Thứ bảy, 20/04/2024 06:08 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/11/2018

MTĐT -  Thứ hai, 19/11/2018 11:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/11/2018. Tin tức đô thị mới nhất ngày 19/11/2018 do Môi trường và Đô thị tổng hợp, cập nhật.

TP. HCM còn 14 “điểm đen” giao thông

Theo Sở GTVT TPHCM, tính đến cuối năm 2017, trên địa bàn TP còn 17 “điểm đen” về giao thông đường bộ. Trong 10 tháng đầu năm 2018, phát sinh 5 “điểm đen” nhưng đồng thời cũng đã xóa được 8 điểm. Như vậy, hiện trên địa bàn TPHCM còn tồn tại 14 “điểm đen” giao thông.

Để xóa điểm đen giao thông, Sở GTVT đã tiến hành rất nhiều giải pháp. Trong đó, ở giao lộ Trần Hưng Đạo - Trần Đình Xu (quận 1), Sở GTVT đã kẻ vạch sơn, lắp đặt biển báo, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu và tổ chức lại giao thông. Tại điểm đen ở nhánh Ram A2 đường dẫn vào cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (nhánh rẽ phải từ đường dẫn cao tốc vào đường Mai Chí Thọ, quận 2), nơi thường xảy ra nhiều vụ va chạm giữa xe tải và xe gắn máy, Sở GTVT đã lắp đặt hệ thống cọc tiêu nhựa nhằm tách làn xe 2 bánh và làn ô tô, cùng lúc cải tạo kích thước hình học tại nút giao thông An Phú.

Tương tự, trước trụ chiếu sáng TL10/16 trên đường Võ Văn Kiệt, Sở GTVT cũng lắp cọc tiêu nhựa dẻo, tạo gờ giảm tốc, lắp biển báo đi chậm, điều chỉnh tốc độ tối đa cho phép từ 60km/giờ còn 50km/giờ. Tại đoạn giao giữa quốc lộ 1 và đường vào Khu chế xuất Linh Trung 1 - nơi được đánh giá là “điểm đen” rất phức tạp và từng xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa ô tô và xe container làm 5 người thiệt mạng (vào tháng 5-2015) - Sở GTVT đã bổ sung 5 cụm gờ giảm tốc và 1 trụ đèn tín hiệu chớp vàng (báo hiệu đi chậm) tại dải phân cách ngăn giữa làn ô tô và xe máy.

Theo đánh giá của Sở GTVT TPHCM, quá trình cải thiện các điểm đen có một số khó khăn như mật độ phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục gia tăng, trong khi hệ thống hạ tầng giao thông chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người tham gia giao thông còn thấp, một số dự án đang triển khai nhưng vướng giải phóng mặt bằng nên chậm hoàn thành (như dự án xây hầm chui tại nút giao thông An Sương, quận 12 và dự án nút giao thông Mỹ Thủy, quận 2)...

TP.HCM: Phân loại chất thải rắn trước khi thu gom

UBND TP.HCM vừa ban hành Quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP, có hiệu lực từ ngày 24/11/2018.

Theo đó, chất thải rắn được phân thành 3 nhóm: chất thải hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh) và chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).

Chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại trước khi tiến hành thu gom, vận chuyển và xử lý nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người.

Cụ thể, chất thải rắn phải được lưu chứa trong túi rác, thùng rác, đảm bảo vệ sinh môi trường, không quy định màu sắc; khuyến khích sử dụng túi có màu trắng, màu xanh để chứa chất thải hữu cơ và màu sắc khác (trừ màu trắng, màu xanh) để chứa chất thải còn lại; sử dụng thùng rác chuyên dùng của các nhà sản xuất có màu xanh để chứa chất thải hữu cơ và thùng rác có màu xám để chứa chất thải còn lại. Túi chứa chất thải hữu cơ hoặc túi chứa chất thải còn lại được phân biệt bằng các hình thức như: dán nhãn, ghi dòng chữ trên túi, màu sắc túi hoặc đánh dấu để nhận biết trước khi chuyển đến điểm tập kết hoặc giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển.

Hàng chục xe máy nối đuôi nhau đi trên cao tốc

Sáng 18/11, bất chấp nguy hiểm, hàng chục xe máy nối đuôi nhau di chuyển trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Vụ việc được ghi lại và đăng tải trên diễn đàn Otofun vào sáng ngày 18/11 trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Hơn 10 xe máy nối đuôi nhau đi vào làn đường khẩn cấp của tuyến cao tốc này.

Tuy không có bất kỳ tai nạn nào xảy ra và ngay sau đó lực lượng chức năng đã tiến hành hướng dẫn, nhắc nhở đoàn xe ra khỏi cao tốc, thế nhưng vụ việc vẫn cần phải được lên án khi hành vi điều khiển xe máy vào các tuyến cao tốc luôn tiềm ẩn nhưng nguy cơ gây mất an toàn giao thông cho chính chủ phương tiện và những người tham gia giao thông khác.

Giá giữ xe ở chung cư tại TP.HCM tăng gấp 5 lần trong gần 2 năm

Trong chưa đầy 2 năm, giá giữ xe ở TP.HCM đã tăng gấp 5 lần. Điều này đang khiến nhiều cư dân chung cư bức xúc, phản đối chủ đầu tư.

Quyết định 35/2018 của UBND TP.HCM có hiệu lực từ ngày 1/10/2018 quy định mức giá giữ ô tô tăng đến 500%. Cụ thể, chung cư thường ở các quận 1, 3, 5 trước đây quy định giá chỉ 1 triệu đồng nay tăng thành 5 triệu đồng/tháng/xe. Ở chung cư cao cấp, mức giá giữ ô tô trước đây là 1,25 triệu đồng, nay tăng thành 5 triệu đồng/tháng/xe. Tại các quận còn lại, giá cũng tăng từ 750.000 đồng lên 2 triệu đồng/tháng/xe.

Tương tự, giá giữ xe máy ở các chung cư thông thường tăng từ 200.000 đồng lên 310.000 đồng/tháng/xe. Ngoài việc tăng giá, quyết định này còn thay đổi rút ngắn từng lượt gửi xe xuống chỉ còn 2 - 4 tiếng và giá giờ sau sẽ tăng lên.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/11/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...