Thứ sáu, 29/03/2024 18:54 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 1/7/2020

MTĐT -  Thứ tư, 01/07/2020 11:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 1/7/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 1/7/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Quân khu 7 đầu tư hơn 5,5 tỷ đồng xây dựng công trình tại xã Bình Hòa Nam

Ngày 30-6, tại xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, Quân khu 7 phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành khởi công xây dựng cụm công trình chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống LLVT Quân khu 7.

Với 3 hạng mục chính gồm: Làm đường bê tông từ đường liên xã vào Khu di tích truyền thống của LLVT Quân khu 7 có chiều dài 2,5km, chiều rộng 3,5m; xây hồ bơi cho Trường THCS Bình Hòa Nam và sửa chữa Trường THCS Bình Hòa Nam. Tổng kinh phí hơn 5,5 tỷ đồng do Quân khu 7 hỗ trợ, ngoài ra UBND huyện Đức Huệ đóng góp thêm trên 750 triệu đồng để thực hiện công trình.

Các đại biểu tiến hành động thổ khởi công xây dựng công trình.

Xã Bình Hòa Nam là nơi thành lập LLVT Quân khu 7, ghi đậm dấu ấn thủy chung son sắt nghĩa tình quân dân trong kháng chiến và xây dựng, bảo vệ cuộc sống hòa bình, hạnh phúc hôm nay. Hằng năm, Bộ tư lệnh Quân khu 7 đều dành sự quan tâm đặc biệt đối với “địa chỉ đỏ” này như: Hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng nhiều công trình, tổ chức các hoạt động về nguồn ý nghĩa, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang cho thế hệ trẻ LLVT Quân khu, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho bà con nhân dân xã Bình Hòa Nam anh hùng.

Dự kiến cụm công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng trước ngày 30-10-2020, là điểm nhấn chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống LLVT Quân khu 7 (10-12-1945 / 10-12-2020).

Giải ngân 1.200 tỷ đồng vốn bố trí cho dự án sân bay Long Thành

Ngày 30-6, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tính đến thời điểm này, tỉnh đã thực hiện giải ngân được hơn 1.200 tỷ đồng trong tổng số hơn 17.000 tỷ đồng được bố trí trong năm 2020, đạt hơn 10% tổng vốn được bố trí đối với dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành.

Theo kế hoạch, trong tháng 8 tới, sau khi các tuyến đường giao thông chính được định hình và cơ bản hoàn thành, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành bàn giao đất tái định cư cho người dân xây dựng nhà cửa.

Trước đó, đầu tháng 5, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có quyết định duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (tiếp theo) dự án thành phần xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đối với 20 gói thầu gồm: xây dựng hệ thống điện, hệ thống chiếu sáng, hệ thống cấp nước, hạ tầng kỹ thuật. Tổng giá trị các gói thầu là hơn 1.000 tỷ đồng.

Thay đổi lộ trình 16 tuyến buýt trong thời gian sửa chữa cầu Thăng Long

Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị vừa có báo cáo gửi Sở Giao thông vận tải Hà Nội, về phương án điều chỉnh tạm thời lộ trình các tuyến buýt theo phương án phân luồng tổ chức giao thông, phục vụ thi công dự án sửa chữa cầu Thăng Long.
Xe buýt lưu thông qua cầu Thăng Long.

Theo đó, trong thời gian sửa chữa cầu, cơ quan chức năng cấm tuyệt đối các phương tiện lưu thông qua tầng 2 cầu Thăng Long. Đồng thời tổ chức phân luồng từ xa đối với các phương tiện qua cầu Thăng Long về khu vực phía Bắc và phía Nam cầu; Phân luồng gần đối với các phương tiện đi và đến khu vực 2 đầu cầu. Thời gian thực hiện phân luồng dự kiến kéo dài 5 tháng (từ ngày 10/7/2020).

Qua khảo sát, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị cho biết, tổng số tuyến buýt bị ảnh hưởng là 16 tuyến (15 tuyến buýt trợ giá số 07, 35B, 46, 53A, 53B, 56A, 58, 60B, 61, 64, 93, 95, 109, CNG04, 112 và 1 tuyến không trợ giá số 212).

Xe buýt lưu thông qua cầu Thăng Long.

Phương án điều chỉnh đối với từng tuyến buýt như sau:

Tuyến buýt số 53B, 64, 60B, 61, 109, 212 đi theo hướng: ... - Phạm Văn Đồng - đường ĐT1 (cổng phía nam công viên Hòa Bình) - đường nội bộ KĐT Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa - Võ Văn Kiệt - ... và ngược lại.
Tuyến buýt số 35B, 56A, 93, 95 đi theo hướng: ... - Đỗ Nhuận - đường nội bộ KĐT Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa - Võ Văn Kiệt - ... và ngược lại.

Tuyến buýt số 53A đi theo hướng: ... - Phạm Văn Đồng - đường ĐT1 (cổng phía nam công viên Hòa Bình) - đường nội bộ KĐT Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa - Vân Trì - Quốc lộ 23 - ... và ngược lại.

Tuyến buýt số 46 đi theo hướng: ... - Phạm Văn Đồng - đường ĐT1 (cổng phía nam công viên Hòa Bình) - đường nội bộ KĐT Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa - Phương Trạch - Đường 6 km (Vĩnh Ngọc) - Võ Văn Kiệt - Hoàng Sa - Đường 6 km (Vĩnh Ngọc) - QL3 - ... và ngược lại.

Tuyến buýt số 112 đi theo hướng: ... - Phạm Văn Đồng - Nguyễn Hoàng Tôn - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa - Võ Văn Kiệt - ... và ngược lại.
Tuyến buýt CNG04 đi theo hướng: ... - Phạm Văn Đồng - Nguyễn Hoàng Tôn - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa - Vân Trì - ... và ngược lại.

Tuyến buýt số 07 đi theo hướng: .... - Hoàng Quốc Việt - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa - Võ Văn Kiệt - ... và ngược lại.

Tuyến buýt số 58 đi theo hướng: ... - Âu Cơ - An Dương Vương - cầu Nhật Tân - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa - Võ Văn Kiệt - .... và ngược lại.

Cũng theo báo cáo của Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị, tổng số km hành trình dự kiến tăng thêm 11.538.921,25 km. Tổng số kinh phí dự kiến tăng thêm 32,3 tỷ đồng.

Để đảm bảo cho các tuyến buýt vận hành ổn định, an toàn trong thời gian sửa chữa cầu Thăng Long, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị kiến nghị Sở Giao thông vận tải Hà Nội, xem xét, chấp thuận phương án điều chỉnh các tuyến buýt theo phương án phân luồng tổ chức giao thông do Trung tâm đề xuất.

Giao Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị chủ trì phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông vận tải hướng dẫn các đơn vị vận hành tổ chức triển khai phương án điều chỉnh các tuyến buýt đảm bảo vận hành an toàn; Chủ trì, phối hợp với các đơn vị vận hành thông báo đến hành khách đi xe buýt để hành khách biết và lựa chọn phương án đi lại thuận tiện.

TP Hồ Chí Minh cần hơn 900.000 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng giao thông

Chiều 30/6, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đã trình UBND TP dự thảo Đề án "Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2030". Theo đó, dự thảo đề ra các giải pháp mang tính đột phá nhằm phát triển giao thông, kéo giảm ùn tắc và tai nạn.

TP Hồ Chí Minh cần hơn 900.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông trong 10 năm tới
Trong đó, Sở Giao thông Vận tải xác định, nhu cầu vốn để đầu tư cho hạ tầng giao thông TP trong 10 năm tới là 904.293 tỷ đồng, gồm hơn 438.000 tỷ từ vốn ngân sách, còn lại các nguồn vốn khác (trung ương, xã hội hóa, ODA...).

Theo đề án, trong 5 năm tới TP cần thực hiện các dự án đường bộ gồm 3 tuyến cao tốc: TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (xây dựng mới); TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (mở rộng); tập trung các tuyến quốc lộ: 1, 13, 22, 50; tập trung các dự án xây dựng tuyến vành đai 2 và vành đai 3.

 TP Hồ Chí Minh cần hơn 900.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông trong 10 năm tới

Ngoài ra, TP cũng đầu tư 7 đường trục chính đô thị gồm đoạn ngã tư Bảy Hiền - Âu Cơ (Âu Cơ giao với Thoại Ngọc Hầu); đoạn từ nút giao Thoại Ngọc Hầu - Vành đai trong đến nút giao Vành đai trong - đường số 29; đoạn từ kinh Dương Vương (khu vực đường Đỗ Năng Tế) đến Nguyễn Văn Linh; đường song song quốc lộ 50; đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa; cầu đường Nguyễn Khoái và cầu đường Bình Tiên...

Sở Giao thông Vận tải cũng đề xuất đầu tư 6 nút giao thông trong giai đoạn 2020 - 2025 gồm: An Phú, Mỹ Thủy, Gò Dưa, Linh Xuân, ngã tư Bốn xã và nút giao ngã sáu Công trường Dân Chủ. Đến năm 2025 - 2030 tập trung đầu tư thêm nút giao quốc lộ 1A - đường Vườn Lài.

Đầu tư 5 tuyến đường trên cao trong giai đoạn 2020 - 2030, gồm tuyến số 1 dài khoảng 9,5km, tuyến số 2 dài khoảng 11,8km, tuyến số 3 dài khoảng 8,1km, tuyến số 4 dài khoảng 7,3km và tuyến số 5 dài khoảng 34km.

Đồng thời, 4 cây cầu có quy mô lớn vượt sông cũng được xây dựng, gồm cầu Thủ Thiêm 3 (nối quận 2 và 4), Thủ Thiêm 4 (nối quận 2 và 7), cầu Cát Lái (nối TP Hồ Chí Minh với Đồng Nai) và cầu Cần Giờ (nối huyện Nhà Bè với Cần Giờ).

Giai đoạn này, TP cần tập trung đầu tư hoàn thành 3 tuyến metro: Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 19,7km (đang thi công); số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dài 11,3km và số 5 (Ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) dài 8,9km.

Đến năm 2025 - 2030 thêm 4 tuyến metro được đầu tư: Số 3 (Bến Thành - Bến xe miền Tây) dài 9,7km; Số 2 (đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm) và đoạn (Tham Lương - bến xe An Sương) dài 9,1km; Số 4b (Công viên Gia Định - Lăng Cha Cả) dài 3,5km; Số 5 (Ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc) dài 14,5km.

Hiện, tổng chiều dài các tuyến đường và cầu của TP là 4.392km, mật độ 2,1km mỗi km2 (theo tiêu chuẩn phải từ 10 - 13,3km mỗi km2) và chỉ có 1.800km có lòng đường rộng hơn 7m.

Theo Sở Giao thông vận tải, TP với vai trò là một đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, có vị trí đặc biệt quan trọng của cả nước. Đồng thời là đầu mối giao lưu quốc tế; trung tâm công nghiệp, dịch vụ đa lĩnh vực của khu vực và Đông Nam Á.

Tính đến tháng 3 năm nay, TP đang quản lý hơn 8,1 triệu phương tiện (hơn 763.000 ô tô, còn lại là xe máy). Hệ thống hạ tầng giao thông TP được cho là vừa thiếu vừa yếu so với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. TP cần phải tạo được những chuyển biến cơ bản trên các lĩnh vực của nền kinh tế. Trong đó giao thông vận tải vốn được xem là "mạch máu" của nền kinh tế cần được ưu tiên phát triển trước một bước.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 1/7/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới