Thứ tư, 24/04/2024 19:34 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/4/2020

MTĐT -  Thứ ba, 14/04/2020 08:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/4/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/4/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Đà Nẵng xin huy động doanh nghiệp cùng đầu tư cảng Liên Chiểu

Ngày 13-4, UBND TP Đà Nẵng cho hay vừa có Tờ trình 2046/TTr-UBND trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu.

Đây là dự án nhóm A, công trình giao thông cấp đặc biệt thuộc lĩnh vực hàng hải. Cấp quyết định chủ trương đầu tư đự án là Thủ tướng Chính phủ. UBND TP Đà Nẵng là cấp quyết định đầu tư dự án và là cơ quan chủ quản.

Dự án có mục tiêu đáp ứng nhu cầu tăng cao về vận chuyển hàng hóa, đảm bảo phát triển bền vững kinh tế-xã hội của TP Đà Nẵng và trong khu vực. Dự án giúp tăng cường kết nối trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (KMS).

Dự án cũng góp phần giảm tải cho khu bến Tiên Sa và Sơn Trà, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô TP Đà Nẵng.

Cảng Liên Chiểu được kỳ vọng giảm tải cho cảng Tiên Sa. Ảnh: TẤN VIỆT

Quy mô đầu tư dự án gồm phần cơ sở hạ tầng dùng chung và phần kêu gọi đầu tư. Trong đó, phần cơ sở hạ tầng dùng chung có tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước.

Nguồn vốn ngân sách trung ương chiếm 87,4% tổng mức đầu tư, ngân sách địa phương đảm bảo 12,6%, bố trí trong giai đoạn 2021-2025. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 đến 2024.

Phần cơ sở hạ tầng dùng chung đáp ứng yêu cầu cơ sở hạ tầng cho phát triển hai bến ban đầu. Hai bến này có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU.

Hai bến ban đầu đảm bảo lượng hàng thông qua 3,5-5 triệu tấn/năm và phát triển các bến tiếp theo theo quy hoạch.

Phần kêu gọi đầu tư gồm xây dựng các khu bến cảng, các bãi chứa container, kho hàng tổng hợp, khu logistics, khu dịch vụ hậu cần sau cảng, mua sắm thiết bị và hình thành khu đô thị cảng.

Phần kêu gọi đầu tư thực hiện theo hình thức huy động doanh nghiệp đầu tư với quy mô phù hợp quy hoạch và tương ứng theo từng giai đoạn phát triển. Phần này được triển khai song song với phần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư.

TP Đà Nẵng sẽ tổ chức đấu thầu, đấu giá rộng rãi, công khai, minh bạch đảm bảo theo Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các quy định hiện hành để kêu gọi các nhà đầu tư.

Trước đó vào ngày 18-3, Bộ GTVT có công văn đề nghị Đà Nẵng hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án. Báo cáo này đã được UBND TP Đà Nẵng hoàn chỉnh và gửi kèm theo Tờ trình 2046 lần này.

Điều chỉnh quy hoạch các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020.

Cụ thể, giảm diện tích khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Conac từ 227,14 ha xuống 211,92 ha.

Bổ sung khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Conac mở rộng với diện tích 110 ha tại phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào Quy hoạch phát triển khu công nghiệp đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh minh họa

Bổ sung phần diện tích khu công nghiệp thuộc khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ HD với diện tích 450 ha tại phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào Quy hoạch phát triển khu công nghiệp đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Các khu công nghiệp khác nằm trong quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2020 được phê duyệt tại công văn số 1977/TTg-KTN ngày 07/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ không thay đổi.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác về số liệu báo cáo, quy mô diện tích, vị trí đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp; đảm bảo việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu công nghiệp phù hợp với quy hoạch và quy định của pháp luật hiện hành; không để xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch; tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành.

Đồng thời, cập nhật các khu công nghiệp bổ sung mới vào Danh mục công trình, dự án thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016 - 2020) theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.

Bên cạnh đó, giám sát việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của khu công nghiệp, đảm bảo diện tích đưa ra khỏi quy hoạch khu công nghiệp được sử dụng đúng mục đích. Việc xây dựng nhà ở công nhân và người lao động tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng và thu hút các dự án thứ cấp đối với phần diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê còn lại chưa lấp đầy. Kiểm tra, rà soát tình hình thực hiện Giấy chứng nhận đầu tư của dự án hạ tầng khu công nghiệp dầu khí Long Sơn và đề xuất giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án. Lựa chọn và thu hút nhà đầu tư hạ tầng có tiềm lực về tài chính và kinh nghiệm vận hành khu công nghiệp tham gia đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp Long Hương.

Thực hiện đồng bộ việc quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp với các công trình nhà ở công nhân, các công trình phúc lợi xã hội tại các khu công nghiệp để đảm bảo điều kiện sống, làm việc của người lao động.

Hà Tĩnh đồng ý chủ trương đầu tư nhà máy bia hơn 1.100 tỷ đồng dưới chân núi Hồng

Nhà máy do Công ty CP Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh làm chủ đầu tư trên diện tích khoảng 30ha.

Để dự án sớm triển khai xây dựng, UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT, UBND thị xã Hồng Lĩnh, các sở, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thực hiện và kiểm tra, hướng dẫn, giám sát chặt chẽ Công ty CP Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh, Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn (chủ đầu tư dự án hạ tầng Cụm Công nghiệp cổng Khánh 2) thực hiện đầy đủ theo các nội dung chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và đúng quy định của pháp luật.

Các sở, ngành, địa phương nghe báo cáo đề xuất dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh tại khu Cụm Công nghiệp Cổng Khánh 2

Trước đó, tại buổi làm việc giữa Sở KH&ĐT và các sở, ban, ngành với UBND thị xã Hồng Lĩnh, Công ty CP Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh đã báo cáo việc đầu tư dự án xây dựng nhà máy bia có công suất 50 triệu lít/năm với tổng vốn đầu tư hơn 1.119 tỷ đồng.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày có quyết định giao đất của UBND tỉnh. Dự kiến sau khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động.

Lạng Sơn: 100 tỷ đồng xây dựng trụ sở Kho bạc Nhà nước

Kho bạc Nhà nước Lạng Sơn (Chủ đầu tư) vừa công bố kế hoạch lựa chọn nhà thầu 21 gói thầu thuộc Dự án Trụ sở làm việc Kho bạc Nhà nước Lạng Sơn với tổng mức đầu tư 100,085 tỷ đồng.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo đó, trong năm 2020 sẽ đấu thầu rộng rãi các gói thầu thuộc Dự án gồm: Gói thầu Cung cấp và thi công lắp đặt hệ thống điều hòa (quý II/2020); Gói thầu Cung cấp và thi công lắp đặt Hệ thống báo động, báo cháy; hệ thống chữa cháy vách tường, chữa cháy khí; máy bơm chữa cháy (quý II/2020); Gói thầu Cung cấp và thi công lắp đặt mạng tin học, điện thoại, chống sét mạng; âm thanh công cộng (quý III/2020)…

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/4/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.