Thứ sáu, 19/04/2024 19:12 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 8/7/2019

MTĐT -  Thứ hai, 08/07/2019 10:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 8/7/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 8/7/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Đà Nẵng tổ chức nhiều tuyến đường trung tâm thành đường một chiều. 

Đến năm 2020, thành phố có hai trục dọc một chiều là Lý Thái Tổ - Hùng Vương và Hải Phòng hướng từ Nguyễn Chí Thanh về Điện Biên Phủ.

Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng vừa báo cáo UBND thành phố phương án tổ chức giao thông một chiều trên nhiều tuyến đường trung tâm đến năm 2025.

Các tuyến đường một chiều sắp hình thành nằm ở quận Hải Châu và Thanh Khê. Theo kế hoạch, đến năm 2020 thành phố có hai trục dọc một chiều là Lý Thái Tổ - Hùng Vương (đoạn từ giao Phan Thanh đi Nguyễn Chí Thanh); Hải Phòng hướng từ Nguyễn Chí Thanh về Điện Biên Phủ.

Các trục ngang được phân luồng một chiều gồm Hoàng Hoa Thám (đoạn từ Hải Phòng đi Lý Thái Tổ); đường Lê Độ (từ Điện Biên Phủ đi Nguyễn Tất Thành); đường Hà Huy Tập (từ Nguyễn Tất Thành đi Điện Biên Phủ).

Tuyến đường Hùng Vương đang được Đà Nẵng tính toán làm đường một chiều. Ảnh: Nguyễn Đông.

Dự kiến đến năm 2022, thành phố bổ sung tổ chức giao thông một chiều xen kẽ giữa các tuyến ngang kết nối đường Trần Phú và đường Bạch Đằng, phạm vi từ đường Phan Đình Phùng đến đường Hoàng Văn Thụ.

Đến năm 2025, Đà Nẵng bổ sung tuyến đường Hoàng Diệu (từ Trưng Nữ Vương về Nguyễn Văn Linh), đường Nguyễn Hoàng theo hướng Ông ích Khiêm về Lê Đình Lý. Giai đoạn sau năm 2025, cầu vượt sông Hàn và hầm qua sân bay cũng nằm trong nhóm tổ chức giao thông một chiều.

Ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng đồng ý với với chủ trương phân luồng giao thông, nhằm giảm lượng xe tập trung vào một số tuyến chính, từ đó hạn chế vị trí có nguy cơ ùn tắc cục bộ vào giờ cao điểm.

Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải lấy ý kiến rộng rãi người dân ở những tuyến đường sẽ được tổ chức thành một chiều trước khi thực hiện, vì ảnh hưởng đến cuộc sống và kinh doanh buôn bán

Hà Nội: Đề nghị loại bỏ 23 dự án thu hồi đất chậm tiến độ, kém khả thi

UBND TP Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 4-2019, kết quả thu hồi đất trên địa bàn thành phố là 1.291,69 ha, đạt 42,38% kế hoạch thu hồi đất năm 2019. Nếu danh mục bổ sung các công trình dự án thu hồi đất được thông qua, năm 2019, TP sẽ phải thu hồi thêm 2.013,91 ha.

UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND TP về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất năm 2019; dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2019 thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND TP.

Hà Nội đề xuất bổ sung dự án mở rộng đường Vành đai 3 (Đoạn Mai Dịch-Cầu Thăng Long) vào danh mục bổ sung các dự án vốn ngân sách thu hồi đất năm 2019

Theo đó, UBND TP cho biết, Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 04/12/2018 của HĐND Thành phố thông qua Danh mục các công trình, dự án thu hồi đất; danh mục, công trình dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2019 thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, bao gồm:

Danh mục 1.686 công trình, dự án thu hồi đất, với diện tích là: 5.573,52 ha. Danh mục 308 công trình, dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, với diện tích diện tích là 518,58 ha.

Kết quả thực hiện công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đến 30/4/2019, cụ thể như sau: Số dự án thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất là: 240 dự án; diện tích là 764,32 ha; Số dự án Sở TN&MT thực hiện các thủ tục cắm mốc giới phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là: 154 dự án, điện tích 527,37 ha. Như vậy tổng diện tích thu hồi đất trên địa bàn Thành phố là 1.291,69 ha, đạt 42,38% kế hoạch thu hồi đất năm 2019.

Trên cơ sở điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất năm 2019 của quận, huyện và một số đơn vị, doanh nghiệp UBND TP đề nghị HĐND xem xét, thông qua danh mục bổ sung 634 dự án thu hồi đất, với diện tích là 2.013,91 ha (235 dự án vốn ngân sách đủ căn cứ pháp lý với diện tích: 492,88 ha; 352 dự án vốn ngân sách dân sinh bức xúc, trọng điểm với điện tích: 1.228,62 ha và 47 dự án vốn ngoài ngân sách với diện tích: 292,41 ha).

Đối với dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2019, TP đề nghị bổ sung 300 dự án với diện tích là 492,02 ha (119 dự án vốn ngân sách đủ căn cứ pháp lý với diện tích 165,03 ha; 148 dự án dân vốn ngân sách sinh bức xúc, trọng điểm với diện tích: 261,12 ha và 33 dự án vốn ngoài ngân sách với diện tích: 65,86 ha).

Bên cạnh đó, UBND TP cũng đề nghị loại bỏ 23 dự án thu hồi đất năm 2019 với diện tích 51,18 ha; 04 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2019 với diện tích 4,3 ha ra khỏi danh mục dự án thu hồi đất năm 2019, danh mục dự án, công trình chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ năm 2019 đã được HĐND Thành phố thông qua do việc thực hiện chậm tiến độ, không đảm bảo để hoàn thành trong năm; tính khả thi để triển khai thực hiện trong năm không cao, nguồn thu từ việc đấu giá không cao do hạ tầng kỹ thuật xung quanh các khu đất chưa được đồng bộ nên giá trị khu đất thấp...

Đường sắt thêm giải pháp chống đầu cơ vé

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết, kể từ 12 giờ ngày 10-7, các thông số thời gian và một số tính năng trên website bán vé điện tử sẽ được điều chỉnh và bổ sung nhằm tránh tình trạng đầu cơ vé, giữ vé ảo trên hệ thống bán vé điện tử.

Cụ thể, hành khách đặt chỗ và chọn thanh toán trực tuyến thực hiện trong khoảng thời gian 30 phút (thời gian cũ là 60 phút). Hành khách đặt chỗ và chọn thanh toán trả sau tại các điểm giao dịch tiến hành thanh toán trong khoảng thời gian 12 giờ (thời gian cũ là 24 giờ). Hành khách mua vé online thực hiện trước giờ tàu chạy là 60 phút (thời gian cũ là 70 phút). Hành khách mua vé trong khoảng thời gian dưới 4 giờ trước khi tàu chạy sẽ không được đổi, trả vé (dịp tết sẽ có quy định riêng).

Sắp tới, Tổng công ty ĐSVN sẽ phát hành thẻ khách hàng. Năm đầu tiên, khi mua vé tại các cửa vé thuộc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, hành khách có thẻ khách hàng giảm 5%; thẻ bạc giảm 10%; thẻ vàng giảm 15%.

Tiền Giang: Gọi đầu tư khu nhà ở hơn 690 tỷ đồng

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang cho biết, Dự án Khu dân cư An Hòa, TP. Mỹ Tho - Tiểu dự án Khu nhà ở thương mại vừa được UBND Tỉnh phê duyệt bổ sung vào Danh mục dự án mời gọi đầu tư trên địa bàn.

Ảnh: Minh họa

Tổng chi phí thực hiện Dự án là 690,774 tỷ đồng (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng - GPMB). Trong đó, chi phí đầu tư xây dựng nhà ở là 241,561 tỷ đồng; chi phí đầu tư hạ tầng 75,593 tỷ đồng; chi phí đầu tư nhà ở xã hội là 187,837 tỷ đồng. Chi phí bồi thường GPMB là 185,783 tỷ đồng.

Dự án dự kiến triển khai tại xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang với tổng diện tích sử dụng đất là 9,286 ha. Hiện khu đất này chủ yếu là đất trồng cây hàng năm (không có đất lúa), đất trồng cây lâu năm, đất ở nông thôn đan xen đất phi nông nghiệp và chưa được GPMB.

Dự án này nằm ở phía Nam Dự án Khu dân cư An Hòa, TP. Mỹ Tho - Tiểu dự án Khu sử dụng hỗn hợp. Dự kiến, Dự án sẽ kết nối với Trung tâm TP. Mỹ Tho qua đường Hùng Vương nối dài đến ngã tư Lương Phú.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 8/7/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...