Thứ ba, 16/04/2024 14:58 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/09/2019

MTĐT -  Thứ bảy, 14/09/2019 09:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/9/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/9/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp

Xử phạt hơn 1.600 xe vi phạm tải trọng trong tháng 8

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có báo cáo Bộ GTVT kết quả kiểm soát tải trọng xe tháng 8/2019. Có 1.616 xe vi phạm trong tổng số 17.212 xe kiểm tra, tước 570 giấy phép lái xe và xử phạt nộp kho bạc nhà nước 18,37 tỷ đồng.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, qua theo dõi và phản ánh của các cơ quan thông tin, báo chí và của người dân về đường dây nóng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đã tái diễn trở lại tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng để chở hàng quá tải và tái diễn tình trạng xe chở quá tải lưu thông công khai trên một số quốc lộ, đường đô thị và đường địa phương, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.

Điển hình như các xe tải, xe ben có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, chở đá quá tải từ các mỏ đá khu vực huyện Hữu Lũng, Cao Lộc, lưu thông trên QL.l, QL.4B, ĐT.237 tỉnh Lạng Sơn. Các xe ben chở đất, đá, vật liệu xây dựng quá tải lưu thông trên tuyến đê sông Đáy, đoạn từ xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng đến Khu Công nghiệp Đồng Văn, tỉnh Hà Nam;

Tình trạng xe quá tải có dấu hiệu bùng phát trên các tuyến quốc lộ và một số tuyến đường tỉnh. Ảnh minh họa

Các xe tải, xe ben có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, chở vật liệu xây dựng, xi măng quá tải lưu thông trên QL.21A, địa phận huyện Lương Sơn, các tuyến đường Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo, Cù Chính Lan, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; Các xe tải chở vật liệu xây dựng quá tải lưu thông trên tuyến đường 352 qua phà Lại Xuân, nối huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng với huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh phục vụ cho các nhà máy xi măng trong khu vực;…

Xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn đường bộ, xe chở hàng siêu trường, siêu trọng không có Giấy phép lưu hành xe, chở hàng với kích thước, khối lượng không đúng với nội dung trong Giấy phép lưu hành xe hoặc sử dụng Giấy phép lưu hành xe giả vẫn lưu thông trên các tuyến đường.

Với tình hình như trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Sở GTVT, các Cục QLĐB chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông, Công chức Thanh tra tăng cường phối hợp với các Sở, ngành, UBND cấp huyện của địa phương, kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng như các cảng, bến thủy nội địa, nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp, các mỏ đá, mỏ vật liệu xây dựng, nhà máy xi măng... và trên các tuyến đường có nhiều xe quá tải lưu thông, đặc biệt là vào ban đêm...

Đồng thời, phối hợp với các Cảng kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không có Giấy phép lưu hành xe hoặc sử dụng Giấy phép lưu hành xe giả, sử dụng xà lan để đưa hàng siêu trường, siêu trọng ra khỏi Cảng, sang tải, dồn tải, lưu thông trên đường bộ, đặc biệt là các Cảng nhỏ, bến thủy nội địa tại TP. Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh; tăng cường kiểm tra các xe chở hàng siêu trường, siêu trọng không có Giấy phép lưu hành xe lưu thông trên các tuyến đường; Tăng cường kiểm tra, xử lý các loại xe tải, sơmi rơmooc tự đổ, cơi nới thành thùng để chở hàng quá tải; tổng hợp các xe vi phạm kích thước thùng hàng vượt quá quy định gửi về Cục Đăng kiểm Việt Nam để xử lý theo quy định.

Khẩn trương sửa chữa hư hỏng đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ 2019

Cụ thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ, các Sở Giao thông vận tải (GTVT); các Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án BOT;... chủ động đề ra các giải pháp cụ thể, tăng cường kiểm tra, theo dõi, sớm phát hiện các hư hỏng đường bộ để kịp thời xư lý.

Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý đường và nhà thầu bảo dưỡng phải cập nhật ngay thông tin hư hỏng vào “ Nhật ký tuần đường ”, hồ sơ quản lý đường, các phần mềm GOV.ONE và các công cụ lưu trữ quản lý đường khác.

Sửa chữa hư hỏng đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ 2019 (Ảnh minh họa)

Đối với nhà thầu quản lý bảo dưỡng đường bộ nếu không thực hiện đúng hợp đồng, tiêu chuẩn bảo dưỡng, quy trình bảo trì, Thông tư 04/2019/TT-BGTVT về tuần đường và tuần kiểm đường bộ, thì phải kiên quyết xử lý hành chính, xử lý tài chính (trừ tiền), báo cáo để Tổng cục ĐBVN xem xét cấm hoặc trừ điểm khi lựa chọn thực hiện các gói thầu sau này.

Đối với đơn vị, cá nhân thuộc Cục, Sở, Doanh nghiệp làm chủ dự án (chủ sở hứu hoặc người quản lý sử dụng công trình) thì các cơ quan, đơn vị này phải tự xử lý tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc biệt, Tổng cục đường bộ Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải hoàn thành sửa chữa trong phạm vi 2 ngày đối với hư hỏng đường ô tô cao tốc. Riêng các hố sâu hơn 10 cm phải dặm vá ngay bằng vật liệu để khắc phục mất an toàn giao thông do xe chạy tốc độ cao trên cao tốc.

Phải sửa chữa bằng kết cấu mặt đường hiện hữu hoặc theo tiêu chuẩn quy định, thời gian hoàn thành trong phạm vi 3 - 5 ngày đối với quốc lộ, riêng các hố sâu trên 10 cm không để tồn tại quá 1 ngày (trường hợp đặc biệt chưa khắc phục được hố sâu thì phải có biện pháp cảnh báo).

Trường hợp mặt đường xuất hiện hư hỏng nhưng trời mưa trên các quốc lộ phải sử dụng kết cấu chống được nước hoặc dùng cấp phối đá dăm, đá dăm tiêu chuẩn, cấp phối cuội sỏi để lấp vào các hố lún lõm, ổ gà để đảm bảo giao thông tạm.

Khi hết mưa trong 3 - 5 ngày phải hoàn thành việc sửa chữa (cắt, dùng máy nén khí làm khô miếng vá, tưới dính bám, vá, lu lèn móng mặt đường) như kết cấu hiện hữu hoặc theo tiêu chuẩn quy định.

Nếu xảy ra những hư hỏng lớn như sạt, lở nền đường, ta luy dương, ta luy âm và các hư hỏng khác do thiên tai thực hiện theo quy định tại Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về công tác phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai trong ngành đường bộ.

Đối với các gói thầu sửa chữa trên đường đang khai thác, Tổng cục đường bộ Việt Nam đề nghị các nhà thầu triển khai thi công nhanh, gọn, bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.

Nếu không thực hiện biện pháp đảm bảo giao thông phải trừ một phần hoặc toàn bộ dự toán chi phí “hạng mục chung” tùy theo mức độ vi phạm, đồng thời kiên quyết xử lý nhà thầu vi phạm.

Giữ lại nửa cầu đường sắt Bình Lợi cũ để bảo tồn

Ngày 13/9, Bộ GTVT cho biết đã đồng ý giữ lại một nửa cầu sắt Bình Lợi cũ để bảo tồn, nửa còn lại sẽ tháo dỡ thanh lý theo đề xuất của UBND TPHCM.

Theo đó, hai nhịp cầu trong đó có một nhịp cầu quay và một tháp canh phía quận Thủ Đức sẽ được giữ nguyên trạng phục vụ cho việc tìm hiểu nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt và phát triển ngành du lịch. UBND TPHCM sẽ tự bố trí nguồn kinh phí để thực hiện bảo tồn, đồng thời phân cấp cho Sở GTVT TPHCM quản lý, duy tu, bảo dưỡng và vận hành khai thác. Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) cho biết, dự kiến trong tháng 9-2019, sau khi thông tàu đường sắt Bắc- Nam chạy qua cầu sắt Bình Lợi mới, chủ đầu tư dự án sẽ thực hiện tháo dỡ cầu sắt Bình Lợi cũ để tạo thuận lợi cho tàu, sà lan lưu thông trên sông Sài Gòn từ TPHCM đến tỉnh Bình Dương. Sau khi tháo dỡ cầu, vị trí này dự kiến sẽ xây dựng một bến thủy nội địa.

Cầu sắt Bình Lợi là cầu đường sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên được xây dựng năm 1902 với chiều dài 276m, gồm 6 nhịp. Do độ tĩnh không thông thuyền thấp, cầu có nhịp quay ở phía bờ quận Thủ Đức cho tàu thuyền qua lại. Cầu có kết cấu vòm thép, các thanh thép liên kết bằng đinh tán rivê. Bên phải đường ray gần chân cầu gần quận Thủ Đức có một tháp canh. Trên vách tường hướng ra bờ sông có ô đắp chữ nổi “Binh Loi October 1948” (Bình Lợi, tháng 10-1948).

Cùng ngày, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đã có công điện về việc phong tỏa tuyến đường sắt Thống Nhất đoạn từ ga Bình Triệu đến ga Gò Vấp, TPHCM để chạy thử qua cầu Bình Lợi mới. Theo đó, thời gian chạy thử qua cầu Bình Lợi mới sẽ diễn ra từ 9 giờ 30 - 14 giờ 30. Trong thời điểm thử tải có đoàn tàu SE22 theo kế hoạch sẽ xuất phát tại ga Sài Gòn vào trưa cùng ngày 14-9. Do đó, các đơn vị đường sắt sẽ chuyển tải hành khách bằng ô tô từ ga Sài Gòn đến ga Bình Triệu cho hành khách lên tàu. Sau khi chạy thử thành công, ngành đường sắt sẽ chuyển tuyến từ cầu cũ sang cầu mới để đảm bảo an toàn chạy tàu.

Tổng công ty ĐSVN cũng cho biết, sau khi thông cầu Bình Lợi mới, đơn vị thi công sẽ tháo dỡ cầu Bình Lợi cũ để thông tuyến luồng đường thủy từ Bình Dương về cảng Cát Lái. Tĩnh không cầu Bình Lợi mới cao 7m nên cho thể cho tàu tải trọng đến 300 tấn lưu thông.

Vinacomin đấu giá 299.338 cổ phần khu kinh tế Hải Hà

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo sẽ tổ chức đấu giá bán cổ phần CTCP Đầu tư phát triển Khu kinh tế Hải Hà (Hải Hà) do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) sở hữu. Phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào lúc 8h30 ngày 27/9 tại HNX.

Khối lượng cổ phần Hải Hà mà Vinacomin mang ra đấu giá là 299.338 cổ phần, tương đương với 58,8% vốn điều lệ (mệnh giá 160.000 đồng/cp). Giá khởi điểm được đưa ra là 162.000 đồng/cp, dự kiến thu về khoảng 49 tỷ đồng.

Hải Hà có địa chỉ tại phố Phan Đình Phùng, thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh với vốn điều lệ hơn 81 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là đầu tư xây dựng và kinh doanh khu công nghiệp cảng biển Hải Hà...

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/09/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới