Thứ năm, 25/04/2024 18:58 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 13/8/2019

MTĐT -  Thứ ba, 13/08/2019 11:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 13/8/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 13/8/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Thêm 2.186 tỷ đồng hỗ trợ Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận

Để tiếp tục tạo thêm bước chuyển biến mạnh mẽ, thúc đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, UBND tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức họp bàn để tháo gỡ nút thắt về vốn tín dụng cho dự án này với sự tham gia của Bộ GTVT, Bộ tài chính, ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng tài trợ tín dụng cho dự án và Nhà đầu tư.

Thêm một hiệu tích cực nữa được khẳng định tại cuộc họp này khi Bộ Tài chính khẳng định đã chuẩn bị sẵn bản kế hoạch sử dụng nguồn tăng thu năm 2018 để trình Thủ tướng chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhằm bố trí phần vốn ngân sách Nhà nước 2.186 tỷ đồng cho dự án cao tốc này. Nếu không có gì thay đổi, phần vốn NSNN này sẽ được thông qua và giải ngân trong tháng 9/2019 này.

Bên cạnh đó, về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đang thu xếp vốn cho dự án tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương, chủ đầu tư dự án để điều chỉnh, hoàn thiện các hồ sơ pháp lý nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hạ tầng quan trọng này.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sắp đón thêm những cú hích mới để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Ông Đào Mình Tú khẳng định, đây là dự án hiệu quả trong đầu tư thương mại, các ngân hàng cần mạnh dạn cho vay, đồng thời đề nghị các ngân hàng không áp đặt tỷ lệ vốn tự có của nhà đầu tư bằng 30% TMĐT là điều kiện tiên quyết. Hiện nay, các Ngân hàng TMCP không thiếu vốn, nếu có thiếu thì NHNN sẵn sàng bù đủ vốn cho nhu cầu tín dụng của dự án.

Theo đại diện nhà đầu tư, hiện các ngân hàng thương mại đã cũng ngồi lại với nhau để bàn về việc tháo gỡ nút thắt về nguồn vốn tín dụng vốn bị bế tắc trong mấy năm qua. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ để cung cấp các hồ sơ, tài liệu và làm rõ các nội dung Ngân hàng băn khoăn. Hiện UBND tỉnh Tiền Giang và chúng tôi đang chờ ý kiến phản hồi cụ thể của ngân hàng đầu mối, khi việc thông xe kỹ thuật đã được giải quyết thì Dự án có hoàn thành được vào năm 2021 hay không sẽ còn đang tuỳ thuộc rất nhiều về nguồn vốn tín dụng này”.

Tại cuộc họp ngày 7/8/2019, Nhà đầu tư cũng đã khẳng định sẽ làm hết trách nhiệm để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, nhưng sẽ không đi vay vốn ngân hàng bằng mọi giá khi chưa khẳng định được sự đồng hành đảm bảo của Tỉnh Tiền Giang và còn rất nhiều rủi ro chưa được làm rõ từ các yêu cầu Ngân hàng cho vay.

Để đảm bảo phương án tài chính cho Dự án, UBND tỉnh Tiền Giang đã đưa ra nhiều cam kết rất tích cực như: Đối với đề nghị của Ngân hàng về việc bảo lãnh doanh thu hoặc có giải pháp hỗ trợ trong trường hợp doanh thu thực tế của dự án khi đi vào vận hành chưa đạt kết quả theo phương án tài chính phê duyệt thì UBND tỉnh Tiền Giang sẽ có báo cáo và xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT đều cam kết với đề nghị không thay đổi quy hoạch giao thông hiện tại làm thay đổi phân lưu theo tính toán tại phương án tài chính đã ký kết của Ngân hàng tín dụng, trừ trường hợp có chủ trương khác của Quốc hội, Chính phủ.

Căn cứ quyết định số 2463/QĐ-UBND ngày 2/8/2019 của UBND tỉnh Tiền Giang về phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, UBND tỉnh Tiền Giang và Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ tiến hành thương thảo và hoàn thành việc ký kết Phụ lục Hợp đồng điều chỉnh dự án trước ngày 15/08/2019. Đồng thời lấy ý kiến của các Ngân hàng tài trợ vốn thống nhất trước khi ký kết để đảm bảo đủ điều kiện giải ngân vốn tín dụng sau này.

Ngoài ra, CQNNCTQ cũng đề xuất sẽ thành lập tổ công tác gồm đại diện tỉnh Tiền Giang, Ngân hàng tài trợ vốn và Nhà đầu tư để thống nhất việc thẩm định phê duyệt và thương thảo ký kết Phụ lục Hợp đồng tín dụng sẽ làm cơ sở để UBND tỉnh Tiền Giang báo cáo Chính phủ xác định khả năng, trách nhiệm của các bên tham gia Dự án với mốc tiến độ hoàn thành việc ký kết được ấn định trước ngày 31/8/2019.

Nhựa Tiền Phong bắc "cầu yêu thương" tại 15 tỉnh, thành trên cả nước

Nhựa Tiền Phong tiếp tục khởi công xây dựng 3 cây cầu nữa tại các vùng miền trên cả nước, đưa tổng số “cầu nối yêu thương” do công ty tài trợ tính đến thời điểm hiện tại lên đến 24 cây cầu.

Là một huyện miền núi ở phía tây tỉnh Thanh Hóa với giao thông cách trở, thời tiết khắc nghiệt, không có sản phẩm nông nghiệp nổi bật nên tỉ lệ hộ nghèo đói của Bá Thước vẫn còn cao, chiếm 21%. Chính vì vậy, khi nhận được những thông tin trao đổi từ Bá Thước, Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong đã nhanh chóng khảo sát các cây cầu cần xây dựng tại huyện và căn cứ vào tính cấp thiết, cây cầu làng Xi, xã Lương Trung đã được Nhựa Tiền Phong lựa chọn xây dựng ngay trong tháng 7/2019. Ban Lãnh đạo Công ty mong muốn xây dựng một cây cầu vững chãi để các em học sinh và người dân địa phương được an toàn di chuyển trong mùa mưa bão khi những cơn lũ tràn về tàn phá nơi đây.

Khởi công cầu nối yêu thương số 22 tại làng Xi xã Lương Sơn huyện Bá Thước tỉnh Thanh Hóa

Làng Xi có 145 hộ, 623 nhân khẩu và hàng ngày có 290 lượt học sinh các cấp đi qua cây cầu ọp ẹp dựng tạm bằng tre nứa để đến trường. Mỗi mùa lũ đến cây cầu lại bị cuốn trôi, các hoạt động lại bị ngừng trệ, người dân lại đối mặt với bữa no bữa đói, học tập của các em bị gián đoạn. Quan trọng hơn, cây cầu này cũng là đường chính của 05 thôn với hơn 1.300 hộ tới các cơ quan hành chính của trung tâm xã nên những trường hợp cần cấp cứu cũng rất khó khăn mới có thể được chữa trị và đã có những tai nạn thương tâm, thiệt hại cả người và của khi cố vượt qua cây cầu này vào ngày mưa lũ.

Vì lẽ đó, người dân và các em học sinh luôn mong mỏi sẽ có một ngày cây cầu sẽ được đầu tư xây dựng vững chãi, trước là để người dân và các em có thể đi lại thuận tiện, an toàn, sau sẽ là cuộc sống ốn định, giao thương buôn bán thuận tiện, việc học của các em không còn bị gián đoạn.

Và niềm hi vọng đó cuối cùng cũng đã trở thành hiện thực. Ngày 10/7/2019, Lễ khởi công cầu làng Xi đã được Công ty Nhựa Tiền Phong phối hợp với UBND huyện Bá Thước chính thức tổ chức với sự tham gia của đại diện các cấp chính quyền và niềm vui phấn khởi của bà con.

Ngày 5/3/2019, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cũng đã đóng góp 720 triệu đồng để tài trợ xây dựng cây Cầu nối yêu thương số 18 tại Ấp 6 Biển, xã Nam Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Với tổng chi phí xây dựng Cây cầu có chiều dài 80m, chiều rộng 2.8m, tải trọng 2.5 tấn được xây mới hoàn toàn phục vụ nhu cầu giao thương của gần 600 hộ dân địa phương. Cây cầu được khánh thành vào ngày 11/8 vừa qua.
Dự kiến trong nửa cuối năm 2019, Nhựa Tiền Phong sẽ tiếp tục khảo sát và khởi công xây dựng các cây cầu tại Nghệ An, Quảng Bình và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Tính đến tháng 7/2019, chương trình “Cầu nối yêu thương” của Nhựa Tiền Phong đã xây dựng được 24 cây cầu dành cho các khu vực khó khăn tại các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và các tỉnh miền Tây Nam Bộ với tổng kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng.

