Thứ sáu, 19/04/2024 01:01 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/3/2020

MTĐT -  Thứ năm, 19/03/2020 07:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/3/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/3/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Từ 23-3, TP.HCM tạm ngưng thi sát hạch giấy phép lái xe

Từ ngày 23-3, các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe tạm ngưng tổ chức các kỳ thi sát hạch giấy phép lái xe.

Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp, Sở GTVT đã có văn bản đề nghị các đơn vị vận tải trên địa bàn TP.HCM chủ động thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đáng chú ý, Sở GTVT yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe và trung tâm sát hạch lái xe tạm ngưng việc tổ chức các kỳ thi sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) trong thời gian ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thời gian bắt đầu thực hiện từ ngày 23-3-2020. Theo đó, nội dung đào tạo tại các cơ sở vẫn được tiến hành bình thường, tuy nhiên các kỳ thi sát hạch sẽ tạm ngưng.

Tạm ngưng các kỳ thi sát hạch GPLX, tuy nhiên việc đào tạo vẫn diễn ra bình thường. Ảnh: TN

Ông Nguyễn Hoàng Long (Giám đốc Trung tâm Đào tạo và sát hạch GPLX Hoàng Gia) cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ vấn đề này trước diễn biến phức tạp của COVID-19. Trong đó, vấn đề đào tạo có số lượng học viên ít hơn thì không sợ ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, quá trình sát hạch GPLX là sự tập trung của hàng trăm người sẽ dễ gây nguy hiểm nếu có mầm bệnh COVID-19. Vì vậy các cơ sở đào tạo, sát hạch GPLX nên thực hiện đúng chỉ đạo của Sở GTVT”.

Ngoài ra, Sở GTVT còn đề nghị các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người như nhà ga, bến xe, cảng, bến thủy nội địa đưa rước hành khách, trên các phương tiện giao thông công cộng,…

Đối với các tài xế, nhân viên phục trên xe, thuyền trưởng, nhân viên phục trên tàu… thuộc quản lý của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng đường thủy, đường bộ phải thực hiện việc đeo khẩu trang trong quá trình vận chuyển hành khách.

Đồng thời, sở cũng yêu cầu các đơn vị vận tải tổ chức thực hiện việc niêm yết thông tin tuyên truyền trên các phương tiện giao thông công cộng. Qua đó, khuyến cáo, nhắc nhở hành khách việc đeo khẩu trang khi sử dụng các dịch vụ vận tải kết hợp các biện pháp để tạo sự chuyển biến tích cực trong việc nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Đặc biệt, Sở GTVT yêu cầu đơn vị vận tải từ chối phục vụ đối với các trường hợp hành khách không hợp tác trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 (không đeo khẩu trang, không tuân thủ các khuyến cáo).

Rào chắn đường Vành đai 3 để hoàn thiện nút giao với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Sở GTVT Hà Nội sẽ rào chắn một phần đường Vành đai 3 để phục vụ việc thi công nút giao với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng...

Sở GTVT Hà Nội vừa có thông báo phân luồng, tổ chức giao thông tuyến đường Vành đai 3 đoạn từ Km161+645 đến Km162+380 phục vụ thi công Dự án đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh theo quy hoạch nút giao đường Vành đai 3 với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Thời gian rào chắn từ nay đến ngày 30/10/2020, nhà thầu rào chắn một phần đường Vành đai 3 để phục vụ thi công.

Ảnh minh họa.

Phương án thi công được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 sẽ rào chắn 1/3 mặt đường chiều Vành đai 3 hướng Quốc lộ 5 đi cầu Thanh Trì, từ Km161+725 đến Km161+645 và từ Km162+400 đến Km162+440, để thi công nhánh nối từ đường Vành đai 3 vào đường tạm; sử dụng 2/3 mặt đường còn lại để phân luồng cho các phương tiện lưu thông.

Giai đoạn 2 sẽ rào chắn 1/3 mặt đường chiều Vành đai 3 hướng cầu Thanh Trì đi Quốc lộ 5 để thi công mở dải phân cách giữa; sử dụng 2/3 mặt đường còn lại để phân luồng cho các phương tiện lưu thông.

Giai đoạn 3 sau khi hoàn thiện thi công đường tạm, mở dải phân cách giữa sẽ tiến hành rào chắn 1/2 đường Vành đai 3 theo chiều bên phải hướng cầu Thanh Trì đi Quốc lộ 5, từ Km161+645 đến Km162+380; sử dụng 1/2 mặt đường Vành đai 3 còn lại cho các phương tiện di chuyển. Các phương tiện từ Quốc lộ 5 đi cầu Thanh Trì lưu thông trên đường tạm song song đường Vành đai 3.

Đồng Nai sẽ “khai tử” Khu công nghiệp Biên Hòa 1 trong năm 2020

Sáng nay (18/3), Tỉnh ủy Đồng Nai làm việc với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Nai về đề án chuyển đổi công năng khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1.

Việc đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch KCN của tỉnh là cơ sở pháp lý cần thiết để tiến hành di dời các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất - kinh doanh tại đây, từ đó thực hiện đề án chuyển đổi công năng KCN này. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Đồng Nai, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý cho UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt đề án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ.

Hiện nay, UBND tỉnh đã gửi tờ trình đến Bộ Kế hoạch - Đầu tư thẩm định, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định đưa Khu công nghiệp Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch KCN, làm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện đề án.

Một doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1 đang xả thải.

Hiện tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 có 152 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 17 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Số lao động đang làm việc tại đây là hơn 21.000 người. UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách chế độ bồi thường, hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người lao động khi thực hiện di dời. Đối với các hộ dân sinh sống trong khu vực Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hiện đã di dời được 1.200 hộ, còn 300 hộ khác vẫn chưa thực hiện di dời.

Để đạt được mục tiêu thực hiện đề án này trong năm 2020, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Hồ Thanh Sơn yêu cầu: các cơ quan chức năng của tỉnh phải liên hệ chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn thực hiện các thủ tục theo đúng quy định. Bên cạnh đó, ông Sơn cũng yêu cầu Ban chỉ đạo Đề án khắc phục ô nhiễm môi trường và chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 phải có kế hoạch cụ thể, phân công từng đầu việc cho các cơ quan chức năng thực hiện.

Ngoài ra, lãnh đạo Tỉnh ủy Đồng Nai cũng đề nghị các cơ quan chức năng phải có kế hoạch tuyên truyền, vận động và thông báo lộ trình, mốc thời gian di dời để các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong Khu công nghiệp chủ động chuẩn bị thực hiện đề án./.

TP.HCM sắp đưa bến xe miền Đông mới vào hoạt động

Sau một thời gian dài trễ hẹn, TP.HCM sẽ chính thức đưa bến xe miền Đông mới đi vào hoạt động trong khoảng thời gian từ ngày 19 đến 26.4.2020.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị công bố danh mục tuyến vận tải hành khách di dời giai đoạn 1 từ bến xe miền Đông hiện hữu sang bến xe miền Đông mới.

Phối cảnh bến xe miền Đông mới - Ảnh: Sở GTVT TP.HCM

Theo đó, Sở Giao thông vận tải đề nghị di dời giai đoạn 1 các tuyến vận tải hành khách đến và đi từ các tỉnh Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc có hành trình chạy xe đi qua Quốc lộ 1 từ bến xe miền Đông hiện hữu sang bến xe miền Đông mới.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng vừa ban hành quyết định công bố đưa bến xe miền Đông mới vào khai thác. Cụ thể, Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn dự kiến sẽ chính thức đưa bến xe miền Đông mới đi vào hoạt động trong khoảng thời gian từ ngày 19 đến 26.4.2020.

Dự án bến xe miền Đông mới được khởi công xây dựng vào tháng 4.2017, với diện tích hơn 16 ha thuộc phường Bình Thắng (thị xã Dĩ An, Bình Dương) và phường Long Bình (quận 9, TP.HCM). Bến xe này được xây dựng nằm cạnh xa lộ Hà Nội trên phần đất thuộc quận 9 TP.HCM và một phần thuộc địa bàn thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Sau khi hoàn thành, bến xe miền Đông mới dự kiến phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách đi các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc, đáp ứng nhu cầu mỗi ngày khoảng 21.000 hành khách, với 1.200 lượt xe xuất bến. Ngày cao điểm lễ tết có thể lên đến 52.000 hành khách với hơn 1.800 lượt xe xuất bến.

Theo kế hoạch ban đầu, giai đoạn 1 của dự án gồm nhà ga trung tâm, khu vực đậu xe chờ tài, khu vực đón trả khách, hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn khu, trạm xử lý nước thải sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, tiến độ của dự án đã chậm trễ, dự kiến kéo dài đến 15.8.2019 mới có thể đi vào hoạt động.

Sở Giao thông vận tải cho biết giai đoạn 1 dự kiến sẽ di dời 29 tuyến xe cố định có cự ly từ 1.100 km trở lên (tức từ Quảng Trị trở ra các tỉnh phía bắc) ra bến xe mới. Trung bình có khoảng 40 chuyến/ngày hoạt động.

Theo quy hoạch, bến xe miền Đông mới là đầu mối giao thông quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải của TP.HCM. Bên cạnh chức năng là bến xe khách liên tỉnh đây còn là nơi trung chuyển hành khách vào trung tâm thành phố thông qua hệ thống xe buýt và tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Ngoài ra, bến xe miền Đông mới cũng là đầu mối vận chuyển hành khách đi các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai. Hiện nay, tuyến xe buýt nhanh đi thành phố mới Bình Dương đang được nghiên cứu để kết nối với bến xe miền Đông mới.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/3/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.