Thứ sáu, 19/04/2024 18:24 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 15/2/2020

MTĐT -  Thứ bảy, 15/02/2020 09:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 15/2/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 15/2/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp

Gắn tem đăng kiểm có mầu sắc riêng cho xe ô tô kinh doanh vận tải

Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư 70/2015/TT-BGTVT về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới đường bộ.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ vừa ký văn bản yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ của Bộ được giao tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư 70/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải (về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới đường bộ); trong đó có nội dung cần bổ sung trong thông tư mới đó là quy định về “Tem kiểm định ô tô kinh doanh vận tải có màu sắc riêng để phân biệt với loại xe khác”.

Bến xe Giáp Bát, Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất triển khai nội dung liên quan đến đăng kiểm trong tổ chức thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) chủ trì hoàn thiện dự thảo thông tư của Bộ Giao thông Vận tải quy định tổ chức về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ hỗ trợ vận tải bằng xe ô tô để thay thế các thông tư hiện hành.

Bộ Giao thông Vận tải giao Trung tâm công nghệ thông tin của Bộ phối hợp đề xuất triển khai các nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động vận tải, bến xe, dịch vụ hành chính công phục vụ cấp đổi giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu, biển hiệu xe kinh doanh vận tải.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các địa phương chủ động triển khai đến các cơ quan chuyên môn, địa phương cấp huyện trên địa bàn, đơn vị vận tải, bến xe, hội nghề nghiệp trên địa bàn thực hiện đúng quy định của nghị định; nghiên cứu và gửi ý kiến góp ý xây dựng dự thảo thông tư về tổ chức, thực hiện quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Các đơn vị chức năng thuộc Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền rộng rãi Nghị định 10/2020/NĐ-CP trước ngày nghị định có hiệu lực (1/4/2020). Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chủ động tuyên truyền đến các hiệp hội thành viên và đơn vị kinh doanh vận tải triển khai thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.

Nghị định số 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được Chính phủ ban hành đầu năm 2020 có hiệu lực thi hành từ 1/4/2020, Nghị định này thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP./.

10 điểm ùn tắc mới phát sinh ở Hà Nội

Bằng nhiều giải pháp như cải tạo hạ tầng, điều chỉnh đèn tín hiệu và tăng cường lực lượng chốt trực điều tiết giao thông, đã xóa được 10 điểm, trong đó có các nút giao: Hoàng Quốc Việt - Phạm Văn Đồng, vành đai 3 - Pháp Vân - Giải Phóng, ngã tư Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ…

Tuy nhiên, Hà Nội cũng ghi nhận phát sinh mới 10 điểm ùn tắc khác gồm: Nút giao Kim Mã - Liễu Giai, Liễu Giai - Đào Tấn, Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ, Nguyễn Khang - cầu 361, Ngã Tư Sở, Nguyễn Khoái đoạn Vĩnh Tuy - vành đai 1, cầu Mai Động, Lê Quang Đạo - Châu Văn Liêm, đường dẫn lên vành đai 3 trên cao Thanh Xuân, điểm quay đầu 158 Phạm Văn Đồng.

Đề cập đến giải pháp xử lý các điểm ùn tắc, liên ngành vừa họp thống nhất sẽ tổ chức khảo sát, lên phương án cho từng điểm; đồng thời, làm việc với các chủ đầu tư đề nghị đẩy nhanh tiến độ, bố trí lại hàng rào hợp lý; cải tạo hạ tầng, điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông; tăng cường, bố trí lực lượng chốt trực, hướng dẫn điều tiết, xử lý vi phạm thường xuyên trong giờ cao điểm.

Thái Bình: Cần thêm hơn 2.158 tỷ đồng cho Dự án đường bộ ven biển

Chiều ngày 14/2, thông tin tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình cho biết, Dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2018, có chiều dài 34,42 km, tổng mức đầu tư 3.872 tỷ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho dự án là 2.693 tỷ đồng (vốn trung ương 1.100 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 1.593 tỷ đồng); vốn nhà đầu tư 1.289 tỷ đồng. Đến năm 2020, tổng số vốn đã bố trí cho dự án là 422,6 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương là 270 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 152,6 tỷ đồng. Vốn ngân sách nhà nước còn thiếu, cần được bố trí tiếp cho dự án là 2.158,4 tỷ đồng.

Do sự quan trọng, cấp thiết của dự án, tại Hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh sẽ bố trí đủ phần vốn ngân sách nhà nước còn thiếu cho dự án trong 2 năm 2020-2021. Trong đó, năm 2020 sẽ bố trí 818 tỷ đồng, năm 2021 sẽ bố trí 1.340,4 tỷ đồng.

Cũng theo thông tin tại Hội nghị, tỉnh Thái Bình sẽ đề nghị Trung ương bố trí đủ nguồn vốn Trung ương cho dự án theo kế hoạch phân bổ trong năm 2020 - 2021. Về phần vốn ngân sách địa phương, tỉnh sẽ bố trí từ nguồn tăng thu sử dụng đất; từ nguồn cân đối ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công năm 2020 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025...

Xử lý vật tư thu hồi từ bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về xử lý vật tư thu hồi từ thực hiện nhiệm vụ công ích trong lĩnh vực quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư.

Ảnh minh họa

Để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong chạy tàu và quản lý, sử dụng vật tư thu hồi trong bảo trì công trình đường sắt quốc gia, trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày Nghị định số 46/2018/NĐ-CP ngày 14/3/2018 của Chính phủ có hiệu lực đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xử lý vật tư thu hồi từ thực hiện nhiệm vụ công ích trong lĩnh vực quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư theo đúng quy định pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật chuyên ngành về đường sắt.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 46/2018/NĐ-CP ngày 14/3/2018 của Chính phủ.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 15/2/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...