Thứ ba, 16/04/2024 17:11 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 11/7/2019

MTĐT -  Thứ năm, 11/07/2019 11:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 11/7/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 11/7/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Bà Rịa – Vũng Tàu trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương dự án Khu đô thị biển quy mô hơn 1.500 ha

Dự án Khu đô thị biển tại đảo Gò Găng (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư từ năm 2016. Dù dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư nhưng do vướng thủ tục pháp lý nên đến nay vẫn chưa thể triển khai.

Mới đây, tại cuộc họp Thường trực UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, do ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì để nghe các đơn vị báo cáo liên quan đến việc triển khai thủ tục đầu tư dự án Khu đô thị Gò Găng.

Theo đó, báo cáo tại cuộc họp liên quan đến dự án Khu đô thi Gò Găng, Sở xây dựng cho biết, năm 2016 dự án này đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư, với quy mô dự kiến có diện tích hơn 1.500ha bao gồm 2 hợp phần: Trung tâm nghề cá tỉnh có diện tích khoảng 141 ha và Khu đô thị với diện tích gần 1.400 ha.

Làng bè Long Sơn, đảo Gò Găng (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhìn từ cầu Chà Và. Ảnh minh họa

Cũng theo Sở Xây dựng, Khu đô thị này có tính chất là khu đô thị phức hợp đa chức năng dịch vụ tổng hợp cao cấp đa ngành gồm Trung tâm đào tạo công nghệ cao, trung tâm tài chính ngân hàng, dịch vụ hàng hải, hàng không..và khu dịch vụ ở cao cấp.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Văn Trình cũng cho biết, dự án Khu đô thị Gò Găng trước đây Tỉnh đã lựa chọn được nhà đầu tư nhưng do vướng thủ tục pháp lý nên dự án chưa thể triển khai.

Do đó, ông Trình đề nghị Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và UBND TP. Vũng Tàu tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ tỉnh ủy thông qua để trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương. Theo quy hoạch chung của TP. Vũng Tàu đến năm 2035 vừa được điều chỉnh.

Nhật Bản phối hợp phát triển vận tải công cộng tại Hà Nội

Ngày 10/7, Sở GTVT Hà Nội phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Tập đoàn Michinori Holdings, Tổng công ty Vận tải Hà Nội tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phát triển giao thông công cộng tại Hà Nội, chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Hợp tác phổ biến kinh nghiệm vận hành – quản lý vận tải xe buýt” do JICA cùng Tập đoàn Michinori Holdings thực hiện tại TP Hà Nội.

Mục tiêu của Hội thảo là chia sẻ các kinh nghiệm liên quan đến quản lý và phát triển mạng lưới giao thông công cộng, giảm các vấn đề xã hội như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tăng tính tiện lợi và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. Góp phần cải thiện tích cực và hiệu quả hệ thống vận tải hành khách bằng xe buýt tại Hà Nội nói riêng và giao thông công cộng tại Hà Nội nói chung.

Theo đại diện Bộ Đất đai – Hạ tầng – Giao thông – Du lịch Nhật Bản, TP Hà Nội đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ và cải thiện hệ thống vận tải công cộng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Trong đó, lượng cá nhân trong đó xe máy chiếm phần lớn là nguyên nhân dẫn tới những áp lực kìm hãm sự phát triển của vận tải công cộng. Còn theo đại diện Tập đoàn Michinori Holdings, tại Nhật, tỷ lệ người dân sử dụng vận tải công cộng chiếm 45% vì tính tiện lợi, kinh tế cao hơn xe cá nhân.

Tại Hội thảo, đại diện Bộ Đất đai – Hạ tầng – Giao thông và Du Lịch Nhật Bản đã chia sẻ các biện pháp và chính sách thúc đẩy, duy trì sự phát triển bền vững của giao thông công cộng tại Nhật Bản. Trong đó có Luật và các chính sách liên quan đến tái cơ cấu mạng lưới giao thông công cộng, tạo nền tảng cho người dân, người sử dụng phương tiện công cộng, cơ quan quản lý, doanh nghiệp vận tải,… Đồng thời giới thiệu các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy việc sử dụng công nghệ tiên tiến hướng đến thành phố thông minh, giao thông thông minh mà Chính phủ Nhật Bản đứng ra phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện.

Hội thảo với chủ đề “Phát triển giao thông công cộng tại Hà Nội, chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản” nằm trong khuôn khổ Dự án “Hợp tác phổ biến kinh nghiệm vận hành – quản lý vận tải xe buýt” do JICA cùng Tập đoàn Michinori Holdings thực hiện tại TP Hà Nội.

Điển hình trong đó là việc phổ cập dịch vụ giao thông thông minh (MaaS), xây dựng kho dữ liệu mở (open-data), các công nghệ sẽ là công cụ giúp tăng hiệu quả của giao thông công cộng, tăng tính tiện dụng, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, tăng trưởng vận tải công cộng đang không như mong muốn. Trong 6 tháng đầu năm, mức tăng trưởng hành khách chưa đến 1% so với năm ngoái. Để phát triển tích cực vận tải công cộng, thì cần vượt qua thách thức về đầu tư phương tiện, cải thiện chất lượng,…

Theo ông Nguyễn Công Nhật - Phó Tổng giám đốc Transerco, hiện nay, xe buýt chạy trung bình khoảng 14-15km/giờ dẫn đến thời gian chuyến đi và tính đúng giờ bị ảnh hưởng rất nhiều do ảnh hưởng của lượng xe cá nhân phát triển nhanh chóng (8-10%) và hạ tầng giao thông chưa thể theo kịp sự gia tăng phương tiện dẫn đến xe buýt cũng phải chôn chân vào giờ cao điểm.

Một trong những giải pháp giải quyết những thách thức của hiện trạng vận tải công cộng đó là quy hoạch mạng lưới của Nhà nước đảm bảo sự tiện lợi đi kèm với người dân (tần suất phù hợp, bố trí điểm bãi gửi xe ở các nhà chờ do quãng đường từ nhà đến điểm chờ xa, từ ngõ ra đường…). Doanh nghiệp buýt dù quan tâm mục tiêu xã hội và cộng đồng nhưng không thể bỏ qua mục tiêu lợi nhuận, không thể cưỡng bức nguồn lực của họ để phát triển thuần túy.

“Khẩu hiệu xe buýt nhanh hơn xe đạp, rẻ hơn xe máy trước đây đã không còn phù hợp trong giai đoạn hiện tại khi các yếu tố ùn tắc, hạ tầng giao thông chưa thể nâng cao, xe công nghệ nở rộ đã dẫn đến sụt giảm hành khách đi xe buýt thời gian qua”, ông Nhật khẳng định.

Trong buổi Hội thảo, các chuyên gia gia đến từ Nhật Bản đã cùng thảo luận với các cơ quan hữu quan và các chuyên gia của Việt Nam, cũng như chia sẻ kinh nghiệm về các phương pháp xây dựng hạ tầng giao thông công cộng giúp thúc đẩy việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng và cải thiện chất lượng giao thông công cộng. Đồng thời giới thiệu cách bố trí, thiết kế các đầu mối trung chuyển giao thông ("transport"), các làn đường ưu tiên, giúp giảm ùn tắc, tạo không gian giao thông thông thoáng, tiện dụng, tiết kiệm thời gian đi lại cho tất cả các thành phần tham gia giao thông.

TP.HCM xin bổ sung 1.471 tỷ bồi thường, tái định cư cho khu công nghệ cao

Hôm nay (11/7), HĐND TP.HCM khóa 9 sẽ khai mạc kỳ họp thứ 15. Một nội dung dự kiến được các đại biểu đưa ra bàn thảo là thông qua việc bổ sung 1.471 tỷ cho dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư khu Công nghệ cao quận 9 (dự án khu Công nghệ cao).

Theo tờ trình của UBND TP trước đó, dự án Khu công nghệ cao (quận 9) được phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư 3.803 tỷ đồng. Đến hết năm 2018 dự án đã giải ngân được 3.782 tỷ (đạt 99,4%).

Tuy nhiên quá trình thực hiện đã có nhiều người dân bị thu hồi đất tiến hành khiếu nại, tố cáo. Vào tháng 3/2017, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo thành phố rà soát lại một số trường hợp (49 hộ) bị thu hồi đất, và nghiên cứu biện pháp giải quyết nhằm đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Theo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thì khu vực 40.9ha nằm trong ranh quy hoạch của dự án, do đó không xem xét giao lại cho các hộ dân bị thu hồi đất mà xem xét bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Thời điểm hỗ trợ tính từ tháng 4/2007 (thời điểm Thủ tướng ban hành quyết định).

Cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An: Sẽ có 6 làn xe, vận tốc 100-120km/h

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc đường cao tốc Bắc - Nam có tổng mức đầu tư 8.380,67 tỷ đồng, đoạn đi qua tỉnh Nghệ An sẽ có 23 cầu trên đường cao tốc và 1 hầm đường bộ.

Dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An có chiều dài khoảng 87,84 km, thuộc tiểu dự án Nghi Sơn - Diễn Châu và tiểu dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, đi qua thị xã Hoàng Mai và các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc và Hưng Nguyên.

Theo thiết kế, dự án thành phần đường cao tốc tuyến Bắc – Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu có điểm đầu (Km380+000) sau nút giao với đường Nghi Sơn - Bãi Trành (Thanh Hóa) và kết thúc tại địa phận Diễn Cát- Diễn Châu ( Nghệ An).

Dự án được xây dựng là đường cao tốc có vận tốc thiết kế 100-120 km/h (theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc TCVN). Giai đoạn phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe và có tổng chiều dài tuyến khoảng 50km, giai đoạn hoàn thành có quy mô 6 làn xe.

Đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu 23 công trình cầu. Trong đó, 13 cầu trên đường cao tốc; 9 cầu trên đường ngang vượt cao tốc và 1 cầu trong nút giao liên thông.

Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 8.380,67 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị 5.124,28 tỷ đồng; Chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư là 1.423,48 tỷ đồng.

Theo đại diện Sở Giao thông vận tải Nghệ An, tính đến thời điểm này 6 huyện trên địa bàn có đường cao tốc Bắc - Nam đi qua đã bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư. Các huyện đang làm trích lục, trích đo chuẩn bị bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án.

"Sau khi hoàn thành khâu này, Sở Giao thông Vận tải đề nghị các huyện, thị tiến hành họp dân, công bố chủ trương, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam bởi kinh phí đền bù đã chuyển về các địa phương". Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải thông tin.

Hiện nay, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 6 thuộc Bộ Giao thông vận tải đã cấp 660 tỷ đồng cho các huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong đó, Thị xã Hoàng Mai 90 tỷ đồng, huyện Quỳnh Lưu 100 tỷ đồng, huyện Diễn Châu 170 tỷ đồng, huyện Yên Thành 40 tỷ đồng, huyện Nghi Lộc 60 tỷ đồng, huyện Hưng Nguyên 200 tỷ đồng.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 11/7/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.