Thứ sáu, 26/04/2024 15:31 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 30/4/2019

MTĐT -  Thứ ba, 30/04/2019 12:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 30/4/2019. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 30/4/2019.

Thừa Thiên Huế: Hơn 47 tỷ đồng tài trợ dự án “Dự trữ các-bon và bảo tồn đa dạng sinh học rừng”

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành quyết định phê duyệt tiếp nhận dự án viện trợ không hoàn lại “Dự trữ các-bon và bảo tồn đa dạng sinh học rừng” - CarBi giai đoạn 2 tại tỉnh này do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức (BMUB) tài trợ.

Theo đó, địa bàn thực hiện dự án là ở huyện Nam Đông và huyện A Lưới của tỉnh Thừa Thiên Huế. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ đa dạng sinh học và các hệ sinh thái rừng của 2 huyện trên, phát huy công tác bảo tồn một cách hiệu quả thông qua việc cải thiện quản lý tài nguyên thiên nhiên của các đối tác chủ chốt tại các địa phương.

Thừa Thiên Huế tiếp nhận hơn 47 tỷ đồng tài trợ dự án “Dự trữ các-bon và bảo tồn đa dạng sinh học rừng”

Các hoạt động chính của dự án gồm hỗ trợ quản lý bảo vệ và mở rộng các khu bảo tồn tại các khu vực cảnh quan vùng Trung Trường Sơn, cụ thể là khu vực dự án CarBi; Phát triển năng lực tuần tra địa phương tại các điểm nóng về sinh học; Xác định tác động của dự án thông qua giám sát đa dạng sinh học; Khuyến khích và nhân rộng các mô hình (tiếp cận) thành công về quản lý các khu bảo tồn; Xác định việc buôn bán sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã trái phép và hỗ trợ phối hợp thực thi pháp luật lâm nghiệp liên ngành; Hỗ trợ năng lực thực thi pháp luật về quản lý bảo vệ động vật hoang dã tại địa phương và khu vực biên giới; Nâng cao gắn kết cộng đồng trong quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên bền vững.

Hỗ trợ thành lập và vận hành các quỹ phát triển thôn/bản; Nâng cao năng lực về quản lý rừng cộng đồng; Hỗ trợ thành lập các nhóm bảo tồn tình nguyện cấp cộng đồng; Hỗ trợ các cơ chế tài chính bền vững được phát triển và chia sẻ với các bên liên quan; Cải thiện phương thức quản lý chi trả dịch vụ môi trường rừng và chia sẻ lợi ích; tăng cường lợi ích tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tổng kinh phí tài trợ dưới hình thức viện trợ không hoàn lại là hơn 47 tỷ đồng, tương đương 1.833.903 Euro. Thời gian thực hiện 6 năm (2019- 2024).

Bán đấu giá hàng loạt trụ sở cơ quan cũ

Trong tháng 6 và 7/2019, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ chính thức bán đấu giá hàng loạt trụ sở cơ quan cũ. Đây là các trụ sở hành chính không còn sử dụng hơn 7 năm qua sau khi các cơ quan, đơn vị hành chính cấp tỉnh dời từ TP. Vũng Tàu về Trung tâm hành chính tại TP. Bà Rịa.

Sau khi Trung tâm hành chính mới của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) được đưa vào hoạt động tại TP. Bà Rịa vào năm 2012, các cơ quan của cấp tỉnh cũng đã chuyển từ TP. Vũng Tàu về làm việc ở Trung tâm hành chính tại TP. Bà Rịa, vì vậy phần lớn trụ sở cũ của các cơ quan này tại TP. Vũng Tàu đều để trống trong nhiều năm qua.