Các hãng hàng không điều chỉnh chuyến bay do biểu tình ở Hồng Kông

Ngày 13/8, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific thông báo điều chỉnh lịch bay một số chuyến bay đến, đi từ Hồng Kông do ảnh hưởng của biểu tình tại sân bay Hồng Kông.
Vietnam Airlines lùi giờ khai thác 2 chuyến bay VN594, VN595 giữa TP Hồ Chí Minh – Hồng Kông 7 tiếng 40 phút so với kế hoạch ban đầu. Các chuyến bay đến, đi từ Hồng Kông khác trong ngày của Vietnam Airlines vẫn được khai thác bình thường, bao gồm VN593, VN592 giữa Hà Nội – Hồng Kông, VN598 từ TP Hồ Chí Minh đi Hồng Kông.

Jetstar Pacific cũng hủy 2 chuyến BL160, BL161 giữa Hà Nội – Hồng Kông, 02 chuyến BL164, BL165 giữa Đà Nẵng – Hồng Kông.

Vietnam Airlines và Jetstar Pacific điều chỉnh lịch bay

Hành khách trên các chuyến bay bị ảnh hưởng được hỗ trợ theo quy định và chuyển đổi sang các chuyến bay khác cùng hành trình nếu có yêu cầu. Vietnam Airlines khuyến cáo hành khách khởi hành từ sân bay Hồng Kông lưu ý tới sân bay trước 3 tiếng so với giờ khởi hành.

Vietnam Airlines và Jetstar Pacific sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và cập nhập thông tin trong các bản tin tiếp theo. Hai Hãng khuyến nghị hành khách đang có kế hoạch bay giữa Việt Nam và Hồng Kông trong thời gian này cần thường xuyên cập nhật thông tin để chủ động kế hoạch đi lại.

Hành khách của hai hãng hàng không có thể truy cập website, trang Facebook chính thức và liên hệ các phòng vé hoặc tổng đài chăm sóc khách hàng để cập nhật thông tin.

Gần 100 căn nhà ở An Giang bị sập, tốc mái do dông lốc

Ngày 12/8, mưa lớn kèm theo dông lốc trên địa bàn các huyện An Phú, Tri Tôn và thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) đã làm 96 căn nhà bị đổ sập và tốc mái, gây thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu cho người dân.

Căn nhà của người dân ở huyện An Phú bị giông lốc làm đổ sập hoàn toàn. 

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, mưa lớn kèm theo giông lốc, sấm sét vào sáng 12/8 trên địa bàn tỉnh An Giang đã làm 96 căn bị đổ sập và tốc mái, trong đó có 5 căn nhà bị sập hoàn toàn, 91 căn nhà bị tốc mái, xiêu vẹo (số liệu tính tới 17 giờ ngày 12/8).

Cụ thể, mưa lớn kèm theo giông lốc trên địa bàn huyện An Phú đã làm 86 căn nhà bị sập và tốc mái (trong đó, có 5 căn nhà bị sập hoàn toàn, 81 căn nhà bị tốc mái, xiêu vẹo); tại huyện Tri Tôn, có 4 căn nhà bị tốc mái, xiêu vẹo; tại thị xã Tân Châu có 6 căn nhà bị tốc mái, xiêu vẹo.

Ngoài ra, mưa lớn kèm theo giông lốc đã làm hư hỏng một nhà kho của người dân trên địa bàn huyện An Phú; hư hỏng một số công trình công cộng và hoa màu trên địa bàn huyện Tri Tôn và thị xã Tân Châu.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, lãnh đạo các huyện, thị xã và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình, hỗ trợ các hộ bị thiệt hại, khẩn trương bố trí chỗ ở tạm, cấp phát gạo, các nhu yếu phẩm cần thiết; đồng thời, huy động lực lượng tại chỗ gồm công an, quân sự xã, người dân địa phương hỗ trợ các hộ bị thiệt hại di dời tài sản, dọn dẹp, sửa chữa lại nhà cửa, sớm ổn định chỗ ở; bố trí lực lượng bảo vệ an ninh trật tự tại khu vực bị ảnh hưởng do giông lốc.

UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo khẩn cấp các ngành chức năng và địa phương khẩn trương khảo sát, hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại do ảnh hưởng của mưa giông để bà con sớm ổn định cuộc sống.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 13/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.