Thứ năm, 25/04/2024 08:39 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 27/3/2020

MTĐT -  Thứ sáu, 27/03/2020 10:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 27/3/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 27/3/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Hà Nội cắt giảm 80% chuyến xe buýt từ ngày mai, 27-3

Từ hôm nay, 27/3, xe buýt Hà Nội sẽ cắt giảm 80% tần suất hoạt động, chỉ còn duy trì 20% để đáp ứng nhu cầu đi lại tối thiểu của người dân nhằm phòng tránh Covid-19.

Ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT) cho biết, từ ngày mai, 27/3 đến 5/4, thành phố Hà Nội sẽ dừng hoạt động 80% lượt xe buýt trên toàn mạng nhằm ứng phó với dịch Covid-19.

Tần suất xe buýt hoạt động ở mức 45 - 60 - 90 phút/lượt so với tần suất 5 - 10 - 15 - 20 phút/lượt (tùy theo từng tuyến) trước đây.

Thời gian hoạt động của xe buýt cũng rút xuống từ 6h đến 20h. Theo tính toán của Trung tâm, mỗi ngày có khoảng 12.430 lượt xe buýt dừng hoạt động.

80% xe buýt Hà Nội sẽ tạm dừng hoạt động từ ngày mai, 27/3

Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông Hà Nội cho biết, với tần suất hoạt động còn lại, xe buýt sẽ chủ yếu để phục vụ các đối tượng đi làm việc, hoặc có việc bắt buộc phải di chuyển nhằm hạn chế sự lay lan của virus Sars-Cov-2.

Chiều 26/3, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã báo cáo UBND thành phố Hà Nội và các Sở GTVT, Tài chính phương án điều chỉnh hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Tổng công ty trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 (từ ngày 27/3 đến 5/4).

Theo đó, trước ngày 1/4, giảm 7.558 lượt xe/ngày trên tất cả các tuyến buýt của Tổng công ty (tương đương 77% số lượt xe); sau ngày 1/4 giảm 7.832 lượt xe/ngày trên tất cả các tuyến buýt của Tổng công ty (tương đương 77,5% số lượt xe).

Trước đó, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19, từ ngày 22-3, Transerco đã giảm 900 lượt xe trên 28 tuyến buýt, tương đương 21,3% số lượt.

Phú Thọ: Sơ tuyển nhà đầu tư dự án khu nhà ở hơn 1.500 tỷ đồng

Ngày 23/3, Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ đã thông báo mời sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu nhà ở đô thị phía Tây Bắc thị trấn Sông Thao. Dự án có tổng chi phí thực hiện 1.564 tỷ đồng.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Diện tích đất sử dụng cho dự án hơn 253 nghìn m2, tại xã Thanh Nga và thị trấn Sông Thao, huyện Cẩm Khê. Dự án được sơ tuyển rộng rãi quốc tế, hồ sơ mời sơ tuyển phát hành từ 9h ngày 27/3/2020 đến 9h ngày 28/4/2020 tại Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ.

Đề xuất giao Tổng công ty Trường Sơn thi công 3 dự án cao tốc Bắc-Nam 20.000 tỷ đồng

Ba dự án thành phần cao tốc Bắc Nam gồm đoạn Mai Sơn – quốc lộ 45; quốc lộ 45 – Nghi Sơn và Phan Thiết – Dầu Giây được chuyển theo hình thức vốn đầu tư công. Bộ Quốc phòng kiến nghị giao cho Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thực hiện.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn chuyển đề xuất của Bộ Quốc phòng gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giao thầu thi công các dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông cho doanh nghiệp Quân đội thực hiện.

Trước đó, Bộ Quốc phòng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan ưu tiên chỉ định thầu cho Tổng công ty xây dựng Trường Sơn được tham gia thi công các gói thầu thuộc 3 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc- Nam phía Đông dự kiến chuyển đổi theo hình thức đầu tư công.

Bộ Quốc phòng đề xuất giao Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn làm 3 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam

Ba dự án thành phần này gồm dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn – quốc lộ 45; quốc lộ 45 – Nghi Sơn và Phan Thiết – Dầu Giây.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cam kết sẽ chỉ đạo Tổng công ty xây dựng Trường Sơn chuẩn bị tốt các nguồn lực để triển khai thi công các gói thầu được giao đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng công trình.

Tổng công ty xây dựng Trường Sơn là đơn vị chuyên xây dựng cầu đường của Quân đội, có kinh nghiệm trong thi công các công trình đường cao tốc lớn, như: quốc lộ 3 mới, Hà Nội – Thái Nguyên; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đà Nẵng – Quảng Ngãi; Cam Lộ - Túy Loan...

Trước đó, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ vào giữa tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất với đề xuất chuyển đổi 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam của Bộ GTVT nhằm sử dụng hiệu quả tối đa nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa công trình vào sử dụng, từ đó góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng.

Cụ thể, các dự án PPP sẽ thực hiện chuyển đổi hình thức đầu tư là Dự án đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, có chiều dài tuyến là 99 km; Dự án đoạn Mai Sơn- Quốc lộ 45 có chiều dài tuyến là 63,4 km; Dự án đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn có chiều dài tuyến là 43,2 km. Tổng mức đầu tư 3 dự án vào khoảng 20.500 tỷ đồng.

Bí thư Hà Nội: Sớm đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào sử dụng

Chiều 26/3, tại Hà Nội, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ làm việc với các bộ, ngành, Ban cán sự Đảng UBND thành phố về các dự án giao thông trọng điểm, nhằm chống ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND thành phố, trên địa bàn có nhiều công trình giao thông trọng điểm do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, gồm các dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh- Hà Đông, các tuyến đường Vành đai 3, 4, 5, các tuyến cao tốc nối Hà Nội với Hạ Long, Thái nguyên, đường Hồ Chí Minh, đường sắt quốc gia, các tuyến đường thuỷ trên các tuyến sông lớn, cảng Hàng không quốc tế Nội Bài,…và các công trình do thành phố Hà Nội đầu tư như các dự án đường vành đai, các trục đường hướng tâm, 8 cầu vượt sông Hồng, sông Đuống, các hầm chui trong nội đô,…). Đây là các dự án không chỉ có ý nghĩa đối với yêu cầu phát triển hiện tại mà còn là lâu dài đối với Hà Nội.

Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt 9,75% (tiêu chuẩn là 20- 26%), mật độ đường giao thông đạt 1,7km/km2 (tiêu chuẩn là 4,0- 6,5km/km2), diện tích đất dành cho giao thông tĩnh dưới 1% (tiêu chuẩn là 3- 4%), tỷ lệ vận tải hành khách công cộng là 17,03% (tiêu chuẩn là 50- 55%),… Do đó, Hà Nội cho rằng ùn tắc giao thông trên địa bàn là khó tránh khỏi và sẽ ngày càng phức tạp nếu không có giải pháp quan trọng.

Nguyên nhân là do hệ thống kết cấu hạ tầng bị quá tải, gây ra tai nạn giao thông càng gia tăng ùn tắc, ngập lụt các nguyên nhân liên quan tới tổ chức thi công các công trình, quản lý xây dựng và ý thức người tham gia giao thông.

Để khắc phục tình trạng ùn tắc, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, các bộ, ngành và thành phố Hà Nội thống nhất các nhóm các giải pháp tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, duy tu bảo trì và tổ chức giao thông hợp lý, phát triển vận tải công cộng để giảm phương tiện giao thông cá nhân, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người tham gia giao thông và tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Đối với dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết vướng mắc nhất hiện nay của dự án là vấn đề thanh toán, quyết toán, nhất là việc tuân thủ kết luận liên quan của Kiểm toán Nhà nước đã làm ảnh hưởng tới tiến độ mà tới nay hai bên chưa đạt được thống nhất chung. Trong khi đó, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 sẽ làm chậm tiến độ vận hành thử và bàn giao dự án cho thành phố Hà Nội theo kế hoạch đề ra.

Trước khó khăn này, lãnh đạo các bộ, ngành cho biết dự án đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước của Trung Quốc và Việt Nam nhằm thúc đẩy hiệp thương của các đơn vị liên quan, đảm bảo công bằng, khách quan, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi của người dân Thủ đô.

Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ đề nghị thành lập Tổ công tác do Thứ trưởng Bộ GTVT làm Tổ trưởng, Phó Chủ tịch UBND làm Tổ phó và thành viên là lãnh đạo một số bộ ngành để xây dựng một Kế hoạch, phân loại các công việc của Ban quản lý dự án, Tổng thầu, từng Bộ, ngành và Hà Nội, báo cáo Chính phủ quyết định, nhằm nghiệm thu, bàn giao và vận hành có điều kiện, thúc đẩy dự án đi vào hoạt động.

“Đây là dự án quan trọng của quốc gia, cần thúc đẩy đi vào hoạt động nhằm giảm thiểu tổn thất, lãng phí và có ý nghĩa quan trọng trong đối ngoại”, người đứng đầu cấp uỷ của Thủ đô đề nghị.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 27/3/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành