Thứ sáu, 29/03/2024 19:19 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 15/10/2019

MTĐT -  Thứ ba, 15/10/2019 10:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 15/10/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 15/10/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp.

Thủ tướng cắt băng thông xe cây cầu vòm nhịp lớn nhất Việt Nam

Sáng 15/10 tại Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cắt băng thông xe kỹ thuật cầu Hoàng Văn Thụ - cây cầu có kiến trúc độc đáo lấy ý tưởng từ "Cánh chim biển". Đây cũng là cây cầu vòm nhịp lớn nhất Việt Nam.

Cầu Hoàng Văn Thụ là công trình giao thông cấp đặc biệt. Cầu có chiều dài 1.570 m, nhịp chính dài 290 m, tổng vốn đầu tư gần 2.200 tỷ đồng, được thi công trong thời gian ngắn 33 tháng. Cầu kết nối trung tâm Hải Phòng với Khu đô thị mới Bắc sông Cấm.
Đây là dạng cầu vòm chạy giữa ống thép nhồi bê tông, nhịp chính 200 m là nhịp cầu lớn nhất Việt Nam hiện nay. Công trình cầu có kết cấu phức tạp, lần đầu tiên áp dụng công nghệ thiết kế tiên tiến, hiện đại. Phần cầu chính kết cấu thép nặng hơn 5.000 tấn (đốt vòm hợp long nặng 527 tấn).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cắt băng thông xe kỹ thuật cầu Hoàng Văn Thụ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết việc hoàn thành cầu Hoàng Văn Thụ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc mở ra không gian phát triển mới về phía Bắc sông Cấm, là tiền đề thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị là đến năm 2025 hoàn thành việc di chuyển Trung tâm Hành chính Thành phố sang phía bắc sông Cấm cũng như từng bước hoàn thiện trung tâm Thành phố mới theo định hướng phát triển không gian đô thị và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Thủ tướng, việc mở rộng không gian là điều cần thiết của đô thị Hải Phòng đang phát triển mạnh mẽ. Việc phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông là chủ trương quan trọng mà thời gian gần đây Thành phố Cảng thực hiện nghiêm túc.

Cầu Hoàng Văn Thụ hoàn toàn do Việt Nam thiết kế, thi công, cho thấy sự lớn mạnh nhanh chóng của đội ngũ công nhân kỹ thuật trong nước. Chỉ trong vòng trên 2 năm đã thi công khối lượng lớn, đạt yêu cầu kỹ thuật cao.

Thủ tướng cũng cảm ơn người dân đã nhường nơi sinh sống trong nhiều năm cho công trình có ý nghĩa lớn của Thành phố Hải Phòng.

Thủ tướng cho rằng không khí phát triển của Hải Phòng rất đáng mừng, là dấu ấn mạnh mẽ của Thành phố biển đang vươn lên.

Anh đầu tư 153 dự án quy mô lớn vào TPHCM

Ngày 14/10, Hội nghị Bàn tròn giữa chính quyền TPHCM và Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam năm 2019 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) chủ trì, phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BBGV) tổ chức, đã diễn ra.

Tính đến tháng 9/2019, Anh là một trong những nhà đầu tư lớn tại TPHCM với 153 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư hơn 600 triệu USD. Các lĩnh vực chính mà các doanh nghiệp Anh đã đầu tư tại Việt Nam gồm giáo dục, ngân hàng - tài chính, khách sạn, bất động sản, kinh doanh dịch vụ.

Tại hội nghị, BBGV (hiện có hơn 500 thành viên) đã đặt ra nhiều vấn đề còn khúc mắc liên quan đến lĩnh vực thuế, quản lý xuất nhập cảnh, hợp đồng lao động, văn phòng đại diện, lĩnh vực bất động sản và xây dựng hay quy định đổi lại thẻ tạm trú cho nhân viên nước ngoài… và đều được đại diện cơ quan chuyên môn Việt Nam giải thích thỏa đáng.

Hai bên hy vọng việc tổ chức thành công hội nghị lần đầu này sẽ là nền tảng tiếp tục duy trì Hội nghị Bàn tròn giữa chính quyền TPHCM và BBGV những năm sau, để TP tiếp tục đồng hành doanh nghiệp Anh cùng xây dựng một môi trường đầu tư trong sạch và hấp dẫn.

Chuyển nhượng hơn 226.800 m2 đất Khu đô thị Gia Lâm cho VinAcademy

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định cho phép Công ty TNHH Đầu tư và phát triển đô thị Gia Lâm chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị Gia Lâm, huyện Gia Lâm cho Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo VinAcademy (công ty con của Tập đoàn Vingroup).

Phối cảnh dự án Khu đô thị Gia Lâm. Ảnh: Tiền Phong.  

Theo đó, quy mô của phần dự án chuyển nhượng gồm lô đất trường đào tạo - đại học, ký hiệu ĐH có diện tích đất 226.828 m2, diện tích xây dựng là 90.731m2, tổng diện tích sàn là 1.088.774 m2, mật độ xây dựng 40%, cao 12 tầng, hệ số sử dụng đất 4,8 lần thuộc dự án Khu đô thị Gia Lâm. Tổng mức đầu tư phần dự án chuyển nhượng khoảng 10.567,12 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án sẽ hoàn thành vào quý IV/2024.

Công ty TNHH Đầu tư và phát triển đô thị Gia Lâm có trách nhiệm thông báo kịp thời, đầy đủ, công khai và giải quyết thỏa đáng quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và các bên liên quan tới phần dự án chuyển nhượng (nếu có).
Trường hợp khách hàng hoặc các bên có liên quan có ý kiến về quyền lợi của mình liên quan đến phần dự án chuyển nhượng thì Công ty TNHH Đầu tư và phát triển đô thị Gia Lâm có trách nhiệm giải quyết theo quy định của pháp luật trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án.

Khu đô thị Gia Lâm có tổng diện tích sử dụng đất là 404,5 ha, được xây dựng tai thị trấn Trâu Quỳ, các xã Dương Xá, Kiêu Kỵ, Đa Tốn, huyện Gia Lâm. Tổng mức đầu tư là hơn 87.000 tỷ đồng.

Trước đó, hồi tháng 7, UBND TP Nội cũng ban hành quyết định về việc cho phép Công ty TNHH Đầu tư và phát triển đô thị Gia Lâm chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị Gia Lâm cho Công ty TNHH MTV tư vấn và kinh doanh bất động sản TCO.

Quy mô của phần dự án chuyển nhượng là 346.257 m2 với tổng mức đầu tư tạm tính khoảng 11.287 tỷ đồng.

Đến tháng 9, UBND TP Hà Nội tiếp tục cho phép Công ty TNHH Đầu tư và phát triển đô thị Gia Lâm chuyển nhượng 2 lô đất là B3-CT03 diện tích 18.826 m2 và B3-CT06 diện tích 18.699 m2 thuộc dự án Khu đô thị Gia Lâm cho Công ty TNHH Bất động sản Minh Tân Hà Nội. Tổng mức đầu tư của phần dự án chuyển nhượng khoảng 4.833 tỷ đồng.

Hà Nội lắp ghép thêm 4 cầu vượt cho người đi bộ

UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt thiết kế kỹ thuật xây dựng 4 cầu vượt có kết cấu thép cho người đi bộ. 4 cầu vượt này có tiến độ hoàn thành trong năm 2019.

Hà Nội hiện có 46 cầu vượt đi bộ. Ảnh: A.T

4 cầu bao gồm: Cầu vượt qua đường Cổ Linh (quận Long Biên), đường Xuân La và đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ), đường Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng). Bốn cầu vượt này có kết cấu thép lắp ghép, được bố trí hệ thống thoát nước mặt dọc cầu.
Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố được giao là chủ đầu tư, chịu trách nhiệm về quá trình triển khai; phối hợp với Sở KH&ĐT báo cáo UBND thành phố xem xét, bố trí kế hoạch vốn thực hiện dự án đảm bảo khả thi.

Sở GTVT chủ trì hướng dẫn chủ đầu tư tổ chức giao thông đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trong quá trình thi công công trình, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân tại khu vực dự án; quản lý chất lượng xây dựng công trình theo đúng quy định và trách nhiệm.

Với việc có thêm 4 cầu vượt đi bộ trong năm nay sẽ nâng số cầu vượt dành cho người đi bộ tại Hà Nội lên con số 50.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 15/10/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới