Thứ năm, 18/04/2024 08:55 (GMT+7)

Thái Nguyên: Dự án trồng rau tiền tỷ vừa làm vừa...chờ!

VĂN BÌNH - ĐỨC ANH -  Thứ ba, 28/05/2019 07:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù tổng mức đầu tư dự án trồng rau lên tới hơn 6 tỷ đồng và đến nay đã chậm tiến độ, nhưng UBND xã Đồng Liên, TP. Thái Nguyên vẫn đang loay hoay xử lý vì thiết kế lại trục trặc!?

Nông dân đã kỳ vọng

Đồng Liên là xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014, song các tiêu chí vẫn đạt ở mức độ khá, đặc biệt là tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Vùng trồng rau xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên là vùng có lợi thế trồng các loại rau màu, với điều kiện đất đai thuận lợi do phù sa ven sông bồi đắp. Do vậy, xây dựng một phương án sản xuất rau an toàn có sự kết hợp giữa các giải pháp công trình và các giải pháp phi công trình là lời giải hiệu quả cho các vấn đề ở đây. Xây dựng mô hình trồng rau an toàn là xây dựng mô hình trồng rau sạch, thực phẩm sạch cung ứng cho thị trường, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, tạo tâm lý yên tâm cho người sử dụng. Đó là một số nội dung được trình bày trong báo cáo kinh tế - kỹ thuật và dự toán công trình mô hình trồng rau an toàn xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên năm 2016 (nay là xã Đồng Liên, thành phố Thái Nguyên) thể hiện sự thiết yếu cần phải đầu tư của dự án.

Theo đó, để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng xã nông thôn mới tiên tiến, đồng thời xây dựng vùng trồng rau an toàn áp dụng mô hình nhà lưới kỹ thuật cao, thì dự án trồng rau với tổng mức đầu tư hơn 6 tỷ đồng đã được ra đời.

Bên trong nhà lưới của dự án Mô hình trồng rau an toàn tại xóm Xuân Đám.

Chủ đầu tư dự án là Ủy ban nhân dân xã Đồng Liên, thời gian thực hiện trong 2 năm từ tháng 10/2016 đến tháng 12/2017, với tổng số hộ tham gia là 32 hộ. Khi mới hình thành, dự án được kỳ vọng sẽ quy hoạch để chuyển đổi diện tích trồng rau truyền thống khoảng trên 7ha  sang sản xuất rau an toàn áp dụng công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, dự án còn thực hiện xây dựng đường điện 3 pha và hệ thống tưới dẫn đến khu tưới, thậm chí còn nghiên cứu thị trường để quảng bá thương hiệu sản phẩm cho người nông dân.

Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại (tháng 5/2019), dự án hầu như vẫn nằm trên giấy và có lẽ chưa bộc lộ được tính hiệu quả.

Khoảng cách giữa báo cáo kinh tế - kỹ thuật và thực tế?

Tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra tại Đồng Liên, nhiều người sẽ không khỏi thắc mắc về con số đầu tư hơn 6 tỷ đồng mà ngân sách đã chi cho UBND xã. Quang cảnh tan hoang, cỏ dại mọc quá gối, đường ống nước thì nham nhở, còn hệ thống nhà lưới chẳng đâu vào đâu là một trong số những thực trạng đáng nói tại dự án Mô hình trồng rau an toàn tại xóm Xuân Đám.

Những ống tưới "khát nước".

Mọi hạng mục của dự án xem ra chưa thể hoàn thiện và cũng chưa giúp Đồng Liên “thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập và tiêu chí môi trường trong những năm tới”. Theo thiết kế xây dựng thì trên mảnh đất hơn 7ha sẽ có hệ thống nhà kính và hệ thống nhà lưới: 2 nhà kính riêng biệt được phủ tấm nhựa PE trong suốt kết hợp với lưới chống côn trùng, bên trong có hệ thống lưới cắt nắng và hệ thống cuốn tấm nhựa PE phòng khu có không khí độc hại vào nhà; nhà lưới có diện tích 7.600m2 với hệ thống cọc bê tông cốt thép và hệ thống tưới trong nhà với các vòi phun sương.

Bên cạnh đó, dự án còn thiết kế xây dựng hệ thống cấp nước cho diện tích tưới phun mưa và hệ thống tưới phun mưa trên diện tích 6,7ha. Ngoài ra, đường giao thông trong khu sản xuất sẽ được đào đắp với chiều dài 228m, bề rộng đường 3m, kết cấu đất lẫn cấp phối sỏi cuội sông suối.

Mọi thứ còn đang rất dang dở, chưa đâu vào đâu.

Nhà lưới chưa hoàn thành đã có dấu hiệu hư hỏng.

Nhìn vào những hình ảnh này, chắc hẳn dư luận sẽ có câu trả lời cho riêng mình trước câu hỏi: Dự án đang có những gì!?

Trả lời cho vấn đề trên, Chủ tịch UBND xã Đồng Liên, ông Nguyễn Văn Quyền xác nhận: “Dự án thi công toàn bộ ngoài trời nên năm 2017, mưa 4-5 tháng trời không thi công được. Dự án chỉ đang tạm thời đưa vào hoạt động, đây là mô hình điểm, vừa làm vừa bổ sung. Đến nay mới làm được giai đoạn đầu và còn đợi bổ sung, vẫn chưa đâu vào đâu cả”. Bàn về nguyên do khiến dự án xảy ra chậm trễ, ông Quyền cho hay: “Do bên tư vấn thiết kế bị trục trặc khi đưa vào hoạt động, vì vậy lại phải xin ý kiến lại”.

Đường giao thông thì chưa có, điện cũng không giống như thiết kế, nhà lưới thì đang tan hoang, thậm chí máy bơm còn đang bị hoài nghi là lắp đặt máy bơm có công suất không đúng với thiết kế kỹ thuât.. Tất cả đó đã khiến cho người nông dân đang canh tác, phải bỏ đất cho cỏ mọc và phải tiếp tục chờ đợi dự án trồng rau an toàn theo công nghệ mới – một sự lãng phí đất đai, lãng phí ngân sách đáng lẽ không nên xảy ra, nhưng nay lại hiện hữu tại Đồng Liên chỉ vì… thiết kế bị trục trặc!

Những “mắt xích” trục trặc gây ra việc chậm tiến độ của dự án nói trên cần được các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên làm sáng tỏ để rộng đường dư luận.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ thông tin tới độc giả.

Trước đó, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã liên hệ với UBND TP. Thái Nguyên. Ông Trần Hoài Nam - Phó Chánh văn phòng UBND thành phố Thái Nguyên là người tiếp nhận nội dung làm việc và có thông tin ban đầu: Phòng chuyên môn đã nắm được thực trạng và sẽ phối hợp với chủ đầu tư để xử lý và phản hồi thông tin đến phóng viên.
Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên: Dự án trồng rau tiền tỷ vừa làm vừa...chờ!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.