Thứ sáu, 19/04/2024 16:45 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 12/09/2019

MTĐT -  Thứ năm, 12/09/2019 09:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 12/9/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 12/9/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp.

Ngày 16/9, khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tiên

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn sẽ tổ chức lễ khởi công vào ngày 16/9/2019. Đây là dự án đầu tiên trong 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được khởi công xây dựng.

Trước đó, vào cuối tháng 8/2019, Bộ GTVT đã có thông báo về việc khởi công dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn vào ngày 1/9/2019 tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.

Dự án Cam Lộ - La Sơn sau khi hoàn thành sẽ khớp nối với tuyến La Sơn - Túy Loan

Tuy nhiên, sau đó, theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong thời gian từ ngày 31/8 đến ngày 2/9, cơn bão số 4 (bão Podul) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc bộ và các tỉnh phía Bắc miền Trung gây mưa lớn trên diện rộng tại đất liền nên Bộ GTVT đã buộc phải tạm hoãn lễ khởi công dự án.

Được biết, tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn có tổng chiều dài trên 98km đi qua 2 tỉnh Quảng Trị (dài hơn 37 km) và Thừa Thiên - Huế (trên 61 km). Tổng mức đầu tư dự án khoảng 7.699 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Trong đó, vốn đầu tư xây lắp khoảng 5.586 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 434 tỷ đồng,…

Chi 10.700 tỷ làm cao tốc từ Sài Gòn đi cửa khẩu Mộc Bài

Tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài trị giá 10.700 tỷ đồng với 4 làn xe lưu thông sẽ phá thế độc đạo của tuyến quốc lộ 22 vốn đã trở nên chật chội.

UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng và Bộ Giao thông vận tải giao thành phố làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức kêu gọi đầu tư, triển khai, quản lý vận hành, khai thác dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

Tuyến cao tốc dài khoảng 53,5 km với điểm đầu giao với đường Vành đai 3 thuộc huyện Hóc Môn và điểm cuối kết nối với quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ phá thế độc đạo của quốc lộ 22, giúp phương tiện từ cửa khẩu Mộc Bài về thành phố nhanh hơn. Ảnh: Quỳnh Danh.

Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT cùng sự hỗ trợ của Nhà nước. Ở giai đoạn 1, hai đoạn gồm TP.HCM - Trảng Bàng và Trảng Bàng - Mộc Bài sẽ được xây dựng 4 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 10.700 tỷ đồng.

Khi hoàn chỉnh, đoạn TP.HCM - Trảng Bàng tăng lên 8 làn xe còn đoạn Trảng Bàng - Mộc Bài có 6 làn xe. UBND TP.HCM và tỉnh Tây Ninh chịu trách nhiệm thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thuộc địa phận do địa phương quản lý.

Để tạo thêm nguồn thu cho dự án, UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng cho phép mở rộng phạm vi bồi thường giải phóng mặt bằng tại các nút giao giữa đường cao tốc với đường Vành đai 3, Vành đai 4 và các điểm phù hợp khác để phát triển hệ thống giao thông tĩnh, trạm dịch vụ hậu cần, trung tâm thương mại, dịch vụ…

Đồng thời, các địa phương sẽ nghiên cứu quy hoạch khu đô thị gần với khu vực nút giao liên thông để khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu cho địa phương.

Hiện giao thông kết nối giữa TP.HCM và Tây Ninh chủ yếu qua tuyến quốc lộ 22. Do đó, dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài khi hoàn thành sẽ phá thế độc đạo của tuyến quốc lộ này, đồng thời tăng cường kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía nam và hành lang kinh tế Đông - Tây.

Hà Nội sáp nhập 4 phường trên địa bàn quận Hai Bà Trưng

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa có văn bản báo cáo Bộ Nội vụ về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phường. Hiện TP Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện (12 quận, 17 huyện, 1 thị xã) và 584 đơn vị hành chính cấp xã (177 phường, 386 xã và 21 thị trấn).

Trong 30 đơn vị hành chính cấp quận huyện, không có đơn vị nào cả 2 tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số đều dưới 50% so với quy định. Do đó, không có đơn vị hành chính cấp quận huyện nào của TP Hà Nội trong diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021.

Kết quả rà soát đối với cấp xã cho thấy, có 12 phường xã (trên tổng số 584 phường xã) phải sắp xếp (6 phường, 6 xã). Lý do các xã phường này phải sắp xếp được UBND Thành phố Hà Nội nêu rõ là do cả 2 tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số đều dưới 50% so với quy định.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, UBND Thành phố Hà Nội cho biết, với cấp phường không đạt 2 tiêu chí kể trên ở quận Hoàn Kiếm có 2 phường (Hàng Bạc, Hàng Đào), quận Hai Bà Trưng có 4 phường (Nguyễn Du, Bùi Thị Xuân, Ngô Thì Nhậm, Phạm Đình Hổ); cấp huyện ở Phúc Thọ có 3 xã (Cẩm Đình, Phương Độ, Vân Hà), Mỹ Đức có 1 xã (Mỹ Thành), Thanh Oai 1 xã (Kim An), Phú Xuyên có 1 xã (Thụy Phú).

Qua rà soát trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, UBND Thành phố Hà Nội đưa ra phương án sáp nhập phường Nguyễn Du với phường Bùi Thị Xuân và một phần diện tích đất tự nhiên và dân số của phường Ngô Thì Nhậm (mặt phố Huế từ số nhà 52 đến số nhà 214).

Trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội còn sáp nhập phần diện tích tự nhiên và dân số còn lại của phường Ngô Thì Nhậm (từ mặt phố Huế từ số nhà 52 đến số nhà 214) với phường Phạm Đình Hổ.

Với huyện Phúc Thọ, sáp nhập xã Phương Độ với xã Sen Chiểu; sáp nhập xã Cẩm Đình với xã Xuân Phú; sáp nhập xã Vân Hà với xã Vân Nam. Trên địa bàn huyện Phú Xuyên, sáp nhập xã Thụy Phú với xã Văn Nhân.

Trong văn bản, UBND TP Hà Nội đề xuất chưa sắp xếp phường Hàng Bạc, Hàng Đào thuộc quận Hoàn Kiếm trong giai đoạn 2019 - 2021. Lý do Thành phố Hà Nội chưa sắp xếp 2 phường này vì Hoàn Kiếm là quận trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế và văn hóa của thành phố. Các phường Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Đào… là những phường lưu giữ văn hóa đặc sắc phố nghề.

Sau khi sắp xếp, trên địa bàn Thành phố Hà Nội còn 578 đơn vị hành chính cấp xã (382 xã, 175 phường và 21 thị trấn) giảm 6 đơn vị hành chính cấp xã (2 phường và 4 xã).

Miền Tây sắp có bệnh viện 1.730 tỉ đồng, có nhà nghỉ cho thân nhân người bệnh

Sáng 12/9, tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết lãnh đạo tỉnh này vừa tiến hành khảo sát gói thầu số 29 của Dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp.

Ảnh minh họa.

Gói thầu này bao gồm các các công trình chính, các hạng mục phụ trợ, hệ thống kỹ thuật trong nhà, các thiết bị lắp đặt công trình…Đến thời điểm khảo sát, tổng giá trị thi công các hạng mục đạt gần 40%. Kết thúc buổi khảo sát, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, yêu cầu chủ đầu tư (Sở Y tế tỉnh) và đơn vị thi công (Liên danh Công ty Cổ phần Nhân Bình – Công ty Cổ phần Xuyên Việt) tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng để đảm bảo thời gian hoàn thành dự kiến vào tháng 6-2020.Dự án Bệnh

viện Đa khoa Đồng Tháp được khởi công xây dựng vào tháng 4-2018, tổng mức đầu tư gần 1.730 tỉ đồng, có quy mô 700 giường bệnh. Dự án có 6 công trình chính gồm: khối nhà 10 tầng, khối nhà 4 tầng, khoa nhiễm, khoa y học hạt nhân và điều trị ung bướu, khoa giải phẫu bệnh lý, khu nhà nghỉ cho thân nhân người bệnh…

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 12/09/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Phố giao mùa
Phố giao mùa bâng khuâng lối cũ//Lá sấu rụng đầy vướng chân đi///Cố dịu dàng qua thời con gái///Em nào có được gì?
Bài thơ: Tự...
Ta mạnh mẽ không phải ta không khóc///Thực chỉ là nước mắt ngược vào trong///Bởi ta biết giữa biển đời mênh mông///Sông núi rộng - hành trình ta tự bước