Thứ bảy, 27/04/2024 03:01 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 3/4/2020

MTĐT -  Thứ sáu, 03/04/2020 08:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 3/4/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 3/4/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

TP HCM đề xuất lập “thành phố trong thành phố”

Để thực hiện quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông mới được phê duyệt, ngày 1/4, UBND TP HCM có Văn bản số 1157 kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến về thành phần hồ sơ, đề án phân loại và chương trình phát triển đô thị đối với trường hợp TP HCM sáp nhập 3 quận (quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức) để thành lập TP phía Đông thuộc TP HCM.

UBND TP cũng kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, chấp thuận việc thành phố phía Đông dự kiến được thành lập sẽ không phải xem xét điều kiện về sự phù hợp với định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc đối với đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau khi sắp xếp.

Việc sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức để thành lập TP trực thuộc TP là chưa có tiền lệ. Nếu thực hiện được TP sáng tạo tương tác cao phía Đông, TP HCM sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước có mô hình “TP thuộc TP trực thuộc Trung ương".

TP HCM vừa đề xuất lập thành phố sáng tạo phía Đông.

TP phía Đông này nếu được thành lập, sẽ có quy mô hơn 1,1 triệu dân, diện tích tự nhiên hơn 211km2, được định hướng xây dựng, phát triển gồm trung tâm gồm khu đa chức năng, khu công nghệ - khoa học, dịch vụ cảng, các khu đô thị, khu du lịch sinh thái, khu công viên chuyên đề - thể dục thể thao và khu giáo dục đại học.

TP sáng tạo có 3 điểm nhấn là Đại học Quốc gia TP HCM (quận Thủ Đức), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) và Khu Công nghệ cao (quận 9). Hiện tại, trong khu vực dự kiến xây dựng đô thị sáng tạo tương tác cao, mật độ các trường đại học vào loại cao nhất cả nước với 100.000 sinh viên.

Khu đô thị sáng tạo phía Đông là đề án nằm trong mô hình chính quyền đô thị dự kiến sẽ được UBND TP HCM trình Bộ Chính trị và Quốc hội trong năm 2020.

Bộ GTVT đồng ý sớm bảo tồn 2 nhịp cầu đường sắt Bình Lợi hơn 100 năm tuổi

Bộ GTVT vừa có công văn yêu cầu Ban quản lý dự án 7, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Công ty TNHH đầu tư BOT Bình Lợi sớm triển khai các thủ tục quản lý, tháo dỡ và bảo tồn cầu đường sắt Bình Lợi cũ.

Cụ thể, đối với các danh mục tài sản thuộc cầu đường sắt Bình Lợi cũ được giữ lại để bảo tồn (nhịp số 1, số 2 cầu đường sắt cũ và 1 tháp canh phía quận Thủ Đức, Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì cùng đại diện UBND Tp.Hồ Chí Minh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Ban Quản lý dự án 7, Nhà đầu tư, Công ty TNHH đầu tư BOT Bình Lợi và các bên liên quan khẩn trương lập danh mục tài sản chi tiết, kiểm kê, xác định giá trị và có văn bản đề xuất chuyển giao cho UBND Tp.HCM tiếp nhận tài sản, thực hiện bảo tồn.

UBND Tp. HCM căn cứ pháp luật về bảo tồn, có ý kiến đề nghị được tiếp nhận theo danh mục tài sản, đồng thời đề xuất Bộ Tài chính, Bộ GTVT để thực hiện các thủ tục về điều chuyển tài sản theo quy định pháp luật.

Cầu Bình Lợi hoàn thành tháng 2/1902, là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn, kết nối Sài Gòn với miền Đông, miền Trung.

Đối với các danh mục tài sản thuộc Cầu đường sắt Bình Lợi cũ được tháo dỡ, Bộ GTVT yêu cầu Công ty TNHH đầu tư BOT Bình Lợi thực hiện việc tháo dỡ tài sản có sự giám sát của Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Ban Quản lý dự án 7. Các bên thực hiện kiểm kê tài sản theo danh mục, Công ty TNHH đầu tư BOT Bình Lợi tổ chức bảo quản toàn bộ tài sản đã tháo dỡ, chờ quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Cục Đường sắt Việt Nam được giao chủ trì việc xử lý tài sản sau khi tháo dỡ, tổ chức đánh giá và đề xuất phương án xử lý tài sản theo quy định pháp luật, báo cáo Bộ GTVT.

Trước đó, vào tháng 3/2020, Bộ GTVT đã nhận được yêu cầu của UBND Tp.HCM về sớm thực hiện các thủ tục bàn giao, tiếp nhận quản lý các hạng mục bảo tồn của cầu đường sắt Bình Lợi cũ.

Trong thời gian chờ thực hiện hoàn tất thủ tục pháp lý liên quan đến việc chuyển giao tài sản nêu trên, UBND Tp.HCM đề nghị Bộ GTVT giao Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện công tác quản lý đối với các hạng mục bảo tồn của cầu đường sắt Bình Lợi cũ. Sau khi các thủ tục pháp lý được thực hiện xong, UBND Tp.HCM sẽ tiếp nhận và quản lý các hạng mục bảo tồn của cầu đường sắt Bình Lợi cũ theo quy định.

Cầu sắt Bình Lợi (nối quận Thủ Đức với quận Bình Thạnh) là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn. Cầu dài 275 m gồm 6 nhịp với với kết cấu vòm thép được xây dựng hoàn thành vào tháng 2/1902. Ngoài phục vụ đường sắt còn có đường bộ dành cho xe 2 bánh. Ngành đường sắt từng có dự định tháo dỡ cầu sắt có từ thời Pháp này khi dự án cầu sắt Bình Lợi mới hoàn thành. Tuy nhiên, phương án tháo dỡ gặp phải nhiều ý kiến phản đối của một số chuyên gia đô thị, nhà nghiên cứu di sản.

Tháng 10/2020, bàn giao mặt bằng sạch dự án sân bay Long Thành

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai, đơn vị đang phối hợp cùng ngành chức năng trong tỉnh đẩy nhanh công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ đối với các cơ quan, tổ chức trong vùng dự án sân bay Long Thành.

Dự kiến cuối tháng 4/2020, toàn bộ các cơ quan, tổ chức sẽ bàn giao mặt bằng phục vụ dự án và đến tháng 10/2020 bàn giao mặt bằng sạch (giai đoạn 1) cho chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Đồng Thanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai cho biết, để xây dung sân bay Long Thành, Nhà nước sẽ thu hồi khoảng 5.000 ha đất; trong đó có khoảng 1.800 ha là đất của 17 cơ quan, tổ chức.

Phối cảnh dự kiến của sân bay Long Thành.

Trong số này, Công ty TNHH Một thành viên Tổng Công ty cao su Đồng Nai (Công ty cao su Đồng Nai) là đơn vị có diện tích đất bị thu hồi nhiều nhất với hơn 1.700 ha.

Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho Công ty cao su Đồng Nai. Doanh nghiệp này cũng đã thực hiện thanh lý cây cao su, bàn giao mặt bằng cho địa phương.

Đối với các cơ quan, tổ chức còn lại, ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành việc kiểm kê, xác định nguồn gốc đất; đồng thời, ban hành quyết định thu hồi đất đối với 10 khu đất của các cơ quan, tổ chức như: Trường tiểu học Suối Trầu, Trạm Y tế xã Suối Trầu, Trường THCS Suối Trầu...

Theo ông Nguyễn Đồng Thanh, công tác giải phóng mặt bằng tại các cơ quan, tổ chức nhằm phục vụ dự án sân bay Long Thành cơ bản thuận lợi bởi đa phần các khu đất do cơ quan Nhà nước sử dụng.

