Thứ sáu, 19/04/2024 20:49 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 27/11/2019

MTĐT -  Thứ tư, 27/11/2019 09:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 27/11/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 27/11/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp.

Hơn 11 tỷ đồng lắp dàn đèn, bảng tỷ số cho “chảo lửa” Hồng Lĩnh Hà Tĩnh

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng vừa ký quyết định số 3812/QĐ – UBND ngày 25/11 về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp sân vận động (SVĐ) tỉnh với các hạng mục dàn đèn, bảng tỉ số, thiết bị chăm sóc cỏ. Kinh phí thực hiện dự án vì thế cũng được nâng từ 51,395 tỷ đồng lên 62,6 tỷ đồng.

Trước đó, dự án cải tạo, nâng cấp SVĐ tỉnh Hà Tĩnh (nằm ở đường 26/3, phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) có tổng mức đầu tư 51,395 tỷ đồng, được khởi công từ 5/4 và hoàn thành vào 30/6.

Trong giai đoạn lượt về giải hạng Nhất quốc gia LS 2019, SVĐ Hà Tĩnh được chọn làm sân nhà của CLB Bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Kết thúc mùa giải, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh giành quyền thăng hạng lên sân chơi V.League.

“Chảo lửa” của CLB bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh sẽ được trang bị thêm dàn đèn, bảng tỷ số, thiết bị chăm sóc cỏ. Ảnh: Nhật Linh

Để đáp ứng yêu cầu cao cho các trận trấu của CLB bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh trong mùa giải V.League 2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định đầu từ hơn 11 tỷ đồng đầu tư dàn đèn, bảng tỉ số, thiết bị chăm sóc cỏ.

Theo đó, hệ thống dàn đèn là để đảm bảo điều kiện ánh sáng phục vụ thi đấu khi ánh sáng tự nhiên không đảm bảo, xung quanh sân vận động được bố trí 4 cột đèn chiếu sáng ở 4 góc sân. Cột đèn làm bằng thép, kích thước tiết diện là đa giác 16 cạnh phía trong rỗng, cao 36,6m, trên mỗi cột bố trí 1 dàn đèn 36 bóng, đèn cao áp công nghệ mới đủ chiếu sáng theo quy định

Phần thân cột đèn rỗng có tiết diện đa giác 16 cạnh làm bằng thép dày 8mm, tiết diện phần chân cột 1050, tiết diện phần đỉnh cột 450.

Mỗi dàn đèn được bố trí 36 bóng pha và các bóng đèn tín hiệu. Đèn pha sử dụng loại đèn chuyên dùng cho thể thao, tiết kiệm 40% năng lượng.

Bảng tỷ số là bảng điện tử có kích thước 6,05 x 3,5 m; loại màn hình P5 ngoài trời, kích thước 32cm x 16 cm; gắn trực tiếp vào mặt tường nhà vệ sinh ở hai đầu cầu môn.

Thiết bị chăm sóc cỏ tự nhiên là máy cắt cỏ Buffalo, dao xoắn và dao verticut, mát rải sân, rải cát, lu dắt tay sakai, máy kẻ vạch sân.
Chủ đầu tư thực hiện dự án là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh.

Theo ông Lê Anh Dũng – Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, hiện đơn vị đang tổ chức đấu thầu và dự kiến cuối tháng 12 này sẽ triển khai thi công các hạng mục nêu trên.

Đến 30/4/2020, bến xe Miền Đông mới sẽ đi vào hoạt động

Bến xe Miền Đông mới khởi công từ tháng 4/2017 từng được kỳ vọng sẽ đưa vào sử dụng dịp Tết Nguyên đán 2018. Tuy nhiên vì vướng nhiều thủ tục, bến xe vẫn chưa thể hoạt động, nhiều lần phải dời thời gian khánh thành và đến nay vẫn đang chờ những thủ tục pháp lý từ cơ quan chức năng.

Ngày 26/11, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết: Bến xe Miền Đông mới là dự án trọng điểm, dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm ngoái. Tuy nhiên, đến giờ vẫn trễ hẹn. Việc này chúng tôi đã rất nhiều lần họp với Tổng công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (Samco), theo Samco, vấn đề lớn nhất chưa giải quyết xong chủ yếu là về giao quỹ đất và tổ chức đấu thầu cho các đơn vị khai thác cung cấp dịch vụ tiện ích tại bến xe. Hiện, Samco vẫn chưa hoàn tất phương án này.

Cũng theo ông Lâm, Sở đã có nhiều cuộc họp, tổ chức các phương án về giao thông bên ngoài để kết nối vào bến xe. Cơ sở hạ tầng kết nối xung quanh bến đã ổn, tổ chức xe buýt phục vụ hành khách và phân kỳ từng giai đoạn khai thác đã có kế hoạch cụ thể. UBND TP đã giao cho Samco, các sở ngành đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục.

Bến xe Miền Đông mới đã hoàn thành các hạng mục được hơn 90%. Ảnh HT

Về phía chủ đầu tư (Samco) cho biết, vấn đề pháp lý lớn nhất mà chúng tôi vẫn đang chờ UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan cho ký kết hợp đồng thuê đất tại bến xe Miền Đông mới. Trước đó, hôm 22/10, UBND TP đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường sớm ký hợp đồng cho công ty thuê đất nhưng đến nay chưa có phản hồi từ phía Sở. Khi có hợp đồng thuê đất, công ty sẽ sớm tổ chức đấu thầu cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ hành khách trong bến.

Vấn đề pháp lý nữa là việc đăng ký địa điểm kinh doanh chưa được Sở kế hoạch và Đầu tư TP cấp nên chưa thể hoạt động. Bên trong bến, hạ tầng cơ bản đã xong được hơn 90%, dự kiến đến 15/12 sẽ hoàn thành nốt các hạng mục lắp đặt.

Theo Công ty Samco nếu sớm được ký hợp đồng thuê đất, các sở ngành đẩy nhanh những thủ tục pháp lý còn thiếu thì công ty dự kiến có thể khánh thành vào dịp lễ 30/4/2020.

Bến xe Miền Đông mới có tổng diện tích 16ha với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng. Đây là bến xe được xây dựng lớn nhất nước và hiện đại trong khu vực Đông Nam Á, có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách/năm. Giai đoạn 1 của dự án được đầu tư khoảng 740 tỷ đồng.

Theo kế hoạch di dời các tuyến vận tải hành khách cố định từ bến xe Miền Đông hiện hữu (Q.Bình Thạnh) ra bến xe Miền Đông mới, giai đoạn 1 sẽ di dời 29 tuyến vận tải hành khách cố định có cự ly từ 1.100km trở lên (từ Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc). Trung bình có khoảng 40 chuyến/ngày xe khách hoạt động tại bến xe mới. Bên cạnh đó, nhiều tuyến xe buýt trợ giá (số 55, 76, 150) và không trợ giá (số 602, 611) được bố trí để phục vụ khách. Dự kiến, có khoảng 80 chuyến xe buýt/ngày phục vụ khách ra vào bến xe.

Giai đoạn 2, dự kiến năm 2020 sẽ hoàn thành các công trình xây dựng quanh bến xe như: hầm chui, cầu vượt, cải tạo mở rộng Quốc lộ 1, hệ thống đường Hoàng Hữu Nam. Khi đó sẽ di dời tiếp 85 tuyến xe khách cố định từ Huế trở vào miền Trung, Đồng Nai, Lâm Đồng, khu vực miền Tây và các tuyến liên vận quốc tế.

Tổng Công ty UDIC: Tối ưu hóa chi phí, tăng khả năng cạnh tranh đấu thầu

Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC cho biết: 9 tháng đầu 2019, Tổng Công ty đã triển khai thi công nhiều loại hình công trình, hạng mục công trình trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh thành trong nước như: Dự án UDIC Westlake; Cụm công trình nhà ở khu IA 20 – Khu đô thị Nam Thăng Long; Dự án xây mới chung cư C1 Thành Công; Học viện chính sách phát triển; Trụ sở ủy ban chứng khoán Nhà nước; Tòa nhà SHB Đà Nẵng; Đài phát thanh truyền hình Khánh Hòa; Dự án Đầu tư mở rộng đường vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long); Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Huế…

Nhìn chung tất cả các công trình do Tổng Công ty thi công đều đảm bảo chất lượng, tiến độ, quan tâm tốt đến công tác vệ sinh – an toàn lao động trên công trình. Giá trị sản lượng từ xây lắp đạt 2.579,8 tỷ đồng, chiếm 48% tổng giá trị sản lượng toàn Tổng Công ty.

Đặc biệt, dự án công trình mở rộng đường Vành đai 3 dưới thấp, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long dài 5,5 km, là công trình trọng điểm của Thành phố Hà Nội. Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC là nhà thầu được giao nhiệm vụ thi công Gói thầu số 2: Thi công từ Km2+812,5 đến Km3+700 & Km4+620 đến Km5+500.

Theo lãnh đạo Tổng Công ty, khó khăn nhất của công trình là công tác giải phóng mặt bằng, nhưng với sự chỉ đạo tập trung quyết liệt của Thành phố, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan đơn vị trên địa bàn; sự quan tâm giúp đỡ của các cấp các ngành, cùng với sự cố gắng nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC đã hoàn thành các hạng mục, đảm bảo tiến độ, chất lượng, mỹ quan, an toàn và đủ điều kiện thông xe, đưa công trình vào khai thác sử dụng nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2019), phục vụ nhu cầu đi lại cấp thiết của nhân dân, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên địa bàn.

Bên cạnh công tác thi công xây lắp, công tác đấu thầu, tìm kiếm việc làm luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Tổng Công ty. Tuy nhiên do lượng việc từ các công trình vốn ngân sách Nhà nước ngày càng hạn chế, các dự án của chủ đầu tư tư nhân cạnh tranh khốc liệt về giá trong khi nguồn vốn huy động chủ yếu là vốn vay. Do vậy, khi tham dự thầu Tổng Công ty luôn phải đánh giá kỹ về năng lực của chủ đầu tư, cũng như cân nhắc về hiệu quả của Hợp đồng.

Lễ thông xe giai đoạn 1 đường Vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long) đưa công trình vào khai thác sử dụng đúng dịp kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2019)

Kết quả, 9 tháng đầu năm 2019 Tổng Công ty đã trúng thầu 24 công trình và hạng mục công trình, tổng giá trị là 1.651 tỷ đồng. Trong đó có một số công trình có giá trị lớn như: Dự án Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ; Trụ sở Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh; Xây dựng lại Nhà B Công an thành phố Hà Nội; Ký túc xá Cao đẳng nghề Nha Trang; Công viên, cây xanh, quảng trường khu hành chính tập trung - Thừa Thiên Huế; Gói thầu DH-1.1: Thoát nước mưa, nước thải và cống cấp 3 khu vực phường Bắc Lý - thành phố Đồng Hới… Đây cũng chính là những nền tảng vững chắc, tạo sản lượng cho Tổng Công ty trong 3 tháng cuối năm 2019 và những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, việc cạnh tranh trong đấu thầu giữa các nhà thầu xây dựng đang ngày càng trở nên gay gắt hơn. Vì vậy, tối ưu hóa công tác đấu thầu là một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC.

Do vậy, Tổng Công ty xác định cần liên tục nắm bắt thông tin từ thị trường, phân tích và đánh giá những điểm mạnh và điểm yếu của các nhà thầu để đảm bảo sự chủ động và có những sách lược đấu thầu phù hợp. Tăng cường ứng dụng BIM trong đấu thầu hướng đến tối ưu hóa chi phí, tăng khả năng cạnh tranh đấu thầu, đặc biệt đối với các dự án Design & Build nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng nhất. Áp dụng các phần mềm tính toán để tăng cường độ chính xác, đẩy nhanh tiến độ lập báo giá và chốt giá gói thầu sớm với chủ đầu tư. Đẩy mạnh công tác đấu thầu qua mạng để bổ sung nguồn việc cho khối thi công xây lắp.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty cũng chú trọng dự báo tình hình giá cả thị trường, chủ động triển khai các hợp đồng mua, nhập khẩu sớm vật tư thiết bị thiết yếu cho dự án. Tăng cường đàm phán và chốt các điều khoản giữ giá, khống chế tỷ lệ trượt giá với chủ đầu tư, từ đó có kế hoạch mua sắm, đặt hàng sớm để phòng tránh rủi ro biến động giá. Tích cực tìm kiếm các nguồn hàng mới chất lượng và giá cả hợp lý, hạn chế tình trạng độc quyền nguồn cung.

Yên Bái đấu thầu dự án kinh doanh nhà ở hơn 200 tỷ đồng

UBND tỉnh Yên Bái vừa phê duyệt danh mục Dự án Đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở (khu dân cư nông thôn) quỹ đất phía Tây cầu Mậu A (khu vực nút giao IC 14, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai), xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Đây là dự án có sử dụng đất sẽ được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Tổng chi phí sơ bộ của Dự án khoảng 209 tỷ đồng. Tổng diện tích đất dự kiến thực hiện dự án là 7,13 ha, thời gian thực hiện 2019 - 2021. Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái ủy quyền cho Chủ tịch UBND huyện Văn Yên phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển, kết quả sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu...

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 27/11/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...