Thứ sáu, 26/04/2024 04:06 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 2/8/2019

MTĐT -  Thứ sáu, 02/08/2019 09:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 2/8/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 2/8/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Mỹ tài trợ TP.HCM xây dựng hệ thống giao thông thông minh

TP.HCM vừa tiếp nhận gói tài trợ từ Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ (USTDA) để phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS), một phần của đề án xây dựng đô thị thông minh.

Trong cuộc gặp với với ông Timothy Liston, Quyền tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết việc triển khai đề án đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020 của thành phố đến nay đã đạt được một số kết quả bước đầu, chủ yếu liên quan đến việc xây dựng và khai thác dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin…

“Để đạt được những thành công trên, ngoài việc tận dụng nguồn lực nội tại, thành phố đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của các bạn bè và đối tác quốc tế, trong đó có các tổ chức và doanh nghiệp Mỹ”, ông Tuyến phát biểu trong lễ tiếp nhận gói tài trợ chiều 1/8.

Với sự tháp tùng của đại diện nhiều doanh nghiệp Mỹ hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, Ông Liston khẳng định Mỹ quan tâm và ủng hộ kế hoạch của TP.HCM.

“Cả khu vực công lẫn khu vực tư của Mỹ sẽ sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực của TP.HCM trong việc xây dựng thành phố thông minh, bao gồm việc sử dụng nguồn vốn không hoàn lại từ USTDA để tài trợ các nghiên cứu khả thi của thành phố”, ông Liston cho hay.

Theo một đề xuất được Sở Giao thông - Vận tải trình UBND TP.HCM hồi năm 2016, việc ứng dụng hệ thống ITS được cho là hiệu quả trong việc từng bước giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường giao thông, an ninh trật tự đô thị. Trong đó, việc xây dựng một trung tâm điều hành giao thông minh dự kiến tiêu tốn khoảng 300 triệu USD.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến (góc phải) và quyền tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Timothy Liston (thứ hai từ trái sang). Ảnh: ĐP.

Ông Tuyến cho biết đến nay thành phố đã triển khai thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu các camera giám sát của Sở Giao thông - Vận tải, UBND các quận 1, 2, Phú Nhuận, Gò Vấp, với số lượng lên đến hơn 1.000 camera. Đây được xem là những bước chuẩn bị cơ bản để tiến tới hoàn thiện trung tâm điều hành giao thông thông minh vào năm 2020 theo kế hoạch.

Ông Tuyến cũng cho biết với sự hỗ trợ của USTDA, thành phố sẽ tổ chức đoàn công tác đến Mỹ trong tháng 8 để nghiên cứu công nghệ liên lạc ứng cứu khẩn cấp (RTM). Đây là một trong những nội dung quan trọng được triển khai trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng mô hình Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp cho thành phố được ký giữa Sở GTVT và USTDA vào tháng 1/2018.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Tăng vốn thêm hơn 2800 tỷ đồng

Ngày 1/8, tại cuộc họp về dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, các bên liên quan đã thống nhất điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án này lên khoảng 12,5 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 2,8 nghìn tỷ đồng so với tổng mức đầu tư dự án theo quyết định của Bộ GTVT ngày 15/6/2017.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, đây là công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với khu vực và cả nước. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT, doanh nghiệp (DN) dự án và các bên có liên quan cần thống nhất cùng tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ công trình theo cam kết. Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại liên quan khẩn trương vào cuộc để kịp thời hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết nguồn vốn tín dụng cho vay theo quy định, kiên quyết không để công trình thêm một lần lỗi hẹn.

Ðiểm đầu dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, tiếp nối cao tốc TPHCM - Trung Lương

Ông Mai Mạnh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, sau khi Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang và công ty đã làm việc, đến hôm nay hai vấn đề lớn được giải quyết, trong đó, cốt lõi nhất là vốn.

“Ngay trong thứ Sáu (2/8) tỉnh Tiền Giang phê duyệt tổng mức đầu dự án được điều chỉnh, chúng tôi sẽ cùng với tỉnh Tiền Giang làm việc ngay với ngân hàng đầu mối và Ngân hàng Nhà nước để giải quyết dứt điểm nguồn vốn vay” - ông Hồng nói.

Dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận có chiều dài hơn 51km, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang (tiếp nối cao tốc TPHCM - Trung Lương) và điểm cuối tại điểm giao quốc lộ 30 tại nút An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Dự án có tổng mức đầu tư phê duyệt năm 2014 là hơn 14,6 nghìn tỷ đồng, năm 2017 được điều chỉnh giảm còn 9,6 nghìn tỷ đồng.

Theo đại diện chủ đầu tư, trên công trường 21/21 gói thầu đang triển khai thi công bình thường. Từ năm 2009, dự án được khởi động đến tháng 2/2019 chỉ đạt khoảng 10% khối lượng công trình. Từ tháng 3/2019, sau khi tái khởi động các nhà thầu đã thực hiện một khối lượng công việc lớn và rất tích cực thi công nhưng vì hết tiền nên dự án lâm vào khó khăn.

Gỡ nút thắt giao thông trước cảng Cát Lái

Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với Sở GTVT TP.HCM vừa tổ chức cuộc họp nhằm tháo gỡ áp lực giao thông khu vực cảng Cát Lái với nhiều biện pháp được đưa ra.

Ngày 1/8, tại Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG), Cục Hàng hải Việt Nam đã phối hợp với Sở GTVT TP.HCM tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả một năm triển khai thực hiện phương án phân luồng điều tiết hàng hóa giữa bến cảng Cát Lái và các bến cảng khác trong khu vực nhằm giảm áp lực giao thông cho TP.

Theo đó, một năm qua, cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp như phương án phân luồng điều tiết vận tải hàng hóa giữa bến cảng Cát Lái và các bến cảng khác trong khu vực, tổ chức gặp các nhóm khách hàng từng khu vực thuyết phục phương án chuyển đổi cảng đích gần nhà máy thay vì tập trung về cảng Cát Lái.

Xe ra vào cảng Cát Lái dày đặc. Ảnh minh họa

Sở GTVT thời gian qua đã tích cực đẩy nhanh thi công, hoàn thiện hàng loạt công trình trọng điểm đúng tiến độ (như nút giao Mỹ Thủy giai đoạn 1; cầu qua Đảo Kim Cương; cầu, đường vành đai phía đông - đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy đến cầu Phú Hữu...).
CSGT TP và quận 2, lực lượng kiểm soát cảng của TCSG cũng duy trì lực lượng điều tiết giao thông 24/7 tại tất cả tuyến đường/nút giao thông ra vào khu vực cảng Cát Lái; phát huy hiệu quả hệ thống camera để phát hiện, xử lý sớm các tình huống ùn ứ giao thông trên các tuyến đường...

Là đơn vị trực tiếp khai thác cảng Tân Cảng - Cát Lái, TC - Hiệp Phước và chiếm thị phần lớn tại các cảng nước sâu Cái Mép, TCSG đã chủ động triển khai điều tiết hài hòa hàng hóa giữa bến cảng Cát Lái, bến cảng SP-ITC và các bến cảng khu vực Cái Mép.

Dự kiến tháng 10/2019, TCSG sẽ triển khai thực hiện lệnh giao hàng điện tử (eDO) với 100% hãng tàu. Đây là yếu tố quan trọng góp phần giảm đáng kể tình trạng ùn ứ giao thông tại các cổng cảng, các khu thủ tục trong cảng cũng như trên các tuyến đường ra vào cảng.

Kết quả sau một năm triển khai, giao thông thông thoáng hơn (tốc độ xe container ra vào cảng chỉ tăng +4,3%, trong khi tốc độ tăng trưởng SL cảng Cát Lái +8,3%); tỉ trọng giao nhận bằng đường thủy tăng từ 7,9% lên 10,4% (+2,5%).

Tại cuộc họp, đại diện TCSG và các hãng tàu, chủ hàng đề xuất, kiến nghị tới các bộ, ngành liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trong thời gian tới tại khu vực TP.HCM và Cái Mép, đảm bảo sự tăng trưởng bền vững.

Ngoài ra, Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đồng ý về mặt chủ trương, hướng dẫn thủ tục cho phép Công ty cổ phần Tân Cảng - Phú Hữu được tiếp tục đầu tư 220 m cầu tàu gia đoạn 2 (để hoàn thiện đủ chiều dài 540 m theo dự án tổng thể), tối đa hóa nguồn lực, đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng tại Khu công nghệ cao quận 9.

Cục Hải quan TP.HCM cùng TCSG thúc đẩy tiến độ triển khai chuyên đề “Thủ tục hải quan trong logistics và chống ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái”, giải quyết dứt điểm các tồn tại của chương trình hải quan tự động, hàng tồn phế liệu.

Sở GTVT được kiến nghị sớm triển khai giai đoạn 2, hoàn thiện nút giao Mỹ Thủy theo thiết kế; đẩy nhanh tiến độ tuyến đường vành đai 2... để giải tỏa áp lực giao thông trong khu vực.

Hơn 430 tỉ đồng xây cầu vượt trước Bến xe miền Đông mới

Ngày 1/8, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM xác nhận UBND TP vừa cấp vốn cho Ban quản lý triển khai dự án "Xây cầu vượt trước Bến xe miền Đông mới" trên xa lộ Hà Nội với mục tiêu đảm bảo kết nối giao thông khi Bến xe miền Đông mới đi vào hoạt động.

Theo đó, dự án bao gồm xây cầu vượt số 3 (vượt tuyến chính quốc lộ 1) gồm 3 làn xe (sát bên cầu vượt số 2 của nút giao Đại học quốc qia) để tổ chức cho các dòng xe từ hướng Đồng Nai vào Bến xe Miền Đông; Xây cầu vượt số 4 (vượt tuyến chính quốc lộ 1) gồm 3 làn xe để tổ chức cho các dòng xe từ Bến xe miền Đông mới rẽ trái quay đầu về hướng trung tâm TP.HCM và về Bình Dương.

Phối cảnh cầu vượt Bến xe miền Đông mới

Ngoài ra, xây dựng 2 đường chui, 1 đường trên phần đường song hành phải quốc lộ 1 rộng 8 m, dài 670 m cho xe 2 bánh đi thẳng về hướng Đồng Nai và 1 đường trên phần đường song hành trái quốc lộ 1 rộng 8 m, dài 350 m cho xe 2 bánh đi thẳng về hướng TP.HCM.

Đồng thời, 1 cầu bộ hành rộng 4 m vượt qua xa lộ Hà Nội tại gần vị trí ga metro Bến xe miền Đông cũng sẽ được hình thành nhằm đảm bảo an toàn, tạo điều kiện tốt nhất kết nối hành khách từ ga metro đi vào khu vực bến xe.

Dự án có tổng mức đầu tư 437,1 tỉ đồng, dự kiến khởi công vào tháng 11.2019.

Bến xe miền Đông mới được khởi công xây dựng vào tháng 4.2017, với diện tích hơn 16 ha thuộc phường Bình Thắng (thị xã Dĩ An, Bình Dương) và phường Long Bình (quận 9, TP.HCM).

Theo kế hoạch ban đầu, giai đoạn 1 của dự án gồm nhà ga trung tâm, khu vực đậu xe chờ tài, khu vực đón trả khách, hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn khu, trạm xử lý nước thải sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, tiến độ của dự án đã chậm trễ và dự kiến kéo dài đến 15.8.2019 mới có thể đi vào hoạt động.

Bến xe cũng sẽ kết hợp với các tiện ích khác như bãi đậu xe cao tầng, khu vực sửa chữa, trạm tiếp nhiên liệu, khu trung chuyển và giao dịch hàng hóa, khu thương mại dịch vụ, trở thành bến xe hiện đại nhất cả nước.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 2/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.