Một trong các trụ sở cơ quan cũ sắp được đưa ra bán đấu giá trong thời gian tới

Nhằm tạo nguồn thu ngân sách tái đầu tư vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh BR - VT đã xây dựng kế hoạch bán đấu giá các trụ sở này. Cụ thể, dự kiến trong năm 2019, tỉnh sẽ tổ chức bán đấu giá 17 trụ sở cũ của các cơ quan, đơn vị tại TP. Vũng Tàu: Ban quản lý các KCN (124 Võ Thị Sáu, phường Thắng Tam), Sở VH-TT-DL (126 Võ Thị Sáu, phường Thắng Tam), Sở Nội vụ (9 Nguyễn Biểu, phường Thắng Tam), Tỉnh ủy BR – VT (22 Trương Công Định, phường 3), Sở KH-ĐT (1 Hồ Xuân Hương, phường Thắng Tam), TAND tỉnh BR –VT (15 Thống Nhất, phường 1), Ban Tôn giáo (13 Lý Tự Trọng, phường 1), UBMTTQ Việt Nam (20 và 26 Trương Công Định, phường 3), Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (128 Lý Thường Kiệt, phường 1), Sở KH-CN (130 Lý Thường Kiệt, phường 1), rạp Măng Non (đường Lý Tự Trọng, phường 1), các trụ sở của Công an tỉnh BR – VT (7 Trần Nguyên Hãn, phường 1; 43 Trương Công Định, phường 3; 119 Lê Hồng Phong, phường 8; 14 Lê Lợi, phường 1) và Bệnh viện tâm thần (QL56, ấp Đức Trung, xã Bình Ba, huyện Châu Đức).

Hiện 17 trụ sở của các cơ quan, đơn vị đang được các cơ quan chức năng của tỉnh BR – VT triển khai các thủ tục để tiến hành bán tổ chức đấu giá. Theo kế hoạch, thời gian dự kiến tiến hành bán đấu giá cơ sở nhà, đất trụ sở cũ của Sở KH-ĐT tại số 1 đường Hồ Xuân Hương, phường Thắng Tam, dự kiến có giá khởi điểm trên 169 tỷ đồng, cơ sở nhà, đất trụ sở cũ của Ban quản lý các KCN tại số 124 đường Võ Thị Sáu, phường Thắng Tam có giá khởi điểm dự kiến là 66,5 tỷ đồng và cơ sở nhà, đất tại số 126 đường Võ Thị Sáu có giá khởi điểm là 49,6 tỷ đồng… là trong tháng 6 và 7/2019. Các trụ sở cũ còn lại cũng sẽ được đưa ra bán đấu giá trong quý III và quý IV năm nay.
Ngoài việc đưa ra bán đấu giá các trụ sở hành chính cũ của tỉnh tại TP. Vũng Tàu, các cơ quan chức năng của tỉnh BR – VT cũng đang gấp rút tiến hành các thủ tục có liên quan theo chỉ đạo của UBND tỉnh để tiến hành đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý.

Theo kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất đã được UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 609/QĐ-UBND, trong năm 2019 dự kiến đấu giá quyền sử dụng đất 29 khu đất với tổng diện tích 213ha, dự kiến thu hơn 7.239 tỷ đồng. Cụ thể, khu đất trụ sở cũ của UBND tỉnh BR – VT (phường 1, TP.Vũng Tàu), khu đất nhận chuyển giao từ Ngân hàng Công thương Việt Nam (phường 10, phường 11, TP.Vũng Tàu), khu du lịch Mũi Nghinh Phong (phường 2, TP.Vũng Tàu), khu đất thu hồi của Công ty TNHH MTV Du lịch lữ hành An Lộc Sơn (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc), khu đất thu hồi của DNTN Tuyết Minh (TT.Phước Hải, huyện Đất Đỏ).

Hà Nội: Xử lý các trường hợp nhà đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng

Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị thu hồi các thửa đất ngoài chỉ giới không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng để sử dụng vào mục đích công cộng nếu việc hợp thửa, hợp khối (sau 30 ngày) không thực hiện được theo quy định của UBND TP. Hà Nội với công trình "siêu mỏng, siêu méo".

Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành Công văn số 3373/SXD-TTr gửi UBND các quận, huyện, thị xã về xử lý các trường hợp nhà đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (siêu mỏng, siêu méo) khi thực hiện mở đường theo quy hoạch.

Nhà "siêu mỏng, siêu méo" gây phản cảm mọc lên dọc theo tuyến đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm

Theo đó, Hà Nội đang trong giai đoạn đô thị hóa, nhiều tuyến đường được mở theo quy hoạch. Quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng cắt xén làm phát sinh các trường hợp nhà đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (siêu mỏng, siêu méo).

Trong những năm qua, UBND Thành phố đã có nhiều chỉ đạo, nhiều giải pháp xử lý tuy nhiên vẫn còn tồn tại và phát sinh những trường hợp mới chưa được giải quyết dẫn đến mất mỹ quan đô thị, gây phản ứng trong nhân dân.

Để khắc phục tình trạng trên, Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Hà Nội có dự án đường quy hoạch đi qua: Chủ động thống kê, rà soát xây dựng phương án xử lý các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng; Thực hiện thu hồi các thửa đất ngoài chỉ giới để sử dụng vào mục đích công cộng nếu việc hợp thửa, hợp khối (sau 30 ngày) không thực hiện được theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND, ngày 06/6/2011, Chỉ thị số 20/CT-UBND, ngày 11/11/2016, của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng trong việc phá dỡ toàn bộ bộ phận kiến trúc công trình đã được đền bù, bao gồm cả phần công trình còn lại nằm ngoài chỉ giới để không phát sinh công trình "siêu mỏng, siêu méo".

Đồng thời, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố về tình trạng tồn tại hoặc phát sinh các trường hợp công trình "siêu mỏng, siêu méo" trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND các phường, xã, đội quản lý trật tự xây dựng và các đơn vị phòng ban chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng, xử lý kiên quyết vi phạm. Xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan để xảy ra các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, vi phạm trật tự xây dựng mà không được xử lý theo Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 11/11/2016 của Chủ tịch UBND Thành phố. 

Đối với trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng tồn đọng trước 2005, Sở Xây dựng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã phải xây dựng lộ trình xử lý và cam kết tiến độ thực hiện. Tiếp tục vận động hợp thửa, hợp khối các trường hợp giữ nguyên trạng chỉnh trang để từng bước xóa bỏ công trình "siêu mỏng, siêu méo".

Đối với 63 trường hợp phát sinh mới trên địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Hoàng Mai cần khẩn trương chỉ đạo tập trung xử lý dứt điểm thực hiện thu hồi sau khi hết thời gian hợp thửa, hợp khối (30 ngày) theo Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 11/11/2016 của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Bộ Tài chính yêu cầu đưa vấn đề chống chuyển giá vào Luật đầu tư

Bộ Tài chính vừa đề nghị đưa vấn đề chống chuyển giá vào Dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì sửa đổi.

Cụ thể, theo Bộ Tài chính, vấn đề chống chuyển giá đã sơ hở từ khâu cấp phép khi Luật Đầu tư chỉ đưa ra khái niệm "vốn đầu tư" mà chưa có quy định về "tài sản hình thành sau đầu tư" dẫn đến tình trạng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giá thông qua tài sản góp vốn.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ KH&ĐT đưa vấn đề chống chuyển giá vào Dự thảo Luật Đầu tư. 

Theo Bộ Tài chính, hiện liên quan đến Luật Đầu tư, có nhiều vấn đề như đầu tư núp bóng, đầu tư chui, tràn lan, quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Về đầu tư ra nước ngoài, lợi nhuận để lại là tăng vốn của dự án đầu tư ra nước ngoài nhưng không được điều chỉnh và kê khai trong nước; thuế thu nhập doanh nghiệp trong nước đang được đặt ra yêu cầu xử lý như thế nào?

Bộ Tài chính đề nghị làm rõ khái niệm trong Luật Đầu tư 2014: "Vốn đầu tư là tiền và tài sản khác để thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh". Đề nghị Bộ KH&ĐT làm rõ khái niệm: "Tài sản khác để thực hiện hoạt động kinh doanh" bao gồm những tài sản gì?

Đề nghị Bộ KH&ĐT hướng dẫn cách thức xác định "vốn đầu tư" để bảo đảm thống nhất, minh bạch trong thực hiện, làm cơ sở cho giám sát hoạt động đầu tư, thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.

Bộ Tài chính yêu cầu Bộ KH&ĐT đánh giá đúng về thực trạng các dự án đầu tư không thực hiện đúng các cam kết khi đăng ký đầu tư mà vẫn được hưởng ưu đãi đầu tư và quy định cụ thể tại Dư thảo Luật về việc giám sát, đánh giá các dự án đầu tư, thu hồi các dự án đầu tư không thực hiện đúng cam kết trách nhiệm với cơ quan Nhà nước để đảm bảo ưu đãi đầu tư đúng đối tượng.

Về quy định "sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện đầu tư" tại Điểm a, Khoản 19, Điều 1 quy định sửa đổi điểm g, Khoản 1, Điều 48, Luật Đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị Bộ KH&ĐT làm rõ sau 12 tháng tính từ thời điểm nào cụ thể để có chính sách phù hợp.
The World Bank in Vietnam

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 30/4/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới