Thứ năm, 25/04/2024 08:13 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 12/11/2019

MTĐT -  Thứ ba, 12/11/2019 09:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 12/11/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 12/11/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp.

TPHCM: Từ 15/11, cao điểm xử phạt xe ôm công nghệ vi phạm

Xe ôm của các hãng Grab, GoViet, Be,… vi phạm an toàn giao thông, với các lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông sẽ bị xử lý nghiêm.

Theo Công an TPHCM, từ ngày 15/11/2019 đến ngày 14/12/2019, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TPHCM (PC08) sẽ tiến hành cao điểm xử lý các trường hợp tài xế xe ôm công nghệ vi phạm an toàn giao thông, trong đó tập trung xử lý các lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.

Trước khi tiến hành đợt cao điểm, PC08 phối hợp với các công ty công nghệ cung cấp dịch vụ vận chuyển, đi lại bằng phương tiện xe máy như Grab, GoViet, Be,… tuyên truyền vận động lái xe nêu cao ý thức, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông;

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin tuyên truyền rộng rãi về những hành vi vi phạm của tài xế xe xe ôm công nghệ.

Xe ôm công nghệ chở hàng cồng kềnh. Ảnh: Công an TPHCM cung cấp

Trong đợt cao điểm, PC08 tăng cường bố trí lực lượng, chủ động nắm tình hình, xây dựng các chuyên đề tập trung xử lý các đối tượng là tài xế xe ôm công nghệ đối với các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông như: Chạy quá tốc độ quy định; chở 2 người trên xe; chở người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; đi ngược chiều; vượt xe trong những trường hợp cấm vượt; điều khiển xe sử dụng điện thoại di động...

Cảnh sát giao thông được trang bị sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm, máy đo tốc độ, camera để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm của tài xế xe ôm công nghệ. Đối với các trường hợp không dừng ngay được phương tiện, Phòng sẽ thông báo yêu cầu người có hành vi vi phạm đến đơn vị giải quyết theo quy định của pháp luật.

Năm 2020, TP.HCM dự chi 360 tỷ đồng cho người thu nhập thấp mua nhà ở

Để người thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà ở nhiều hơn, chỉ tiêu hạn mức cho vay nhà ở năm 2020 tại TP.HCM tiếp tục được nâng lên.

Quỹ Phát triển Nhà ở TP.HCM (HOF) vừa có báo cáo gửi UBND TP.HCM về tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2019.

Theo đó, trong năm nay, HOF đã giải ngân cho các đối tượng thu nhập thấp khoảng 305 tỷ đồng để tạo lập nhà ở. Con số này đã vượt 10 tỷ đồng( 3,4%) so với chỉ tiêu Thành phố giao cho tổ chức tài chính Nhà nước này trong năm 2019.

Theo Quỹ Phát triển nhà ở, từ năm 2015 - 2019, quỹ đã giải ngân cho khoảng 4.600 cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ của Thành phố vay tạo lập nhà ở với tổng số tiền khoảng 1.960 tỷ đồng. Và năm 2020, quỹ đưa ra chỉ tiêu giải ngân là 360 tỷ đồng nhằm tăng cơ hội sở hữu nhà ở cho người thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, HOF đề xuất UBND TP.HCM bổ sung thêm đối tượng thu nhập thấp cho nhu cầu bức xúc về nhà ở vay vốn tại Quỹ; có giải pháp mới đẩy mạnh chương trình cho vay đối với các hộ gia đình, cá nhân xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà trọ cho công nhân thuê.

TP.HCM dự chi 360 tỷ đồng cho người thu nhập thấp mua nhà ở.

Dự báo nhu cầu nhà ở của TP. HCM trong giai đoạn 2016 - 2020 là 40 triệu m2 sàn, trong 5 năm tiếp theo là 45 triệu m2 sàn. Tính đến hết nửa đầu năm nay, thành phố này đã phát triển được hơn 35 triệu m2 và có thể vượt chỉ tiêu khoảng 12% khi kết thúc giai đoạn này.

Theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2020, UBND TP.HCM dự kiến dành 21.834 tỷ đồng đầu tư nhà ở xã hội. Trong đó, vốn đầu tư nhà ở công nhân là 3.467 tỷ đồng, nhà ở sinh viên 733 tỷ đồng, nhà ở tái định cư 8.817 tỷ đồng và nhà ở thu nhập thấp 8.817 tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội thảo Giải pháp phát triển nhà ở đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu nguời sau mỗi 5 năm ở TP. HCM giai đoạn 2021-2025 diễn ra đầu tháng 9, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp là nhiệm vụ lớn thời gian tới.

Ông Phong cho biết, thống kê dân số TP.HCM gần nhất là 9 triệu người nhưng thực tế có khoảng 13 triệu người đang làm việc và học tập tại đây. Do đó, xây dựng cơ chế phát triển nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ cho người thu nhập thấp và người nhập cư là yêu cầu lớn với lãnh đạo thành phố.

Tuy nhiên, theo ông Phong, hầu hết người lao động, đặc biệt là người dân nhập cư vẫn sống trong điều kiện chật chội, cũ kỹ và chưa đảm bảo vệ sinh. “Phần lớn họ không có khả năng sở hữu nhà, thậm chí thuê với mức giá phù hợp cũng là điều hết sức khó khăn”.

Do vậy, việc gia tăng chỉ tiêu hạn mức cho vay mua nhà là tín hiệu đáng mừng cho người thu nhập thấp TP.HCM.

Bộ TT&TT sẽ ban hành văn bản hướng dẫn về thí điểm xây dựng đô thị thông minh

Ngay trong tháng 11/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ ban hành văn bản hướng dẫn về thí điểm xây dựng đô thị thông minh, đồng thời sẽ trực tiếp làm việc tại một số thành phố để làm mẫu. Và dự kiến đến giữa năm 2020, có thể phát triển được trên diện rộng.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc xây dựng đô thị thông minh trong giai đoạn đầu sẽ làm thí điểm trong quy mô giới hạn và có thời hạn khoảng 1 năm, sau đó tổ chức đánh giá.

Trong tháng 11/2019 này, Bộ TT&TT sẽ ban hành văn bản hướng dẫn về thí điểm xây dựng đô thị thông minh, đồng thời sẽ trực tiếp làm việc tại một số thành phố để làm mẫu. Và dự kiến đến giữa năm 2020, có thể phát triển được trên diện rộng.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, có 3 điểm quan trọng sẽ được đề cập đến trong văn bản của Bộ TT&TT hướng dẫn việc triển khai thí điểm xây dựng đô thị thông minh là quản lý, điều hành tập trung; hạ tầng tập trung; và cơ sở dữ liệu tập trung.

Cùng với đó, Bộ TT&TT cũng sẽ khuyến nghị các địa phương khi làm đô thị thông minh cần tập trung vào một số vấn đề cấp thiết của địa phương mình và dùng công nghệ để xử lý những vấn đề cấp thiết đó. Ví dụ, nếu có vấn đề tụ tập đông người vào ban đêm thì địa phương có thể dùng hệ thống camera.

Hay một số thành phố du lịch, muốn sạch sẽ thành phố như Huế thì có thể triển khai ứng dụng phản ánh hiện trường. Người dân có thể chụp ảnh những vấn đề bất cập ở hiện trường gửi về Trung tâm điều hành và Ủy ban nhân dân sẽ điều các quyền cơ quan xử lý hoặc những tỉnh có vấn đề ô nhiễm môi trường thì mình triển khai các sensor đo đạc.

Hình ảnh đô thị thông minh

Bộ TT&TT cũng dự định sẽ chọn một số tỉnh để làm mẫu về mô hình đô thị thông minh, tăng cường nguồn lực làm điểm tại 1 - 2 tỉnh để có kết quả tốt, từ đó nhân rộng ra. “Vừa qua, đã tổ chức cho các lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở của hầu hết các tỉnh về Huế tham quan một mô hình đã triển khai tương đối có hiệu quả”, Bộ trưởng chia sẻ thêm.

Liên quan đến việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, trong trao đổi tại hội thảo “Xây dựng đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia” diễn ra hồi đầu tháng 10/2019, đại diện lãnh đạo Bộ TT&TT và Bộ Xây dựng đều thống nhất rằng, xây dựng đô thị thông minh là nhu cầu tất yếu hiện nay để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ môi trường sống tiện ích, thân thiện và an toàn của người dân trong bối cảnh bùng nổ của các đô thị.

Thực tế đến nay trên cả nước đã có khoảng 30 địa phương phê duyệt và triển khai các đề án, dự án về phát triển đô thị thông minh. Nhưng theo đánh giá của Bộ TT&TT, việc phát triển đô thị thông minh còn nhiều bất cập và lúng túng. Các bộ ngành vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng và ban hành quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn, các cơ chế, chính sách về đô thị thông minh và các địa phương cũng mới bước đầu triển khai một số ứng dụng và dịch vụ cơ bản cho đô thị thông minh.

Cũng tại hội thảo này, đại diện Bộ TT&TT đã đưa ra khuyến nghị, các địa phương cần có nhận thức đúng về đô thị thông minh, các điều kiện cần và đủ để từng bước xây dựng thành công đô thị thông minh tại địa phương, tránh đầu tư dàn trải, làm theo phong trào. Các địa phương cũng cần quán triệt nguyên tắc đầu tư, xây dựng hạ tầng nền tảng dùng chung, dữ liệu được chia sẻ, giám sát điều hành tập trung để bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Đồng thời, các địa phương nên căn cứ vào điều kiện và yêu cầu cụ thể của địa phương mình để lựa chọn những lĩnh vực thiết yếu nhất cần ưu tiên triển khai khi xây dựng đô thị thông minh, tránh rập khuôn. Ví dụ như có địa phương thì ứng dụng đô thị thông minh cho văn hóa du lịch, có địa phương thì ứng dụng vào giao thông…

Hà Tĩnh gọi đầu tư vào Dự án Khu đô thị Hàm Nghi 24.000 tỷ đồng

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có quyết định phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư trên địa bàn Tỉnh năm 2019 (đợt 6). Theo đó, thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh kêu gọi đầu tư vào Dự án Khu đô thị Hàm Nghi với tổng mức đầu tư dự kiến 24.000 tỷ đồng.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tổng diện tích đất sử dụng cho Dự án là 136,8 ha, thuộc các phường Thạch Linh, Hà Huy Tập (TP. Hà Tĩnh) và các xã Thạch Tân, Thạch Đài (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), khu đất chưa được giải phóng mặt bằng. Thời gian thực hiện Dự án là 6 năm. Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh được giao làm bên mời thầu.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau khi hoàn thành, Dự án sẽ là khu đô thị mới với các khu chức năng: nhà ở (gồm nhà ở thấp tầng, nhà ở cao tầng, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư), công trình công cộng, công trình hỗn hợp, trường học, bệnh viện, cây xanh, thể dục thể thao, mặt nước, giao thông, bãi đỗ xe và hạ tầng kỹ thuật khác...

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 12/11/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành