Thứ sáu, 29/03/2024 20:16 (GMT+7)

Tin đô thị ngày 19/6: Metro Sài Gòn điêu đứng vì thủ tục

MTĐT -  Thứ ba, 19/06/2018 17:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Metro Sài Gòn điêu đứng vì thủ tục; Kon Tum đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cải tạo đèo Lò Xo… là một số tin đô thị trong ngày.

Xây dựng hàng loạt đường xuyên tâm xóa ùn tắc nội đô Biên Hòa

Theo báo Giao thông đưa tin, ngày 19/6, UBND TP Biên Hòa đã tổ chức buổi họp mặt kỉ niệm 93 năm ngày truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam. Tại cuộc họp ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết để giải quyết ùn tắc trong nội ô, cải tạo cảnh quan đô thị TP nhằm chào mừng kỉ niệm 320 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, TP Biên Hòa đang khẩn trương xúc tiến công tác chuẩn bị xây dựng hàng loạt tuyến đường kết nối giao thông và các tuyến đường ven sông Đồng Nai.

Cụ thể, đường Nguyễn Văn Hoài, có chiều dài khoảng 1,5 km, đầu tuyến tại đường Nguyễn Ái Quốc (cạnh Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2), kết nối với đường Đồng Khởi - Bùi Trọng Nghĩa. Tuyến đường thứ hai, là đường liên phường Trảng Dài và Tân Hiệp, có chiều dài 3,2 km, điểm đầu tuyến là đường Nguyễn Ái Quốc và cuối tuyến là đường Đồng Khởi.

Một dự án khác là tuyến đường kết nối đường Bùi Hữu Nghĩa với QL1K có quy mô dài 2,3m, mặt cắt ngang 30m có tổng kinh phi đầu tư xây dựng khoảng hơn 500 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành tuyến đường này sẽ rút ngắn hành trình và kết nối trung tâm Biên Hòa ra QL1K đi Bình Dương, TP.HCM. Ngoài ra TP cũng đang chuẩn bị kêu gọi đầu tư các dự án đường ven sông Cái (một nhánh của sông Đồng Nai, đến mở rộng đường Bùi Văn Hòa đoạn từ hầm chui Tam Hiệp đến đường Võ Nguyên Giáp (tuyến tránh QL1)…

TP.HCM tiếp tục mở rộng thí điểm lắp hố ga ngăn mùi

Ngày 18/6, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến có văn bản kết luận đánh giá về các mẫu thiết kế cửa thu nước hiện nay trên địa bàn thành phố.

Theo báo cáo đánh giá của Sở GTVT và các sở ngành liên quan từ kết quả thí điểm lắp hố ga ngăn mùi cho thấy sản phẩm cửa thu nước của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP có tính ưu việt, khắc phục được những nhược điểm như: ngăn được mùi hôi từ hố ga bốc lên, ngăn chặn đuợc rác, tăng khả năng thoát nưóc, dễ duy tu bảo dưỡng, an toàn khi sử dụng và đảm bảo mỹ quan đô thị,....

Trên cơ sở đó, Phó chủ tịch đã thống nhất với báo cáo của các sở ngành và yêu cầu Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị thành phố khẩn trương tiến hành các bước tiếp theo như đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, công bố hợp chuẩn, hợp quy,... Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu để cho ra sản phẩm nắp đậy miệng hố ga nước đồng bộ với cửa thu nước mới.

Theo đánh giá của Phó chủ tịch TP, cửa thu nước của các cống thoát nước trên địa bàn thành phố hiện nay có nhiều nhược điểm, thiết kế không phù hợp với nhu cầu hiện tại như không ngăn được mùi hôi, dẫn đến khả năng thoát nước bị hạn chế và mất mỹ quan đô thị.

Metro Sài Gòn điêu đứng vì thủ tục

Do gặp nhiều vướng mắc về thủ tục, dù đã được các nhà tài trợ cam kết bố trí đủ vốn ODA, dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) liên tục rơi vào tình trạng thiếu tiền thanh toán cho các nhà thầu; trong khi tuyến metro số 2 chưa biết đến bao giờ khởi công.

Theo báo Tiền Phong ghi nhận hiện trường vào ngày 18/6, công trường thi công gói thầu số 2 dự án tuyến metro số 1 khá im ắng. Suốt chiều dài của đoạn đường đi trên cao hơn 8 km từ Ngã tư Bình Thái (quận 9) đến vị trí giao cắt với đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) dường như không thấy bóng dáng công nhân làm việc, dù công trình đang trong giai đoạn lắp đặt đường ray và thi công các nhà ga trên cao.

UBND TP. HCM vừa đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT) sớm có văn bản gửi nhà tài trợ JICA và Đại sứ quán Nhật Bản đề xuất gia hạn hiệu lực khoản vay đến ngày 31/10/2019 để đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án này.

Theo Hiệp định vay vốn số VN11-P7 ngày 30/3/2012, tổng giá trị khoản vay là 44.302 triệu yen. Việc TP. HCM xin gia hạn là bởi Chính phủ đang triển khai các thủ tục thông qua cấp thẩm quyền về điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án tuyến metro số 1 nên Bộ KHĐT chưa thể phân bổ vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương, dẫn đến chậm giải ngân so với tiến độ đã cam kết với nhà tài trợ. Đến thời điểm hiện nay, số vốn chưa giải ngân của Hiệp định vay là 8.766 triệu yen, chiếm 20%, còn khá lớn trong khi Hiệp định vay sẽ hết hạn vào ngày 31/10/2018.

UBND TP. HCM cho hay việc giải ngân các khoản vay không những tùy thuộc vào tiến độ Quốc hội xem xét, cho phép chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư mà còn liên quan đến trình tự thủ tục xem xét bổ sung vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương cho dự án. Việc giải ngân hết số vốn còn lại của Hiệp định vay số VN11-P7 trước ngày khóa sổ khoản vay là rất khó để thực hiện. Do vậy, rất cần phải đề nghị gia hạn hiệp định vay thêm 1 năm nhằm đảm bảo đủ thời gian giải ngân toàn bộ khoản vay sau khi Quốc hội chấp thuận tổng mức đầu tư điều chỉnh.

Theo Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP. HCM Lê Nguyễn Minh Quang, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã bày tỏ quan ngại về tình hình dự án metro Bến Thành - Suối Tiên với lãnh đạo TPHCM cũng như Chính phủ Việt Nam.

“Khi đặt vấn đề về vốn cho một số tuyến metro khác, phía JICA nói thẳng trước khi bàn chuyện đó thì phải bàn việc thanh toán tiền cho các nhà thầu. Từ thực tế của tuyến metro này, JICA rất quan ngại trong việc bố trí vốn cho các dự án khác”, ông Quang cho hay.

Dự án tuyến metro số 1 đang gặp vướng mắc về thủ tục, cụ thể là tại thời điểm điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án (tháng 8/2011) từ 17.400 tỷ đồng (hơn 126.500 triệu yen Nhật) lên hơn 47.300 tỷ đồng (hơn 235.500 triệu yen), dự án thuộc diện phải trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư nhưng sau khi lấy ý kiến các bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ thời điểm ấy đã cho phép UBND TPHCM phê duyệt điều chỉnh dự án vì có phát sinh tiêu chí công trình trọng điểm.

Việc điều chỉnh dự án, JICA đã tuyển chọn tư vấn độc lập để thẩm tra. JICA chọn 2 đơn vị của Singapore, trong đó có công ty quản lý hầu hết hệ thống metro của nước này. Theo JICA, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là phù hợp, đồng thời cam kết tăng vốn ODA cho dự án.

Từ khi phê duyệt điều chỉnh năm 2011, dự án đã triển khai thi công 4 gói thầu xây lắp chính. Tuy nhiên, với lý do dự án chưa được Quốc hội thông qua, từ tháng 9/2016 đến nay, việc giao vốn ODA của trung ương dành cho dự án không đáp ứng khả năng giải ngân thực tế, dẫn đến việc thanh toán cho các gói thầu phải tạm ngưng, các nhà thầu giảm tốc độ thi công và đề nghị thanh toán các khoản chi phí liên quan.

Kon Tum đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cải tạo đèo Lò Xo

Ngày 19/6, UBND tỉnh Kon Tum đã có công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có phương án đầu tư, cải tạo một số đoạn trên đèo Lò Xo.

Cụ thể, để hạn chế tai nạn giao thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Đắk Glei và tỉnh Kon Tum. UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét đầu tư sửa chữa, cải tạo mặt đường và hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông đường Hồ Chí Minh đoạn qua đèo Lò Xo; cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước và mặt đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn Đắk Glei, từ Km 1436+100 - Km 1438+900, với chiều dài 2,8 km.

Trước đó, 2h15 sáng 16/6, ôtô khách BKS 34B 002.69 chạy tuyến Hải Dương - Bình Phước, khi đến Km 1430+700, đoạn qua xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum), đã va vào ta luy rồi rơi xuống vực, làm 3 người chết, 19 người bị thương.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin đô thị ngày 19/6: Metro Sài Gòn điêu đứng vì thủ tục. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới