Thứ sáu, 26/04/2024 09:27 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 21/11/2019

MTĐT -  Thứ năm, 21/11/2019 09:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 21/11/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 21/11/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp.

Hơn 2.000 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng giao thông công cộng kết nối Bình Dương với Tp.HCM

Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, phát triển giao thông công cộng kết nối Bình Dương - TPHCM. Mục tiêu chính của dự án là từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 theo Quyết định số 1710/ QĐ-UBND ngày 26-6-2012 của UBND tỉnh; Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3247/QĐ- UBND ngày 16-12-2013 và việc phát triển hệ thống giao thông công cộng tỉnh Bình Dương đến năm 2025, tầm nhìn sau năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 4291/ QĐ-UBND ngày 24-12-2014 của UBND tỉnh.

Dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tỉnh Bình Dương thuộc dự án nhóm A có tổng vốn đầu tư 2.077,6 tỷ đồng, trong đó dự kiến nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) Nhật Bản là 1.353,2 tỷ đồng, nguồn vốn đối ứng UBND tỉnh Bình Dương tự thu xếp là 724,4 tỷ đồng.

Dự án bao gồm một số hạng mục chính, như 6 cầu vượt tại các nút giao lớn trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn (là tuyến đường chính nối Bình Dương - TPHCM). Đồng thời, dự án sẽ triển khai tuyến buýt nhanh (BRT) kết nối giữa Thành phố mới Bình Dương và Bến xe Suối Tiên (Bến xe Miền Đông mới), dài hơn 30km. Dự án do Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. Dự kiến, dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2019-2025.

Dự án không có yếu tố giải tỏa đền bù mặt bằng mà sẽ xây dựng ngay trên nền mặt đường tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn. Do đó, đây là điều kiện thuận lợi để khi triển khai thực hiện dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương, dự án này sau khi hoàn thành sẽ góp phần tăng năng lực thông hành của đường Mỹ Phước - Tân Vạn nói riêng cũng như các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh nói chung. Đồng thời, dự án hoàn thành sẽ khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, thu hút người dân sử dụng giao thông công cộng; tăng cường giao thông kết nối, giao thông đối ngoại của tỉnh với TPHCM, các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ cũng như nhu cầu đi lại, đời sống của người dân.

Bên cạnh dự án này, năm 2020 và những năm tiếp theo tỉnh đã có kế hoạch đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông quan trọng huyết mạch của tỉnh để kết nối với các tỉnh, thành lân cận, kết nối vùng như quốc lộ 13, đường ĐT743, đường Mỹ Phước - Bàu Bàng...; cùng với đó chuẩn bị khởi công dự án Thủ Biên - Đất Cuốc.

Hiện nay, ngoài đường vành đai 3, vành đai 4, đại lộ Mỹ Phước – Tân Vạn – Nhơn Trạch, ĐT 746, ĐT 747B mở rộng, sắp tới các khu vực này còn đón thêm nhiều công trình giao thông "tỉ đô". Có thể kể đến như tuyến cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, cao tốc TPHCM – Lộc Ninh, metro thành phố mới Bình Dương – Uyên Hưng – Tân Thành, metro Dĩ An – Tân Uyên, kéo dài metro Bến Thành – Suối Tiên đến thị xã Dĩ An…

Mới đây nhất, HĐND tỉnh Bình Dương tại kỳ họp thứ 9 (bất thường) đã thông qua tờ trình về chủ trương đầu tư dự án cải tạo, mở rộng QL13 được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) và hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Theo đó, công trình dự kiến thực hiện trước năm 2023, tổng vốn đầu tư là gần 10.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 1.300 tỷ, tiền giải phóng mặt bằng khoảng 8.100 tỷ; còn lại là các khoản chi phí tư vấn, quản lý, di dời hạ tầng kỹ thuật, dự phòng...

Được biết, QL 13 là trục giao thông xương sống của hệ thống giao thông tỉnh Bình Dương và nằm trong hệ thống đường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), có tên quốc tế là AH13 (ASEAN Highway). Đường này có ý nghĩa như chiếc đòn bẩy nâng cao vị thế của Bình Dương từ tỉnh nghèo thuần nông lên vị trí dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, đô thị, thu hút đầu tư.

Thành phố Lào Cai: Năm thứ hai liên tiếp là đô thị xanh - sạch - đẹp

Ngày 16 - 17/11, tại thành phố Vũng Tàu, Hiệp hội các đô thị Việt Nam đã tổ chức Hội nghị thường niên năm 2019 với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý đất đai và đô thị”.

Năm 2019, các đô thị thành viên của Hiệp hội đã nỗ lực phát triển, đóng góp khoảng 75% GDP quốc gia. Các nội dung nổi bật được các đô thị quan tâm triển khai trong năm 2019 là: Nước sạch, chống úng ngập, vệ sinh môi trường, chống rác thải nhựa, thu hút đầu tư cải tạo hạ tầng, xây dựng chính quyền điện tử, quản trị đô thị thông minh hướng tới mô hình đô thị xanh, thông minh và bền vững.

Thành phố Lào Cai năm thứ hai liên tiếp là đô thị xanh - sạch - đẹp.

Năm 2019, Hiệp hội các đô thị Việt Nam tiếp tục phát động phong trào thi đua xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp gắn với tăng trưởng xanh theo chủ đề “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về sử dụng đất đai gắn liền với phát triển đô thị”.

Thành phố Lào Cai là một trong 30 đô thị loại II thuộc hiệp hội, những năm qua luôn tích cực hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp. Trong năm 2019, thành phố Lào Cai đã trồng và cải tạo được trên 1.000 cây xanh đô thị, làm mới hơn 100.000 m2 vườn hoa công cộng, tỷ lệ thu gom và phân loại rác thải đô thị đạt gần 95%, đang tổ chức thí điểm hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy, đã đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện, hiện đang duy trì 343 tuyến phố văn minh, 5 tuyến phố kiểu mẫu…

Kết thúc hội nghị thường niên năm 2019, thành phố Lào Cai tiếp tục được các đô thị thành viên Hiệp hội các đô thị Việt Nam bầu là đô thị xanh - sạch - đẹp. Đây là năm thứ hai liên tiếp và là lần thứ 6 thành phố Lào Cai nhận được vinh dự này.

Thái Bình xem xét mở rộng dự án Cụm Công nghiệp Đô Lương

Dự án Cụm Công nghiệp Đô Lương được phê duyệt chủ trương đầu tư theo quyết định số 3753/QĐ-UBND ngày 16/12/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình. Sau gần 3 năm triển khai đầu tư, xây dựng, đến nay Cụm Công nghiệp Đô Lương đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, san lấp, trồng cây xanh, làm hạ tầng 100% trên diện tích 43 ha, tổng mức đầu tư 375 tỷ đồng. Hoàn thiện thiết kế nhà máy xử lý nước thải với công suất 1.000m3/ngày đêm, dự kiến thi công trong tháng 12/2019, đi vào hoạt động Quý I/2020.

Cùng với đó, Công ty cổ phần Đô Lương chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy may Veston và Nhà máy may Sơ mi, diện tích 9,8 ha, tổng mức đầu tư 230 tỷ đồng, chuyên sản xuất áo sơ mi xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản với công suất 2,5 triệu áo/năm. 2 nhà máy của Công ty được đầu tư thiết bị hiện đại nhất của Nhật Bản, CHLB Đức, được các chuyên gia đánh giá là một trong những Nhà máy hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. 2 nhà máy đã đi vào hoạt động được gần 2 năm, tạo việc làm cho 1.500 lao động với mức thu nhập 5 triệu/người/tháng.

Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Đức Giang Hoàng Vệ Dũng (đứng giữa) giới thiệu quy hoạch Cụm Công nghiệp Đô Lương mở rộng với Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng.

Song song với việc xây dựng hạ tầng, Công ty đã kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào Cụm Công nghiệp. Đến nay đã có nhà đầu tư thứ cấp là Công ty TNHH Inoflow Việt Nam đầu tư nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em bằng vải trên diện tích 2,1 ha, thu hút 1.500 lao động, nhà đầu tư của Hongkong dự kiến làm nhà máy dệt viền và túi xách (không tẩy nhuộm) trên diện tích 3ha, nhà đầu tư Nga dự kiến sản xuất rượu sâm-panh trên diện tích 6ha...

Bên cạnh đó, Công ty Đô Lương cũng đã có kế hoạch trình các cơ quan chức năng cho phép xây dựng kho ngoại quan phục vụ các doanh nghiệp sản xuất trong Cụm Công nghiệp và địa bàn lân cận.

Sau khi khảo sát thực địa và làm việc trực tiếp với Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Đức Giang Hoàng Vệ Dũng cùng lãnh đạo Công ty cổ phần Đô Lương, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng đánh giá cao những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc xây dựng Cụm Công nghiệp, xây dựng nhà máy, tạo việc làm cho lao động và đóng góp vào ngân sách địa phương.

Đồng thời, thống nhất chủ trương mở rộng diện tích Cụm Công nghiệp Đô Lương. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan phối hợp với Công ty Đô Lương nghiên cứu, triển khai mở rộng dự án quy mô lên 70 ha theo phương án hợp lý nhất.

Đồng chí cũng khẳng định tỉnh Thái Bình tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp được sản xuất kinh doanh trong môi trường thuận lợi, thông thoáng. Đặc biệt, tỉnh hiện đang tổ chức thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện) nhằm tăng tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Hòa Bình vừa trúng thầu 2 dự án mới trị giá hơn 900 tỷ đồng

Theo đó, tại Đồng Nai, Tập đoàn CFLD tiếp tục giao cho Tập đoàn xây dựng Hòa Bình làm nhà thầu chính thi công toàn bộ kết cấu, hoàn thiện mặt ngoài, điện nước 98 căn biệt thự và hạ tầng dự án Swan Park – Phase 1B thuộc dự án khu đô thị Swan City. Tổng giá trị gói thầu gần 443 tỷ đồng và thời gian thi công 14 tháng.

Đây là gói thầu thứ 3 Tập đoàn Hòa Bình thi công tại Swan City, trước đó là 2 gói thầu dự án Swan City East Saigon – phân khu 1 (258 căn biệt thự) và dự án Swanbay La Maison - phân khu 4 (297 căn biệt thự). Tổng cộng giá trị trúng thầu Hòa Bình cả 3 gói thầu của dự án Swan City là hơn 1.500 tỷ đồng.

Cùng với đó, tại Long An, Tập đoàn đã trúng thầu dự án Trung tâm Thương mại COBI CIF tại Khu Công nghiệp Long Hậu (huyện Cần Giuộc) của Công ty TNHH Cobi One làm chủ đầu tư. Tại dự án này, Tập đoàn Hòa Bình đảm nhận nhà thầu chính thi công toàn bộ kết cấu, hoàn thiện, hạ tầng và cảnh quan, hệ thống MEP, hệ thống chữa cháy. Tổng giá trị gói thầu hơn 466 tỷ đồng, dự kiến thi công trong 11 tháng.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 21/11/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.