Thứ sáu, 29/03/2024 06:13 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/8/2019

MTĐT -  Thứ tư, 14/08/2019 10:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/8/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/8/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Hà Nội lựa chọn trên 300 vị trí để lắp đặt nhà chờ xe buýt

Các nhà chờ xe buýt này phải tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành và phù hợp với kiến trúc cảnh quan tại khu vực lắp đặt; chủng loại vật liệu sử dụng và công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Để khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chủ trì phối hợp với 17 huyện ngoại thành và thị xã Sơn Tây tổ chức rà soát, kiểm tra hiện trạng điểm đón trả khách trên các tuyến thống nhất lựa chọn được 307 vị trí có thể đầu tư lắp đặt được nhà chờ xe buýt.

Theo Sở Giao thông Vận tải, các nhà chờ xe buýt này phải tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành và phù hợp với kiến trúc cảnh quan tại khu vực lắp đặt; chủng loại vật liệu sử dụng và công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Một điểm nhà chờ xe buýt. (Ảnh minh họa. Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN)

Hình thức kiến trúc nhà chờ sẽ tham khảo các mẫu điển hình và các mẫu nhà chờ của một số nước tiên tiến trên thế giới hiện nay.

Trên cơ sở đó, lựa chọn loại hình nhà chờ có thiết kế phù hợp với cảnh quan, khí hậu của Thủ đô cũng như đáp ứng yêu cầu vận hành, phục vụ của nhà chờ. Các nhà chờ có khả năng mở rộng, tích hợp ứng dụng như sử dụng công nghệ thông minh (wifi, bảng điện tử, màn hình cảm ứng, pin năng lượng mặt trời tại những vị trí có đủ điều kiện...).

Việc sớm lắp đặt nhà chờ trên các tuyến buýt kết nối khu vực trung tâm với ngoại thành sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của người dân, thu hút người dân tham gia, sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Với tỷ lệ chiều dài tuyến chiếm 57% toàn mạng, hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt khu vực ngoại thành Hà Nội giữ vai trò quan trọng trong mạng lưới xe buýt của thành phố phục vụ vận chuyển hành khách đi lại giữa các địa phương, kết nối khu vực nội thành với ngoại thành.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thì hiện tại tỷ lệ số điểm dừng đón trả khách có nhà chờ mới chỉ đạt khoảng 1% tổng số điểm dừng chờ.

Thành phố có 71 tuyến buýt (bao gồm các tuyến nhánh) đi qua khu vực 17 huyện ngoại thành và thị xã Sơn Tây với 2.127 điểm dừng xe buýt (bao gồm cả các điểm đầu, cuối) để đón trả khách. Cự ly bình quân giữa các điểm dừng ở khu vực ngoại thành khoảng 900m/điểm. Nhưng hiện mới có 23 điểm dừng có nhà chờ xe buýt (chiếm dưới 1% tổng số điểm dừng hiện có).

Qua khảo sát, hiện các vị trí dừng đón trả khách của xe buýt tập trung khá đông hành khách chờ xe. Thời gian chờ đợi xe buýt của hành khách tại các điểm dừng khu vực ngoại thành lâu hơn so với khu vực nội đô do mật độ xe buýt và tần suất hoạt động thấp. Việc bố trí nhà chờ che nắng, che mưa và có ghế ngồi cho hành khách là cần thiết.

Người dân ngoại thành thường phải di chuyển cự ly dài để đến các điểm dừng do xe buýt chỉ hoạt động trên các đường trục chính. Việc chờ xe buýt không thuận lợi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút hành khách sử dụng xe buýt. Số lượng điểm dừng xe buýt ở ngoại thành lắp đặt trên lề đường chiếm tỷ lệ lớn, không thuận tiện, không đảm bảo vệ sinh và an ninh trật tự.

Khánh Hòa yêu cầu di dời các công trình để triển khai cao tốc Bắc - Nam

UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu di dời các công trình kỹ thuật trong phạm vi giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam.

Ngày 13/8, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, vừa có văn bản yêu cầu 3 huyện có đường cao tốc Bắc - Nam đi qua là huyện Diên Khánh, huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh làm việc với các chủ sở hữu, chủ quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật như hệ thống cấp điện, nước, thông tin; hệ thống thoát nước; đường ống xăng dầu.... nằm trong phạm vi dự án phải di dời để giải phóng mặt bằng phục vụ thi công trình.

Trên cơ sở đó, khẩn trương lập, thống nhất phương án thiết kế và tiến hành di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án.

Một điểm nhà chờ xe buýt. (Ảnh minh họa. Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN)

Cùng với đó, Sở GTVT Khánh Hòa cũng có văn bản gửi các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, đo đạc, kiểm kê số hộ bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng, tái định cư và báo cáo về sở để tổng hợp báo cáo gửi UBND tỉnh Khánh Hòa.

Các đơn vị đề xuất phương án sơ bộ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong phạm vi các ban quản lý dự án đã bàn giao mốc giải phóng mặt bằng; lập kế hoạch thu hồi đất, tiến độ chi tiết triển khai công tác kiểm kê khối lượng bồi thường, xác minh nguồn gốc đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, phê duyệt theo quy định cụ thể.
Dự kiến, các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Khánh Hòa sẽ được di dời đến 7 khu tái định cư, với tổng kinh phí hơn 74 tỷ đồng. Trong đó, huyện Diên Khánh và TP. Cam Ranh mỗi địa phương có 2 khu, còn lại huyện Cam Lâm sẽ có 3 khu tái định cư.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa gồm 2 dự án thành phần: Đoạn Nha Trang - Cam Lâm có chiều dài tuyến khoảng 49,2km, điểm đầu thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh và điểm cuối thuộc xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh. Dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo có chiều dài tuyến khoảng 78,5 km, trong đó đoạn qua địa bàn TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) dài khoảng 5 km, đoạn còn lại đi qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Công an vào cuộc vụ sập mái hội trường sau tám tháng bàn giao

Sáng 14/8, nguồn tin của PLO.VN cho biết Công an tỉnh Hậu Giang đang phối hợp các ngành điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ sập mái hội trường UBND thị trấn Ngã Sáu (huyện Châu Thành).

Thông tin tới báo chí, ông Nguyễn Huỳnh Đức, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang, cho hay công an đang bảo vệ hiện trường để điều tra làm rõ. Về phía sở, trong quá trình điều tra sẽ phối hợp về mặt chuyên môn khi phía công an có yêu cầu.

Trước đó, ông Tống Hoàng Khôi, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho hay hiện chưa thống kê được cụ thể thiệt hại của sự cố sập mái hội trường thị trấn Ngã Sáu.

Hiện trường vụ sập mái hội trường.    

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành nói đơn vị thi công là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Huỳnh Trân, có trụ sở tại quận Cái Răng (TP Cần Thơ). Doanh nghiệp này cũng là chủ đầu tư của Trung tâm Thương mại Ngã Sáu.

Như đã thông tin, sau tám tháng bàn giao đưa vào sử dụng, lúc 6 giờ 30 sáng 10-8, hạng mục hội trường thuộc công trình khu hành chính UBND thị trấn Ngã Sáu (huyện Châu Thành) bất ngờ bị sập mái, may mắn không thiệt hại về người.

Hội trường thị trấn Ngã Sáu nằm trong khu hành chính thị trấn vừa được bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 12-2018.

Công trình khu hành chính UBND thị trấn Ngã Sáu có tổng diện tích hơn 4.400 m2, tổng mức đầu tư là 15 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất trụ sở thị trấn Ngã Sáu là 11,3 tỉ đồng, còn lại là ngân sách địa phương.

Hà Tĩnh: 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển dự án khu dân cư 135 tỷ đồng

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu dân cư đô thị Cánh Buồm, phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Theo đó, nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển Dự án là Công ty CP Bất động sản Mỹ (địa chỉ tại quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng diện tích đất sử dụng là 8,36 ha. Tổng chi phí thực hiện Dự án (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng và tiền sử dụng đất) là 135,2 tỷ đồng; thời gian thực hiện Dự án là 24 tháng.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.