Thứ năm, 25/04/2024 07:25 (GMT+7)

Thái Nguyên: Phát hiện sai lệch đầu tiên ở dự án trồng rau tiền tỷ

VĂN BÌNH - ĐỨC ANH -  Thứ bảy, 01/06/2019 08:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tìm hiểu tại dự án Mô hình trồng rau an toàn, PV nhận thấy công suất của máy bơm mà UBND xã Đồng Liên đặt mua và lắp đặt đã bị "ăn bớt" từ 22kw xuống còn 15kw, không đúng với thiết kế ban đầu.

Như đã phản ánh trước đó, dự án Mô hình trồng rau an toàn tại xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên, TP Thái Nguyên mặc dù được đầu tư xây dựng với mức đầu tư nhiều tỷ đồng nhưng tới nay lại hoạt động không hiệu quả. Vậy nguyên nhân do đâu? Qua khai thác thông tin, PV đã ghi nhận được một số sai lệch đầu tiên trong việc thi công và lắp đặt của dự án. 

Được biết, chủ đầu tư dự án là Ủy ban nhân dân xã Đồng Liên, thời gian thực hiện dự án trong 2 năm từ tháng 10/2016 đến tháng 12/2017, với tổng số hộ tham gia là 32 hộ. Khi mới hình thành, dự án được kỳ vọng sẽ quy hoạch để chuyển đổi diện tích trồng rau truyền thống khoảng trên 7ha sang sản xuất rau an toàn áp dụng công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại (tháng 5/2019), dự án hầu như vẫn nằm trên giấy và có lẽ chưa bộc lộ được tính hiệu quả. Tất cả giờ chỉ có cỏ dại mọc quá gối, đường ống nước thì nham nhở, còn hệ thống nhà lưới nhà kính thì đang tan hoang. Đường giao thông trong khu sản xuất sẽ được đào đắp với chiều dài 228m, bề rộng đường 3m, kết cấu đất lẫn cấp phối sỏi cuội sông suối, nhưng giờ cũng chưa được xây dựng.

Dự án Mô hình trồng rau an toàn tại xóm Xuân Đám.

UBND xã Đồng Liên giải thích ra sao?

Phản ánh những gì đã ghi nhận với ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch UBND xã Đồng Liên, PV nhận được câu trả lời về những nguyên nhân khiến dự án lâm vào cảnh bế tắc. Bên cạnh sự thẳng thắn thừa nhận việc dự án đang hoạt động không hiệu quả, ông Quyền cho rằng: “Mặc dù tổng vốn đầu tư cho dự án là hơn 6 tỷ đồng, tuy nhiên đến hiện tại UBND xã Đồng Liên mới chỉ nhận được hơn 3 tỷ đồng để phục vụ cho dự án, do vậy mới chỉ thực hiện được giai đoạn 1 và còn thiếu nhiều hạng mục khác chưa thực hiện được, ví dụ như hạng mục đường giao thông”. Tuy nhiên đối chiếu với báo cáo kinh tế - kỹ thuật thì không hề có việc chia giai đoạn cho dự án, chỉ biết rằng thời gian thực hiện dự án được quy định trong 2 năm từ tháng 10/2016 đến tháng 12/2017.

Trả lời về việc chậm tiến độ của dự án, Chủ tịch xã Đồng Liên giải thích: “Dự án thi công toàn bộ ngoài trời nên năm 2017, mưa 4 - 5 tháng trời không thi công được”. Còn về hệ thống nhà lưới đang tan hoang, xuống cấp trầm trọng mặc dù vừa mới được xây dựng chưa đầy một năm thì ông giải thích rằng: “Đây là do cơn bão, lốc xoáy trái mùa năm 2018 gây ra thiệt hại và hiện tại xã đang cho khắc phục”. Nhưng, có lẽ tiến độ khắc phục này chỉ khẩn trương hơn khi có phóng viên xuống tìm hiểu thực trạng của dự án.

Ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch UBND xã Đồng Liên.

Tất cả những nguyên nhân mà ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch UBND xã Đồng Liên đưa ra không hề có nguyên nhân chủ quan nào, mà hoàn toàn là do lỗi khách quan mang lại. Đây có thực sự là câu trả lời mà dư luận đang cần?

Phát hiện những sai lệch đầu tiên

Đi tìm những nguyên nhân cho việc tại sao dự án lại hoạt động không hiệu quả, PV đã cùng với đại diện UBND xã Đồng Liên mục sở thị tại dự án. Đối chiếu với báo cáo kinh tế kỹ thuật – dự toán, PV đã phát hiện những sai lệch đầu tiên trong việc thi công lắp đặt.

Theo báo cáo kinh tế kỹ thuật – dự toán của dự án Mô hình trồng rau an toàn tại xóm Xuân Đám thì hạng mục trạm bơm được xây dựng và lắp đặt như sau: Nguồn nước: Được lấy từ nước sông cầu, chảy qua ống cấp nước HDPF, DN200 PN6 với tổng chiều dài 250m vào bể hút trạm bơm tưới; Trạm bơm được thiết kế tại vị trí ngay đầu khu tưới với loại máy bơm trục ngang hãng Pentax CM 50-250A (30HP-380V/3 pha); Động cơ máy bơm công suất 22kw, tốc độ vòng quay 2900v/p. Tổng mức đầu tư cho nhà trạm là 475.037.273 đồng cả VAT.

Máy bơm LT270-12 động cơ 15kw-1450v/p mà UBND xã Đồng Liên lắp đặt.

Nhưng, xét trên thực tế cho thấy chủ đầu tư đã tiến hành mua và lắp đặt máy bơm LT270-12 lắp động cơ 15kw-1450v/p, của công ty cổ phần chế tạo bơm Hải Dương.

Ở một diễn biến khác, trong hóa đơn mà UBND xã Đồng Liên cung cấp cho PV thì số tiền chi trả cho 1 máy bơm công suất 15kw này là 31.110.000 đồng. Tuy nhiên trong hóa đơn này lại không hề họ và tên hay đơn vị tổ chức mua thiết bị.

Hóa đơn giá trị gia tăng khi mua thiết bị.

Chưa bàn đến việc chất lượng và giá cả của hai loại máy trong thiết kế và thực tế lắp đặt là như thế nào. Nhưng chắc chắn một điều rằng công suất của máy đã bị giảm đi rất nhiều so với báo cáo kinh tế kỹ thuật.

Tại sao chủ đầu tư lại làm sai lệch so với thiết kế? Một dự án có báo cáo kỹ thuật được thẩm định qua rất nhiều khâu, nhưng cuối cùng lại không sát với thực tế, khiến cho không thể thi công, làm dự án "nham nhở" qua nhiều ngày, điều này có gây lãng phí ngân sách nhà nước?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên: Phát hiện sai lệch đầu tiên ở dự án trồng rau tiền tỷ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành