Thứ ba, 23/04/2024 21:10 (GMT+7)

Xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch: Cần phải có giải pháp dài hạn

MTĐT -  Thứ năm, 06/02/2020 10:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Song song với việc thực hiện đường cống ngầm, dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá thì UBND TP. Hà Nội cũng cần phải tính toán lượng nước sau xử lý sẽ phải bổ cập lại cho sông Tô Lịch như thế nào.

Trong cuộc kiểm tra tiến độ dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (nhà máy nước thải Yên Xá), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, UBND TP. Hà Nội đang đẩy mạnh triển khai hạng mục 21km cống ngầm gom nước thải dọc sông Tô Lịch đưa ra nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đẻ giải quyết bài toán ô nhiễm.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, PGS.TS Trần Hồng Côn cho rằng, đây là một tín hiệu đáng mừng cho "dòng sông chết" ở Thủ đô.

"Nếu nhà máy xử lý Yên Xá đi vào hoạt động, kết hợp cùng với nhà máy ở Yên Sở sẽ giải quyết được từ 80 - 90% lượng nước thải ra sông Tô Lịch mỗi ngày. Việc có đường ống gom nước thải riêng của sông Tô Lịch khiến cho dòng sông không bị tác động thêm của nguồn ô nhiễm" - ông Côn nhận xét.

Được biết, hạng mục cống ngầm gom nước thải sông Tô Lịch nằm trong dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đã được đầu tư xây dựng từ nhiều năm nay với tổng kinh phí vào khoảng 16.200 tỷ đồng.

Sẽ có khoảng 12 km cống dự kiến chạy ngầm dưới đáy sông Tô Lịch làm nhiệm vụ dẫn nước thải về nhà máy Yên Xá để xử lý.

Được nhiều chuyên gia đánh giá cao, là bài toán then chốt để giải quyết vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch. Tuy nhiên, cho đến nay dự án này vẫn chậm tiến độ đề ra.

Ông Côn chia sẻ, trong khi dự án nhà máy Yên Xá chậm tiến độ nhiều năm liền thì các đơn vị của TP. Hà Nội lại tiếp tục đề ra nhiều dự án xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch, tiêu tốn ngân sách hàng trăm tỷ đồng nhưng đều không đem lại hiệu quả thiết thực.

"Chuyện đã có dự án trọng điểm nhưng lại không tập trung thực hiện, để xảy ra chậm tiến độ rồi phát triển thêm nhiều dự án con khác đã là "chuyện thường ở huyện" không chỉ xảy ra ở TP. Hà Nội mà còn ở nhiều địa phương khác. Vì sao xảy ra chuyện này thì chỉ có những lãnh đạo của địa phương đó mới trả lời được" - vị chuyên gia bày tỏ.

Trở lại với với phương án làm cống ngầm gom nước thải để xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch, PGS.TS Trần Hồng Côn lưu ý UBND TP. Hà Nội một vấn đề khác, khi mà đường ống gom nước thải ra sông Tô Lịch đi vào hoạt động thì lượng nước bổ cập cho sông Tô Lịch sẽ bị hạn chế đi. Từ đó, không tạo ra dòng chảy, làm giảm khả năng đào thải của con sông.

"Chính vì thế, song song với việc thực hiện đường cống ngầm, dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá thì UBND TP. Hà Nội cũng cần phải tính toán lượng nước sau xử lý sẽ phải bổ cập lại cho sông Tô Lịch như thế nào. Đây không phải chuyện đùa mà là sự tính toán hết sức phức tạp, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng để làm sao lượng nước bổ cập phải tương đương với lượng nước lấy đi.

Nếu không có nước bổ cập cho sông Tô Lịch thì việc xây dựng cống ngầm gom nước thải, nhà máy xử lý nước Yên Xá đi vào hoạt động cũng không thể giải quyết được vấn đề ô nhiễm của dòng sông này" - PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường cho biết, bản thân ông cũng từng được nghe đến dự án thi công đường ống gom nước thải sông Tô Lịch đưa về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá xử lý.

Tuy nhiên, với vùng đô thị và vùng ven đô vẫn có các điểm xả thải phân tán, không đấu nối tập trung được thì phải lắp đặt hệ thống xử lý tại chỗ, hoặc xây các trạm xử lý nước thải quy mô vừa và nhỏ. Nước sạch sau xử lý đảm bảo quy chuẩn môi trường thì bổ cập vào sông, hồ nội thành.

"Thực tế, tốc độ xây dựng hạ tầng không bao giờ theo kịp tốc độ đô thị hóa. Các nước phát triển cũng vậy thôi. Nhưng họ có tiềm lực và có một chiến lược rõ ràng để giải quyết.

Còn Hà Nội thì chưa làm được nên các khu đô thị mới xây cứ mưa là ngập lụt, nước thải, nước mưa không biết thoát đi đâu. Cách tiếp cận phải là tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng trước khi xây dựng công trình và nhà ở" - vị chuyên gia nêu quan điểm

Cũng trao đổi với Tin tức Việt nam,TS Đào Trọng Tứ – Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam – VRN) cũng cho rằng, gần 3 thập kỷ qua vấn đề khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch được nói đến nhiều nhưng thực hiện và hiệu quả thì như mọi người thấy, sông Tô Lịch vẫn bẩn.

Trong chuyện quy hoạch một đô thị đẹp, hiện nay các vị chỉ chăm chăm câu chuyện ở đâu có thừa đất thì làm dự án, đất chỗ nào đẹp, chỗ nào trống là kêu gọi đầu tư vào xây hạ tầng, nhà cửa. Đây vấn đề rất bức xúc dư luận trong khi vấn đề như cảnh quan, phố xá, vấn đề thoát nước, chống ngập lại chưa được quan tâm”, TS Đào Trọng Tứ cho biết.

Theo TS. Đào Trọng Tứ, Hà Nội có đặc điểm rất nhiều hồ, bên cạnh đó có 4 con sông là sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ và sông Sét đây là điều rất đẹp, cộng với sông Nhuệ, sông Đáy và sông Hồng, đó là điều rất hiếm có với một thủ đô trên thế giới. Nếu quy hoạch tốt sẽ tạo cảnh quan đẹp cho Hà Nội. Tuy nhiên khi mà xây dựng sông Tô Lịch hay các sông khác Hà Nội lại biến những con sông thành những kênh hình thang. Đã nói sông phải có lưu vực để chảy vào, lưu vực hiện nay toàn bộ thành nhà cửa, đường xá.

Dự án nhà máy nước thải Yên Xá bao gồm cơ sở xử lý nước thải công suất 270.000 m3/ngày đêm và hệ thống cống thu gom, cống bao, cống đấu nối dọc bờ sông Tô Lịch, sông Lừ và một phần khu vực quận Hà Đông. Tổng chiều dài các loại cống hơn 52 km. Theo kế hoạch, 65% hệ thống cống sẽ được đi ngầm giữa sông, 35% cống đào mở.

Trong đó, riêng hệ thống cống thu gom nước thải của sông Tô Lịch dài trên 21 km, gần 13 km đi ngầm, hơn 8 km đào mở. Nhà thầu Nhật Bản đã trúng thầu thi công gói thầu này. Thời gian khởi công dự kiến cuối quý I/2020 và hoàn thành trong 48 tháng.

P.G (TH)

Bạn đang đọc bài viết Xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch: Cần phải có giải pháp dài hạn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới