Thứ tư, 17/04/2024 01:24 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 28/3/2020

MTĐT -  Thứ bảy, 28/03/2020 11:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 28/3/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 28/3/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Đề xuất bỏ thời hạn triển khai thu phí tự động trong năm 2020

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về thu phí tự động không dừng (thay thế Quyết định 07/2017), trong đó có đề xuất không quy định cứng về thời hạn hoàn thành thu phí tự động không dừng.

Trong tự thảo Quyết định của Thủ tướng, Bộ GTVT đề xuất: Với các trạm thu phí đang hoạt động nhưng chưa lắp đặt thu phí tự động phải thực hiện thu phí chậm nhất là 1 năm kể từ thời điểm lựa chọn được đơn vị cung cấp dịch vụ.

Đề xuất này khác Quyết định 07, khi Thủ tướng đưa ra hạn cho thu phí tự động giai đoạn 1 phải xong trong năm 2018, giai đoạn 2 phải xong trong năm 2019. Sau đó, do chậm tiến độ, nên Bộ GTVT xin gia hạn tới hết năm 2020.

Thủ tướng quy định toàn bộ trạm thu phí phải triển khai thu phí tự động xong trong năm 2019, nhưng tới nay vẫn chậm tiến độ, thậm chí nhà thầu triển khai giai đoạn 2 còn chưa được thành lập.

Như vậy, sẽ không còn thời hạn cụ thể cho tất cả các trạm thu phí phải áp dụng thu phí tự động. Thay vào đó, tiến độ thu phí tự động tại từng dự án sẽ phụ thuộc vào thời gian nhà đầu tư ký được hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động.

Với trạm thu phí mới, chỉ được thu phí khi đã triển khai thu phí tự động. Cơ quan nhà nước có quyền dừng thu phí với trạm thu phí nào không áp dụng thu phí tự động.

Dự thảo cũng cho phép nhà đầu tư dự án đường bộ và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động thoả thuận về đơn vị quản lý trạm thu phí. Thay vì nhà đầu tư dự án bắt buộc phải chuyển giao quyền quản lý trạm thu phí cho đơn vị thu phí tự động quản lý như Quyết định 07.

Với chủ xe, có trách nhiệm nộp tiền vào tài khoản thu phí qua hình thức nộp tiền vào ví điện tử, hoặc hình thức khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Dự thảo cũng bổ sung quy định nộp phí điện tử theo tháng, quỹ.

Trường hợp chủ phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí tự động mà tài khoản không có tiền để thanh toán, đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động ghi nợ trên tài khoản và thông báo cho chủ phương tiện. Chủ phương tiện có trách nhiệm trả tiền phí nợ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thống báo. hết thời hạn trên, nếu chủ xe không trả nợ, đơn vị thu phí có quyền khởi kiện đòi nợ.

Cũng theo dự thảo, sau khi triển khai thu phí tự động, các trạm thu phí vẫn duy trì tối thiểu mỗi chiều đường 1 làn thu phí hỗn hợp (cả thu phí tự động và thu phí thủ công), khi ô tô dán thẻ đạt tối thiểu 94%, và xe sử dụng dịch vụ tối thiểu đạt 95%.
Về vướng mắc triển khai dự án thu phí tự động giai đoạn 2 (BOO2), do Viettel đứng đầu liên danh trúng thầu cung cấp dịch vụ, nhưng không lập doanh nghiệp dự án, ngày 17/3, Thủ tướng đã đồng ý về chủ trương cho phép Viettel được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp dự án.

Trước đó, giữa tháng 3/2020, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng tại buổi họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng giai đoạn 2, theo đó yêu cầu: Để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đưa vào vận hành trong năm 2020.

Ngoài ra, Nghị định 100/2019, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, cũng bổ sung quy định: Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với người lái xe không đủ điều kiện để thu phí tự động đi vào làn thu phí tự động; tước bằng lái từ 1-3 tháng.

Đà Nẵng: Tạm dừng hoạt động dịch vụ thẩm mỹ, cắt tóc, spa, vật lý trị liệu

Sau khi Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ có Công văn hỏa tốc 1940/UBND-VHXH ngày 27/3 triển khai Chỉ thị 15/CT-TTg (ngày 27/3) của Thủ tướng Chính phủ và Công văn 4095/CV-TU (ngày 26/3) của Thành ủy Đà Nẵng về phòng chống dịch Covid-19, tối cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh có thêm văn bản 1951/UBND-VHXH hướng dẫn thực hiện một số nội dung liên quan đến Công văn hỏa tốc 1940/UBND-VHXH.

TP Đà Nẵng yêu cầu các tiệm hớt tóc tạm ngừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19 (Ảnh: HC)

Theo đó, UBND TP Đà Nẵng giao Giao Sở Du lịch, UBND các quận, huyện tạm dừng các hoạt động tại các khu, điểm du lịch, các điểm vui chơi, giải trí, bao gồm cả điểm vui chơi, giải trí trong các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các điểm kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng cho người nước ngoài.

Hướng dẫn các đơn vị kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch thực hiện việc tạm dừng đón khách lưu trú du lịch. Trường hợp đặc biệt, yêu cầu chủ cơ sở lưu trú báo cáo Giám đốc Sở Du lịch hoặc Chủ tịch UBND quận, huyện và chịu trách nhiệm về việc nhận khách lưu trú.

Đồng thời chỉ đạo Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng có hình thức hướng dẫn người dân tắm biển tuân thủ việc đảm bảo khoảng cách giữa người với người (không thấp hơn 2m) tại các bãi tắm công cộng, khu nhà tắm nước ngọt ven biển.

Cùng với đó, Sở Văn hóa và Thể thao, UBND các quận, huyện được giao tạm dừng hoạt động các rạp phim, bảo tàng, nhà hát, phòng trà, các khu di tích. Tạm dừng hoạt động các cơ sở tập luyện, thi đấu TDTT trong nhà và bể bơi ngoài trời. Có phương án tổ chức việc tập luyện đối với các đối tượng là vận động viên chuyên nghiệp, đảm bảo đúng quy định về phòng chống dịch.

UBND TP Đà Nẵng cũng giao Sở Công Thương, UBND các quận, huyện tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở, loại hình kinh doanh: Thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp (kể cả dịch vụ cắt tóc), spa, vật lý trị liệu…; nhà hàng, quán cafe, hàng quán giải khát.

Trong trường hợp các cơ sở này có nhu cầu hoạt động, chỉ được phép bán hàng qua mạng, bán hàng mang đi và tuyệt đối không phục vụ tại cơ sở kinh doanh. Khuyến cáo các cơ sở kinh doanh khác phải đảm bảo khoảng cách giữa người và người (không thấp hơn 2m), bảo đảm các điều kiện phòng chống dịch theo quy định.

Đối với các chợ, siêu thị, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn trong đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19. Khuyến khích các cơ sở chuyển sang hình thức bán hàng qua mạng, bán hàng mang đi.

Ngoài ra các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Đà Nẵng cũng được tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quyết định số 895/QĐ-UBND ngày 15/3/2020 của Chủ tịch UBND TP về việc tạm đình chỉ một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ nơi công cộng.

Kiến nghị hỗ trợ kinh phí xây cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành Trung ương xem xét cho chủ trương giải quyết các vướng mắc liên quan dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Theo đó, để sớm triển khai dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tỉnh đã phối hợp với tỉnh Đồng Nai có văn bản liên tỉnh báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án thành phần số 1 (đoạn Biên Hòa - Phú Mỹ và nối vào cảng Cái Mép) có tổng mức đầu tư 14.956 tỷ đồng, trong đó chi phí đoạn qua tỉnh Đồng Nai là 12.315 tỷ đồng, qua Bà Rịa - Vũng Tàu là 2.641 tỷ đồng, dài 46,8km, theo hình thức đối tác công tư (PPP) và dự án thành phần số 2 (đoạn Phú Mỹ - Vũng Tàu) với chiều dài 30km.

Để có cơ sở hoàn tất các thủ tục pháp lý về đầu tư theo hình thức PPP trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị đối với dự án thành phần số 1, Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Bộ Tài chính, Bộ GTVT cân đối nguồn vốn Trung ương hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng đoạn qua tỉnh Đồng Nai, với số tiền 4.723 tỷ đồng (diện tích thu hồi khoảng 335ha). Phần kinh phí xây dựng và chi phí khác sẽ do nhà đầu tư BOT thực hiện. Đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh sẽ hỗ trợ phần kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng 232 tỷ đồng, phần xây dựng 619 tỷ đồng do nhà đầu tư BOT thực hiện. Riêng phần tuyến nhánh từ cao tốc vào cảng Cái Mép có chi phí khoảng 1.791 tỷ đồng thì tỉnh sẽ bố trí ngân sách đầu tư.

Đối với dự án thành phần số 2, đoạn từ Phú Mỹ về đến TP Bà Rịa, tỉnh kiến nghị giữ nguyên đường cao tốc và giao cho tỉnh chủ động huy động, sắp xếp nguồn vốn và quyết định đầu tư. Phần còn lại từ TP Bà Rịa về Vũng Tàu, cho phép tách ra khỏi quy hoạch đường cao tốc để tỉnh quyết định đầu tư trục chính đô thị theo đúng quy hoạch xây dựng được duyệt.

Lào Cai duyệt kế hoạch đầu tư 2 khu đô thị hơn 4.400 tỷ đồng

Dự án khu đô thị mới Bắc Cường 1 có diện tích khoảng 47,7 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến là 3.046 tỷ đồng trong đó hơn 2.500 tỷ đồng dùng để đầu tư xây dựng các công trình nhà ở, hạ tầng xã hội; phần còn lại dùng để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng và các khi phí khác. Khu đô thị bao gồm nhà liền kề, biệt thự, các công trình công cộng, khu thương mại, dịch vụ.

TP. Lào Cai (nguồn internet)

Trong khi đó, Khu đô thị mới Bắc Cường 2 có diện tích 48,3 ha bao gồm biệt thự; công trình công cộng; công trình dịch vụ, thương mại. Tổng mức đầu tư dự án là 1.410 tỷ đồng, trong đó 921 tỷ đồng dùng để đầu tư công trình nhà ở và hạ tầng xã hội; gần 90 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng; gần 400 tỷ đồng dùng để đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các chi phí khác.

Cả 2 khu đô thị đều nằm tại phường Bắc Cường, TP. Lào Cai và được quy hoạch xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở. 2 dự án sẽ được đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư, hình thức đầu tư là đầu tư có sử dụng đất.

Hiện trạng sử dụng đất để thực hiện 2 dự án trên là đất chưa giải phóng mặt bằng. Thời gian thực hiện dự án là 6 năm, kể từ ngày hợp đồng dự án có hiệu lực.

UBND TP. Lào Cai (bên mời thầu) có trách nhiệm căn cứ vào danh mục dự án được phê duyệt để thực hiện công tác lựa chọn chủ đầu tư dự án theo quy định.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 28/3/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.