Thứ tư, 24/04/2024 13:06 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 6/8/2019

MTĐT -  Thứ ba, 06/08/2019 10:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 6/8/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 6/8/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Khảo sát hàng loạt dự án giao thông trọng điểm trên cả nước

Ngày 5/8, đoàn công tác của Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) và Hội Nhà báo Việt Nam bắt đầu đợt khảo sát và làm việc ở nhiều dự án giao thông trọng điểm, được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Đoàn đã khảo sát tại dự án BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp (TP Cần Thơ) và theo lịch trình sẽ tiếp tục ở các dự án khác như Trung Lương - Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang); đường cao tốc TP HCM - Trung Lương; dự án BOT Cam Thịnh (tỉnh Khánh Hoà); đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, công trình hầm Hải Vân và một số dự án ở phía Bắc.

Theo VARSI, việc tổ chức khảo sát các dự án PPP nhằm giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm cũng như nêu những khó khăn, vướng mắc hiện nay để tìm các giải pháp tháo gỡ.

Bên cạnh đó, đợt khảo sát còn nhằm thúc đẩy nhanh việc thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như tập hợp các ý kiến của nhà đầu tư, góp phần hoàn thiện luật về PPP đang được Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội.

Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang gấp rút thi công trong điều kiệncòn nhiều khó khăn

PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch VARSI, đánh giá những năm qua, việc đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhiều công trình lớn, hiện đại được đầu tư theo hình thức này đã hoàn thành và đưa vào khai thác, trong đó không ít công trình vượt tiến độ, không tăng vốn, có nhiều hiệu quả trong kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...

Tuy nhiên, theo ông Trần Chủng, các dự án theo hình thức PPP nói chung và dự án BOT nói riêng, hiện còn nhiều bất cập. Trong đó, nhiều khó khăn liên quan liên quan đến thay đổi việc chính sách, sự bình đẳng giữa các bên ký kết hợp đồng, phương án tài chính thay đổi... Do đó, ông Chủng cho rằng sau đợt khảo sát này, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân thông qua báo chí cần có cái nhìn khách quan, đa chiều về thực trạng đầu tư xây dựng hạ tầng theo hình thức PPP.

Tại đợt khảo sát này, đơn vị tổ chức cho biết đoàn làm việc có đại diện Bộ Giao thông Vận tải, UBND các địa phương, sở - ngành có dự án trên địa bàn cùng nhiều nhà báo tham gia. Dự kiến, đoàn công tác sẽ kết thúc đợt khảo sát tại tỉnh Lạng Sơn vào ngày 8-8.

Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ 38 công trình giao thông trọng điểm

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 4-9-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TT, ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” trên địa bàn thành phố.

Theo kế hoạch, các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân Thủ đô tập trung triển khai quyết liệt, có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, chú trọng tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Cụ thể, giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các chủ đầu tư của thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung tham mưu hoàn thiện và triển khai “Chương trình tổng thể đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trên các nguyên tắc: Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông đã có trong danh mục đầu tư công trung hạn 2017-2020. Đẩy nhanh tiến độ 38 công trình giao thông trong danh mục các công trình trọng điểm. Đầu tư xây dựng các công trình giao thông kết nối chống ùn tắc giao thông, các công trình dân sinh bức xúc, các cầu yếu nhằm đảm bảo ATGT. Đầu tư khép kín các tuyến đường vành đai.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Các công trình giao thông kết nối liên khu vực: Đường tỉnh, đường huyện, đường liên huyện để ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối với các huyện có lộ trình lên quận, nhằm đảm bảo chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông. Đầu tư xây dựng các bến xe, bãi đỗ, trung tâm tiếp vận xe theo quy hoạch; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư bến xe, bãi đỗ xe theo quy hoạch để thực hiện lộ trình di chuyển các bến xe ra ngoài các quận nội thành nhằm đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.

Trong phát triển vận tải hành khách công cộng góp phần giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông, UBND thành phố giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai các giải pháp hoàn thành chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng đến năm 2020 đạt 20-25% theo Chương trình số 06-CTr/TU ngày 29-6-2016 của Thành ủy Hà Nội.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung cho các nhiệm vụ, như: Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về TT, ATGT; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và điều hành giao thông. Tăng cường công tác quản lý phương tiện; phối hợp quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải và người điều khiển phương tiện. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về TT, ATGT. Nghiên cứu, rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống các VBQPPL về TT, ATGT, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hình mới…

TP.HCM giải ngân gần 500 tỷ đồng trợ giá xe bus

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết, hiện đã giải ngân 494 tỷ đồng tiền trợ giá xe buýt cho 12 doanh nghiệp và hợp tác xã vận tải. Hợp tác xã vận tải 19/5 được thanh toán trợ giá nhiều nhất với gần 130 tỷ đồng. Đây là đơn vị vận hành các tuyến buýt có lưu lượng hành khách lớn như Bến Thành - Đại học Quốc gia, Bến Thành - An Sương...

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

TP.HCM đặt mục tiêu năm nay, xe buýt sẽ vận chuyển 656 triệu lượt hành khách. Thành phố hiện có hơn 3.000 xe buýt hoạt động trên 200 tuyến (110 tuyến có trợ giá), đáp ứng được khoảng 10,7% nhu cầu đi lại của nhân dân. Mỗi năm, ngân sách thành phố chi hơn 1.000 tỷ đồng để trợ giá cho loại hình vận tải công cộng này.

Theo Trung tâm, đầu tháng 5, Sở Giao thông vận tải (GTVT) quyết định điều chỉnh giá vé xe buýt áp dụng trên các tuyến có trợ giá. Theo đó, 51 tuyến xe buýt sẽ tăng 1.000 đồng mỗi lượt hành khách so với giá vé hiện nay. Theo Sở GTVT, việc điều chỉnh tăng giá vé xe buýt là cần thiết và khá phù hợp với tình hình thu nhập bình quân của người dân. Dự kiến sau khi điều chỉnh giá vé, doanh thu sẽ tăng 92,5 tỷ đồng mỗi năm, bù đắp phần nào vốn đầu tư xe mới và giảm chi ngân sách bù lỗ.

Công ty Tiến Đạt trúng dự án hơn 360 tỷ đồng tại Bắc Ninh

Ảnh minh họa

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng khu thương mại, dịch vụ tổng hợp xã Đông Tiến, xã Yên Trung, huyện Yên Phong. Theo đó, Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại tổng hợp Tiến Đạt (Công ty Tiến Đạt) có địa chỉ tại TP. Bắc Ninh là nhà đầu tư trúng Dự án.

Dự án được đầu tư xây dựng khu thương mại, dịch vụ trên diện tích đất khoảng 4,4 ha. Tổng mức đầu tư của Dự án là 367,732 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án là 2 năm kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.

Trước đó, ngày 4/7/2018, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án theo hình thức chỉ định thầu do chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 6/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.