Thứ tư, 24/04/2024 19:33 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/10/2019

MTĐT -  Thứ bảy, 19/10/2019 09:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/10/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/10/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp.

Từ 1/11, Huế sẽ xử phạt vi phạm giao thông qua dữ liệu Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh

Những vi phạm về trật tự an toàn giao thông được ghi lại từ Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được địa phương sử dụng để xử phạt trong thời gian tới.

Ngày 18/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết vừa ban hành quyết đinh Quyết định số 2498/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp sử dụng thông tin, dữ liệu thu được từ Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh để xử phạt vi phạm về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, kể từ ngày 1/11/2019, các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông như: xe dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng quy định; xe chạy vào đường cấm, vào thời gian cấm; xe không được phép, không có tuyến vào thành phố; xe chạy sai luồng, sai tuyến, xe vượt đèn đỏ, xe quá khổ, xe quá tải; lấn chiếm lòng, lề đường trái phép, thi công công trình trên đường bộ không đảm bảo an toàn giao thông... trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được ghi nhận trực tiếp từ hệ thống ghi nhận hình ảnh do Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh quản lý.

Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hệ thống dữ liệu sẽ bao gồm tất cả các thiết bị ghi nhận hình ảnh của các tổ chức, cá nhân, đơn vị khác đầu tư nhưng đã được phép đấu nối vào hệ thống giám sát điều hành đô thị thông minh và hình ảnh được các cá nhân, tổ chức phản ánh qua kênh tiếp nhận của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh đã được Trung tâm xác minh thông tin theo quy định sẽ bị xử lý và xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Theo quyết định này, trong thời gian không quá một giờ kể từ khi ghi nhận có hình ảnh vi phạm, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh sẽ thông tin đến UBND và Công an thành phố, thị xã, huyện nơi xảy ra hành vi vi phạm để tiếp nhận, xác minh, xử lý.

UBND thành phố, thị xã, huyện giao cơ quan Công an cùng cấp phối hợp với UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi vi phạm tổ chức xác minh thông tin phản ánh để xử lý.

Trước đó, công tác tuyên truyền Quyết định số 2498/QĐ-UBND sẽ được thực hiện đến hết ngày 30/10/2019.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật: 'Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi phải hoàn thành vào tháng 6/2020'

Trao đổi với VietnamFinance chiều ngày 18/10, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật cho biết:" Hiện tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đã đạt 70% khối lượng công việc, vì thế, các nhà thầu cần đẩy mạnh thi công, quyết tâm hoàn thành toàn bộ dự án vào tháng 6/2020

Theo thiết kế, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (QL 80 mới) có điểm đầu nối cầu Vàm Cống (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), điểm cuối nối vào tuyến tránh TP Rạch Giá (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), với tổng chiều dài hơn 51 km, quy mô bốn làn đường, nền đường rộng 17 m.

Tổng mức đầu tư của dự án hơn 6.355 tỷ đồng (được sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc, 200 triệu USD và 1.860 tỷ đồng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam).

Đây là tuyến đường được quy hoạch là cao tốc Bắc - Nam phía Tây.

Đến thời điểm hiện tại, ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long, cũng cho biết, dự án đã đạt trên 70% tiến độ so với hợp đồng. Cụ thể, phần đường đã hoàn thành đắp cát K95, đang tiến hành đắp cát K97 và vật liệu dạng hạt sau có mố cầu, cống. Việc xử lý nền đất yếu tại các vị trí cũng cơ bản hoàn thành. Phần cầu, cống cũng đã thi công các trụ, mố, đang tiến hành lao lắp dầm.

Tuy vậy, lấy lý do về những khó khăn từ nguồn vật liệu khan hiếm, giá tăng… các nhà thầu đưa ra kế hoạch hoàn thành phần đường là hết quý II/2020, phần cầu là đến quý IV/2020. Một số hạng mục cầu vượt tại các nút giao đến quý I/2021 mới hoàn thành.

Trao đổi với VietnamFinance, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, nguồn vốn của dự án đã được phê duyệt hơn 1.300 tỷ đồng, vì vậy, các nhà thầu yên tâm tập trung toàn bộ năng lực để đưa dự án về đích đúng tiến độ. Bởi lẽ, giai đoạn cuối năm vào mùa khô phải thi công gấp rút, tránh để kéo dài đến mùa mưa.

Ngoài ra, theo Hiệp định vay vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc, đến tháng 9/2020 sẽ hết hạn, việc đàm phán kéo dài Hiệp định là rất khó khăn và mất thời gian. Vì vậy Thứ trưởng yêu cầu hoàn thành dự án trước thời điểm kết thúc Hiệp định.

Định hướng phát triển không gian đô thị Huế đến năm 2030

Ngày 17/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 17 mở rộng để thảo luận và thông qua chủ trương, định hướng phát triển không gian đô thị Huế đến năm 2030. Hội nghị đã biểu quyết thống nhất chủ trương và định hướng phát triển không gian đô thị Huế đến năm 2030 theo hai giai đoạn 2020-2025 và 2025-2030, làm cơ sở để lập Đề án mở rộng địa giới hành chính TP Huế và xây dựng vùng lõi của đô thị TT-Huế trực thuộc Trung ương.

Ngày 17/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 17 mở rộng để thảo luận và thông qua chủ trương, định hướng phát triển không gian đô thị Huế đến năm 2030. Hội nghị đã biểu quyết thống nhất chủ trương và định hướng phát triển không gian đô thị Huế đến năm 2030 theo hai giai đoạn 2020-2025 và 2025-2030, làm cơ sở để lập Đề án mở rộng địa giới hành chính TP Huế và xây dựng vùng lõi của đô thị TT-Huế trực thuộc Trung ương.

Toàn cảnh thành phố Huế.

Hội nghị thống nhất chủ trương xây dựng Bộ tiêu chí đô thị di sản để Thường vụ Tỉnh ủy TT-Huế có cơ sở báo cáo Chính phủ, Quốc hội bổ sung, sửa đổi tiêu chí phân loại đô thị tại Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016, trong đó có thể xem xét lấy tỉnh TT-Huế làm mô hình điểm. Đồng thời, hội nghị thống nhất thông qua chủ trương xây dựng cơ chế chính sách đặc thù áp dụng tỉnh TT-Huế là “Đô thị di sản - thành phố trực thuộc Trung ương”.

Theo tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy TT-Huế, Đề án xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2020-2025), tỉnh TT-Huế xây dựng, phát triển không gian đô thị TP Huế hướng biển theo trục cảnh quan hai bờ sông Hương, với quy mô khoảng 267km2. Phạm vi nghiên cứu gồm khu vực TP Huế hiện hữu; TX Hương Thủy gồm các xã Thủy Vân, Thủy Bằng; TX Hương Trà gồm các phường, xã như Hương Hồ, Hương An, Hương Thọ, Hương Vinh, Hải Dương, Hương Phong; H. Phú Vang gồm các xã, thị trấn như Thuận An, Phú Thượng, Phú Mậu, Phú Dương, Phú Thanh. Giai đoạn 2 (2025-2030), trên cơ sở định hướng phát triển của giai đoạn 1, tỉnh TT-Huế tiếp tục xây dựng, phát triển không gian đô thị theo định hướng của đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh TT-Huế và quy hoạch chung TP Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với vùng lõi đô thị có quy mô khoảng 348 km2 gồm TP Huế mở rộng, đô thị Hương Thủy và đô thị Hương Trà.

TP Huế hiện là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh, với dân số hơn 350.000 người nhưng diện tích chỉ có hơn 70km2. Huế hiện có mật độ dân số cao, với trên 5.000 người/km2 (quy chuẩn là 2.000 người/km2). Hạ tầng xã hội ở khu vực trung tâm của thành phố đang bị quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị.
Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Phan Ngọc Thọ cho biết: Theo quy hoạch chung TP Huế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 649/QĐ-TTg năm 2014, không gian đô thị Huế được mở rộng theo quy mô 348km2. Đây là cơ sở xây dựng vùng lõi đô thị để đưa tỉnh TT-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển đô thị chậm như hiện nay, tỉnh TT-Huế không đảm bảo các tiêu chí đô thị loại I nên cần có cơ chế đặc thù theo hướng xây dựng “Đô thị di sản - thành phố trực thuộc Trung ương”. Việc lập Đề án xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 được chia ra làm 2 giai đoạn vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt mở rộng TP Huế và lâu dài đưa tỉnh TT-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Bí thư Tỉnh ủy TT-Huế Lê Trường Lưu, việc lập đề án xây dựng và phát triển đô thị Huế là vấn đề cấp thiết hiện nay. Đề án này là một bước cụ thể hóa đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh TT-Huế và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Đồng thời, thực hiện chủ trương mở rộng không gian phát triển đô thị Huế tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

Thu hồi 2 dự án du lịch gần căn cứ quân sự Cam Ranh

Ngày 18/10, Sở Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT) Khánh Hòa cho biết vừa ban hành quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư 2 dự án, gồm: Khu biệt thự nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái Mũi Hời và khu du lịch sinh thái Mũi Hời - Ngọc Sương. Cả 2 dự án nằm ở Mũi Hời, xã Cam Lập, TP Cam Ranh.

Du lịch đang phát triển mạnh ở các đảo thuộc TP Cam Ranh như Bình Ba, Bình Hưng... Ảnh: An Bình.

Theo lãnh đạo Sở KH-ĐT Khánh Hòa, việc chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy phép là do 2 dự án trên nằm hoàn toàn trong vành đai an ninh quốc phòng; nhà đầu tư không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư như giấy phép được cấp trước đó.

Dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái Mũi Hời được cấp giấy chứng nhận đầu tư nằm 2011, cho Công ty TNHH Văn Phong. Còn khu du lịch sinh thái Mũi Hời - Ngọc Sương được cấp giấy chứng nhận đầu từ cho Công ty CP Ngọc Sương vào năm 2012.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đầu năm 2017, hai dự án trên phải dừng triển khai thực hiện để cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa xin ý kiến Bộ Quốc phòng, do nằm hoàn toàn trong vành đai an ninh quốc phòng căn cứ quân sự Cam Ranh.

Theo tìm hiểu, trong các năm 2017 và 2018, Sở KH-ĐT Khánh Hòa cũng dừng triển khai 2 dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Bình Ba (trên đảo Bình Ba) và Khu du lịch sinh thái đảo Bình Hưng (trên đảo Bình Hưng, đều thuộc địa bàn TP Cam Ranh). Lý do, hai dự án trên vướng vấn đề an ninh, quốc phòng.

Trước đó, ngày 22/9/2015, Thủ tướng ban hành “Quy chế đảm bảo an ninh, an toàn căn cứ quân sự Cam Ranh”. Cụ thể, từ ngày 6/11/2015, khu vực mũi Hời, đảo Bình Ba, Hòn Chút không được tiến hành, phát triển các loại hình du lịch.

Các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận liên quan đến khu vực căn cứ quân sự Cam Ranh (bao gồm trên bán đảo và vịnh Cam Ranh) phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng trước khi trình Chính phủ hoặc Thủ tướng phê duyệt.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/10/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.