Thứ sáu, 29/03/2024 22:54 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 30/6/2020

MTĐT -  Thứ ba, 30/06/2020 10:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 30/6/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 30/6/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Đà Nẵng chi 759 tỉ đồng mở rộng Vườn tượng APEC

Ngày 29/6, UBND TP Đà Nẵng cho biết, vừa ra quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Vườn tượng APEC mở rộng tại phường Bình Hiên, quận Hải Châu.

Dự án được HĐND TP Đà Nẵng thông qua tại Nghị quyết 291 ngày 13/3/2020.

Theo đó, dự án được đầu tư với mục tiêu mở rộng Vườn tượng APEC hiện trạng phù hợp với nguyện vọng của đông đảo người dân TP, không những tạo điểm nhấn không gian kiến trúc phía Tây cầu Rồng, mà còn đáp ứng nhu cầu thụ hưởng không gian xanh, vui chơi, giải trí của người dân thành phố và du khách…

Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 759 tỉ đồng vốn ngân sách thành phố. Trong đó, chi phí xây dựng là 109 tỉ đồng, chi phí đền bù, giải tỏa là 623 tỉ đồng. Bên cạnh đó còn có các chi phí như: chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án…

Công viên APEC ở TP Đà Nẵng.

Dự án do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư kiêm quản lý dự án. Khu đất xây dựng có diện tích đất 8.668 m2.
Tổ hợp công trình bao gồm khu công viên cây xanh, thảm cỏ, lối đi bộ, vườn dạo… được nâng cốt từ thấp đến cao. Khu trung tâm là điểm nhấn kiến trúc chính với hệ thống kết cấu mái vòm rộng. Phía dưới mái vòm là không gian sinh hoạt cộng đồng. Tầng hầm bố trí khu vực để xe công cộng và các phòng kỹ thuật. Tầng một bố trí nhà vệ sinh công cộng, không gian nghỉ ngơi, khu dịch vụ bán hàng lưu niệm, khu thông tin du lịch. Tầng hai (tầng mái) bố trí không gian sinh hoạt cộng đồng, đường dốc, lối đi bộ, hồ nước, cây xanh để tạo điểm nhấn cảnh quan.

Vườn tượng APEC hiện trạng rộng 3.000m2 được khách thành năm 2017. Đây là một trong những công trình phục vụ và chào mừng Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng.

Hội An “bảo vệ” du khách bằng hệ thống camera thông minh

Ngày 29/6/2020, Đại tá Đinh Xuân Nghĩ, Giám đốc Công an thành phố Hội An cho biết: thành phố vừa đưa vào hoạt động hệ thống camera thông minh có khả năng nhận dạng và truy vết phương tiện tự động nhằm bảo vệ sự an toàn cho du khách cũng như người dân phố Hội.

Đây là dự án được UBND thành phố Hội An quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư “Lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát an ninh và mua sắm máy bộ đàm cho Công an thành phố Hội An”, do Công ty cổ phần sáng tạo Văn Lang, Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng, Công ty cổ phần Tâm Nhất phối hợp triển khai.

Dự án đã lắp đặt mới 52 camera giám sát tại 37 địa điểm khắp thành phố. Bên cạnh đó, cũng tiến hành thay thế một số camera tại 7 vị trí quan trọng trong khu vực phố cổ. Các camera tập trung chủ yếu ở các mục tiêu quan trọng, những nơi thường diễn ra nhiều sự kiện, cửa ngõ giao thông ra vào thành phố, điểm du lịch.

TS Nguyễn Hoài Đức – Giám đốc Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng cho hay: Điểm nhấn đặc biệt của dự án là việc triển khai các điểm giám sát tự động nhận dạng biển số và bóc tách dữ liệu thông minh nhằm phát hiện và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ tại các giao lộ chính của thành phố Hội An.

Hệ thống camera thông minh có khả năng nhận dạng và truy vết phương tiện tự động đã được triển khai tại TP Hội An.

Trung bình mỗi camera thực hiện bóc tách và nhận dạng biển số trên 5.000 lượt phương tiện/ngày đêm. Qua 1 tháng sử dụng thử nghiệm, đã tự động bóc tách và nhận dạng biển số trên 2 lượt triệu phương tiện với độ chính xác cao, hỗ trợ đắc lực cho cơ quan công an trong việc phát hiện, xử lý một số vụ việc an ninh trên địa bàn.

