hoàn thành dự án đảm bảo đúng mục tiêu, tiến độ, chất lượng công trình.

HĐND TP. Hà Nội cũng yêu cầu công tác xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và hàng năm cần cân đối nguồn vốn ngân sách cấp thành phố và ngân sách cấp huyện (đối với các dự án có sử dụng ngân sách cấp huyện) theo tiến độ đảm bảo hoàn thành các dự án theo thời gian thực hiện dự án đã được phê duyệt.

Danh sách 12 dự án được phê duyệt gồm: Xây dựng trung tâm bồi dưỡng chính trị quận Bắc Từ Liêm; Xây dựng trường THPT Việt Hùng, huyện Đông Anh; Xây dựng trường THPT Nguyên Khê, huyện Đông Anh; Xây dựng trường THPT Uy Nỗ, huyện Đông Anh.

Cùng với đó là các dự án Xây dựng, khớp nối đường giao thông khu chức năng đô thị Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm; Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 32 trên địa bàn huyện Ba Vì - giai đoạn 1 (đoạn qua thị trấn Tây Đằng), huyện Ba Vì; Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh lộ 414C đi xã Thuần Mỹ (nối khu du lịch Suối Hai với khu du lịch nước khoáng nóng Thuận Mỹ), huyện Ba Vì;

Các dự án kế tiếp gồm: Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 21B đoạn từ thị trấn Kim Bài tới nút giao thông Ngã Tư Vác, huyện Thanh Oai; Cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 413 đoạn từ Km0+00 đến Km5+900, thị xã Sơn Tây; Cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 414 đoạn từ ngã ba Vị Thủy đi Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây; Xây dựng tuyến đường từ đường Dục Nội xã Việt Hùng đến tuyến đường Võ Nguyên Giáp, huyện Đông Anh;

Cuối cùng là dự án giải phóng mặt bằng và xây dựng hàng rào bảo vệ khu đất 3A1, 3A2 phường Mỹ Đình 1, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, để bàn giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 4/1/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