Thứ năm, 18/04/2024 21:56 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/1/2020

MTĐT -  Thứ tư, 22/01/2020 10:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/1/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/1/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp

Một số tuyến đường trung tâm TP.HCM sẽ bị cấm

19 giờ hôm nay (22-1, tức 28 tháng Chạp), đường hoa Nguyễn Huệ sẽ chính thức khai mạc, phục vụ nhu cầu du xuân, thưởng ngoạn của người dân, du khách trong nước và quốc tế.

Trong thời gian diễn ra đường hoa, TP cấm tất cả các loại xe lưu thông trên đường Nguyễn Huệ đoạn từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Tôn Đức Thắng; đường Mạc Thị Bưởi đoạn từ đường Đồng Khởi đến đường Nguyễn Huệ; đường Ngô Đức Kế đoạn từ đường Hồ Tùng Mậu đến đường Đồng Khởi.

Hạn chế các phương tiện lưu thông trên các tuyến đường kết nối từ đường Đồng Khởi vào đường Nguyễn Huệ: Nguyễn Thiệp, Lê Lợi (lối lưu thông bên cạnh rào chắn); các tuyến đường kết nối từ đường Hồ Tùng Mậu, Pasteur vào đường Nguyễn Huệ: Hải Triều, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Thất Thiệp, Lê Lợi (lối lưu thông bên cạnh rào chắn).

Đường hoa Nguyễn Huệ sẽ kéo dài đến 21 giờ ngày 28-1-2020 (tức mùng 4 Tết).

Lộ trình thay thế:

Lộ trình 1: đường Tôn Đức Thắng - công trường Mê Linh - đường Hai Bà Trưng - đường Lê Thánh Tôn;

Lộ trình 2: đường Tôn Đức Thắng - đường Hàm Nghi - công trường Quách Thị Trang - đường Lê Lợi - đường Pasteur - đường Lê Thánh Tôn.

Đường hoa Nguyễn Huệ năm nay có chủ đề "TP HCM - Vững tin tiến bước" dài 720 m trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, bắt đầu từ ngay phía sau đài phun nước nghệ thuật đến giao lộ với đường Tôn Đức Thắng, quận 1.

Có gần 130 linh vật năm Canh Tý được tạo hình độc đáo, bố cục trải dài khắp trục đường Nguyễn Huệ. Lấy cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ - đám cưới chuột, Đại cảnh cổng mở tái hiện hình ảnh đàn chuột được cách điệu thân thiện và hiện đại, nối đuôi nhau chào đón năm mới.

Đầu đường hoa là phối cảnh gia đình chuột ca hát mừng xuân. Nhạc trưởng là chuột bố cao 3 m chỉ huy đội nhạc công gồm chuột mẹ cao 2,5 m và bảy chuột nhí cao trung bình 1,5 m. Riêng chuột bố có thể cử động tay, vẫy chào du khách tham quan đường hoa xuân. Theo chủ xưởng thi công, các linh vật được tạo hình theo mô phỏng của đàn chuột trong dân gian.

Đường hoa Nguyễn Huệ 2020 là Đường hoa thứ 17 đượcTP thực hiện trong dịp Tết cổ truyền, kể từ năm 2004. Công trình do UBND TP chỉ đạo; Saigontourist chủ trì, phối hợp các sở ban ngành và sự đồng hành của các doanh nghiệp tại TP thực hiện.

Xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định, với tổng mức đầu tư dự án hơn 2.700 tỷ đồng.

Theo đó, tuyến đường ven biển Nam Định dài 65 km nhằm kết nối mạng lưới giao thông trong khu vực đồng bằng Bắc bộ. Trong số 65 km chiều dài tuyến đường, 38 km sẽ được xây mới, 13 km cải tạo nâng cấp và tận dụng hoặc đi trùng dự án khác 14 km.

Dự án có tổng mức đầu tư 2.791 tỷ đồng, ngân sách trung ương 1.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác 1.791,4 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ 2020 đến 2024.

Khu vực ven biển huyện Hải Hậu

Điểm đầu dự án tại đê hữu sông Hồng, đê biển Giao Thủy, xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy; điểm cuối dự án là bờ tả sông Đáy, đê biển Nghĩa Hưng, xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Tuyến đường đầu tư theo quy mô đường cấp III đồng bằng, thiết kế đồng bộ các công trình trên tuyến bảo đảm phù hợp với quy mô cấp đường.

UBND tỉnh Nam Định được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư.

Dự án nhằm nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa tỉnh Nam Định và các tỉnh lân cận, kết nối với mạng lưới giao thông trong khu vực và hệ thống đường giao thông quốc gia, phát huy hết vai trò hiệu quả của các dự án trong khu vực đã và đang triển khai.

Bên cạnh đó, tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của vùng kinh tế biển Nam Định nói riêng, của tỉnh Nam Định và vùng đồng bằng sông Hồng nói chung; bảo đảm an ninh quốc phòng, phòng chống lụt bão.

TP.HCM ra chỉ đạo chống triều cường dịp tết Canh Tý

Nhằm không để xảy ra tình trạng ngập úng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, đặc biệt là trong đợt triều cường dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, UBND TP.HCM vừa yêu cầu các quận-huyện sớm đề xuất biện pháp khắc phục khẩn cấp 3 vị trí đặc biệt xung yếu có nguy cơ bể bờ bao thuộc dự án công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn

Triều cường làm ngâp trên diện rộng trên đường Phạm Hùng (huyện Bình Chánh) vào cuối tháng 10-2019. Ảnh: THU TRINH.

TP yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án do đơn vị làm chủ đầu tư còn tồn đọng; đảm bảo an toàn tại các tuyến đường thường xuyên bị ngập do triều cường; bố trí máy bơm nước di động để kịp thời khắc phục các sự cố ngập úng do triều cường gây ra, đảm bảo an toàn cho nhân dân đi lại trong dịp Tết.

Ngoài ra, UBND các quận - huyện cần kiểm tra bờ bao, cống, cửa van ngăn triều, đảm bảo an toàn công trình, nhất là trong các đợt triều cường từ nay đến Tết Nguyên đán.

Đối với những công trình đang thi công thì phải có biện pháp ngăn dòng, dẫn dòng phù hợp; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị thường xuyên túc trực để kịp thời khắc phục các sự cố có thể xảy ra trong dịp tết.

Riêng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP cần phối hợp với UBND quận Bình Thạnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Các đơn vị, địa phương sẽ chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng bể bờ bao gây ngập úng ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của nhân dân trong dịp tết cổ truyền của dân tộc.

UBND TP cũng giao UBND quận Thủ Đức làm chủ đầu tư thực hiện tu sửa cấp bách 33 công trình bờ bao xung yếu. Các công trình bờ bao này sau khi hoàn thành sẽ giúp ngăn triều cường, phòng, chống ngập úng, bảo vệ cho các khu vực dân cư có tổng diện tích khoảng 220ha với khoảng 18.150 hộ dân trên địa bàn quận Thủ Đức.

Bắc Giang tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức lễ hội năm 2020

Công văn nêu rõ, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 10/12/2019 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2020; Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 30/12/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tổ chức đón Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020; Công văn số 4890/VHCS-NSVH ngày 06/12/2019 của Cục Văn hóa cơ sở về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2020; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:

Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của trung ương và của tỉnh ban hành trong thời gian qua về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đặc biệt là Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; đảm bảo các lễ hội trên địa bàn diễn ra an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, có ý nghĩa thiết thực.

Ảnh minh họa. (Nguồn: vitourshanoi.com)

Tăng cường vai trò quản lý nhà nước về lễ hội đối với UBND cấp huyện. Đồng thời, có cơ chế phối hợp giữa UBND cấp huyện, xã, Ban tổ chức lễ hội và các cơ quan có liên quan, đảm bảo các lễ hội diễn ra an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định. Việc tổ chức cấp phép và tiếp nhận thông báo tổ chức lễ hội theo đúng quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của nhân dân. Các nghi lễ phải trang nghiêm, không chấp thuận tổ chức lễ hội thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm. Không ép buộc tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội. Hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội. Kết hợp việc tổ chức lễ hội với Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích, Lễ khánh thành tu bổ, tôn tạo di tích để thực hiện tiết kiệm và nâng cao hiệu quả tuyên truyền sâu rộng giá trị của di sản văn hóa trong các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương.

Chỉ đạo Ban quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội tuyên truyền cho khách tham quan, người tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo không mua bán, đốt pháo, đốt và thả đèn trời; không thực hiện các hoạt động mê tín, dị đoan, các hình thức cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác; có phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực 2 phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo vệ an toàn cho di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh và nhân dân tham gia lễ hội; hướng dẫn thắp hương, đốt vàng mã, đặt hòm công đức trong di tích đúng nơi quy định, bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích. Không tự ý đưa hiện vật không có trong hồ sơ xếp hạng vào di tích, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kịch động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Kiên quyết không để các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch… diễn ra trong lễ hội. Ban hành văn bản tạm ngừng hoặc kiến nghị các cấp có thẩm quyền tạm ngừng tổ chức lễ hội đối với các lễ hội vi phạm một trong số các quy định nêu tại Điều 8, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động; không đi lễ hội trong giờ hành chính; không dùng xe công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội (trừ các trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ).

Sau khi kết thúc mùa lễ hội, đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố báo cáo bằng văn bản công tác quản lý di tích và tổ chức lễ hội tại địa phương năm 2020 gửi về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Phòng Quản lý Di sản văn hoá) để tổng hợp, báo cáo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/1/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.