Hệ thống ứng dụng công nghệ xử lý dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, có nhiều tính năng hữu dụng như lập danh sách theo dõi phương tiện khả nghi; tìm kiếm nhanh phương tiện qua biển số; xác định phương tiện vi phạm và lỗi vi phạm (đi sai làn, sai phần đường quy định; đi ngược chiều; lỗi dừng đỗ sai quy định; vượt đèn đỏ…). Phần mềm cũng cung cấp khả năng truy vết lịch sử di chuyển của phương tiện và đo đếm lưu lượng giao thông.

Khi cần truy vết phương tiện, phần mềm sẽ thu thập dữ liệu hình ảnh từ nhiều camera, nhiều luồng camera để tiến hành nhận dạng và đọc biển số xe… Cơ sở dữ liệu lập tức ghi nhận và phân tích thông tin về thời gian, địa điểm, lộ trình di chuyển của xe cần truy vết, phục vụ đắc lực cho công tác điều tra, phá án, bảo đảm an ninh trật tự. Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, tất cả thao tác nghiệp vụ được thực hiện song song với tốc độ cao để bảo đảm khả năng truy vết thời gian thực theo một không gian rộng qua giao diện bản đồ được tích hợp.

“Hệ thống do các kỹ sư của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam xây dựng, phát triển, phần mềm giúp cơ quan sử dụng không lệ thuộc vào bất kỳ nhà cung cấp nước ngoài nào về mặt bản quyền hoặc hỗ trợ công nghệ; không bị ràng buộc khi triển khai mở rộng cho các môi trường và yêu cầu, quy mô khác nhau”, TS Nguyễn Hoài Đức nhấn mạnh.

Theo Đại tá Đinh Xuân Nghĩ, chỉ trong giai đoạn vận hành kỹ thuật 1 tháng qua, hệ thống này đã hỗ trợ lực lượng công an thành phố xử lý một vụ gây rối đánh nhau ở bến thuyền du lịch; xử lý nghiêm tình trạng đua xe (có sự tham gia của thanh niên Duy Xuyên và Đà Nẵng) nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho lực lượng và người tham gia giao thông; xử lý một vụ cướp giật trên đường phố…

“Thời gian tới, Công an thành phố sẽ tham mưu để UBND thành phố Hội An ban hành quy chế hoạt động của hệ thống, áp dụng “phạt nguội” phương tiện vi phạm. Chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện sẽ nhận biên bản phạt có in hình ảnh xác thực đã vi phạm như thế nào, thời gian nào”, Đại tá Đinh Xuân Nghĩ nói.

“Quá trình triển khai cho thấy đội ngũ xây dựng giải pháp công nghệ đã dành nhiều tâm huyết cho phần mềm này với mong muốn góp phần gìn giữ những giá trị của đô thị cổ, điểm đến du lịch nổi tiếng Hội An. Chúng tôi mong muốn thành quả nghiên cứu sáng tạo của đội ngũ kỹ sư phần mềm Việt Nam, mà cụ thể ở đây là các doanh nghiệp CNTT ở Đà Nẵng và Quảng Nam, được ứng dụng rộng khắp, đóng góp cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của miền Trung và cả nước”, ông Phạm Kim Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng chia sẻ thêm.

Cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 25

Ngày 29-6, tại huyện Sơn Hòa, Ban Quản lý Dự án 6 thuộc Bộ Giao thông vận tải tổ chức Lễ động thổ gói thầu 2.7 Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 25 (Phú Yên-Gia Lai).

Lễ động thổ gói thầu 2.7 Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 25 (Phú Yên-Gia Lai).

Dự án được Bộ Giao thông vận tải Quyết định đầu tư với kinh phí 730 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các dự án đường sắt, đường bộ quan trọng, cấp bách.

Tỉnh Phú Yên, được phân bổ nguồn vốn 300 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên tuyến qua địa bàn các huyện Phú Hòa và Sơn Hòa và TP Tuy Hòa. Gói thầu có chiều dài hơn 3 km, từ Km 44 + 100 đến Km 47 + 142,33 thuộc địa phận huyện Sơn Hòa. Quy mô xây dựng đường cấp III, bề rộng nền đường 9m, gồm hai làn xe cơ giới.

Ông Võ Thành Lại, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng giao thông Phú Yên, đơn vị thi công gói thầu cho biết, đơn vị sẽ khắc phục mọi khó khăn, có phương án thi công vừa bảo đảm an toàn giao thông thông suốt, vừa bảo đảm hoàn thành công trình đúng kế hoạch trong tám tháng.

Việc triển khai cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên tuyến quốc lộ 25 nhằm từng bước hoàn thiện và đồng bộ với các đoạn trên tuyến đã được xây dựng, nâng cấp, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông do chưa đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch; đồng thời, góp phần kết nối phát huy vai trò tuyến đường ngang huyết mạch kết nối từ Quốc lộ 1A với đường Hồ Chí Minh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Phú Yên-Gia Lai và các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên nói chung.

Nâng vận tốc tối đa trên đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái lên 120 km/giờ

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết Dự án đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái được điều chỉnh vừa nâng tốc độ khai thác, vừa được tách làm 2 dự án cao tốc độc lập.

Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái được nâng cao tốc độ khai thác toàn tuyến đường, từ vận tốc tối đa 100 km/giờ lên thành 120 km/giờ.

Đồng thời, dự án được tách làm 2 dự án độc lập, gồm: dự án đường cao tốc Vân Đồn-Tiên Yên, do tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, sử dụng ngân sách công và dự án cao tốc Tiên Yên-Móng Cái do Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Vân Đồn làm chủ đầu tư (đây là liên danh ba nhà thầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển hạ tầng Long Vân-Công ty cổ phần Mặt Trời Vân Đồn-Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Công Thành).

Dự án đường cao tốc Vân Đồn-Tiên Yên có chiều dài trên 16km, tổng mức đầu tư 3.667 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.

Tuyến đường được thiết kế 4 làn xe, vận tốc 120 km/giờ, điểm đầu tiếp giáp với đường trục chính từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn, điểm cuối tiếp giáp với Dự án đường cao tốc Tiên Yên-Móng Cái.

Dự án cao tốc Tiên Yên-Móng Cái do Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Vân Đồn làm chủ đầu tư, có cùng thiết kế 4 làn xe và vận tốc 120km/giờ. Dự kiến dự án có tổng mức đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu thực hiện hiện nghi thức khởi công cao tốc Vân Đồn-Móng Cái hồi tháng 4/2019. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Hiện, cả hai dự án đang được tỉnh Quảng Ninh cũng như nhà đầu tư gấp rút hoàn tất thủ tục đầu tư để có thể khởi công ngay trong năm 2020.

Lý giải nguyên nhân sự điều chỉnh này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Tường Huy cho hay để đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong tương lai nên cao tốc Vân Đồn-Móng Cái được thay đổi về tốc độ toàn tuyến, nâng từ 100 km/giờ lên 120 km/giờ, do vậy có sự thay đổi, phát sinh thêm mức đầu tư.

Thêm vào đó, hiện nay các nhà đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư gặp nhiều khó khăn nên việc Nhà nước sử dụng ngân sách để xây dựng đường cao tốc là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm, dự án cũ Vân Đồn-Móng Cái do Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Vân Đồn làm chủ đầu tư sẽ có phương án tài chính bị âm, nên dự án không khả thi.

Trước đó, hồi tháng 4/2019, dự án cao tốc Vân Đồn-Móng Cái dài 80,2km được khởi công xây dựng. Khi đó, tuyến cao tốc này có tổng vốn đầu tư 11.195 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao (BOT), do Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Vân Đồn làm chủ đầu tư.

Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian từ Vân Đồn đi Móng Cái xuống còn gần một giờ (trước đây là hai giờ); tạo thuận lợi giao thông đường bộ từ hướng Lạng Sơn đi Móng Cái, Vân Đồn, Hạ Long, phát huy hiệu quả của Sân bay Vân Đồn. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các tour du lịch hấp dẫn đến Vân Đồn, Móng Cái và các địa phương khu vực Đông Bắc.

Mặt khác, dự án tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu đầu tư tại các địa phương có tuyến cao tốc đi qua (Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái...), kết nối Khu khai phát Đông Hưng (Trung Quốc), kết nối Trung Quốc với ASEAN.

Cùng với cao tốc Hạ Long-Hải Phòng và Hạ Long-Vân Đồn, tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái được kỳ vọng sẽ tạo thành trục cao tốc “xương sống” dọc tỉnh hoàn chỉnh với tổng chiều dài gần 200km, tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn đầu tư để phát huy thế mạnh kinh tế vùng biên, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, đẩy mạnh giao thương quốc tế qua cửa khẩu Móng Cái.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy, đến hết quý 3/2020, các địa phương có dự án đi qua phải hoàn tất việc giải phóng mặt bằng để các đơn vị thi công có thể đồng loạt triển khai các dự án.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 30/6/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới