Thứ tư, 24/04/2024 10:48 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 22/7/2019

MTĐT -  Thứ hai, 22/07/2019 09:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/7/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/7/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam=

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 19/CT-TTg về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam.

Chỉ thị nêu rõ Vùng KTTĐ phía Nam là vùng kinh tế động lực đầu tàu của cả nước…; đồng thời thực hiện vai trò cầu nối với các khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây Nguyên mà hạt nhân là TP.HCM; phấn đấu đến năm 2025 có 7/8 tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐ phía Nam có điều tiết về ngân sách trung ương.

Chỉ thị nêu ra 3 nhóm giải pháp để phát triển Vùng KTTĐ phía Nam về cơ chế, chính sách; liên kết các ngành, lĩnh vực; nguồn lực.

Trong đó, để phát triển nguồn lực, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên nguồn lực của Nhà nước để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn, úng ngập tại TP.HCM và một số đô thị lớn trong Vùng, ưu tiên giải quyết trước hết các điểm nút chính, nơi tập trung mật độ dân cư cao tại các đô thị trung tâm.

Bộ Giao thông vận tải tập trung nguồn lực Nhà nước để đầu tư, đồng bộ hóa hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo ra liên kết vùng như: các công trình trên trục hướng tâm, các vành đai, đường kết nối các cảng biển và hành lang vận tải quốc tế...

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vai trò cầu nối với các khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây Nguyên mà hạt nhân là TP.HCM. Ảnh: Lê Tiên

UBND các tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ phía Nam chủ động huy động đa dạng các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính chất đột phá, tạo ra liên kết Vùng…

6 tháng đầu năm: Tai nạn giao thông giảm, ùn tắc giao thông tăng

Theo báo cáo tổng kết 6 tháng đầu năm 2019 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tình hình tai nạn giao thông giảm sâu nhất trong nhiều năm; tuy nhiên, ùn tắc giao thông tăng so với cùng kỳ năm 2018.

Cụ thể, về tình hình tai nạn giao thông, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc xảy ra 8.385 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.810 người, bị thương 6.358 người.

So với 6 tháng đầu năm 2018, số vụ tai nạn giao thông giảm 641 vụ (giảm 7,1%), số người chết giảm 311 người (giảm 7,55%), số người bị thương giảm 679 người (giảm 9,65%).

47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2018 và 11 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2018.

19 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong 6 tháng, làm chết 73 người, bị thương 87 người.

Về ùn tắc giao thông, cả nước xảy ra 46 vụ; so với cùng kỳ năm 2018, tăng 8 vụ (tăng 17,4%).

Nguyên nhân do tai nạn giao thông là 33 vụ (71,7%), lưu lượng phương tiện đông: 7 vụ (15,2%), nguyên nhân khác (sự cố phương tiện, cháy nổ, sạt lở…) 6 vụ (13,04%).

Báo cáo đánh giá 6 tháng đầu năm 2019, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, được các bộ, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội và địa phương tích cực vào cuộc, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

(Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Mặc dù 6 tháng đầu năm 2019 là thời gian tập trung nhiều đợt cao điểm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt, dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2019, nhân dân cả nước được nghỉ nhiều hơn 2 ngày (9 ngày nghỉ) và cao điểm nghỉ lễ 30/4, 1/5/2019 nghỉ nhiều hơn 1 ngày (5 ngày) so với mọi năm, ngoài ra còn có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, song tình hình trật tự an toàn giao thông tiếp tục có những chuyển biến rất tích cực.

Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, giảm sâu nhất trong nhiều năm; dịch vụ vận tải cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong các dịp cao điểm.

Đặc biệt, việc Bộ Công an ra quân thực hiện cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về ma túy, nồng độ cồn đối với lái xe kinh doanh vận tải, xử lý vi phạm về mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy…; ngành Giao thông Vận tải cả nước cũng thực hiện nghiêm chỉ đạo nâng cao an toàn kết cấu hạ tầng, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông và siết chặt quản lý an toàn đối với hoạt động vận tải; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải khám sức khỏe đối với toàn bộ các lái xe, phát hiện và chấm dứt hợp đồng với lái xe dương tính với ma túy.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến quy định pháp luật xây dựng văn hóa giao thông được thực hiện đồng bộ, cả chiều rộng và chiều sâu với sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể, các cơ quan báo chí và cả cộng đồng mạng xã hội.

Nổi bật là sự kiện đi bộ kêu gọi hành động "Đã uống rượu bia, không lái xe" với sự tham dự của hơn 10.000 người và tham gia truyền thông mạnh mẽ của các cơ quan báo chí cả nước đã tạo sức lan tỏa rất lớn, được dư luận xã hội ủng hộ, tạo dư luận đồng tình cao để Quốc hội khóa 14 thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua.

Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế tồn tại trong 6 tháng đầu năm.

Mặc dù đạt được những kết quả nổi bật, nhưng tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, còn xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết, bị thương nhiều người, gây bức xúc dư luận xã hội, nhất là tai nạn liên quan đến xe chở khách, xe tải nặng, tai nạn do lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy gây nên.

Tình hình trật tự an toàn giao thông trên các tuyến vận tải ven biển cũng diễn biến ngày càng phức tạp với sự gia tăng nhanh chóng của đội tàu sông pha biển; tình trạng "xe dù, bến cóc" tăng mạnh, gây mất trật tự an toàn giao thông, cạnh tranh bất bình đẳng với xe khách tuyến cố định; ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang có xu hướng gia tăng.

Những nguyên nhân mà Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng chỉ ra trong báo cáo là công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải còn nhiều hạn chế, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quy định an toàn giao thông đối với các đơn vị kinh doanh vận tải. Có nơi, có chỗ hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông giữa các cơ quan, lực lượng bảo đảm trật tự an toàn giao thông có nơi, có lúc chưa chặt chẽ.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém.

Tình trạng vi phạm quy định về quy hoạch và xây dựng ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông còn diễn ra phổ biến, đặc biệt là dọc hành lang các tuyến quốc lộ trọng điểm và trong các đô thị lớn./

Cháy lớn tại khách sạn, kịp thời giải cứu hàng chục du khách

Vào 16 giờ 30 phút, ngày 21/7, tại khách sạn May Hotel, số 256 Hồ Nghinh, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đã xảy ra cháy lớn, rất may vụ cháy không gây thiệt hại về người. Lực lượng chữa cháy đã kịp thời dập tắt đám cháy và giải cứu an toàn cho hàng chục du khách tại khách sạn.

Thượng úy Trần Văn Châu, Đội Phó Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Sơn Trà cho biết: Nhận tin báo cháy lúc 16 giờ 45 phút, lực lượng công an Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Sơn Trà đã huy động 35 cán bộ chiến sĩ, 3 xe chữa cháy, 1 xe cứu nạn, cứu hộ, 1 xe thang kịp thời tiếp cận vụ cháy xảy ra tại phòng 404, tầng 4 của khách sạn May Hotel.

Tại hiện trường, lực lượng chữa cháy đã sử dụng phương tiện chữa cháy cầm tay, đa số là bình chữa cháy, triển khai máy thổi khói để thoát khói từng tầng. Đồng thời, lực lượng chữa cháy đã gõ cửa từng phòng yêu cầu khách nhanh chóng ra ngoài khách sạn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho du khách. Sau khoảng 30 phút, đám cháy đã được dập tắt và không bị lan rộng sang các tòa nhà bên cạnh. Đám cháy đã thiêu rụi mọi tài sản tại phòng 404, tầng 4 của khách sạn và rất may không có thiệt hại về người.

Bắc Kạn sơ tuyển nhà đầu tư khu dân cư 49,617 tỷ đồng

(Ảnh minh họa)

UBND TP. Bắc Kạn (Bên mời thầu) cho biết, hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu dân cư Đức Xuân 4, TP. Bắc Kạn (giai đoạn 1) sẽ được phát hành từ ngày 23/7 đến ngày 22/8/2019. Dự án có tổng chi phí thực hiện là hơn 49,617 tỷ đồng. Tổng diện tích sử dụng đất là 5,5414 ha.

Mục tiêu của Dự án là xây dựng khu dân cư trong đô thị, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ, hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu ở của người dân; cụ thể hóa Điều chỉnh mở rộng Quy hoạch chung xây dựng thị xã Bắc Kạn giai đoạn 2010 - 2020 và định hướng đến năm 2030 (nay là TP. Bắc Kạn).

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 22/7/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới