Thứ sáu, 29/03/2024 01:01 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 12/10/2018

MTĐT -  Thứ sáu, 12/10/2018 10:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 12/10/2018. Tin tức đô thị mới nhất ngày 12/10/2018 do Môi trường và Đô thị tổng hợp, cập nhật.

Phạt "nguội" hơn 1.500 trường hợp vi phạm ATGT qua camera ở Bạc Liêu

Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh Bạc Liêu, trong 9 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 32 vụ TNGT, làm chết 23 người, bị thương 22 người. So với cùng kỳ năm 2017, giảm cả 3 tiêu chí. Cụ thể, giảm 8 vụ (giảm 20%), giảm 6 người chết (giảm 20.7%), giảm 5 người bị thương (giảm 18.5%).

Bên cạnh đó, các lực lượng CSGT, CSTT, TTGT, Cảnh sát đường thủy trong tỉnh đã tổ chức tuần tra, kiểm soát, lập biên bản 27.636 trường hợp vi phạm về trật tự ATGT, ra quyết định phạt tiền hơn 27.900 trường hợp, với số tiền nộp Kho bạc Nhà nước hơn 26,5 tỷ đồng, tước GPLX 1.410 trường hợp, tạm giữ 4.972 phương tiện (gồm 211 ô tô; 4.761 mô tô).

Ngoài ra, thông qua hệ thống camera giám sát giao thông, lực lượng CSGT tỉnh đã phát hiện lập biên bản 1.782 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, ra quyết định phạt tiền 1.593 trường hợp, chuyển Kho bạc gần 2 tỷ đồng.

TP.HCM ra kế hoạch giảm ùn tắc giao thông với hơn 96.000 tỉ

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định về kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2018-2020. Tổng nguồn lực tập trung thực hiện chương trình là hơn 96.000 tỉ đồng.

Theo đó, từ đây đến năm 2020, TP.HCM dự kiến sẽ phấn đấu làm mới và đưa vào sử dụng gần 190 km đường bộ và 49 cây cầu. Khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đến năm 2020 sẽ đáp ứng 15% nhu cầu đi lại. Số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông kéo giảm 5% mỗi năm.

Để thực hiện các mục tiêu, TP.HCM cũng đề ra nhiều giải pháp thực hiện. Cụ thể, ưu tiên sử dụng ngân sách TP để thực hiện các công trình giao thông thực sự cần thiết để đầu tư, đảm bảo phát huy hiệu quả khi đưa vào sử dụng. Cùng đó là ứng dụng các công nghệ hiện đại của thế giới trong quá trình thiết kế và thi công để đảm bảo chất lượng công trình, tránh lãng phí và hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Bên cạnh đó, TP xây dựng đề án huy động tổng thể các nguồn lực để phục vụ cho đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn TP giai đoạn 2018-2022. Đồng thời tập trung các nguồn lực để phát triển vận tải hành khách công cộng (đường bộ, đường thủy), hệ thống bến bãi phục vụ vận tải nhằm thu hút người dân tham gia, đồng thời triển khai thực hiện các giải pháp để hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến BRT số 1 trên đại lộ Đông Tây; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành - Tham Lương.

TP.HCM tạo điểm nhấn để hình thành khu đô thị văn minh, hiện đại

Hội thảo "Quản lý đô thị trên địa bàn TP.HCM" do Thành ủy TP.HCM tổ chức vào chiều 11/10. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã tham dự hội nghị.

Diện mạo đô thị TP.HCM liên tục thay đổi với nhiều nét kiến trúc mới, hiện đại, tiên tiến nhưng hạ tầng còn nhiều manh mún, thiếu tính đồng bộ, chưa tích hợp. 36 tham luận công phu của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đã giúp các cấp lãnh đạo nhìn nhận thực trạng của công tác quản lý đô thị TP.HCM trong thời gian qua. Theo các chuyên gia, để đô thị TP.HCM phát triển có điểm nhấn, thành phố cần chú ý tới việc phát triển những tiện ích của thành phố thông minh, đặc biệt là xây dựng ứng dụng cung cấp các dịch vụ đồng bộ cho người dân.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, một số quy hoạch đề án xây dựng tại thành phố còn có chất lượng thấp, tính khả thi không cao, chưa mang tính chiến lược lâu dài và chưa đóng vai trò dẫn dắt. Vì vậy, để tạo điểm nhấn cho đô thị TP.HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã lưu ý 4 vấn đề trong phát triển, đặc biệt là công tác quy hoạch tại các quận, huyện.

Chậm nhất 2025 đưa vào khai thác sân bay Long Thành

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký văn bản báo cáo Quốc hội về tiến độ đầu tư CHK quốc tế Long Thành (Đồng Nai).

Theo Bộ GTVT, Dự án CHK quốc tế Long Thành gồm 3 giai đoạn, với tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD (tương đương hơn 336 nghìn tỷ đồng). Trong đó, giai đoạn 1 có vốn đầu tư là hơn 5,4 tỷ USD.

Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng một đường cất/ hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.

Liên quan đến việc Báo cáo khả thi (F/S) dự án, Bộ GTVT cho biết, Chủ đầu tư dự án - ACV đã ký Hợp đồng lập báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) với Tư vấn JFV, gồm các công ty tư vấn JAV (Nhật Bản) - APDi (Cộng hòa Pháp) - Nippon Koei (Nhật Bản) - OC Global (Nhật Bản) - ADCC (Việt Nam) - TEDI (Việt Nam) về việc thực hiện gói thầu Tư vấn khảo sát và lập Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1. Đồng thời, Tư vấn JFV cũng đã ký hợp đồng thầu phụ đặc biệt với Tư vấn HEERIM của Hàn Quốc (tác giả của phương án kiến trúc “Hoa Sen”) về việc lập thiết kế cơ sở nhà ga hành khách. Theo kế hoạch, đến tháng 7/2019, tư vấn sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 12/10/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.