Thứ ba, 16/04/2024 21:38 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 3/7/2020

MTĐT -  Thứ sáu, 03/07/2020 11:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 3/7/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 3/7/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Phú Yên: Công bố Nghị quyết thành lập thị xã Đông Hòa

Tối 1/7, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Đông Hòa tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Đông Hòa và các phường thuộc thị xã Đông Hòa.

Theo Nghị quyết số 931/NQ-UBTVQH14, thị xã Đông Hòa được thành lập trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 265,62 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 119.991 người của huyện Đông Hòa.

Sau khi thành lập, thị xã Đông Hòa có 10 đơn vị hành chính gồm: 5 phường (Hòa Vinh, Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, Hòa Xuân Tây) và 5 xã (Hòa Thành, Hòa Tân Đông, Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Nam, Hòa Tâm).

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên trao Nghị quyết thành lập thị xã Đông Hòa của UBTVQH cho đại diện lãnh đạo thị xã Đông Hòa. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Phú Yên

Cổng TTĐT tỉnh Phú Yên đưa tin tại buổi lễ, lãnh đạo thị xã Đông Hòa cho biết được sự quan tâm giúp đỡ của các bộ, ban ngành Trung ương và của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Hòa đã tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, ra sức khắc phục khó khăn, thách thức, xây dựng quê hương ngày càng phát triển, với nhiều sự đổi thay, khởi sắc.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng bình quân mỗi năm đều tăng 10,56%; kết cấu hạ tầng được đầu tư và ngày càng được hoàn thiện. Đến nay, toàn thị xã có 3/5 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới.

Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của Đông Hòa đạt 55,64 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức trung bình của cả nước. Đặc biệt, phần lớn diện tích đất của Đông Hòa nằm trong Khu kinh tế phía Nam Phú Yên, có khu công nghiệp và các dự án lớn của tỉnh đang và sẽ triển khai thực hiện, đó là những thuận lợi cơ bản để Đông Hòa phát triển trong tương lai…

Chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Đông Hòa nhân dịp này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên Lương Minh Sơn đề nghị thị xã Đông Hòa tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tích cực thi đua lao động, sản xuất đưa Đông Hòa phát triển nhanh, sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2020-2025 vào thực tiễn đời sống. Đồng thời, thị xã tập trung huy động, kêu gọi thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng Đông Hòa thành đô thị xanh-sạch-đẹp từng bước hiện đại, văn minh.

Chuẩn bị khởi động dự án Nhà hát 1500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm

Dù chỉ vừa lên kế hoạch để có tờ trình gửi UBND TPHCM, nhưng Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đã dự kiến có khoảng 10 đơn vị tư vấn thiết kế nước ngoài đủ năng lực và kinh nghiệm tham gia thi chọn thiết kế kiến trúc cho Nhà hát Thủ Thiêm, với giải nhất trị giá 1,2 tỷ đồng.

Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân TPHCM vào tháng 10/2018 đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch TPHCM tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Quyết định ấy lập tức gây xôn xao dư luận, vì những sai phạm trong quá trình triển khai dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn chưa có phương án giải quyết ổn thỏa.

Nhà hát TPHCM có tuổi đời hơn 100 năm, vẫn là công trình kiến trúc độc đáo.

Tuy nhiên, sau gần 2 năm tạm gác lại câu chuyện Nhà hát 1500 tỷ đầy thị phi, thì giờ đây công trình văn hóa này lại rục rịch khởi động.

Thực tế, thành phố nhộn nhịp nhất phương Nam cũng cần một Nhà hát có quy mô tương xứng để phục vụ công chúng. Trước đây, vào cuối thế kỷ 19, người Pháp đã xây dựng tại Sài Gòn đến ba nhà hát có chức năng riêng biệt, nhưng hiện tại chỉ còn Nhà hát TPHCM còn giữ nguyên hoạt động, hai nhà hát kia đã được chuyển đổi thành Kho bạc TPHCM và Nhạc viện TPHCM.

Tiêu chí nào để thiết kế Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch TPHCM tại Thủ Thiêm? UBND TPHCM yêu cầu công trình phải mang tính biểu tượng đặc trưng riêng của TP, hấp dẫn thu hút khách du lịch khi đến TP.HCM. Ngoài ra, công trình phải đáp ứng đầy đủ điều kiện và tổ chức được các chương trình, sự kiện âm nhạc đẳng cấp quốc tế. Nghĩa là Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch TPHCM vừa có tính chuyên môn (để trình diễn các chương trình âm nhạc hàn lâm) vừa có tính đại chúng (để triển lãm, hội thảo, đào tạo…).

Đối với người dân TPHCM nói riêng và người dân cả nước nói chung, khu đô thị mới Thủ Thiêm là một mối bận tâm chưa dứt, và Nhà hát 1500 tỷ lại là một mối bận tâm đáng hồi hộp nữa.

Khởi công dự án mở rộng nâng công suất nhà máy nước Hồ Đá Đen

Ngày 2/7, Công ty CP Cấp nước BR-VT (BWACO) tổ chức Lễ động thổ khởi công Dự án mở rộng nâng công suất Nhà máy nước Hồ Đá Đen thêm 125.000m3/ngày, nâng công suất nhà máy lên 225.000m3/ngày.

Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ Dự án mở rộng nâng công suất Nhà máy nước Hồ Đá Đen.

Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ Dự án mở rộng nâng công suất Nhà máy nước Hồ Đá Đen.