Tuy nhiên, việc kiểm kê, xác định nguồn gốc đất của một số tổ chức (doanh nghiệp) gặp nhiều khó khăn do quy hoạch dự án sân bay đã có từ lâu.

Những năm qua, các doanh nghiệp đã dừng hoạt động trong vùng dự án, đất thuộc quản lý của doanh nghiệp để trống khiến cơ quan chức năng phải rà soát, kiểm kê chặt chẽ nhằm đảm bảo tính chính xác.

Sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, dự kiến năm 2021 sẽ khởi công giai đoạn 1.

Sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng tại các cơ quan, tổ chức, ngành chức năng tỉnh Đồng Nai tiến hành thu hồi những diện tích đất do cá nhân, hộ gia đình quản lý, sử dụng.

Đà Nẵng: Quy hoạch đô thị Trung tâm rộng hơn 1.866 hecta

Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng vừa có tờ trình gửi UBND thành phố đề nghị phê duyệt thiết kế đô thị khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng sau khi đã hoàn thành lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia,18 đơn vị, sở, ngành, địa phương và đơn vị tư vấn Quy hoạch chung của Singapore.

Theo đồ án quy hoạch, diện tích nghiên cứu thiết kế đô thị do Viện Quy hoạch TP Đà Nẵng thực hiện là 1.866ha, bao gồm toàn bộ diện tích quận Hải Châu và một phần diện tích các quận Thanh Khê, Cẩm Lệ. Phạm vi thiết kế với phía tây giáp sân bay Đà Nẵng, phía đông giáp sông Hàn, phía nam giáp đường Thăng Long, phía bắc giáp đường Nguyễn Tất Thành.

“Đồ án thiết kế đô thị lần này sẽ quy định cụ thể một số chỉ tiêu chính về độ cao, mật độ, hệ số cho từng nhóm công trình chung cư, khách sạn, văn phòng, trung tâm siêu thị, nhà hàng, bãi đậu xe…”- Viện Quy hoạch Đà Nẵng cho biết.

Tron khi đó, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng (đơn vị chủ quản Viện Quy hoạch) chia sẻ thêm về đồ án quy hoạch phân khu khu vực trung tâm thành phố được đã được phê duyệt trước đây chưa xác định vị trí công trình điểm nhấn. Chính vì vậy, UBND thành phố giao Sở Xây dựng phối hợp đơn vị tư vấn nghiên cứu vị trí các công trình điểm nhấn trong quy hoạch chung, cụ thể hóa và định hình thiết kế kiến trúc công trình trong đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu lần này.

Bên cạnh đó, đồ án thiết kế đô thị sẽ làm thay đổi các tiêu chí xây dựng đối với một số khu đất, nên Sở Tài nguyên và Môi trường cần thiết kiểm tra, đề xuất các vấn đề liên quan về nghĩa vụ tài chính để thành phố xem xét, quyết định.

“Đây là đồ án có quy mô nghiên cứu rất lớn, có ảnh hưởng đến quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sở hữu quyền sử dụng đất trong phạm vi quy hoạch nên đã trình UBND thành phố để báo cáo Thường trực HĐND thành phố xin ý kiến trước khi phê duyệt”- Sở Xây dựng Đà Nẵng nêu ý kiến.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 3/4/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Ngang nhiên xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp
Công trình nhà xưởng ngang nhiên xây dựng trên đất nông nghiệp của một hộ dân tại làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ. Trước sự việc này, chính quyền địa phương đã đề nghị tháo dỡ nhưng hộ dân vẫn cố tình không chấp hành.
Mở rộng thêm 94 km2 tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Vào năm 2025, Thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận sẽ mở rộng lên diện tích 305 km2, đồng thời dân số của thành phố dự kiến sẽ vượt qua con số 334.000 người, sau khi thực hiện quá trình sáp nhập một phần của huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc...

Tin mới