Thứ sáu, 19/04/2024 06:58 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/1/2019

MTĐT -  Thứ bảy, 19/01/2019 11:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/1/2019.Tin tức đô thị mới nhất ngày 19/1/2019 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

10.000 tỷ đồng khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt

Điểm đầu của dự án này là ga Tháp Chàm (Ninh Thuận) và kết thúc tại ga Đà Lạt (Lâm Đồng) có chiều dài 84km, với các tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự như tuyến đường được xây dựng và khai thác trước đây. Dự án có quy mô tầm Quốc gia với kinh phí trên 10.000 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức BOT kết hợp với BT.

UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Công ty Bạch Đằng tiếp thu ý kiến của Cục Đường sắt Việt Nam, các cơ quan chức năng của hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận để khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để Bộ GT&VT trình Chính phủ và Quốc hội xin chủ trương đầu tư theo quy định.

Đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt được người Pháp xây dựng từ năm 1908 đến năm 1932 thì hoàn thành. Trên toàn tuyến có 12 nhà ga, 5 hầm chui (tổng chiều dài 1.090m). Toàn tuyến có 2 đoạn phải sử dụng đường ray răng cưa dài gần 14km vượt đèo.

Từ năm 1968 tuyến đường sắt này ngừng khai thác và đến năm 1975 được khởi động lại nhưng chỉ chạy được 7 chuyến thì dừng hoạt động. Năm 1986, toàn bộ đường ray, tà vẹt trên tuyến đường này bị tháo gỡ, các đầu tàu chuyên dụng dùng để leo đèo sau đó cũng bị bán cho một doanh nghiệp của Thụy Sỹ với giá “sắt vụn”.

Hầm đường bộ được thu phí cao hơn từ ngày 3/2

Ngày 18/1, Bộ GTVT cho biết, Thông tư 60/2018 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng hầm đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ đã chính thức được ban hành, trong đó nới trần mức phí sử dụng hầm đường bộ.

Cụ thể, từ ngày 3/2, phí qua hầm đường bộ sẽ có mức giá cao hơn mức quy định tại Thông tư 35/2016/TT-BGTVT hiện đang áp dụng chung cho tất cả dự án giao thông, bao gồm công trình đường, cầu, hầm đường bộ.

Cụ thể, đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải dưới 2 tấn, xe buýt có mức giá tối đa 110.000 đồng/vé/lượt; xe 12 - 30 ghế ngồi; xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn có mức giá tối đa 160.000 đồng/vé/lượt; xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn có mức giá tối đa 200.000 đồng/vé/lượt; xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe container 20 feet có mức giá tối đa 210.000 đồng/vé/lượt; xe tải từ 18 tấn trở lên, xe container 40 feet có mức giá tối đa 280.000 đồng/vé/lượt.

Hiện mức giá tối đa cho các nhóm xe tương ứng quy định tại Thông tư 35/2016/TT-BGTVT là, xe nhóm 1: 52.000 đồng/vé/lượt, xe nhóm 2: 70.000 đồng/vé/lượt, xe nhóm 3: 87.000 đồng/vé/lượt, xe nhóm 4: 140.000 đồng/vé/lượt và xe nhóm 5: 200.000 đồng/vé/lượt.

Tiếp tục xin tạm ứng 2.245 tỷ đồng cho tuyến metro số 1 TP.HCM

Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM vừa tiếp tục có văn bản gửi UBND TP.HCM và Sở Tài chính thành phố đề nghị tiếp tục được tạm ứng ngân sách Thành phố cho dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Cụ thể, số tiền xin tạm ứng cho giai đoạn 1 của năm 2019 là 2.245 tỷ đồng. Số tiền này để thanh toán và tạm ứng 80% khối lượng các hồ sơ đề nghị thanh toán đã thực hiện nhưng chưa được giải ngân trong năm 2018.

Theo tính toán nhu cầu vốn ODA cấp phát năm 2019 cho dự án metro Bến Thành - Suối Tiên là 7.257 tỉ đồng. Vốn cần thanh toán khối lượng thực hiện năm 2018 chuyển sang thanh toán năm 2019 là 2.245 tỉ đồng. Như vậy tổng nhu cầu vốn năm 2019 cho dự án metro Bến Thành - Suối Tiên là 9.502 tỉ đồng.

Thúc tiến độ dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

Ngày 18/1, lãnh đạo Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng đã có buổi làm việc với các đơn vị để bàn việc thực hiện các thủ tục bàn giao đất mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất ở khu vực phía Nam.

Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, cho biết năm 2018 sân bay Tân Sơn Nhất đón trên 39,5 triệu lượt khách, trong khi thiết kế chỉ đáp ứng nhu cầu 28 triệu lượt khách. Vì vậy việc mở rộng sân bay là rất cấp thiết và cần phải đẩy nhanh.

Theo ông Phiệt, trước mắt Bộ Quốc phòng cần bàn giao 16,37ha để xây dựng nhà ga T3; 1,46ha để xây dựng hồ điều hòa chống ngập và các khu đất bên ngoài để mở rộng đường Phan Thúc Duyện nối dài từ Trần Quốc Hoàn đến Cộng Hòa.

“Tất cả các nguồn lực đã được chuẩn bị, quan trọng là việc bàn giao đất làm sao nhanh để triển khai thi công nhà ga T3”, ông Phiệt nói.

Ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cũng cho rằng việc bàn giao đất để làm tuyến đường Phan Thúc Duyện nối dài là rất cấp bách. Cần đẩy nhanh các thủ tục bàn giao đất sớm để sau đó triển khai công tác thi công cho kịp tiến độ đưa vào khai thác với nhà ga T3. Ông Tám cũng cho biết tuyến đường Phan Thúc Duyện nối dài từ Trần Quốc Hoàn đến Cộng Hòa trước đây được thiết kế 4 làn xe, tuy nhiều sau khi điều chỉnh dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, tuyến đường này cũng được điều chỉnh lên 6 làm xe để phù hợp với quy mô.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/1/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.