Dự án mở rộng nâng công suất Nhà máy nước Hồ Đá Đen thêm 125.000m3/ngày có tổng mức dự toán 259 tỷ đồng, với các hạng mục: Cụm bể tiếp nhận, bể trộn, bể phản ứng, bể lắng; cụm bể lọc; bể chứa nước sạch 15.000m3; trạm bơm; khu xử lý bùn; trạm điện và máy biến áp; các công trình phụ trợ, sân, đường nội bộ… Dự kiến, Dự án mở rộng nâng công suất Nhà máy nước Hồ Đá Đen sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động vào tháng 9/2021.

Được biết, Nhà máy nước Hồ Đá Đen đang đảm nhận vai trò là nhà máy sản xuất chính của BWACO với công suất thiết kế 100.000m3/ngày (công suất hiện tại) cùng với Nhà máy nước Sông Dinh công suất 45.000m3/ngày, cấp nước cho khu vực TP.Vũng Tàu, TP. Bà Rịa và huyện Long Điền. Dự án mở rộng nâng công suất Nhà máy nước Hồ Đá Đen nhằm thực hiện mục tiêu đáp ứng đầy đủ nhu cầu dùng nước theo quy hoạch tổng thể hệ thống cấp nước tỉnh BR-VT đến năm 2030, đáp ứng sự tăng trưởng nhu cầu sử dụng của khách hàng, góp phần thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là yêu cầu đảm bảo nguồn nước cung cấp cho Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam.

Hà Nội: Phấn đấu có thêm 5 huyện nông thôn mới trong năm 2020

Chiều ngày 1/7, Ban Chỉ đạo Chương trình 02/CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020” tổ chức họp giao ban để đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy 6 tháng đầu năm và bàn nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020.

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội- cho biết, hiện nay Hà Nội đã có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai và Gia Lâm. Ngoài ra, Đoàn Thẩm tra thành phố đã tiến hành thẩm định thị xã Sơn Tây, huyện Thạch Thất, huyện Phúc Thọ, huyện Thường Tín và huyện Thanh Oai đủ điều kiện, đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND thành phố xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và các huyện đạt chuẩn NTM.

Về xây dựng xã NTM và NTM nâng cao, ngày 16/6/2020, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tham mưu Hội đồng thẩm định thành phố họp và tiến hành bỏ phiếu đối với 4 xã, gồm 2 xã của huyện Gia Lâm đề nghị đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã của huyện Phú Xuyên; 1 xã của huyện Sóc Sơn đề nghị đạt chuẩn NTM năm 2020. Kết quả 4 xã đều đủ điều kiện trình Chủ tịch UBND TP. Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao năm 2020.

Bên cạnh đó, đến nay Hà Nội có 355/382 xã (chiếm 92,9%) được UBND TP. Hà Nội công nhận đạt chuẩn NTM, 13 xã đã được UBND TP. Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong số 27 xã còn lại chưa đạt chuẩn NTM có 24 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 3 xã đạt và cơ bản đạt từ 11-14 tiêu chí.

Ngoài ra, Đoàn Thẩm tra thành phố đã tiến hành thẩm định thêm 5 huyện, thị xã đủ điều kiện, đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND thành phố xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và các huyện đạt chuẩn NTM. Cùng với đó, đời sống người dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 51,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 0,69%.

Theo ông Chu Phú Mỹ, nhiệm vụ từ nay tới cuối năm 2020, ngành nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng năm 2020 tăng 4,12% trở lên. Phấn đấu đến hết năm 2020 có thêm 15 xã đạt chuẩn NTM, 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và ít nhất có thêm 5 huyện, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Phấn đấu có thêm ít nhất 700 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Tập trung chỉ đạo quyết liệt các huyện, thị xã triển khai xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu theo chỉ đạo của Trung ương và TP theo quy định.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Thủ đô hiện còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời tiết thay đổi, nắng nóng kéo dài. Trong xây dựng NTM, công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường khu vực nông thôn còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm đúng mức. Đặc biệt ở một số làng nghề chưa có giải pháp bảo vệ môi trường hữu hiệu, làm cho đời sống sinh hoạt của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, nhiều tiêu chí đạt chuẩn NTM thiếu bền vững nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp từ thành phố đến cơ sở và sự vào cuộc của nhân dân.

Phát biểu kết luật hội nghị, Phó Bí Thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị những tháng cuối năm 2020, các địa phương cần rà soát lại chỉ tiêu, mục tiêu của huyện, đánh giá một cách thực chất để có giải pháp quyết liệt, đề ra phương hướng nhiệm vụ 5 năm tới. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương đôn đốc nông dân triển khai vụ đông, đẩy mạnh phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chuỗi liên kết, kiểm soát dịch bệnh, nhất là tăng đàn lợn nhưng phải đảm bảo kiểm soát dịch bệnh. Tăng cường liên doanh liên kết giữa các tổ hợp tác.

Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính khẩn trương cấp kinh phí cho các xã đăng ký hoàn thành NTM năm 2020 và có hướng dẫn thủ tục cho các quận hỗ trợ các huyện trong xây dựng NTM. Đặc biệt, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thành phố đặt mục tiêu hết năm nay có thêm 700 sản phẩm, do đó các huyện phải tập trung cao độ. Đây chính là thương hiệu phát triển làng nghề, nâng cao đời sống nông dân.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 3/7/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.