Thứ sáu, 29/03/2024 01:26 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 26/5/2019

MTĐT -  Chủ nhật, 26/05/2019 10:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 26/5/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 26/5/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Tạm dừng thu phí BOT gần cầu Vàm Cống

Trao đổi với báo chí chiều 25/5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, Bộ vừa có chỉ đạo tạm dừng hoạt động thu phí tại trạm thu phí T2 (quốc lộ 91, TP Cần Thơ) để tiến hành hoạt động kiểm đếm xe qua trạm. Việc kiểm đếm để có căn cứ điều chỉnh chính sách miễn giảm phí cho các đối tượng khác nhau.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, quyết định này được đưa ra sau khi nắm bắt ý kiến dư luận về việc thu phí chưa hợp lý.

Trong khi đó, Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam cho hay, việc tạm dừng thu phí để thực hiện thống kê các phương tiện qua trạm T2 bị ảnh hưởng.

Ông Huyện không thông tin cụ thể việc dừng thu phí sẽ kéo dài trong bao lâu nhưng cho biết sẽ thu phí trở lại khi giảm giá xong.

Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Kiệm - Trưởng trạm BOT T2 trên quốc lộ 91 (đặt tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) cho biết, từ 15h ngày 25/5, trạm đã dừng thu phí, chờ phương án giải quyết từ cấp trên. Riêng trạm T1 cách đó khoảng 32 km vẫn thu phí bình thường.
Là một trong hai trạm thu phí thuộc Dự án cải tạo nâng cấp mở rộng quốc lộ 91 và 91B, trạm BOT T2 từ khi hoạt động cách đây ba năm đã bị chỉ ra sự bất hợp lý trong vị trí đặt trạm. Nhiều xe chỉ đi vài trăm mét nhưng bị thu phí toàn tuyến, 35.000 - 200.000 đồng.

Mới đây khi cầu Vàm Cống khánh thành, làn sóng phản ứng của người dân và tài xế với trạm thu phí T2 lại nổi lên. Mặc dù không có chính sách thu phí qua cầu nhưng án ngữ ngay dưới chân cầu là trạm thu phí T2.

Trạm T2 trên quốc lộ 91 liên tục xả sau khi thông xe cầu Vàm Cống hôm 19/5.

Từ ngày 21 đến 23/5, tại trạm T2 liên tục xuất hiện việc tài xế dừng xe phản đối chính sách thu phí. Với quan điểm "đi bao nhiêu thì trả bấy nhiêu", nhiều tài xế đưa ra 2.000 đồng cho nhân viên thu phí tương ứng với 300 m đường mà họ sử dụng.

Trao đổi với Đất Việt ngày 23/5, ĐBQH Hồ Thanh Bình - Đoàn Đại biểu tỉnh An Giang không tỏ ra bất ngờ, bởi tình trạng này đã được An Giang dự báo từ lâu mà nguyên nhân chính là do vị trí đặt trạm.

Đầu năm 2018, khi làm việc với Bộ GTVT, tỉnh An Giang, lãnh đạo đã giao cho Bộ GTVT phải nghiên cứu lại trạm BOT T2 và đưa ra phương án xử lý phù hợp để đảm bảo yếu tố hài hòa lợi ích 3 bên Nhà nước, nhà đầu tư và người dân trước khi thông cầu Vàm Cống.

Nhưng khi ngồi xem lại các quy trình thì các bên đều không nhận thấy có sự bất thường về thủ tục vị trí đặt trạm. Bộ GTVT và nhà đầu tư đã lấy ý kiến đầy đủ các bên, theo đó, họ đều đồng ý đặt trạm tại vị trí như hiện nay.

Mặc dù, kế hoạch xây dựng cầu Vàm Cống đã có từ lâu, khi làm dự án cải tạo QL91 đặt trạm BOT T2 thu vốn hoàn phí đầu tư các bên cũng đã có nghiên cứu nhưng khi chọn vị trí đặt trạm lại đặt ở nơi có thể gây lên sự bất hợp lý mà ai cũng có thể nhìn ra. Ông Bình cho biết, nguyên nhân xảy ra điều này bản thân cũng biết nhưng đó là sự "nhạy cảm" không tiện nói ra.

Theo ông Bình, trách nhiệm chính trong xử lý vụ việc này thuộc về Bộ GTVT và nhà đầu tư. Lúc đề xuất dự án đã không tính đến những bức xúc của người dân khi thông cầu Vàm Cống để có những dự báo và phương án giải quyết.

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải An Giang, Đồng Tháp đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ như: Di dời trạm thu phí về vị trí khác; phát thẻ thu phí với mức phí khoảng 2.000 đồng mỗi lượt cho những xe chỉ đi từ 300 m trên quốc lộ 91.

Đà Nẵng nghiên cứu thêm công trình qua sông Hàn

Ngày 25/5, Sở GTVT TP.Đà Nẵng cùng Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật TP.Đà Nẵng tổ chức hội thảo Phương án phân luồng giao thông trung tâm TP.

Cầu Rồng qua sông Hàn

Trước thực trạng ùn tắc giao thông trung tâm, chủ yếu vào giờ cao điểm tại các trục, giao lộ chính và có xu hướng tăng ùn tắc các tuyến nối trung tâm ra các quận, huyện, Sở GTVT đã chuẩn bị 5 phương án phân luồng từ nay đến 2025.

Bên cạnh đó, xây 2 nút giao khác mức phía tây cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý, cùng các giải pháp phân bổ lượng phương tiện trên trục chính, giảm xung đột nút giao; đến 2020 tăng đường 1 chiều như Lý Thái Tổ - Hùng Vương, Hải Phòng, Ông Ích Khiêm, Hoàng Hoa Thám, Lê Độ, Hà Huy Tập và một số đường ngang nối Bạch Đằng - Trần Phú; đến 2025, thêm đường 1 chiều Nguyễn Hoàng, Hoàng Diệu. Sở GTVT cũng đề xuất công trình mới qua sông Hàn và hầm qua sân bay Đà Nẵng.

Tại hội thảo, Giám đốc Sở TN-MT Tô Văn Hùng góp ý, bên cạnh giải pháp giao thông, cần bố trí giờ làm việc lệch pha, chấn chỉnh triệt để vấn nạn đậu đỗ xe tràn lan.

Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng, đề xuất di dời các trường ĐH, CĐ, bệnh viện, hạn chế các xe lớn vào trung tâm giờ cao điểm, phát triển hệ thống xe buýt...

Chủ siêu máy bơm xin giải cứu phần còn lại của 'rốn ngập' Nguyễn Hữu Cảnh

Chủ siêu máy bơm xin giải cứu phần còn lại của 'rốn ngập' Nguyễn Hữu Cảnh
Theo đó, xét đề nghị của Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung về xây dựng phương án giải quyết chống ngập tại khu vực chân cầu Sài Gòn để tránh hiểu lầm với lưu vực chống ngập của trạm bơm; UBND TPHCM chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật làm việc với Tập đoàn này về phương án chi tiết; tham mưu, đề xuất trình UBND TPHCM.

Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung có công văn hoả tốc gửi UBND TPHCM, Sở Xây dựng… đề xuất phương án chống ngập cho đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh dưới chân cầu Sài Gòn để tránh hiểu lầm vì khu vực này thường xuyên bị ngập do mưa lớn nhưng nằm ngoài phạm vi chống ngập của “siêu máy bơm”.

Theo đó, phạm vi chống ngập của “siêu máy bơm” từ chân cầu vượt Thủ Thiêm đến số nhà 125A trên trục đường Nguyễn Hữu Cảnh. Phần còn lại sát chân cầu Sài Gòn vẫn bị ngập là do 80% diện tích (khoảng 30 ha) khu đô thị Vinhomes và khu vực đường Điện Biên Phủ (khoảng 12ha) có độ dốc cao chảy tràn xuống khu vực chân cầu Sài Gòn.

Trong khi đó tuyến cống tại chân cầu Sài Gòn bị xipoong không chảy về hướng trạm bơm được. Toàn bộ khu vực bị ngập nằm ngoài phạm vi chống ngập của “siêu máy bơm”.

Để giải quyết cơ bản vấn nạn bị ngập tại khu vực tại chân cầu Sài Gòn kéo dài nhiều năm nay và tránh hiểu lầm bởi khu vực này vẫn bị ngập trong khi khu vực đăng ký chống ngập đã được bơm công suất lớn hoàn thành việc chống ngập, Tập đoàn này đề nghị UBND thành phố và Sở Xây dựng, Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật cho phép xây dựng phương án “khẩn cấp” giải quyết nốt điểm ngập còn lại trên tuyết đường Nguyễn Hữu Cảnh ngay trong mùa mưa năm nay. “Nếu được phê duyệt, thời gian thực hiện trong khoảng 10 ngày, khi nào không cần sử dụng có thể di dời đi chỗ khác”, đại diện tập đoàn Quang Trung nêu.

Hơn 2 năm hoạt động, “siêu máy bơm” được lãnh đạo UBND TPHCM đánh giá cao khi đã giúp đường Nguyễn Hữu Cảnh đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm đến số nhà 125A thoát cảnh ngập lụt, người dân không còn phải lội nước hàng giờ đồng hồ mỗi khi mưa lớn và triều cường.

Đầu tháng 4/2019, UBND TPHCM đã chốt phương án thuê “siêu máy bơm” chống ngập cho khu vực này với giá hơn 14,2 tỷ đồng/năm; tháng nào để ngập sẽ không trả tiền. Giá thuê này cũng chỉ bằng 30% chi phí chống ngập của thành phố thực hiện thời gian qua..

Cuối 2020 có thể khởi công dự án sân bay Long Thành

Cập nhật tiến độ thực hiện dự án sân bay Long Thành, Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải cho biết đang chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV ) phối hợp với tư vấn khẩn trương hoàn thành báo cáo cuối kỳ báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) giai đoạn 1.

Sân bay Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng, chậm nhất 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1.

Báo cáo kế hoạch thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ trình FS giai đoạn 1 lên Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng thẩm định nhà nước vào tháng 6/2019.

Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định FS giai đoạn 1 từ tháng 6/2019 - 8/2019.

Cuối tháng 8/2019 Chính phủ gửi FS giai đoạn 1 cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra.

Tháng 11/2019 Quốc hội thông qua FS giai đoạn 1. Tháng 12/2019 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt FS giai đoạn 1.

Khâu rà phá bom mìn, việc lựa chọn nhà thầu diễn ra từ tháng 1/2020 - 3/2020. triển khai rà phá bom mìn từ tháng 4/2020 - 10/2020.

Tháng 1/20120- 3/2020 sẽ lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật hạng mục san nền, chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật hạng mục khu bay, nhà ga... tháng 1/2020 - 5/2020.

Sau đó, bước lập và phê duyệt thiết kế kỹ thuật hạng mục san nền sẽ diễn ra vào tháng 4/2020 - 6/2020.

Tháng 6/2020 - 7/2021 lập và phê duyệt thiết kế kỹ thuật hạng mục khu bay, nhà ga...:

Trong đấu thầu xây lắp, tiến độ sẽ là đấu thầu xây dựng hạng mục san nền vào tháng 7/2020 - 9/2020. Đấu thầu xây dựng hạng mục khu bay tháng 4/2021 - 11/2021. Đấu thầu xây dựng hạng mục nhà ga từ tháng 8/2021 - 2/2022

Bước xây lắp dự kiến khởi công hạng mục san nền tháng 10/2020. Khởi công hạng mục khu bay tháng 12/2021. Khởi công hạng mục nhà ga tháng 3/2022.

Như vậy, ACV phấn đấu để có thể khởi công dự án vào cuối năm 2020, Bộ trưởng Thể cho biết.

Dự án giải phóng mặt bằng, đối với hai khu tái định cư, theo báo cáo, ngày 11/3/2019, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành 2 quyết định phê duyệt phương án bồi thường đối với Tổng công ty Cao su Đồng Nai với tổng giá trị phương án là 208.527.942.000 đồng. Trước mắt, UBND tỉnh Đồng Nai áp dụng đơn giá bồi thường 600 triệu đồng/ha. Giá trị bồi thường sẽ được điều chỉnh sau khi tỉnh chính thức phê duyệt đơn giá bồi thường cây cao su. Dự kiến Tổng công ty Cao su Đồng Nai sẽ bàn giao mặt bằng trong tháng 5/2019.

Đối với 3,58 ha đất của 22 hộ gia đình, cá nhân Trung tâm Phát triển quỹ đất đã kiểm đếm xong và đã chuyển hồ sơ cho UBND xã Bình Sơn và huyện Long Thành để xác nhận nguồn gốc đất.

Về 500 ha để xây dựng sân bay, đối với đất của các hộ gia đình, cá nhân, UBND huyện Long Thành đã gửi thông báo thu hồi đất cho 5.283 hộ/15.716 thửa đất/30.251.107,4 m2 trên địa bàn 6 xã Bàu Cạn, Bình Sơn, Cẩm Đường, Long Phước, Long An và Suối Trầu.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã phê duyệt kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm và ban hành thông báo thu hồi đất đối với một số tổ chức.

Bộ trưởng Thể nhận định, do phần lớn diện tích đất cần bàn giao cho Bộ để xây dựng giai đoạn 1 là diện tích đất vườn cây cao su của Tổng công ty Cao su Đồng Nai (khoảng 1.099 ha) và khoảng gần 200 hộ dân nên việc giải phóng mặt bằng có thuận lợi nhất định, đảm bảo tiến độ chung của dự án.

Hiện nay, UBND tỉnh Đồng Nai đang tập trung chỉ đạo giải phóng mặt bằng phần diện tích đất giai đoạn 1, phấn đấu bàn giao đất vào đầu năm 2020 để Bộ Giao thông vận tải triển khai rà phá bom mìn và các công việc liên quan đến triển khai dự án.

P.V (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 26/5/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.